(HBĐT) - Những năm qua, cùng với sự phát triển KT-XH, vấn đề giải phóng mặt bằng (GPMB) khi Nhà nước thu hồi đất để triển khai các dự án ngày càng nhiều với quy mô lớn. Công tác này đã được các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của tổ chức, cá nhân khi bị thu hồi đất. Do đó, công tác GPMB luôn là "điểm nghẽn” lớn nhất, ảnh hưởng đến thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. 


Dự án khu đô thị Thống Nhất (TP Hòa Bình) cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng, hiện đang được nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công.

Sự phát triển của tỉnh nói chung và mỗi địa phương nói riêng được đong đếm bằng kết quả thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài ngân sách Nhà nước (NSNN). Điều này đồng nghĩa với việc có dự án là có thu hồi đất để tạo mặt bằng và sẽ động chạm tới quyền lợi của người có đất. Vậy nên các cấp, ngành trong tỉnh luôn xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm phải được tập trung thực hiện nhằm tạo đột phá phát triển KT-XH.

Thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 -2025 đề ra: "...Phấn đấu đến năm 2025, kinh tế tỉnh Hòa Bình đạt mức trung bình của cả nước; đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực trung du, miền núi Bắc Bộ và đến năm 2050 trở thành tỉnh phát triển của cả nước", Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chủ trương tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là các dự án trong và ngoài ngân sách có quy mô lớn để thúc đẩy sự phát triển bền vững của tỉnh. Muốn vậy, cần tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư về tiếp cận đất đai, các thủ tục hành chính và thủ tục khác liên quan đến thu hút đầu tư.

Cách đây 10, 15 năm, không quá lời khi nói cơ sở hạ tầng của tỉnh yếu kém, bức tranh kinh tế ảm đạm, đơn điệu với nông nghiệp truyền thống là chủ yếu. Nhiều người nói rằng biết tới Hòa Bình chỉ vì có Nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á. Cách Thủ đô Hà Nội khoảng 70 km nhưng lại thật xa. Giờ đây, Hòa Bình đã có sự chuyển mình, mở ra nhiều cơ hội để "cất cánh" khi tỉnh đã và đang triển khai những công trình, dự án trọng điểm, tạo sức bật phát triển. Đặc biệt, với chủ trương "giao thông đi trước mở đường", tỉnh ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối, qua đó mở cửa đón làn sóng đầu tư với các dự án về công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp chất lượng cao...

Theo Sở TN&MT, về dự án đầu tư trong NSNN, tính từ khi triển khai Luật Đất đai năm 2013 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành công tác bồi thường, GPMB đối với 718 công trình, dự án; thực hiện thu hồi khoảng 13.373 ha đất các loại của tổ chức và 37.829 lượt hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất; bố trí tái định cư cho 595 hộ có đất ở bị thu hồi với diện tích 37,367 ha. Tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ đã chi trả 14.120,6 tỷ đồng, trong đó đã hoàn thành nhiều dự án trọng điểm như: Đường kết nối đường Hồ Chí Minh đi quốc lộ 1 qua các huyện Lạc Sơn, Yên Thủy; dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình, cầu Hòa Bình 3, hồ chứa nước Cánh Tạng huyện Lạc Sơn - giai đoạn 1... Hiện nay, các cấp, ngành tập trung chỉ đạo dứt điểm công tác bồi thường, GPMB các dự án trọng điểm như: Dự án hồ Cánh Tạng - giai đoạn 2; dự án cầu Hòa Bình 2; dự án mở rộng nhà máy thủy điện Hòa Bình; đường tỉnh 435 từ TP Hòa Bình đi các xã Bình Thanh, Thung Nai (Cao Phong)...

Từ các công trình, dự án đầu tư công đã dẫn dắt đầu tư tư. Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 655 dự án đầu tư còn hiệu lực hoạt động; trong đó, 163 dự án đang trong giai đoạn thực hiện đền bù, GPMB, chiếm khoảng 32,04% tổng số dự án; 44 dự án đang trong giai đoạn thực hiện đầu tư xây dựng. Từ những con số đó cho thấy áp lực về GPMB rất lớn, khó hoàn thành nếu không có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng thuận, ủng hộ của người dân.

Từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) có 4 công trình, dự án phải thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (BT,HT&TĐC) với tổng diện tích thu hồi GPMB trên 60 ha của 240 hộ dân. Trong đó, riêng công trình khu đô thị Thống Nhất diện tích khoảng 27 ha với 146 hộ dân; bãi đổ thải Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng diện tích khoảng 31 ha với 26 hộ dân. Đồng chí Nguyễn Thị Sang, Bí thư Đảng ủy phường chia sẻ: Từ khi xã Thống Nhất lên phường, trên địa bàn có một số dự án phải GPMB. Cấp ủy, chính quyền phường xác định đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu vì liên quan đến quyền lợi của Nhân dân. Hàng năm, hàng quý đưa vào nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy. Đảng ủy phường đã thành lập Ban chỉ đạo về GPMB do đồng chí Bí thư Đảng ủy làm trưởng ban, đồng thời ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác này để huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị. Với phương châm nơi dễ làm trước và làm dần, làm chắc; khó khăn, vướng mắc ở đâu sẽ tập trung tuyên truyền, vận động, giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của người dân. Từ cách làm này, trong quá trình triển khai các dự án cơ bản người dân đồng thuận với chủ trương bồi thường, GPMB của tỉnh. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn chưa phải tiến hành cưỡng chế trường hợp nào. Tuy nhiên, từ thực tế triển khai cho thấy, đây thực sự là việc không đơn giản, nếu không có sự lãnh đạo sát sao của Đảng cũng như phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể và chi bộ, tổ dân phố thì rất khó hoàn thành.

Công tác thu hồi, BT,HT&TĐC khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện các dự án đầu tư vốn NSNN trên địa bàn tỉnh là chủ trương lớn nhằm đảm bảo quyền của người dân. Nhận thức được tầm quan trọng, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 61-CT/TU, ngày 21/7/ 2020 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong thực hiện công tác BT,HT&TĐC trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh ban hành Quy chế dân chủ trong công tác thu hồi, BT,HT&TĐC khi Nhà nước thu hồi đất tại Quyết định số 06/2018/ QĐ-UBND, ngày 23/1/2018; Quyết định số 05/2018/QĐ-UBND, ngày 23/1/2018 Quy định về BT,HT& TĐC khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền, phổ biến và chỉ đạo tổ chức thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đối với các dự án đầu tư ngoài NSNN, ngày 30/6/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1322/UBND-NNTN về Quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương để hỗ trợ nhà đầu tư một số thủ tục hành chính đối với các dự án đầu tư theo hình thức thỏa thuận, nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Trong đó, giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố rà soát, phối hợp hỗ trợ các nhà đầu tư đối với các trường hợp nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư đảm bảo đủ điều kiện theo quy định tại Điều 193, Luật Đất đai năm 2013. Quá trình thực hiện công tác GPMB để thực hiện dự án đầu tư có phát sinh các khó khăn, vướng mắc, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp hướng dẫn nhà đầu tư kịp thời tháo gỡ để đẩy nhanh thực hiện dự án theo đúng tiến độ.

(Còn nữa)


Hoàng Nga


Các tin khác


Xã Thạch Yên: Xây dựng “cán bộ số” để xây dựng “chính quyền số”

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với tinh thần "vì nhân dân phục vụ”, xã Thạch Yên (Cao Phong) từng bước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động quản lý, điều hành, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp

Những năm gần đây, chuyển đổi số (CĐS) đã mang lại những thay đổi to lớn về thị phần, thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ, cũng như tạo ra xu hướng mới trong sản xuất, kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp (DN). CĐS đã mở ra cơ hội cho các DN tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh, giúp kết nối gần hơn với khách hàng và cấu trúc lại DN. Song, để CĐS trong DN đạt hiệu quả, thành công, đòi hỏi cần có tư duy mới cùng những năng lực mới trong tổ chức, vận hành theo hướng kết hợp người và máy móc dựa trên nền tảng các công nghệ số và dữ liệu số. Tỉnh ta đang triển khai các giải pháp thúc đẩy CĐS trong DN.

Xây dựng chính quyền số phục vụ Nhân dân

(HBĐT) - Triển khai thực hiện các nhiệm vụ xây dựng chính quyền số, chuyển đổi số, đến nay, huyện Cao Phong đã đạt được một số kết quả bước đầu. Qua đó góp phần đổi mới căn bản, toàn diện trong hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính phục vụ Nhân dân.

Trên 400 học viên được bồi dưỡng kiến thức về kinh tế số, xã hội số

(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức 6 lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cơ bản về chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số cho trên 400 học viên đến từ các hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức KT-XH và người dân tại khu vực nông thôn.

Trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, chuyển đổi số cho cán bộ Đoàn, Hội

(HBĐT) - Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Tỉnh Đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh vừa tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, chuyển đổi số năm 2023 cho 150 cán bộ Đoàn, Hội phụ trách công tác khởi nghiệp, chuyển đổi số các cấp trong tỉnh.

Chuyển đổi số lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm

(HBĐT) - Chuyển đổi số (CĐS) hiện nay là xu thế tất yếu trên toàn cầu và là giải pháp quan trọng, cấp thiết, làm cơ sở xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH của mỗi địa phương, quốc gia. Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh "CĐS phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, là động lực của CĐS”. Tại Quyết định số 505/QĐ-TTg, ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 10/10 hàng năm là Ngày CĐS quốc gia.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục