Người dân sinh sống ở vùng nông thôn thường chịu ảnh hưởng của tâm lý tiểu nông, những lệ làng, luật tục, chưa có thói quen và ý thức giải quyết mối quan hệ xã hội theo quy phạm pháp luật. Vì vậy, các hòa giải viên ở cơ sở phải chia sẻ một phần đáng kể gánh nặng "đưa luật về làng”.

Nơi "lý" nhẹ hơn "tình"


Trẻ lớp 5 tuổi trong khu vui chơi của Trường Mầm non Ba Trại A, xã Ba Trại, huyện Ba Vì được đầu tư xây dựng khang trang theo tiêu chí nông thôn mới. Xã Ba Trại đã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018. Ảnh (minh họa): Vũ Sinh/TTXVN

Do điều kiện lịch sử và môi trường sống, truyền thống coi trọng tình cảm hơn lý trí nên người dân ở nông thôn có mặt bằng hiểu biết về pháp luật thấp hơn ở thành thị.

Thạc sỹ Trương Thị Hiền (Trường Đại học Tây Nguyên) dẫn kết quả một cuộc khảo sát, cho biết: Các phương tiện thông tin đại chúng như tivi, báo, đài là nguồn cung cấp thông tin pháp luật chủ chốt ở nông thôn (chiếm 84,8%). Việc tổ chức các buổi họp thôn, thực hiện hòa giải có lồng ghép hoạt động tuyên truyền pháp luật đang được xem là có hiệu quả (chiếm 66,3%). Hình thức truyền thông truyền thống thông báo qua loa truyền thanh xã/thôn cũng giúp nhiều người dân có được thông tin về pháp luật (chiếm 54,9%).

Như vậy, hiện tại luật pháp đã đến được với người nông dân bằng các kênh thông tin đa dạng. Tuy nhiên, tiếp cận thông tin là một chuyện, còn hiểu rõ pháp luật hay không lại là chuyện khác, bởi nhiều cán bộ địa phương cũng thừa nhận rằng nội dung các điều luật khá rối rắm, khó hiểu ngay cả đối với họ.

Khi được hỏi vì sao việc áp dụng pháp luật tại địa phương gặp khó khăn thì người nông dân trả lời rằng do trình độ hiểu biết (chiếm 49,6%), do trong cộng đồng mọi người thích giải quyết bằng tình cảm hơn (33,3%), do cán bộ xử lý không công bằng (13,1%), do văn bản quy phạm không phù hợp với thực tế vùng, miền (8%) và do các nguyên nhân khác (10,7%).

Theo Ban Tuyên Giáo của Trung ương Đoàn Thanh niên, dù được coi là lực lượng xung kích ở địa phương song tuổi trẻ nông thôn (từ 16 đến 30 tuổi) vẫn có một bộ phận không nhỏ ít quan tâm đến pháp luật, thiếu ý thức chấp hành, nhận thức chậm đổi mới. Việc thiếu hiểu biết kiến thức pháp luật của một số thanh niên nông thôn dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật, nhiều vụ việc có dấu hiệu mất ổn định, gây nên một số điểm nóng chính trị hoặc mâu thuẫn, căng thẳng bùng phát.

Nguyên nhân quan trọng đầu tiên của những hạn chế nêu trên trước tiên nằm ở chủ thể của công tác giáo dục pháp luật (báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật…). Đội ngũ này còn thiếu và yếu, trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế và không đồng đều so với nhu cầu thực tế. Nhận thức của một số chủ thể về công tác giáo dục pháp luật đối với thanh niên nông còn hạn chế, có địa phương còn xem đó là nhiệm vụ của riêng ngành tư pháp.

Cán bộ tư pháp cấp xã chưa được đào tạo bài bản và nâng cao trình độ, ở nhiều nơi cán bộ tư pháp cấp xã mới chỉ được đào tạo nghiệp vụ ở trình độ trung cấp (khoảng 33,4%). Số đông trong đội ngũ làm công tác giáo dục pháp luật (khoảng hơn 50%) chưa được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ dẫn đến công tác tư vấn, tuyên truyền giáo dục pháp luật ở cơ sở gặp rất nhiều khó khăn, bất cập.

Ngoài ra, nội dung giáo dục pháp luật cho thanh niên nông thôn còn nghèo nàn, đơn điệu, mới chỉ tập trung vào việc phổ biến một số văn bản mới được ban hành. Hình thức giáo dục pháp luật tuy có đa dạng nhưng mới chỉ tập trung vào hình thức tuyên truyền miệng là chủ yếu hay thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Phương pháp giáo dục pháp luật cho thanh niên nông thôn vẫn còn chậm đổi mới, thiếu hấp dẫn, mới chỉ chú ý đến các việc thuyết phục, giải thích, xử lý tình huống chung chung…

Coi trọng vai trò đặc thù của tổ hòa giải

Hòa giải viên có vai trò rất thiết thực trong việc phổ biến, đặc biệt là giải thích pháp luật tại cơ sở, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi. Những nỗ lực của họ đôi khi bị "ẩn" trong thành tích chung cùng với nhiều chủ thể tuyên truyền, phổ biến pháp luật khác. 

Việc hướng dẫn, giải thích các quy định pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước cho các bên tranh chấp, mâu thuẫn và những người có liên quan trong quá trình hòa giải là một trong những hình thức quan trọng để nhân dân tiếp cận các văn bản quy phạm. Đó là vì hòa giải viên khi giải quyết mâu thuẫn trong cộng đồng đều lồng ghép các nội dung pháp luật có liên quan để phổ biến, giáo dục pháp luật.

Hoạt động hòa giải ở cơ sở mang lại tính đặc thù cho việc phổ biến pháp luật của hòa giải viên. Họ là người trực tiếp, giữ vai trò trung tâm trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hóa giải tranh chấp và hành vi của họ thường rất phù hợp với đối tượng cụ thể, dễ đi vào lòng người và có hiệu quả.

Đối tượng phổ biến, giáo dục pháp luật qua hoạt động hòa giải ở cơ sở rất rộng, khác với đối tượng trong trợ giúp pháp lý, đó là các cá nhân, nhóm cá nhân, gia đình, nhóm gia đình, tổ chức có mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013. Những người này đều rất quan tâm đến vụ việc tranh chấp, đến việc vận dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp cũng như hậu quả sẽ xảy ra nếu các bên tranh chấp không thực hiện thỏa thuận. Vì vậy, việc phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở rất phù hợp với đối tượng và có hiệu quả.

Lực lượng hòa giải viên rất đông đảo có mặt ở từng thôn, xóm, làng, bản, cụm dân cư, sống gần gũi với nhân dân, nên mỗi khi xảy ra xích mích, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi được hòa giải ở cơ sở thì họ sẽ kịp thời đến giải quyết  ngay từ khi vụ việc mới xảy ra bằng cách giải thích, phân tích đúng, sai trên cơ sở có tình, có lý, kết hợp với việc phổ biến, giải thích các điều luật có liên quan trực tiếp đến vụ việc tranh chấp, qua đó hướng dẫn các bên tự thương lượng, giải quyết vụ việc.

Trong Báo cáo số 265/BC-BTP đánh giá kết quả 5 năm thi hành Luật Hòa giải cơ sở, tính đến đầu năm 2019, cả nước có hơn 107.000 tổ hòa giải được thành lập tại thôn, tổ dân phố với gần 651 hòa giải viên, số lượng thành viên của mỗi tổ hòa giải trung bình từ 5 đến 7 người. Trong số này có gần 23.000 hòa giải viên có trình độ chuyên môn luật, chiếm tỷ lệ 3,5%. Các tổ hòa giải ở cơ sở trên cả nước đã tiến hành hòa giải hơn 759.000 vụ, việc; hòa giải thành 612.000 vụ, việc (đạt tỷ lệ 80,6%).

Trung bình mỗi năm trên cả nước các tổ hòa giải ở cơ sở hoà giải thành hơn một trăm nghìn vụ việc, tức là giảm được từng ấy vụ việc mà các cơ quan có thẩm quyền có thể sẽ phải giải quyết.  

Hòa giải thành còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành án vì các đương sự đã tự nguyện thoả thuận với nhau về cách thức giải quyết vụ việc nên họ thường sẽ tự giác, có trách nhiệm thực hiện các cam kết của mình mà không cần sự tác động của cơ quan nhà nước.

Cùng với việc tiếp tục thực hiện tiêu chí "xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã đạt chuẩn nông thôn mới, ngày 8/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định bổ sung tiêu chí tiếp cận pháp luật vào Bộ Tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao (Quyết định số 318/QĐ-TTg) và nội dung "huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật” trong tiêu chí Hệ thống chính trị - An ninh trật tự - Hành chính công thuộc Bộ tiêu chí quốc về huyện nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 320/QĐ-TTg).

Để đạt các yêu cầu theo nội dung 16.1 của  tiêu chí 16 "Tiếp cận pháp luật” tại Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025, xã phải  có đồng thời mô hình điển hình về phổ biến, giáo dục pháp luật và mô hình điển hình về hòa giải ở cơ sở hoạt động hiệu quả.

Mô hình điển hình về hòa giải ở cơ sở hoạt động hiệu quả phải đáp ứng các yêu cầu: Có 100% tổ hòa giải của xã được hỗ trợ kinh phí triển khai hoạt động của tổ hòa giải và thù lao cho hòa giải viên đúng quy định pháp luật hòa giải ở cơ sở.

Có hoạt động phối hợp với Tòa án nhân dân cấp huyện, Hội Luật gia cấp huyện, các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, tổ chức, cá nhân có hiểu biết pháp luật trong tập huấn, bồi dưỡng cho hòa giải viên hoặc tham gia hỗ trợ hòa giải.

Có văn bản của cơ quan có thẩm quyền cấp huyện hướng dẫn, khuyến khích nhân rộng; trong 5 năm gần nhất tính đến thời điểm đánh giá, được cơ quan có thẩm quyền cấp huyện trở lên tặng Giấy khen, Bằng khen hoặc hình thức khen thưởng khác vì đã có thành tích xuất sắc trong triển khai mô hình này.

Đồng thời, Hướng dẫn còn quy định cụ thể về tỷ lệ mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở được hòa giải thành; tỷ lệ người dân thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý tiếp cận và được trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu tại nội dung 16.1, 16.2 của  tiêu chí 16 "Tiếp cận pháp luật” tại Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025.

Các Quyết định số 318/QĐ-TTg và Quyết định số 320/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã nâng tầm vị thế của các hòa giải viên – những người mang luật về cơ sở một cách trực tiếp và không ồn ào.



Theo Baotintuc.vn

Các tin khác


Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động câu lạc bộ “Bình đẳng trong hôn nhân”

Tại huyện Lạc Sơn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh vừa tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động câu lạc bộ "Bình đẳng trong hôn nhân”. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án "Nâng cao quyền năng cho phụ nữ thông qua tiếp cận Luật An ninh mạng, Luật Hôn nhân và gia đình” do Quỹ JIFF - EU JULE tài trợ, được triển khai tại 4 xã: Lạc Thịnh, Đoàn Kết (Yên Thủy) và Hương Nhượng, Định Cư (Lạc Sơn).

Thẩm định điển hình tiên tiến các sở, ban, ngành năm 2024

Sáng 26/4, đoàn công tác do lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) làm trưởng đoàn đã tổ chức thẩm tra các mô hình tiên tiến năm 2024 của các sở, ban, ngành.

Viettel Hoà Bình tổ chức Lễ trao thưởng chương trình “Lên 4G, lên đời”

Ngày 25/4, Viettel Hoà Bình tổ chức Lễ trao thưởng cho khách hàng trong chương trình khuyến mại "Lên 4G – Lên đời”.

Thẩm định điển hình tiên tiến năm 2024 trên địa bàn huyện Tân Lạc

Ngày 25/4, đoàn công tác do lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) làm trưởng đoàn đã tổ chức thẩm tra các mô hình, điển hình tiên tiến năm 2024 trên địa bàn huyện Tân Lạc.

Thẩm định điển hình tiên tiến trên địa bàn huyện Lạc Sơn

Đoàn công tác do lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) làm trưởng đoàn vừa tổ chức thẩm tra điển hình tiên tiến năm 2024 trên địa bàn huyện Lạc Sơn.

9 đội tham gia Hội thi Nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ “Tổ liên gia an toàn PCCC” huyện Kim Bôi

Sáng 25/4, UBND huyện Kim Bôi tổ chức Hội thi Nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ "Tổ liên gia an toàn PCCC” năm 2024. Tham gia hội thi có 9 đội từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục