(HBĐT) - Ngày 16/11/2017, Sở Nội vụ có Tờ trình số 2797 gửi UBND tỉnh về việc thành lập, sáp nhập, đặt tên, đổi tên các thôn, xóm, tổ dân phố các xã, phường, thị trấn thuộc các huyện, thành phố. Theo đó, việc triển khai thí điểm Đề án 1084 tại 11 huyện, thành phố đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng mạnh mẽ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân. 

Đa số cử tri đại diện hộ gia đình đều nhất trí với phương án sáp nhập, kiện toàn, đổi tên. Việc thực hiện Kế hoạch số 85 về triển khai thực hiện điểm đã diễn ra đúng tiến độ, đảm bảo yêu cầu, chất lượng, đặc biệt là tuân thủ nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân. Tuy nhiên, trong số 22 xã được lựa chọn làm điểm, có 20 xã đã hoàn thành đảm bảo đúng kế hoạch. Xã Giáp Đắt (huyện Đà Bắc) chưa thực hiện được do nguyên nhân khách quan là phải khắc phục hậu quả mưa lũ. Riêng xã Vạn Mai (huyện Mai Châu) chưa thực hiện được do cử tri chưa tán thành phương án sáp nhập. Vì sao người dân xóm Dồn và xóm Nam Điền còn nhiều băn khoăn trước ngày sáp nhập? Chúng tôi đã đi thực tế và lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của bà con.

Đồng chí Đỗ Viết Hải, Bí thư chi bộ xóm Nam Điền cho biết: Năm 1982, người dân xã Nam Điền, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định lên khai hoang, sinh sống tại xã Vạn Mai. Tên xóm Nam Điền được đặt theo nguyện vọng của nhân dân thể hiện tấm lòng, tình cảm đối với quê hương. Nay sáp nhập, cái tên xóm Nam Điền không còn, bà con có nhiều băn khoăn, tiếc nuối.


Đồng chí Bí thư chi bộ xóm Nam Điền, xã Vạn Mai (Mai Châu) trao đổi về tâm tư, nguyện vọng của người dân xóm Nam Điền về việc sáp nhập xóm.

Đó chỉ là một trong nhiều băn khoăn, suy tư đang diễn ra trong quá trình huyện Mai Châu tiến hành thí điểm việc kiện toàn, sáp nhập xóm, tổ dân phố tại xã Vạn Mai.

Xã Vạn Mai có 7 xóm, 789 hộ với 3.164 nhân khẩu. Tuy nhiên, số hộ giữa các xóm chênh lệch. Xóm có ít hộ dân nhất là xóm Nam Điền chỉ có 33 hộ, xóm Dồn có 53 hộ… nhưng xóm Khán lại có đến 161 hộ, xóm Thanh Mai có 166 hộ. Số hộ giữa các xóm chênh lệch đã dẫn đến nhiều điều bất hợp lý trong công tác tổ chức hoạt động.

Đồng chí Hà Văn Tuất, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện về việc sáp nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố, xã đã thành lập Ban chỉ đạo, triển khai đến toàn thể cán bộ, công chức trong UBND xã và tổ chức triển khai đến các bí thư chi bộ, trưởng của 7 xóm trên địa bàn xã Vạn Mai và thống nhất lấy 2 xóm Nam Điền và xóm Dồn sáp nhập, vì 2 xóm này đảm bảo thỏa mãn với các điều kiện theo Đề án 1084. Qua thảo luận tại hội nghị, hầu hết các đại biểu đều nhất trí cao với Đề án 1084 của tỉnh về việc sáp nhập 2 xóm Dồn và Nam Điền. Ban Chỉ đạo xã đã phối hợp với các xóm tổ chức họp lấy ý kiến cán bộ, đảng viên, các ban, ngành, đoàn thể, đại diện tổ liên gia trong 2 xóm. Về cơ bản, 2 xóm đồng thuận, nhất trí với chủ trương của cấp trên. Tuy nhiên, khi tổ chức lấy ý kiến tại các xóm thì nhân dân đã đưa ra nhiều ý kiến băn khoăn, trăn trở.

Đồng chí Bí thư chi bộ xóm Nam Điền thẳng thắn: Sau sáp nhập, việc sinh hoạt cộng đồng sẽ trở nên khó khăn, do sau khi sáp nhập xóm sẽ có chiều dài từ đầu xóm đến cuối xóm là gần 3km. Các hộ dân sinh sống phân tán, không tập trung nên việc sinh hoạt, hội họp, quản lý dân cư trở nên khó khăn, không thuận lợi. Việc bố trí, sắp xếp lại tổ chức Đảng, đoàn thể và ban quản lý của 2 xóm sau khi sáp nhập phải đảm bảo được quyền lợi và sự cân bằng giữa 2 xóm.

Nhân dân xóm Dồn băn khoăn về việc quản lý xóm sẽ trở nên khó khăn và phức tạp hơn, vì tư tưởng và cách sinh hoạt của nhân dân 2 xóm ít có sự tương đồng, các hộ dân sinh sống phân tán, trải dài từ đầu đến cuối xóm.

Ngoài ra, hiện nay xóm Dồn đã xây dựng được nhà văn hóa, trong khi xóm Nam Điền chưa xây dựng được nhà văn hóa. Do đó người dân cũng có nhiều băn khoăn nếu sáp nhập xóm, việc xây dựng nhà văn hóa xóm mới cần phải được tính toán để đảm bảo sự công bằng, hợp lý.

Đồng chí Lê Thị Tuyết, Bí thư chi bộ xóm Dồn băn khoăn: Trình độ dân trí ở đây không đồng đều, việc lựa chọn và bầu được cán bộ rất khó khăn. Khi sáp nhập hình thành xóm mới, dân cư đông, đòi hỏi cán bộ phải có trình độ, nhiệt tình, tâm huyết với công việc. Với yêu cầu cao như vậy thì việc lựa chọn được bộ máy cán bộ xóm mới sẽ không hề đơn giản.

Với nhiều băn khoăn, trăn trở từ đội ngũ cán bộ cho đến nhân dân nên sau 3 vòng bỏ phiếu kín vẫn chưa đạt 50% cử tri trong khu vực tán thành việc sáp nhập xóm Dồn và xóm Nam Điền.

Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sáp nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố ở Vạn Mai đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của chính quyền các cấp; sự nhanh chóng, kịp thời của các ban, ngành liên quan trong việc tháo gỡ, giải quyết những vấn đề phát sinh. Có như vậy thì sau thời gian thực hiện điểm, bắt đầu từ quý I/2018 mới có thể mở rộng phạm vi triển khai việc sáp nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố ra quy mô toàn tỉnh.

Dương Liễu

Các tin khác


Mô hình “Bình đẳng trong hôn nhân” hỗ trợ thiết thực cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Đồng chí Bùi Thị Dịnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Định Cư (Lạc Sơn) cho biết: Định Cư là xã đặc biệt khó khăn của huyện, dân tộc Mường chiếm 90%. Khi được lựa chọn tham gia dự án "Nâng cao quyền năng cho phụ nữ thông qua tiếp cận luật Luật An ninh mạng và Luật Hôn nhân và gia đình”, nhất là thành lập mô hình "Bình đẳng trong hôn nhân” tại xóm Mương Chóng với 30 thành viên tham gia, cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến về giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã giúp nâng cao nhận thức, trình độ cho cán bộ, hội viên phụ nữ (CB, HVPN).

Hiệu quả mô hình câu lạc bộ - “Phụ nữ hội nhập trên môi trường mạng”

Mô hình câu lạc bộ (CLB) "Phụ nữ hội nhập trên môi trường mạng” là 1 trong 2 mô hình cơ bản của dự án "Nâng cao quyền năng cho phụ nữ thông qua tiếp cận Luật An ninh mạng, Luật Hôn nhân và gia đình” do Quỹ JIFF - EU JULE tài trợ. Đây là mô hình tổ chức hoạt động xã hội tình nguyện tại cộng đồng, mục đích nâng cao nhận thức của hội viên phụ nữ và cộng đồng thông qua tiếp cận Luật An ninh mạng. Đồng thời tuyên truyền nâng cao ý thức của cộng đồng và vai trò của mỗi người dân trong công tác phòng, chống lừa đảo, tội phạm trên không gian mạng, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Huyện Cao Phong ứng phó với thiên tai bất thường

Thực hiện phương châm chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục nhanh, có hiệu quả với các tình huống bất thường có thể xảy ra trong mùa mưa bão năm nay, các cấp ủy, chính quyền huyện Cao Phong đã chú trọng chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khảo sát việc thi hành Luật Công đoàn tại huyện Lương Sơn

Sáng 7/5, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do đồng chí Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn đã khảo sát việc tổ chức, thi hành Luật Công đoàn tại Khu công nghiệp Lương Sơn (Lương Sơn).

Thẩm định mô hình, điển hình tiên tiến tại huyện Đà Bắc và các sở, ngành

Ngày 7/5, đoàn công tác do lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) làm trưởng đoàn đã tổ chức thẩm định các mô hình, điển hình tiên tiến năm 2024 trên địa bàn huyện Đà Bắc, Hội LHPN tỉnh, Hội Đông y tỉnh và Sở Y tế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục