(HBĐT) - Sau "dăm lần, bảy lượt” gọi điện liên hệ với anh bạn ở xã Pà Cò ( Mai Châu) hỏi về giống chó cộc đuôi đặc hữu của đồng bào người Mông. Lần nào cũng vậy, chỉ nhận được cái lắc đầu. Có lẽ phải đến tận nơi, ngược về vùng đất sinh sống của đồng bào người Mông ở Hang Kia, Pà Cò để tìm, tận mắt "mục sở thị” giống chó cổ huyền thoại từ lâu đã được xem là một trong "tứ đại danh khuyển” của Việt Nam được nhiều nhà khoa học trên thế giới biết đến...

Đi tìm giống chó cổ huyền thoại

Có lẽ chưa chuyến nào về Hang Kia, Pà Cò chúng tôi lại vất vả như chuyến đi này. Trời cuối đông. Nơi vùng núi cao nhiệt độ hạ thấp. Trời mưa phùn, rét đậm. Càng gần đến vùng đất Hang Kia, Pà Cò sương mù càng đậm đặc. Cái ý nguyện về cuộc đi tìm kiếm một trong những "báu vật” của đồng bào người Mông trên vùng đất Hang Kia, Pà Cò cũng có đôi lúc bị chùng lại do thời tiết càng ngày càng bất lợi, sương mù càng lúc càng dày đặc. Cứ mải miết đi trong sương mù, thế rồi cuối cùng chúng tôi cũng đến được đích. May mắn tại đây, chúng tôi gặp Mùa A Si, cán bộ Ban CHQS huyện Mai Châu nhà ở bản Xà Lĩnh. Đang trong thời gian nghỉ phép nên Si cũng có nhiều thời gian để đưa chúng tôi đi tìm, "mục sở thị” giống chó huyền thoại hiện đang được một số gia đình người Mông ở Pà Cò nuôi dưỡng.


Với đồng bào Mông ở Pà Cò (Mai Châu), những con chó cộc đuôi luôn là loài vật được yêu quý nhất.

Si chia sẻ: Bây giờ giống chó cộc đuôi hiếm lắm. Cũng chẳng mấy nhà còn nuôi. ở Hang Kia theo như mình biết thì không còn nhà nào nuôi giống chó này nữa. ở Pà Cò chỉ còn vài nhà nuôi. Trong đó, nhà mình có 1 con. Gia đình Sùng A Lư cùng xóm có 2 con. Mới đây nhất, có gia đình Sùng A Màng ở xóm Pà Cò Con mua được một con chó cộc đuôi. Ngoài ra, mình cũng chưa thấy nhà ai nuôi loại chó này.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, giống chó cộc đuôi là loài chó đặc hữu của đồng bào dân tộc Mông. Đây cũng là một trong những loài chó săn lâu đời và cổ xưa nhất được biết đến hiện nay. Với những đặc tính độc đáo và sự thông minh tuyệt vời cùng với thể lực tốt và bền bỉ. Nó không chỉ được biết đến như một loại chó săn cổ xưa thông minh, dũng mãnh, trung thành tuyệt đối với một chủ duy nhất, nó còn được biết đến như một trong "tứ đại danh khuyển” rất quý và hiếm của Việt Nam cùng với giống chó lông xoáy Phú Quốc, chó Dingo Đông Dương và chó Bắc Hà. Trước đây, chó cộc đuôi được đồng bào dân tộc thiểu số nuôi để đi săn bắn. Tuy vậy, những con chó hiện đang được gia đình Mùa A Si, Mùa A Lư nuôi dưỡng còn giữ được đặc tính săn mồi tuyệt vời. Si cho biết: Nếu cần bắt một con gà hay con lợn thả ngoài vườn thì chỉ cần huýt sáo và chỉ vào những con vật cần bắt rồi xua con chó cộc tấn công. Khi đó, không có con vật nào có thể chạy thoát. Đặc biệt hơn là con chó chỉ đuổi và bắt đúng những con vật mình đã chỉ.

Vuốt ve con chó chắc nịch với chiếc đuôi cụt ngộ nghĩnh một cách trìu mến, Mùa A Lư giới thiệu: Giống chó Mông cộc đuôi ngoài những đặc tính bình thường như nhanh nhẹn, tinh khôn, khả năng làm việc cao... còn có những đặc tính rất đáng quý nữa mà khó có thể tìm thấy ở một loài chó nào khác. Đó là bản năng bảo vệ lãnh thổ. Sau đó là sự trung thành, có không ít loài chó rất trung thành nhưng trung thành đến nỗi chỉ nghe lời của một chủ duy nhất hay thà nhịn đói đến chết chứ không chịu ăn thức ăn từ người khác không phải là chủ thì chắc chỉ có ở loài chó cộc đuôi này. Ngoài ra, giống chó cộc đuôi còn có một trí nhớ rất tốt mà đặc biệt là nhớ đường. Có thể đặc tính này được rèn luyện từ xưa khi chúng cùng với người dân trong những cuộc đi săn giữa đại ngàn mênh mông.

 "Báu vật” trong nhà

Theo ông Sùng A Vờ ở xóm Pà Cò Con là người cao tuổi ở xã Pà Cò và cũng là người hiểu biết về giống chó cộc đuôi của đồng bào người Mông, được biết: Với những đặc tính nổi bật về sự tinh khôn, dũng mãnh và lòng trung thành, loài chó đuôi cộc luôn là loài vật được người Mông yêu quý nhất, coi là "báu vật” trong nhà. Đây chính là giống chó gắn bó rất mật thiết, trở thành một trợ thủ đắc lực trong những chuyến đi săn tìm kiếm thức ăn giữa mênh mông đại ngàn của người Mông từ xa xưa. Do vậy, những con chó cộc đuôi luôn được gia chủ tin yêu và cưng chiều.

Vuốt ve con chó cộc đuôi mới được hơn 2 tháng tuổi vừa mua về, Sùng A Màng chia sẻ: Giống chó này rất khôn và trung thành. Do vậy, để tìm mua được một con chó cộc đuôi thuần chủng bây giờ không phải là chuyện dễ. Bởi nhà ai có giống chó này, người ta không bao giờ đem bán. Để tìm mua được con chó cộc đuôi này, tôi phải lên tận Sơn La và thuyết phục mãi người ta mới đồng ý bán. Dù cho người chủ cũ của con chó này cũng là anh em trong họ.

Theo tài liệu nghiên cứu, giống chó cộc đuôi của người Mông vốn có nguồn gốc là chó bản địa lai với chó sói rừng đã được thuần hóa. Loài này, hữu dụng nhất là khi đi săn bởi những bản năng của loài sói được chắt lọc trong gen di truyền. Đặc điểm ngoại hình của con chó là có mặt sói, mắt màu đốm lửa, răng như lưỡi lê 6 - 8 cạnh và thường tuyền một màu, không pha trộn. Nó có sức mạnh, trí tuệ và lòng trung thành vô song. Chó có trí nhớ tốt nên tiếp thu các bài huấn luyện dễ dàng. Điểm nổi bật trong chuyển động của chó cộc đuôi là sự khéo léo, phối hợp tuyệt vời giữa các động tác, chúng có khả năng leo dốc rất nhanh và dễ dàng vượt qua tất cả các chướng ngại vật. Khi chạy nước đại, mọi chuyển động của con chó trở nên sung mãn và mạnh mẽ trên những địa hình phức tạp. Với những người mới chơi chó chưa có kinh nghiệm, họ sẽ thấy giống chó cộc đuôi của người Mông không có gì đặc biệt. Nhưng đối với những người đã có kinh nghiệm thì là giống chó quý, đáng để họ bỏ công bỏ sức đi săn lùng. Có lẽ vì lý do đó, nhiều con chó dù được trả giá bằng vàng nhưng người dân không bao giờ đồng ý bán.

\

                                                            Mạnh Hùng


 


Các tin khác


Ký kết chương trình phối hợp công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho đoàn viên, thanh niên 

Chiều 16/4, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Tỉnh Đoàn Hoà Bình tổ chức ký kết chương trình phối hợp công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho đoàn viên, thanh niên giai đoạn 2024 - 2027 nhằm đẩy mạnh và phát huy vai trò của các cơ quan liên quan trong quá trình phối hợp triển khai nhiệm vụ. 

Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” tại tỉnh Sơn La

Hội liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Hòa Bình vừa tổ chức chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” năm 2024 tại xã Mường Hung, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La.

Nâng cao quyền năng cho phụ nữ

Dự án "Nâng cao quyền năng cho phụ nữ thông qua tiếp cận Luật An ninh mạng, Luật Hôn nhân và gia đình” tại địa bàn 2 huyện Yên Thủy, Lạc Sơn đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần giải quyết các vấn đề mang tính cấp thiết và có biện pháp ứng phó giảm thiểu các rủi ro cho phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Dự án cũng nhằm nâng cao nhận thức về Luật An ninh mạng, Luật Hôn nhân và gia đình, từ đó nâng cao quyền năng cho phụ nữ, đặc biệt là quyền quyết định trong gia đình và quyền năng kinh tế thông qua việc sử dụng môi trường mạng an toàn, lành mạnh, hiệu quả.

Lương tối thiểu vùng tăng 6% từ 1/7/2024 tác động thế nào tới lương hưu?

Từ 1/7/2024, lương tối thiểu vùng sẽ tăng 6% so với hiện nay. Cùng với đó, các cơ quan liên quan đang xây dựng phương án điều chỉnh lương hưu. Dự thảo tờ trình Nghị định quy định mức lương tối thiểu với người lao động làm việc theo hợp đồng đang được lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan.

Triển khai công tác lao động, người có công và xã hội quý II

Ngày 15/4, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức hội nghị sơ kết công tác quý I, triển khai nhiệm vụ công tác quý II/2024.

Phương án phân luồng sau lệnh cấm ô tô lên Đèo Cả

Trước sự cố hầm đường sắt Bãi Gió trên đường sắt Bắc - Nam, Khu Quản lý đường bộ III đã thông báo chi tiết phương án tổ chức phân luồng cho các phương tiện giao thông.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục