(HBĐT) - Nhắc đến Tam Đảo là nói đến một địa danh với cảnh sắc núi rừng hùng vĩ, khí hậu độc đáo mát lạnh. Thế nên, từ đầu thế kỷ 20, thực dân Pháp đã phát hiện và xây dựng thành khu nghỉ mát. Suốt chiều dài lịch sử đến nay, Tam Đảo đã trở thành địa điểm lý tưởng để du khách thập phương lui tới, nhất là trong những ngày hè oi ả. Không thể phủ nhận, mùa hè là quãng thời gian lý tưởng nhất để đến Tam Đảo. Tuy nhiên, đến chốn bồng lai này trong những ngày đông giá cũng là một trải nghiệm khó quên.


Đúng như cái tên của nó, núi Tam Đảo gồm 3 đỉnh núi nổi lên như hòn đảo. Ở giữa là đỉnh Thạch Bàn, bên trái là đỉnh Thiên Thị - nơi có tháp truyền hình, còn phía bên phải là đỉnh cao nhất (1.400m so với mực nước biển) – đỉnh Phù Nghĩa. Lần thứ hai trở lại, ấn tượng về Tam Đảo vẫn còn đậm nét, đó là con đường ngoằn ngoèo, nhỏ hẹp chạy luồn lách giữa rừng thông kỳ vĩ. Là những chiếc gương cầu lồi được bố trí ở rất nhiều đoạn khúc cua tay áo để đảm bảo các tài xế có thề quan sát được phương tiện đi ngược chiều. Sau lần đầu tiên lên Tam Đảo, nhiều người đã thừa nhận rằng, họ chưa đủ tự tin để chinh phục cung đường lên thị trấn bé nhỏ xinh xắn này.


Trung tâm thị trấn Tam Đảo (Vĩnh Phúc).

Lần trở lại này, Tam Đảo đã và đang có những sự đổi thay từng ngày. Đường về thị trấn đang được thi công mở rộng. Thị trấn Tam Đảo cũng xuất hiện thêm hàng chục căn biệt thực, khách sạn, nhà nghỉ cao cấp. "Hiện giờ, Tam Đảo như một đại công trường vậy, đâu đâu cũng thấy những nhà cao tầng mọc lên. Nhưng phải thừa nhận các tòa nhà có lối kiến trúc khá đa dạng, hiện đại nên khi hoàn thiện, nơi này sẽ càng lung linh hơn”, một người bạn đi cùng đoàn chúng tôi nhận xét.


Hiện nay, ở thị trấn Tam Đảo, nhiều tòa nhà cao tầng đang được xây dựng.

Sáng thức dậy, khoảng thời gian "tầm nhìn xa” bị hạn chế, ấy là lúc chúng tôi được hòa vào làn sương mờ ảo. Thiên nhiên, mây trời đã khiến ly cà phê thêm đậm đà, thơm ngon đến lạ. Ở Tam Đảo có những "quán cà phê chạm tay vào mây”. Sở dĩ có cái tên như vậy vì quán tọa lạc vị trí cao, giữa mây trời bồng bềnh. Tại đây, du khách có thể phóng xa tầm mắt, bao trọn của thị trấn Tam Đảo. Chỉ cần một chiếc điện thoại là du khách đã có những bức ảnh ấn tượng. Khoảng 9 giờ sáng, sương nhạt dần, những tòa nhà đã bắt đầu ẩn hiện, có lẽ, vào mùa đông, đây là thời khắc Tam Đảo huyền ảo nhất. Ở chốn này, những tia nắng cũng dường như trở nên yếu ớt hơn trước những đám mây, hay đó là một sự "ga lăng” tỉnh tứ. Chúng từ từ chiếu qua những làn sương dày đặc. Nắng và sương hòa quyện với nhau tạo nên những sắc cầu vồng đan xen khiến cảnh sắc càng trở nên thơ mộng.

Nằm ở độ cao trên 900 mét so với mặt nước biển nên buổi chiều, thị trấn nhỏ nhanh chóng lên đèn. Đêm xuống, nơi đây trở nên nhộn nhịp hơn, đặc biệt là các dịch vụ ăn uống. Có lẽ, những món nướng đã trở thành đặc sản của xứ núi này. Ngô nướng, gà nướng, thịt lợn nướng thực sự là những món ngon khó cưỡng. Tất nhiên, từ quán bình dân đến nhà hàng sang trọng, trong thực đơn không thể thiếu những đĩa su su xào tỏi ngon ngọt. Su su không chỉ là món ăn, mà sự hiện diện của loài dây leo này đã điểm tô thêm vẻ đẹp xanh mướt của phố núi. Sau khi ăn tối, những quán cà phê trở thành địa điểm lý tưởng để bạn bè gặp gỡ, hàn huyên. Nếu buổi sáng, những "quán cà phê tay chạm mây” là nơi được lựa chọn thì đêm xuống là lúc những quán ấm cúng ở trung tâm hút khách. Ngoài những nỗ lực trong xây dựng hạ tầng khang trang, hiện đại, phải thừa nhận rằng, đến Tam Đảo chúng tôi cũng cảm nhận được tình cảm chân thành của người dân nơi đây dành cho du khách. Mặc dù lên Tam Đảo không phải trong khoảng thời gian lý tưởng nhất, thế nhưng, mùa đông ở Tam Đảo cũng có những đặc trưng đáng để khám phá. Với con đường đang được mở rộng, dịch vụ ngày càng đa dạng, phong phú, Tam Đảo xứng đáng là điểm dừng chân đầy cuốn hút.


Viết Đào

Các tin khác


Huyện Yên Thủy phát triển du lịch gắn với điểm đến lễ hội, tâm linh

Hiện nay, sản phẩm du lịch của huyện Yên Thủy chủ yếu là du lịch lễ hội, du lịch tâm linh. Bên cạnh đảm bảo nếp sống văn minh trong hoạt động tín ngưỡng, các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương luôn chú trọng bảo tồn giá trị di tích lịch sử, văn hoá và lễ hội gắn với khai thác thế mạnh du lịch.

Doanh nghiệp du lịch mong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài để tăng doanh thu

Theo các doanh nghiệp lữ hành, kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay được các Bộ, ngành đề xuất hoán đổi ngày làm việc để kéo dài thành 5 ngày nghỉ sẽ là dịp để doanh nghiệp lữ hành, các điểm vui chơi thu hút khách du lịch, tăng doanh thu.

Định vị thương hiệu du lịch Việt Nam trên trường quốc tế

Nhìn lại tiến trình phát triển của nền du lịch quốc gia, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho rằng, Việt Nam ghi nhận mức phục hồi mạnh mẽ của ngành này khi đạt được mức tăng trưởng tiệm cận với kết quả năm 2019. Song cho dù lấy lại được sức phát triển trước dịch Covid-19, du lịch nước ta đã tụt hậu đến 5 năm so với thực tế. Vì thế, trước sự cạnh tranh của nhiều thị trường lớn của thế giới, cũng như các nước láng giềng, du lịch Việt cần nỗ lực hơn nữa để bứt phá và định vị thương hiệu trên trường quốc tế.

Kích cầu du lịch từ dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Còn khoảng ba tuần nữa mới đến kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhưng thị trường du lịch đã khá sôi động. Ðây được xem là thời điểm "vàng” để doanh nghiệp lữ hành khởi động mùa cao điểm du lịch hè.

Bảo vệ vịnh Nha Trang để phát triển du lịch bền vững

Thành phố Nha Trang, thủ phủ của tỉnh Khánh Hòa đang trong dịp kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển (1924 - 2024).

Ẩm thực giúp quảng bá, giới thiệu điểm đến và giữ chân du khách lâu hơn

Theo các chuyên gia du lịch, ẩm thực là một phần không thể thiếu của ngành du lịch, bởi nó góp phần quảng bá, níu giữ du khách thông qua sự độc đáo của từng món ăn, hương vị mang tính đặc trưng mỗi vùng miền.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục