(HBĐT) - Cách trung tâm huyện khoảng 20 km, nhiều năm liền xã An Lạc (Lạc Thủy) được xếp vào diện xã vùng III (đặc biệt khó khăn, xã 135). Trong nhiều năm ấy, xã được hỗ trợ kinh phí xây dựng điện, đường, trường, trạm, giống, vốn để sản xuất và nhiều chính sách ưu đãi khác. Dẫu không hoàn toàn trông chờ vào chính sách, nhưng khi bước ra khỏi ngưỡng "xã vùng III” để lên hạng "xã vùng II” cả chính quyền và người dân đều "bỡ ngỡ”.


Đường trục chính khu vực trung tâm UBND xã An Lạc (Lạc Thủy) đã xuống cấp, khó khăn cho việc đi lại, giao thương.

Cái khó bó niềm hứng khởi 

Lẽ thường, khi dời danh sách xã vùng III, các đồng chí lãnh đạo xã phấn khởi, tự tin lắm. Thế nhưng với An Lạc lại khác, bởi thực tế xã còn quá nhiều khó khăn. Điều này được đồng chí Quách Công Ninh, Chủ tịch UBND xã minh chứng cụ thể: An Lạc có diện tích tự nhiên 2.332,17 ha, địa giới giáp ranh với 3 xã của huyện Yên Thủy và 4 xã của huyện Lạc Thủy. Xã có 824 hộ với trên 2.900 nhân khẩu chia thành 8 thôn, trong đó dân tộc Mường chiếm 75%. Có 25 hộ với 94 nhân khẩu theo đạo Công giáo. Theo Quyết định số 582, ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ, từ tháng 5/2017, xã An Lạc chính thức ra khỏi danh sách xã vùng III, chuyển thành xã vùng II, chỉ còn 3/8 thôn thuộc khu vực III.

Đã là xã vùng II nhưng An Lạc còn khó khăn, thiếu thốn nhiều lắm - đồng chí Quách Công Ninh chia sẻ. Những cái thiếu, cái yếu được điểm tên đó là: Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế và phục vụ cho sinh hoạt của người dân. Riêng về điện, hiện xã có 5 trạm biến áp (TBA), nhưng do bán kính từ TBA đến các KDC quá rộng nên chất lượng điện yếu, không đáp ứng yêu cầu sản xuất, sinh hoạt. Có 5/8 thôn ở trong tình trạng vào giờ cao điểm quạt không thể quay. Trên địa bàn xã có 1 xưởng sản xuất ván ép nhưng đã phải đóng cửa vì điện quá yếu.

Về giao thông, hiện còn 15 km đường trục xã, đường trục thôn là đường đất hoặc đã được rải cấp phối nhưng xuống cấp nặng khiến việc đi lại của người dân hết sức khó khăn, nhất là trong mùa mưa lũ. An Lạc cách thị trấn Chi Nê (Lạc Thủy); thị trấn Hàng Trạm (Yên Thủy) và thị trấn Nho Quan, tỉnh Ninh Bình đều trên 20 km nên rất khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản, hàng hóa, trong khi bà con phải mua giống, vật tư, phân bón và các mặt hàng thiết yếu với giá cao. Bởi còn nhiều cái thiếu và yếu như vậy nên dù có nhiều nỗ lực, số hộ nghèo của xã vẫn ở mức 28,53% (năm 2018).

 

Mong được hỗ trợ để hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới

 

Không hẳn là muốn quay lại xã vùng III, nhưng để hòa nhịp được với phong trào xây dựng nông thôn mới mà cả nước đang thực hiện, An Lạc mong muốn và đề nghị: Nhà nước có chính sách ưu tiên đầu tư cho những xã mới ra khỏi khu vực III. Đề nghị tăng mức đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các thôn thuộc khu vực 3 (hiện tại An Lạc còn 3 thôn), vì mức hỗ trợ hiện tại quá thấp. Có chính sách ưu tiên chuyển mục đích sử dụng đất để xã kêu gọi đầu tư. ưu tiên đầu tư hệ thống điện với 3 TBA, 15 km đường dây hạ thế phục vụ phát triển KT-XH và đảm bảo cho sinh hoạt của người dân trong xã. Tuyến tỉnh lộ 438B đang được tỉnh đầu tư, nâng cấp, đề nghị đẩy nhanh tiến độ. Hiện, xã còn 5 km đường giao thông trục xã và 10 km đường trục thôn xuống cấp nghiêm trọng, người dân đi lại hết sức khó khăn, mong huyện quan tâm đầu tư cứng hóa. Dân số ngày càng phát triển, người dân xã An Lạc đang thiếu đất sản xuất, trong khi Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình đang nắm giữ, quản lý diện tích đất khá lớn trên địa bàn.

Nắm rõ chủ trương của tỉnh về việc giao đất nông, lâm trường về cho địa phương quản lý, xã An Lạc đề nghị cắt chuyển khoảng 200 ha đất lâm trường về địa phương để giao cho người dân canh tác. Năm 2017, An Lạc được đầu tư xây dựng trạm y tế khá khang trang, tuy nhiên, trang thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh hỏng hóc, thiếu thốn. Khoảng cách trên 20 km từ xã đến trung tâm huyện Lạc Thủy và huyện bạn được đồng chí Quách Công Ninh nhắc lại để nói lên sự cần thiết của trạm y tế xã đối với việc chăm sóc sức khỏe người dân.

"Còn nhiều "bỡ ngỡ”, băn khoăn và cả lo lắng, nhưng nếu được các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ những cái An Lạc còn thiếu và yếu, chúng tôi sẽ có đủ tiềm lực để phát triển KT-XH. Điều đó cũng có nghĩa là đủ tự tin để bước qua khỏi ngưỡng "xã vùng III” và đẩy nhanh tiến trình xây dựng NTM” - đồng chí Quách Công Ninh, Chủ tịch UBND xã tỏ bày.

 

Thúy Hằng


Các tin khác


Mô hình “Bình đẳng trong hôn nhân” hỗ trợ thiết thực cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Đồng chí Bùi Thị Dịnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Định Cư (Lạc Sơn) cho biết: Định Cư là xã đặc biệt khó khăn của huyện, dân tộc Mường chiếm 90%. Khi được lựa chọn tham gia dự án "Nâng cao quyền năng cho phụ nữ thông qua tiếp cận luật Luật An ninh mạng và Luật Hôn nhân và gia đình”, nhất là thành lập mô hình "Bình đẳng trong hôn nhân” tại xóm Mương Chóng với 30 thành viên tham gia, cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến về giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã giúp nâng cao nhận thức, trình độ cho cán bộ, hội viên phụ nữ (CB, HVPN).

Hiệu quả mô hình câu lạc bộ - “Phụ nữ hội nhập trên môi trường mạng”

Mô hình câu lạc bộ (CLB) "Phụ nữ hội nhập trên môi trường mạng” là 1 trong 2 mô hình cơ bản của dự án "Nâng cao quyền năng cho phụ nữ thông qua tiếp cận Luật An ninh mạng, Luật Hôn nhân và gia đình” do Quỹ JIFF - EU JULE tài trợ. Đây là mô hình tổ chức hoạt động xã hội tình nguyện tại cộng đồng, mục đích nâng cao nhận thức của hội viên phụ nữ và cộng đồng thông qua tiếp cận Luật An ninh mạng. Đồng thời tuyên truyền nâng cao ý thức của cộng đồng và vai trò của mỗi người dân trong công tác phòng, chống lừa đảo, tội phạm trên không gian mạng, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Huyện Cao Phong ứng phó với thiên tai bất thường

Thực hiện phương châm chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục nhanh, có hiệu quả với các tình huống bất thường có thể xảy ra trong mùa mưa bão năm nay, các cấp ủy, chính quyền huyện Cao Phong đã chú trọng chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khảo sát việc thi hành Luật Công đoàn tại huyện Lương Sơn

Sáng 7/5, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do đồng chí Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn đã khảo sát việc tổ chức, thi hành Luật Công đoàn tại Khu công nghiệp Lương Sơn (Lương Sơn).

Thẩm định mô hình, điển hình tiên tiến tại huyện Đà Bắc và các sở, ngành

Ngày 7/5, đoàn công tác do lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) làm trưởng đoàn đã tổ chức thẩm định các mô hình, điển hình tiên tiến năm 2024 trên địa bàn huyện Đà Bắc, Hội LHPN tỉnh, Hội Đông y tỉnh và Sở Y tế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục