(HBĐT) - Bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu (Sơn La) được mệnh danh là "Đà Lạt của Tây Bắc” có sức hút lớn đối với du khách trong và ngoài nước. Nơi đây có khí hậu cao nguyên trong lành, mát mẻ với khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, hữu tình. Bản Áng còn lưu giữ được những nét độc đáo trong bản sắc văn hóa truyền thống kết hợp với sự sáng tạo của đồng bào Thái trong làm du lịch cộng đồng homestay đã tạo cho nơi đây sức hấp dẫn riêng.



Lễ hội Hết Chá được tổ chức hàng năm tại rừng thông bản áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu (Sơn La).

Từ thị trấn Mộc Châu, theo quốc lộ 43 khoảng 2 km về phía nam sẽ đến bản Áng. Nhìn từ trên cao, bản Áng đẹp như bức tranh thủy mặc với những nếp nhà sàn truyền thống nằm thấp thoáng, ẩn hiện dưới bạt ngàn tán lá xanh tươi. Cạnh bản là hồ nước tự nhiên được bao quanh bởi rừng thông. Phía xa xa, khung cảnh cao nguyên Mộc Châu với những đồi chè, đồng cỏ xanh mướt tô điểm cho bản áng thêm lung linh, thơ mộng. Điều đặc biệt khiến nhiều du khách không khỏi ngỡ ngàng là sự thay đổi cảnh quan trong ngày của hồ bản áng. Hồ như tấm gương phản chiếu đủ bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Sáng sớm, mặt hồ được bao phủ bởi màn sương sớm mỏng tinh khôi. Buổi trưa, khi mặt trời lên cao, nắng rực rỡ màu vàng chói chang.

Chiều buông xuống, sương phủ mặt hồ mơ màng se lạnh như mùa thu. Đêm về, sương huyền ảo tĩnh mịch như bóng đêm bí ẩn trong những ngày đông buồn.

Với những tiềm năng sẵn có, từ năm 2009, thực hiện chủ trương đa dạng hóa các loại hình du lịch với sự hỗ trợ của Sở VH - TT&DL tỉnh Sơn La, bản Áng bắt đầu làm quen với du lịch cộng đồng homestay.

Chị Trần Minh Trang, du khách đến từ Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: Đến bản Áng, tôi được trải nghiệm ở nhà sàn, nằm đệm bông gạo, lên đồi hái chè, xuống suối bắt cá…Ngoài ra, tôi cùng bạn bè thỏa thích khám phá khung cảnh núi rừng Tây Bắc, đặc biệt là cưỡi ngựa dạo chơi rừng thông và thưởng thức các món đặc sản địa phương như: rượu cần, cơm lam, cá nướng, bê chao, xôi tình yêu, các món từ rau rừng... Khi màn đêm buông xuống, trong men say của chum rượu cần, chúng tôi được cùng nắm tay trong vòng xòe bên bập bùng lửa trại giữa rừng thông thơ mộng. Tiếng trống rộn ràng, tiếng khèn, những bài dân ca trữ tình đã tạo sức hấp dẫn diệu kỳ đối với du khách.

Bản Áng vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống với những điệu xòe thôi thúc mời gọi, những làn điệu dân ca cổ, các lễ hội "Mừng cơm mới” "Hết Chá”... Khi hoa ban nở trắng núi rừng Tây Bắc, chùm hoa mạ nở vàng, đồng bào lại tổ chức lễ hội "Hết Chá” diễn ra thường niên từ 23 - 26/3 âm lịch. Theo truyền thống, các nghi lễ trong lễ hội sẽ do các cá nhân, hộ gia đình có điều kiện luân phiên đứng ra tổ chức với sự tham gia của cộng đồng làng bản. Buổi lễ được bắt đầu bằng lời tuyên bố của ông chủ tế. Khi mọi thứ đã ổn định, 3 thầy mo sẽ khấn mời thầy mo về dự lễ. Lễ hội "Hết Chá” là hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng sâu sắc, có ý thức gắn kết cộng đồng cùng nhau tự tin bước vào mùa vụ mới; đoàn kết làng bản trước mùa xuân sang, mùa của vạn vật cỏ cây đâm chồi nảy lộc, mùa của hoa ban nở trắng rừng, mùa của tình yêu đôi lứa. Đây cũng là ngày lễ tạ ơn đất trời, tạ ơn sinh thành, giáo dưỡng, cầu chúc cho vạn vật hòa hợp, sinh sôi nảy nở, cuộc sống an lành.

Bản Áng còn lưu giữ nhiều nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm. Đôi bàn tay khéo léo của các cô gái Thái xinh đẹp, cần cù dệt nên những sản phẩm thổ cẩm rực rỡ sắc màu, hoa văn tinh tế, đa dạng, nhiều màu sắc. Ngày nay, nghề dệt được đầu tư phát triển hình thành làng nghề truyền thống gắn với du lịch. Các sản phẩm như chiếc khăn piêu, áo cóm, túi xách… đã tạo được thương hiệu sản phẩm thổ cẩm Đông Sang.

Vẻ đẹp thơ mộng, hữu tình, những nét văn hóa truyền thống của người Thái kết hợp với sự sáng tạo trong cách làm du lịch homestay đã tạo nên sức hấp dẫn của bản áng đối với du khách. Huyện Mộc Châu đang kêu gọi và có những chính sách khuyến khích các nhà đầu tư để phát triển du lịch. Trong tương lai, khu du lịch bản Áng sẽ hấp dẫn, thu hút nhiều khách du lịch hơn nữa.

 

Thu Thủy


Các tin khác


Doanh nghiệp du lịch mong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài để tăng doanh thu

Theo các doanh nghiệp lữ hành, kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay được các Bộ, ngành đề xuất hoán đổi ngày làm việc để kéo dài thành 5 ngày nghỉ sẽ là dịp để doanh nghiệp lữ hành, các điểm vui chơi thu hút khách du lịch, tăng doanh thu.

Định vị thương hiệu du lịch Việt Nam trên trường quốc tế

Nhìn lại tiến trình phát triển của nền du lịch quốc gia, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho rằng, Việt Nam ghi nhận mức phục hồi mạnh mẽ của ngành này khi đạt được mức tăng trưởng tiệm cận với kết quả năm 2019. Song cho dù lấy lại được sức phát triển trước dịch Covid-19, du lịch nước ta đã tụt hậu đến 5 năm so với thực tế. Vì thế, trước sự cạnh tranh của nhiều thị trường lớn của thế giới, cũng như các nước láng giềng, du lịch Việt cần nỗ lực hơn nữa để bứt phá và định vị thương hiệu trên trường quốc tế.

Kích cầu du lịch từ dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Còn khoảng ba tuần nữa mới đến kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhưng thị trường du lịch đã khá sôi động. Ðây được xem là thời điểm "vàng” để doanh nghiệp lữ hành khởi động mùa cao điểm du lịch hè.

Bảo vệ vịnh Nha Trang để phát triển du lịch bền vững

Thành phố Nha Trang, thủ phủ của tỉnh Khánh Hòa đang trong dịp kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển (1924 - 2024).

Ẩm thực giúp quảng bá, giới thiệu điểm đến và giữ chân du khách lâu hơn

Theo các chuyên gia du lịch, ẩm thực là một phần không thể thiếu của ngành du lịch, bởi nó góp phần quảng bá, níu giữ du khách thông qua sự độc đáo của từng món ăn, hương vị mang tính đặc trưng mỗi vùng miền.

Du lịch Hòa Bình thu hút khách quốc tế

Những tháng đầu năm 2024, du khách nội địa và du khách đến từ nhiều quốc gia tấp nập tham quan, khám phá các điểm đến du lịch Hoà Bình. Đáng chú ý, một số khu, điểm du lịch thuộc huyện Mai Châu, Đà Bắc, Lương Sơn đón lượng khách quốc tế tăng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục