(HBĐT) - Từ TP Hòa Bình tới xã Đồng Nghê (Đà Bắc) ngót nghét trăm cây số. Những cung đường uốn lượn, nhiều đoạn gập ghềnh đất đá, rồi thì biển cảnh báo sạt lở liên tiếp, dấu vết của đợt mưa lũ lịch sử cuối năm 2017 vẫn còn hằn sâu khiến đường tới Đồng Nghê càng thêm xa.

 

Người dân xóm Nghê, xã Đồng Nghê (Đà Bắc) được hỗ trợ bò giống sinh sản, góp phần tạo sinh kế.  

"Nơi đây là xã vùng hồ, chấm cuối trên bản đồ của huyện vùng cao Đà Bắc, giáp ranh với huyện Phù Yên (Sơn La) và huyện Tân Sơn (Phú Thọ). Điều kiện tự nhiên bất lợi, thiếu đất sản xuất, giao thông khó khăn, trình độ dân trí thấp là nguyên nhân chính khiến Đồng Nghê vẫn là xã đặc biệt khó khăn” - Bí thư Đảng ủy xã Bùi Văn Xứng bắt đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy.

Toàn xã có tổng diện tích trên 3.200 ha, nhưng phần lớn là đồi núi, sông, suối chia cắt, thường trực tình trạng sạt lở đất, đá, lũ ống, lũ quét vào mùa mưa. Diện tích cấy lúa chỉ khoảng 24 ha, tập trung nhiều ở Nước Mọc là xóm trung tâm xã. Những xóm khác ruộng cấy lúa manh mún, diện tích trồng lúa nương cho năng suất thấp do phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên. Đất đồi trước đây chủ yếu trồng ngô để chăn nuôi và làm hàng hóa nhưng vài năm nay, người dân bỏ trồng ngô do được tuyên truyền không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe. Không có việc làm, thu nhập tại chỗ, để đảm bảo chi tiêu hàng ngày, người dân Đồng Nghê phải rời bản làng đi làm ăn xa. Theo thống kê, toàn xã có khoảng 30% dân số thường xuyên đi làm ăn xa và đi làm thời vụ từ 40-50% dân số.

Những năm qua, được hưởng lợi từ các chương trình, dự án, nhất là qua Chương trình 135, Dự án hỗ trợ người dân vùng hồ sông Đà, chương trình giảm nghèo đã giúp cơ sở hạ tầng thiết yếu của xã từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng. Xã cũng tích cực phối hợp với các ngành, đoàn thể của huyện, tỉnh trang bị kiến thức làm ăn cho người dân qua các lớp tập huấn chuyển giao KHKT, lớp học nghề ngắn ngày về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi cá lồng. Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện tạo điều kiện giúp người dân vay vốn ưu đãi với tổng dư nợ 8,7 tỷ đồng. Từ sự hỗ trợ này, các hộ phát triển chăn nuôi gia súc với tổng đàn trâu, bò gần 1.150 con và đầu tư nuôi trên 40 lồng cá.

Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Bùi Văn Xứng cho biết thêm: Mặc dù được sự quan tâm của các cấp, ngành, song phải thẳng thắn nhìn nhận việc phát huy hiệu quả chưa cao. Ngoài nguyên nhân khách quan do điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý không thuận lợi còn có nguyên nhân chủ quan, đó là một bộ phận khá lớn người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước; không chịu khó học tập để nâng cao trình độ. Nhiều hộ chưa thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vẫn nặng tập quán tự cung, tự cấp nên chưa chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Cùng đoàn công tác tới xóm Nghê hỗ trợ các hộ bò giống sinh sản và tập huấn kỹ thuật trồng cỏ, chăm sóc, phòng - chống dịch bệnh cho vật nuôi, chúng tôi chứng kiến sự vui mừng, hồ hởi của các gia đình. Song, cũng được chứng kiến thực tế buồn khi nhiều người không biết chữ để ký nhận. Qua trò chuyện được biết thêm, hiện ở đây nhiều học sinh chỉ học đến cấp 2. Nhiều người mới hơn 40 tuổi đã lên ông, lên bà. Phụ nữ sinh nở chủ yếu tại nhà do trạm y tế ở xa, đi lại khó khăn. Có ca khó phải chuyển lên huyện thì ra tận xã Mường Chiềng mới có xe, thuê mất khoảng 2 triệu đồng, là chi phí quá cao đối với người dân nghèo.

Đợt mưa lũ lịch sử năm 2017, Đồng Nghê bị thiệt hại nặng nề. Nhiều hộ mất nhà cửa, tài sản. Đặc biệt, 30 hộ ở xóm Đăm phải chuyển về khu tái định cư xóm Nghê do mất nhà cửa hoàn toàn và nằm trong khu vực nguy cơ sạt lở cao. Hiện các hộ đã ổn định cuộc sống nơi ở mới nhưng do không có đất sản xuất nên hàng ngày vẫn phải về lại xóm Đăm làm ruộng, nương, thu nhập bếp bênh.

Khó khăn chồng khó khăn nên Đồng Nghê mới đạt 9/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Xã đặt mục tiêu cuối năm nay hoàn thành thêm 2 tiêu chí nhưng là thách thức rất khó thực hiện bởi nguồn lực tại chỗ gần như không có khi thu nhập bình quân đầu người mới đạt gần 16 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn tới hơn 50%. Trước thực tế này, xã mong được sự quan tâm, giúp sức của các cấp, ngành và sự hỗ trợ từ bên ngoài để Đồng Nghê được "kéo lại gần hơn.”


Thu Hiền

Các tin khác


Khuyến cáo sử dụng điện an toàn, tiết kiệm mùa nắng nóng

Trong dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5, tình hình thời tiết trên cả nước nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng nắng nóng đặc biệt gay gắt, nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 39 - 40 độ C, có nơi trên 42 độ C. Độ ẩm tương đối thấp, phổ biến từ 20 - 35%, thời gian nắng nóng từ 9 -18h. Nắng nóng kéo dài khiến tiêu thụ điện trong sinh hoạt tăng rất cao. Điều này cũng dẫn đến nguy cơ cao xảy ra sự cố lưới điện cục bộ do phải vận hành đầy tải, quá tải ở nhiều thời điểm.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám thiện nguyện cho gần 150 người dân xã Tự Do

Ngày 27/4, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình gồm 24 cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế do TS. BS Nguyễn Hoàng Diệu, Giám đốc Bệnh viện làm trưởng đoàn tổ chức chương trình khám bệnh thiện nguyện "Vì sức khoẻ cộng đồng” cho người dân xã Tự Do, huyện Lạc Sơn. Chương trình có sự phối hợp của Trung tâm Y tế huyện Lạc Sơn, Trạm Y tế xã và các cán bộ địa phương.

Chương trình thiện nguyện “Cùng em đến trường” trao 200 xe đạp cho học sinh huyện Đà Bắc

Sáng 27/4, tại Trường TH&THCS Cao Sơn (Đà Bắc), Tỉnh Đoàn Hoà Bình, Câu lạc bộ Bất động sản Hoà Lạc phối hợp tổ chức chương trình thiện nguyện "Cùng em đến trường” dành cho thiếu nhi trên địa bàn huyện.

Nỗi lo đuối nước ở trẻ em khi vào hè

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong những ngày vừa qua liên tục tiếp nhận những ca bệnh nhi đuối nước nghiêm trọng, nguy kịch tính mạng. Các bệnh nhi đều vào viện với bệnh cảnh suy đa tạng do hậu quả của quá trình ngừng tuần hoàn…

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động câu lạc bộ “Bình đẳng trong hôn nhân”

Tại huyện Lạc Sơn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh vừa tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động câu lạc bộ "Bình đẳng trong hôn nhân”. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án "Nâng cao quyền năng cho phụ nữ thông qua tiếp cận Luật An ninh mạng, Luật Hôn nhân và gia đình” do Quỹ JIFF - EU JULE tài trợ, được triển khai tại 4 xã: Lạc Thịnh, Đoàn Kết (Yên Thủy) và Hương Nhượng, Định Cư (Lạc Sơn).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục