(HBĐT) - Sử sách ghi lại, 2 cây lim hơn 700 tuổi ở phường Quảng Yên, thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) là chứng tích còn lại trong khu rừng được quân, dân nhà Trần chặt làm cọc trên sông Bạch Đằng làm nên chiến thắng oanh liệt, đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông trong trận chiến ngày 8/3 năm Mậu Tý 1288. Hai cây lim cổ thụ cùng các địa danh như bến Rừng, chợ Rừng... nằm trong quần thể khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng được xếp hạng khu di tích quốc gia đặc biệt.



Hai cây lim cổ thụ nằm trong quần thể di tích chiến thắng Bạch Đằng ở thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) được xếp hạng khu di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia.

Nếu không phải là vì cơ duyên, chắc hẳn chúng tôi cũng không đến được nơi có hai cây lim cổ thụ còn sót lại từ cánh rừng lim cổ thụ thời nhà Trần đánh giặc Nguyên Mông năm 1288 và có thể xa hơn nữa, từ thời Ngô Quyền, Lê Hoàn - chứng tích huyền thoại bên dòng Bạch Đằng giang. Trong bữa cơm mặn mòi vị biển, nồng ấm chân tình của vợ chồng anh Cảnh, chị Khanh - những người bạn ở vùng đất Quảng Yên, chúng tôi được nghe kể nhiều về vùng đất còn in đậm màu huyền sử này. Như địa danh chợ Rừng, bến Rừng, giếng Rừng, đền Vua Bà. Đặc biệt là bãi cọc Yên Giang trận địa xưa trên dòng Bạch Đằng lịch sử. Nơi mà cách đây 732 năm, ngày 8/3 năm Mậu Tý 1288, quân và dân nhà Trần dưới sự chỉ huy của Trần Hưng Đạo đã nhấn chìm 600 chiến thuyền, tiêu diệt và bắt sống 40.000 quân Nguyên Mông.

Kể từ khi con đường cao tốc ven biển nối Hải Phòng - Quảng Ninh được thông tuyến thì đường về thị xã Quảng Yên nhanh hơn trước rất nhiều. Từ đường cao tốc vào đến trung tâm thị xã Quảng Yên cũng không còn xa. Đó là lợi thế để nhiều người về với Quảng Yên, thăm lại chiến địa xưa của quân và dân nhà Trần trên dòng Bạch Đằng giang với chiến công huyền thoại. Nơi ấy, còn đó những bãi cọc gỗ lim như một chứng tích nghìn năm chống giặc phương Bắc gìn giữ quê hương, bảo vệ bờ cõi đất Việt.

Theo các bô lão, vùng đất Yên Giang xưa là nơi diễn ra nhiều cuộc chiến của quân và dân nhà Trần. Những bãi cọc được phát lộ chỉ là số ít những bãi cọc đã làm nên chiến thắng lẫy lừng cách đây hơn 700 năm. Khi xưa, gắn liền với dòng Bạch Đằng giang huyền thoại còn có một địa danh là làng Rừng. Làng Rừng có rất nhiều cây cổ thụ, trong đó, cây lim là chủ đạo với cả một cánh rừng rộng lớn chỉ toàn những cây lim thân cường rắn chắc, thẳng vút lên trời. Để chuẩn bị cho chiến địa trên sông Bạch Đằng, cây cổ thụ được quân, dân đốn hạ làm cọc nhọn cắm sâu xuống lòng sông chắn quân thù. "Không còn rừng nhưng vẫn còn đó những địa danh như phà Rừng, chợ Rừng, giếng Rừng... Đặc biệt là vẫn còn 2 cây lim cổ thụ như một chứng tích về chiến công huyền thoại của quân và dân nước Việt chống kẻ thù xâm lược”- anh Cảnh tự hào.

Dòng chảy thời gian đã qua hơn 700 năm nhưng huyền thoại về những con người, những địa danh vẫn còn lưu giữ đến tận ngày nay. Vùng đất địa linh nhân kiệt này đã sản sinh ra những con người gắn liền với những chiến công hiển hách. Trong số đó phải kể đến Vua Bà. Vốn là người phụ nữ bán nước ven sông bên bến phà Rừng xưa. Bà chủ quán là người nắm chắc lịch triều, địa thế lòng sông, lúc nào nước lên, lúc nào nước xuống, chỗ nào có ghềnh đá, đoạn sông nào nước sâu. Chính bà đã giải thích cho vị Quốc Công tiết chế Trần Hưng Đạo hiểu và nắm chắc lịch con nước. Không những thế, bà còn hiến kế "trại An Hưng có nhiều cỏ cây dễ cháy, hãy làm bè mảng mà thiêu đốt thuyền giặc”. Nhờ đó, Trần Hưng Đạo đã bày binh bố trận, cắm cọc nơi hiểm yếu kết hợp với dải đá ngầm ghềnh Cốc và ghềnh sông Chanh đánh tan vạn quân xâm lược hung tàn chỉ trong một ngày. Sau chiến thắng, Trần Hưng Đạo quay lại bến đò Rừng tìm bà hàng nước để tạ ơn, nhưng không thấy bà đâu mà chỉ thấy một đống mối to đùn lên nơi bà ngồi hàng ngày. Cảm kích trước công ơn, Trần Hưng Đạo đã xin vua Trần sắc phong bà là Vua Bà rồi lập miếu thờ. Miếu ấy nay vẫn còn và được người dân gọi là miếu Vua Bà.

Tất cả đã dần trôi về phía xa xăm. Bạch Đằng giang hôm nay êm ả khúc hát ru yên bình. Làng Rừng xưa nay là phố phường sầm uất. Nhưng những địa danh gắn với lịch sử oai hùng của cha ông vẫn còn mãi. Ðến thăm bãi cọc Bạch Ðằng, các di tích gắn liền với chiến thắng Bạch Ðằng như đền thờ Trần Hưng Ðạo, miếu Vua Bà và tận mắt ngắm nhìn hai cây lim cổ thụ, chúng tôi thấy bóng dáng người xưa dường như còn đâu đây...


Vũ Phong


Các tin khác


Doanh nghiệp du lịch mong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài để tăng doanh thu

Theo các doanh nghiệp lữ hành, kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay được các Bộ, ngành đề xuất hoán đổi ngày làm việc để kéo dài thành 5 ngày nghỉ sẽ là dịp để doanh nghiệp lữ hành, các điểm vui chơi thu hút khách du lịch, tăng doanh thu.

Định vị thương hiệu du lịch Việt Nam trên trường quốc tế

Nhìn lại tiến trình phát triển của nền du lịch quốc gia, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho rằng, Việt Nam ghi nhận mức phục hồi mạnh mẽ của ngành này khi đạt được mức tăng trưởng tiệm cận với kết quả năm 2019. Song cho dù lấy lại được sức phát triển trước dịch Covid-19, du lịch nước ta đã tụt hậu đến 5 năm so với thực tế. Vì thế, trước sự cạnh tranh của nhiều thị trường lớn của thế giới, cũng như các nước láng giềng, du lịch Việt cần nỗ lực hơn nữa để bứt phá và định vị thương hiệu trên trường quốc tế.

Kích cầu du lịch từ dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Còn khoảng ba tuần nữa mới đến kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhưng thị trường du lịch đã khá sôi động. Ðây được xem là thời điểm "vàng” để doanh nghiệp lữ hành khởi động mùa cao điểm du lịch hè.

Bảo vệ vịnh Nha Trang để phát triển du lịch bền vững

Thành phố Nha Trang, thủ phủ của tỉnh Khánh Hòa đang trong dịp kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển (1924 - 2024).

Ẩm thực giúp quảng bá, giới thiệu điểm đến và giữ chân du khách lâu hơn

Theo các chuyên gia du lịch, ẩm thực là một phần không thể thiếu của ngành du lịch, bởi nó góp phần quảng bá, níu giữ du khách thông qua sự độc đáo của từng món ăn, hương vị mang tính đặc trưng mỗi vùng miền.

Du lịch Hòa Bình thu hút khách quốc tế

Những tháng đầu năm 2024, du khách nội địa và du khách đến từ nhiều quốc gia tấp nập tham quan, khám phá các điểm đến du lịch Hoà Bình. Đáng chú ý, một số khu, điểm du lịch thuộc huyện Mai Châu, Đà Bắc, Lương Sơn đón lượng khách quốc tế tăng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục