(HBĐT) - Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có những chỉ đạo quyết liệt hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án, nhất là các dự án đầu tư ngoài NSNN. Cấp ủy, chính quyền tỉnh thường xuyên làm việc, đối thoại với các doanh nghiệp, nhà đầu tư (DN,NĐT) để nắm bắt thực trạng.



Dự án Khu du lịch sinh thái Ngòi Hoa tại xã Suối Hoa (Tân Lạc) còn vướng mắc giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến triển khai dự án.

Tại các buổi làm việc, những đề xuất, kiến nghị tập trung chủ yếu vào lĩnh vực đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB). Tuy Sở TN&MT đã phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố trực tiếp giải đáp, trao đổi với DN và đưa ra giải pháp tháo gỡ. Song còn nhiều công trình, dự án đầu tư, trong đó cả những dự án trọng điểm vẫn chậm tiến độ, thậm chí chưa thể khởi công do vướng mặt bằng.

Hồ Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng khu du lịch quốc gia. Với cảnh quan thiên nhiên kỳ vỹ, được ví như Vịnh Hạ Long trên núi, nơi đây trở thành điểm đến yêu thích của du khách. Cũng vì vậy, hồ Hòa Bình được là điểm dừng chân của nhiều NĐT lớn trong, ngoài tỉnh. Thống kê chưa đầy đủ, đến nay, khu vực vùng lõi hồ Hòa Bình đã có trên 50 dự án và đề xuất thực hiện dự án; trong đó, hàng chục dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư với kỳ vọng phát triển trở thành khu du lịch xứng tầm, góp phần đắc lực thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh nói chung và vùng hồ nói riêng - nơi bà con từng hy sinh nhà cửa, ruộng vườn phục vụ xây dựng Thủy điện Hòa Bình. Song việc triển khai các dự án gặp nhiều vướng mắc, mà GPMB là "điểm nghẽn” đầu tiên.

Chúng tôi có mặt tại xã Suối Hoa (Tân Lạc) vào ngày mưa tầm tã, nhưng không khó để bắt gặp những xe ô tô cùng một vài người đứng bàn bạc, chỉ trỏ, mà theo người dân họ đang đi mua đất. "Từ khi có thông tin ở đây có nhiều dự án về du lịch thì xuất hiện nhiều người đến tìm mua đất, đông nhất vào cuối tuần. Không rõ họ mua làm gì hay để mua đi bán lại" - ông Bùi Văn Nga, xóm Ngòi cho biết. Mua bán là quyền của người có đất, nhưng đáng nói là việc chuyển nhượng đất được người mua hoặc qua môi giới trả giá cao hơn khá nhiều so với giá thỏa thuận của các dự án, dẫn đến khó khăn trong GPMB của các DN đã được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư.

Khu du lịch sinh thái Ngòi Hoa của Công ty CP Đầu tư năng lượng xây dựng thương mại Hoàng Sơn được xác định là dự án trọng điểm vốn ngoài NSNN của tỉnh năm 2022. Dự án phải GPMB 146,6 ha tại xóm Liếm, Nẻ. Sau nhiều nỗ lực vào cuộc của các cấp, ngành, hiện đã GPMB và chi trả tiền 137,7 ha, đạt gần 92%. Tuy nhiên, còn 11,9 ha của 35 hộ chưa thỏa thuận được dù đã nhiều lần cấp ủy, chính quyền địa phương và Tổ GPMB xã tuyên truyền, vận động, giải thích nhưng chưa được người dân đồng thuận.

Cũng tại xóm Liếm, Nẻ, dự án Khu nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái hồ Hòa Bình của Công ty CP đầu tư Lạc Hồng có tổng diện tích trên 100 ha, đã đền bù GPMB được khoảng 80%, còn hơn 23 ha đất lâm nghiệp của 36 hộ chưa thỏa thuận được. Anh Vũ Văn Lộc, Chỉ huy trưởng dự án chia sẻ: "Trên diện tích của dự án hiện có một số khu đất xen kẹt ở xóm Liếm đang được địa phương và DN vận động bà con nhận đền bù theo đơn giá của tỉnh. Nhưng do có nhiều đơn vị triển khai dự án trong khu vực hồ nên có những hộ chưa đồng ý với đơn giá và đang nghe ngóng. Đặc biệt, có hiện tượng một số NĐT nhỏ lẻ từ nơi khác đến mua đất, ảnh hưởng không nhỏ tới DN trong công tác GPMB khi giá đất tăng vô lý, không theo định mức do họ mua đi bán lại trao tay để thổi giá đất. Điều đó làm hoang mang bà con đang muốn chuyển nhượng đất cho dự án. Việc "lướt sóng đất" của các NĐT nhỏ lẻ vô hình chung làm cản trở quá trình GPMB của tất cả các NĐT tập trung, trong đó có Công ty Lạc Hồng. Từ đó, kéo theo dự án chậm triển khai. Kế hoạch ban đầu, chúng tôi khởi công dự án vào đầu năm nay, nhưng do vướng mặt bằng và một số thủ tục hồ sơ cần hoàn thiện nên dự kiến đến tháng 9/2022 mới khởi công được".

Thời gian qua, công tác GPMB tại xã Suối Hoa được xem là điểm nóng. Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Văn Bượng thừa nhận: "Một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong GPMB là ảnh hưởng từ đầu cơ bên ngoài. Họ đến mua đất nhỏ lẻ với giá quá cao nên các hộ cứ theo đó đòi giá đền bù cao, gây khó khăn cho các dự án đầu tư".

Tìm hiểu thực tế được biết, không chỉ các dự án đầu tư ngoài ngân sách, mà cả những dự án đầu tư NSNN cũng gặp nhiều trở ngại. Đơn cử các dự án được đưa vào danh sách công trình trọng điểm cũng đều vướng GPMB dẫn đến chậm tiến độ như: Dự án Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 435, đoạn TP Hòa Bình - Bình Thanh (Cao Phong); hồ chứa nước Cánh Tạng (Lạc Sơn) đập đã được đắp cao nhưng bên dưới vẫn còn nhà dân, khiến không thể chặn dòng, tích nước, chậm 1 năm so với kế hoạch; hạ tầng các KCN Mông Hóa, Quang Tiến (TP Hòa Bình) cũng chưa thể hoàn thành, một trong những nguyên nhân là từ công tác GPMB...

Theo đánh giá của Sở TN&MT, công tác BTGPMB còn nhiều bất cập là "điểm nghẽn” lớn nhất, ảnh hưởng đến thực hiện các dự án. Thời gian qua, cơ chế, chính sách về đất đai thay đổi liên tục, có những quy định bất cập giữa các pháp luật liên quan. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BTGPMB còn hạn chế, khiến một bộ phận Nhân dân có đất, tài sản thiệt hại do thu hồi chưa nắm rõ chủ trương, chính sách, cũng như lợi ích lâu dài của việc thu hồi đất để xây dựng các công trình, dự án. Tỉnh chưa có quy chế chung về việc phối hợp giữa các sở, ban, ngành, giữa chính quyền địa phương và NĐT trong công tác GPMB nên kết quả triển khai chưa đạt hiệu quả và tiến độ như mong muốn.

Ngoài ra, Sở TN&MT nhận định, do lịch sử nên một số trường hợp đất bị thu hồi không có nguồn gốc rõ ràng, khó xác định ranh giới thu hồi... Một số tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất (SDĐ) chưa nhận thức đầy đủ quyền, nghĩa vụ của người SDĐ; cố tình không thực hiện đúng quy định của pháp luật đất đai, không di chuyển tài sản khi Nhà nước thu hồi đất, BTGPMB; SDĐ không đúng mục đích, tự ý lấn chiếm, tranh chấp đất đai… làm ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện GPMB. Cũng có những trường hợp hiện trạng SDĐ của các hộ có nhiều thay đổi so với trích đo đã được thực hiện; nhiều hộ không phải người địa phương nên khó xác định địa chỉ; một số hộ chưa được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, cấp lại sổ, cấp mới, thừa kế theo quy định dẫn đến chậm tiến độ GPMB.

Nguyên nhân nữa do vấn đề tạo việc làm cho người lao động có đất nông nghiệp thu hồi chưa được quan tâm triệt để; việc bố trí tái định cư tại một số dự án chưa kịp thời. Có những dự án thuộc nguồn vốn NSNN chưa bố trí được vốn để chi trả cho người có đất thu hồi. Cũng có dự án do tạm dừng vốn đầu tư nên không có khả năng chi trả cho đối tượng bị thu hồi đất, ảnh hưởng đến tiến độ GPMB. Bên cạnh đó, đối với với nhóm các dự án SDĐ thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê QSDĐ, nhận góp vốn bằng QSDĐ còn gặp vướng mắc. Cụ thể, Luật Đất đai năm 2013 quy định rõ, Nhà nước chỉ thu hồi đất cho những công trình, dự án phát triển KT-XH, QP-AN, vì lợi ích quốc gia, cộng đồng. Còn các dự án thương mại khác, chính quyền chỉ cấp chủ trương đầu tư, việc thỏa thuận chuyển nhượng đất đai DN phải tự làm. Quy định này nhằm đảm bảo quyền lợi cho những hộ có đất trong dự án, DN muốn có đất nhanh phải đàm phán với người dân để mua lại QSDĐ với giá phù hợp. Tuy nhiên, mặt hạn chế là đôi khi chỉ vì vướng thửa đất nhỏ (nằm ở vị trí trung tâm, đường vào... của dự án) không thỏa thuận được, ảnh hưởng chung đến toàn dự án...

Những vấn đề trên khiến nhiều công trình, dự án chật vật trong GPMB, ảnh hưởng đến công tác thu hút đầu tư nói riêng và sự phát triển của tỉnh nói chung.

(Còn nữa)


Hoàng Nga


Các tin khác


Xã Thạch Yên: Xây dựng “cán bộ số” để xây dựng “chính quyền số”

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với tinh thần "vì nhân dân phục vụ”, xã Thạch Yên (Cao Phong) từng bước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động quản lý, điều hành, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp

Những năm gần đây, chuyển đổi số (CĐS) đã mang lại những thay đổi to lớn về thị phần, thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ, cũng như tạo ra xu hướng mới trong sản xuất, kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp (DN). CĐS đã mở ra cơ hội cho các DN tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh, giúp kết nối gần hơn với khách hàng và cấu trúc lại DN. Song, để CĐS trong DN đạt hiệu quả, thành công, đòi hỏi cần có tư duy mới cùng những năng lực mới trong tổ chức, vận hành theo hướng kết hợp người và máy móc dựa trên nền tảng các công nghệ số và dữ liệu số. Tỉnh ta đang triển khai các giải pháp thúc đẩy CĐS trong DN.

Xây dựng chính quyền số phục vụ Nhân dân

(HBĐT) - Triển khai thực hiện các nhiệm vụ xây dựng chính quyền số, chuyển đổi số, đến nay, huyện Cao Phong đã đạt được một số kết quả bước đầu. Qua đó góp phần đổi mới căn bản, toàn diện trong hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính phục vụ Nhân dân.

Trên 400 học viên được bồi dưỡng kiến thức về kinh tế số, xã hội số

(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức 6 lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cơ bản về chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số cho trên 400 học viên đến từ các hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức KT-XH và người dân tại khu vực nông thôn.

Trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, chuyển đổi số cho cán bộ Đoàn, Hội

(HBĐT) - Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Tỉnh Đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh vừa tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, chuyển đổi số năm 2023 cho 150 cán bộ Đoàn, Hội phụ trách công tác khởi nghiệp, chuyển đổi số các cấp trong tỉnh.

Chuyển đổi số lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm

(HBĐT) - Chuyển đổi số (CĐS) hiện nay là xu thế tất yếu trên toàn cầu và là giải pháp quan trọng, cấp thiết, làm cơ sở xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH của mỗi địa phương, quốc gia. Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh "CĐS phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, là động lực của CĐS”. Tại Quyết định số 505/QĐ-TTg, ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 10/10 hàng năm là Ngày CĐS quốc gia.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục