(HBĐT) - Sau khi hoàn thành khóa học nghề may công nghiệp tại Trung tâm GDNN - GDTX huyện Mai Châu, chị Khà Thị Huyền, xóm Chiềng Châu, xã Chiềng Châu được nhận vào làm tại HTX dệt thổ cẩm Chiềng Châu. Sản phẩm HTX làm ra là ví, túi xách, khăn trải bàn... Sản phẩm không chỉ tiêu thụ tại địa phương mà còn được đưa đến các điểm du lịch trong, ngoài tỉnh. Công việc hiện tại đã góp phần giúp cuộc sống của gia đình chị ổn định hơn.





Lao động nông thôn xã Thành Sơn được giáo viên Trung tâm GDNN - GDTX huyện Mai Châu hướng dẫn kiến thức, kỹ thuật trồng rau sạch, rau an toàn.

Sau thời gian theo học lớp dạy nghề trồng rau an toàn do Trung tâm GDNN - GDTX huyện mở, anh Lò Văn Quỳnh, xã Đồng Tân đã vận động, tập hợp những người có cùng chí hướng thành lập HTX rau sạch Tân Sơn. "Từ chỗ chúng tôi chỉ trồng, chăm sóc rau theo kinh nghiệm. Sau khi được học nghề trồng rau, đến nay, 100% thành viên HTX biết ứng dụng KHKT, áp dụng thành thạo kỹ thuật tiên tiến từ khâu trồng, chăm sóc đến bảo quản sau thu hoạch. Nhờ đó đã nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho các hộ thành viên” - anh Quỳnh chia sẻ.
Còn đối với chị Hà Thị Chiếu ở xóm Tòng, xã Tòng Đậu và anh Khà Văn Thìn ở xóm Hịch, xã Mai Hịch sau khi tham gia lớp học nghề chăn nuôi tại Trung tâm GDNN - GDTX huyện, với vốn kiến thức được trang bị đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư mô hình nuôi gà theo hướng gia trại, quy mô hơn 1.000 con/hộ. Nhờ đó, đời sống của các hộ có sự thay đổi rõ rệt, từng bước vươn lên trở thành hộ khá, hộ sản xuất giỏi ở địa phương với nguồn thu từ 150 - 250 triệu đồng/hộ/năm trở lên...

Đồng chí Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Mai Châu cho biết: Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) là nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy nhanh công tác giảm nghèo. Thời gian qua, huyện luôn chú trọng công tác này gắn với nhu cầu thực tiễn. Nhờ vậy, huyện đã xây dựng được một số mô hình dạy nghề cho LĐNT phù hợp với điều kiện địa phương như: trồng dưa hấu tại các xã Vạn Mai, Mai Hạ; thêu thổ cẩm truyền thống và hướng dẫn khách du lịch tại thị trấn Mai Châu, xã Chiềng Châu, Tòng Đậu; trồng rau sạch tại xã Đồng Tân, Thành Sơn. Sau khi học nghề, nhiều học viên tổ chức được mô hình kinh tế nông nghiệp, điểm du lịch ngay tại địa phương như chị Hà Thị Thu ở bản Lác, Hà Thị Hòa ở bản Pom Coọng (xã Chiềng Châu), anh Hà Văn Cương ở bản Văn (thị trấn Mai Châu), Hàng Y Gánh ở xã Hang Kia...

Để nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề cho LĐNT, huyện đã gắn đào tạo nghề với quy hoạch phát triển sản xuất, quy hoạch phát triển KT-XH và quy hoạch xây dựng NTM. Theo đó, hàng năm, Phòng LĐ-TB&XH phối hợp Trung tâm GDNN - GDTX huyện tổ chức điều tra, rà soát, tổng hợp nhu cầu đăng ký học nghề của người lao động; tuyên truyền chính sách hỗ trợ cho người học nghề, định hướng và khuyến khích người lao động đăng ký các ngành nghề đào tạo phù hợp với tình hình KT-XH của địa phương và nhu cầu thị trường. Căn cứ kết quả rà soát nhu cầu học nghề để chủ động huy động nguồn lực tổ chức các lớp dạy nghề, ưu tiên các ngành nghề có dự báo tỷ lệ việc làm, thu nhập cao sau đào tạo. Với cách làm đó, trong 10 năm qua (2012 - 2022) huyện đã tổ chức được 116 lớp dạy nghề cho 3.580 LĐNT. Trong đó có 14 lớp theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM với 414 học viên, gồm các nghề như: chăn nuôi gà, trồng nấm, trồng rau sạch, dệt thổ cẩm. Tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề chiếm 80 - 85%; tính đến năm 2022, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của huyện đạt 53,68%, tăng khoảng 30% so với năm 2012.

"Từ việc làm tốt công tác đào tạo nghề cho LĐNT đã giúp hàng nghìn người lao động, nhất là đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số, người nghèo được chuyển giao kiến thức KHKT, kỹ năng nghề. Nhiều LĐNT đã có những thay đổi trong cách thức sản xuất trồng trọt và chăn nuôi, biết bố trí cơ cấu cây, con giống phù hợp; biết áp dụng để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, đời sống được cải thiện, góp phần vào việc xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững. Hầu hết học viên sau khi được đào tạo nghề tại trung tâm đã thành công trong áp dụng kiến thức được học, tìm được việc làm tại các doanh nghiệp trên địa bàn hoặc tự tạo việc làm tại chỗ bằng các mô hình sản xuất cho thu nhập cao” - đồng chí Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện nhấn mạnh.

Mạnh Hùng

Các tin khác


Cuộc sống mới ở Thung Nai

Chúng tôi có dịp trở lại thăm xã vùng hồ Thung Nai của huyện Cao Phong. Từ xã có xuất phát điểm thấp, những năm gần đây, Thung Nai có sự thay đổi rõ rệt về diện mạo, cảnh quan, đời sống người dân. Con đường 435 từ TP Hòa Bình đã đến tận xã Suối Hoa (Tân Lạc), qua địa bàn xã Thung Nai 8 km đang phát huy hiệu quả, thu hút nhiều khách du lịch lên cảng Thung Nai.

Tích cực chuẩn bị cho thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024

Chiều 4/5, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh trả lời câu hỏi của nhà báo liên quan vấn đề thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024, xây dựng vị trí việc làm…

Cảnh báo cuộc gọi mạo danh nhân viên điện lực hoàn tiền cho khách

Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đề nghị khách hàng không cung cấp thông tin cá nhân, không truy cập vào đường link lạ khi nhận được các tin nhắn mạo danh ngành điện.

Thẩm định mô hình, điển hình tiên tiến trên địa bàn huyện Yên Thủy

Ngày 4/5, đoàn công tác do lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) làm trưởng đoàn đã tổ chức thẩm tra các mô hình, điển hình tiên tiến năm 2024 trên địa bàn huyện Yên Thủy. 

Tri ân anh hùng, liệt sỹ Chiến dịch Hòa Bình

Nghĩa trang liệt sỹ Chiến dịch Hòa Bình những ngày này nhiều gia đình liệt sỹ, cán bộ và nhân dân, đoàn viên - thanh niên đến thăm viếng. Nghĩa trang được quy hoạch trên ngọn đồi thuộc phường Dân Chủ, TP Hòa Bình, bên rừng cây gió thổi vi vu ngày đêm. Trước đây nghĩa trang thuộc phường Phương Lâm, sau đó được quy hoạch, đầu tư xây dựng với quy mô khoảng 4,2ha tại phường Dân Chủ.

Gần 2.000 trẻ em được khám sàng lọc, hội chẩn bệnh lý tim mạch miễn phí

Ngày 3/5, tại Trường TH&THCS Cao Sơn (Đà Bắc), Sở LĐ-TB&XH, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, Trung tâm Tim Mạch - Bệnh viện E, UBND huyện Đà Bắc phối hợp tổ chức chương trình khám sàng lọc, hội chẩn bệnh lý tim mạch miễn phí cho trẻ em từ 0 - 16 tuổi trên địa bàn hai xã Cao Sơn, xã Mường Chiềng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục