(HBĐT) - Từng là những nơi sơn cùng, thủy tận, 36 xóm khó khăn nhất của tỉnh đã từng bước thoát khỏi đói nghèo với "tấm áo mới” đầy hy vọng. Kết quả sẽ khó có được nếu không có "đòn bẩy” thiết thực từ Đề án hỗ trợ 36 thôn, bản khó khăn nhất tỉnh (Đề án 36), được ban hành cách đây hơn nửa thập kỷ.

Bài 1 - Đề án đặc thù cho xóm đặc thù


Thực hiện Đề án 36, những con đường giao thông thuận lợi được mở rộng, cứng hóa đến các thôn, xóm khó khăn nhất tỉnh. Ảnh chụp tại xóm Pheo, xã Văn Nghĩa (Lạc Sơn).

Trước khi UBND tỉnh phê duyệt Đề án 36, đời sống KT-XH của 36 xóm nghèo thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của tỉnh. Đề án ra đời với những sự hỗ trợ toàn diện, tạo nền tảng để xóm nghèo xây dựng cuộc sống mới.

Cái khó của những xóm nghèo nơi vùng cao, vùng sâu

Năm 2014, trên cơ sở tham mưu của Ban Dân tộc tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 73/QĐ-UBND phê duyệt Đề án hỗ trợ 36 thôn, bản khó khăn nhất tỉnh. Đề án thực hiện tại 28 xã, thuộc 8 huyện, gồm: Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Lạc Sơn, Kim Bôi, Lạc Thủy, Yên Thủy, Lương Sơn và TP Hòa Bình. Trước khi thực hiện đề án, sự khó khăn của 36 xóm thể hiện qua một số thống kê như: Thu nhập bình quân ở mức 4,5 triệu đồng/người/năm, bằng 25 - 30% so với bình quân cả tỉnh, có những xóm dưới mức 3 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân 60,9%, không ít xóm trên 90%, riêng xóm Thung Vòng, xã Do Nhân cũ - nay là xóm Khi, xã Nhân Mỹ (Tân Lạc) 100% hộ nghèo. Đặc biệt, hạ tầng thiết yếu ở những xóm nghèo còn rất thiếu và yếu, chưa có đường giao thông thuận lợi, thậm chí có xóm chưa một lần được hưởng niềm vui từ ánh điện quốc gia.

Qua những chuyến đi thực tế, chúng tôi có chung nhận định rằng, "nút thắt” lớn nhất của bà con ở các xóm khó khăn chính là đường giao thông còn quá nhiều trắc trở. Còn nhớ, đầu năm 2016, chúng tôi về xóm Hà, xã Đồng Chum (Đà Bắc) đúng thời điểm bà con đang thu hoạch sắn. Do nằm biệt lập với các khu dân cư khác trong xã, tuyến đường độc đạo vô cùng trắc trở nên việc tiêu thụ rất khó khăn. Ông Đinh Công Chăn, người dân xóm Hà than thở: "Giá bán bằng một nửa so với ngoài trung tâm mà cũng không ai vào mua, vì đường đi khó quá”. Hay như câu chuyện về hàng tấn ngô của bà con xóm Kế - xã Mường Chiềng, xóm Sổ - xã Trung Thành của huyện Đà Bắc đã thu hoạch nhưng đành để nảy mầm dưới gầm sàn, vì trời mưa nên đường lầy lội, tư thương không thể thu mua được. Cũng vì nguyên nhân tương tự mà bà con ở xóm Thung 1, Thung 2 (xã Quý Hòa), xóm Thăn (xã Miền Đồi) của huyện Lạc Sơn phải cuốn xích vào lốp xe để chở từng chuyến măng đi bán ở chợ.

Ngoài ra, không ít con em của những bản nghèo khi đó còn phải học tập trong những những ngôi trường tạm bợ, nhà tranh, vách nứa. "Cái khó bó cái khôn” nên những thôn, bản này cứ loay hoay mãi trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo.

"Kiến tạo” kịp thời từ Đề án 36

Mong mỏi có một con đường thuận lợi để giao thương hàng hóa, một ngôi trường khang trang để con em được học tập, một công trình kéo điện lưới quốc gia về bản để người dân mua sắm ti vi xem tin tức và học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế. Mỗi bản làng chúng tôi đến là những niềm mong mỏi hết sức dung dị, chính đáng. Đề án 36 ra đời với những nội dung hỗ trợ toàn diện trên các lĩnh vực là để đáp ứng kịp thời những niềm mong mỏi đó. Đồng chí Đinh Thị Thảo, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Ban Dân tộc tỉnh là đơn vị được giao chủ trì đã phối hợp với các sở, ngành chức năng, chính quyền các địa phương khảo sát triển khai các nội dung của đề án. Giai đoạn 2014 - 2018, tổng mức đầu tư cho đề án trên 133 tỷ đồng. Mục tiêu của đề án nhằm tạo sự chuyển biến nhanh về sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, cải thiện, nâng cao một cách bền vững đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc nơi đây. Theo đó, đề án đặt ra những mục tiêu cụ thể như: Phấn đấu giảm bình quân tỷ lệ hộ nghèo từ 5 - 6%/năm; các công trình hạ tầng thiết yếu được đầu tư đáp ứng yêu cầu phát triển; đến hết năm 2018, các thôn, bản cơ bản có đường giao thông, 100% được cứng hóa vào năm 2020. Các công trình thủy lợi, điện, trường học được xây dựng đáp ứng nhu cầu của bà con. Đề án chú trọng công tác đào tạo nghề với mục tiêu đào tạo khoảng 1.080 lao động có tay nghề. Đặc biệt, đề án nhấn mạnh, phát triển kinh tế gắn với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa bản địa đặc sắc của cộng đồng, vùng miền.

Sau 5 năm (2014 - 2018) triển khai thực hiện, đề án đã đạt được những kết quả tích cực, với tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo chung tại các thôn, bản khó khăn giảm được 6% so với thời điểm năm 2014. Các thôn, bản đã có công trình điện, đường giao thông đến trung tâm xóm; công trình thủy lợi được đầu tư phục vụ sản xuất hiệu quả; một số mô hình sản xuất được nhân rộng, giúp cải thiện thu nhập cho người dân; bản sắc văn hóa các dân tộc được lưu giữ, phát huy. Đến hết năm 2018, có 2 thôn, bản là Mai Hoàng Sơn, xã Mai Hịch (Mai Châu) và Đậu Khụ, xã Thống Nhất (TP Hòa Bình) thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư của đề án.

Đã có những đổi thay đáng ghi nhận nhưng nhận thấy, một số mục tiêu của đề án đặt ra chưa đạt, ngày 29/3/2019, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 53/KH-UBND về việc tiếp tục thực hiện Đề án 36 đến năm 2020 trên phạm vi 15 thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn 12 xã thuộc 5 huyện: Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Lạc Sơn, Yên Thủy. Với những sự hỗ trợ "dài hơi” đó, bộ mặt làng quê của các thôn, xóm khó khăn đã có những sự thay đổi tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên.

(Còn nữa)

Viết Đào

Các tin khác


Phân bổ 13,5 tỷ đồng thực hiện Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng năm 2024

UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 714/QĐ-UBND về phương án phân bổ kinh phí hỗ trợ công tác mộ, nghĩa trang liệt sỹ thực hiện Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng năm 2024.

Huyện Mai Châu đa dạng nguồn lực xóa nhà tạm, nhà dột nát

Xóa nhà tạm, nhà dột nát (XNT, NDN) cho hộ nghèo là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm giúp người nghèo có điều kiện thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Tại huyện vùng cao Mai Châu, cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo để huy động nguồn lực nhằm hỗ trợ hộ nghèo, hộ chính sách xây dựng mới và sửa chữa nhà ở, giúp họ có thêm niềm tin, động lực vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo ở địa phương.

Vụ nổ lò hơi tại Đồng Nai: Khẩn trương cấp cứu người bị nạn

Liên quan đến vụ tai nạn lao động xảy ra tại Công ty TNHH gỗ Bình Minh (ấp Vàm, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu các đơn vị, địa phương khẩn trương cấp cứu người bị nạn, điều tra, làm rõ nguyên nhân.

Những chính sách nổi bật có hiệu lực trong tháng 5/2024

Trong tháng 5/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực, nổi bật là các chính sách liên quan đến đến công chức, viên chức, về giá điện, lĩnh vực giáo dục..

Những mái nhà ấm tình đại đoàn kết

Thời gian qua, phong trào xây nhà "Đại đoàn kết” cho hộ nghèo do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát động được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội đồng tình hưởng ứng. Từ nguồn Quỹ Vì người nghèo, hàng nghìn ngôi nhà Đại đoàn kết ấm tình người được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa, bàn giao cho hộ nghèo, giúp họ "an cư, lạc nghiệp", có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống.

Cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh “3 cùng” với người dân

Cùng với hệ thống chính trị toàn tỉnh, những năm qua, Công an tỉnh tích cực hưởng ứng phong trào "Chung sức xây dựng nông thôn mới” bằng những việc làm thiết thực. Phong trào xây dựng nông thôn mới được triển khai ở hầu khắp các đơn vị Công an trong tỉnh với hàng loạt việc tốt, việc tử tế giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi. Hình ảnh các chiến sỹ Công an tỉnh "3 cùng” với người dân để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục