Chỉ tay về hướng rừng đước ngút ngàn ở đất mũi Cà Mau (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), hướng dẫn viên Trương Tín chia sẻ: "Dẫn bao đoàn khách vào thăm rừng, mà mỗi lần em lại có cảm giác mới và sức hấp dẫn khác nhau. Qua những kênh, rạch chằng chịt xuyên rừng, chúng ta có thể đến tận bãi bồi, nơi tận cùng đất rừng Cà Mau, trước khi gặp biển”. Để khám phá rừng quốc gia Cà Mau có thể chọn 1 trong 4 tuyến: Tham quan rừng ngập mặn, bãi bồi; khám phá giếng trời, rừng nguyên sinh; tham quan diễn thể rừng tự nhiên, cồn ông Trang; tham quan bãi bồi ven biển Đông, rừng ngập mặn, bãi bồi ven biển Tây…
Một góc rừng đước Cà Mau tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.
Tài công lái tắc-ráng Văn Trương có khuôn mặt rám nắng, tươi cười ngồi vị trí lái để sẵn sàng cho cuộc ngao du. Anh kể: "Bến này có khoảng 15 - 20 chiếc chở khách, rất hiếm đoàn không tham gia "tour” này nên chúng em cũng có nhiều việc để làm và thấy vui khi được phục vụ đoàn”. Là người từng có nhiều năm làm nghề, nên anh dễ dàng điều kiển để chiếc "phi thuyền” nhỏ bay, lướt trên con kênh quê nhà. Nắng vàng, gió mát rười rượi và bao cảnh vật hiện ra trước mắt: những dãy nhà lợp tôn sát mép kênh, chiếc tắc-ráng dường như bị "lạc” bởi ngút ngàn rừng đước vì nhìn xung quanh chỉ là rừng đước ken dày, tầng tầng lớp lớp vươn cao xanh mát. Những chùm rễ đước to khỏe, từng chùm tỏa xuống, bám vào đất. Đứng dưới gốc cây cũng khó nhìn thấy mây trời. Một du khách liên tưởng: "Rừng là bạn của du kích, bộ đội trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Vào thăm rừng mới thấm câu "Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Luồn lách qua bao cánh rừng trong tiếng sóng nước dạt dào, đoàn cũng đã đến bãi bồi - nơi có trạm dừng nghỉ, điểm ngoài cùng nhất để dẫn ra biển xa…
Chỉ tay về những khoảng rừng xa, hướng dẫn viên tiếp lời: "Chúng ta mới ở một góc nhỏ của Vườn Quốc gia mũi Cà Mau với cánh rừng ngập mặn lớn nhất Việt Nam và được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới”. Mùi vị biển cả, mùi phù sa mặn nồng từ bãi bồi thấm vào từng làn gió. Phía con nước kia có những con ba khía, cá thòi lòi, cua nhỏ bò ngang dọc, lẩn khuất sau chùm rễ đước, dưới tầng phù sa bồi lắng…
Thảm thực vật ở rừng ngập mặn Cà Mau khá đa dạng với 27 loài chịu phèn, chịu mặn tốt như tràm, mắm, vẹt, bần, chà là… nhưng phổ biến nhất và diện tích lớn nhất chính là cây đước. Đước là cây thân gỗ mọc thẳng, tròn với đường kính 30 - 45cm, chiều cao trung bình 20 - 35m. Cây đước là loài thực vật quan trọng trong việc phòng hộ, phục hồi các rừng ven biển ở Cà Mau; bảo vệ vùng bờ biển khỏi tình trạng xâm thực mặn, đồng thời là "vệ sĩ bờ biển” chắn gió bão. Rừng ngập mặn của tỉnh Cà Mau có 63.000 ha, trong đó riêng rừng quốc gia mũi Cà Mau, cây đước có đến 15.000 ha. Cũng vì thế, rừng đước là cái "nôi”, "ngôi nhà” lý tưởng để các thủy sản có giá trị kinh tế cao trú ngụ, sinh sôi như cua, tôm, vọp, ba khía, cá thòi lòi…, góp phần làm nên thương hiệu tôm, cua Cà Mau… Đến nơi này, càng hiểu thêm câu nói "đất biết nở, rừng biết đi và biển sinh sôi”.
Không giấu nổi niềm vui khi có cuộc "lướt sóng” giữa rừng đước Cà Mau, chị Ngọc Hương từ thành phố Hà Nội trải lòng: "Đúng là bốn bề xanh mát: trời xanh, nước xanh, rừng xanh. Rất xúc động khi được đứng trước bãi bồi tận cùng của đất nước, được cảm nhận gió biển và màu xanh sinh sôi ở đất Mũi. Những clip, bức ảnh tôi quay, chụp được sẽ là "món quà” để mời gọi bạn bè của tôi hãy đến Đất Mũi Cà Mau để khám phá và trải nghiệm.”
Khung thời gian cho "tour” du lịch này không nhiều, nhưng chiếc tắc-ráng cũng đã kịp chạy chừng hơn 10 km để đưa nhóm du khách "lướt” qua các kênh Rạch Mũi, Lạch Vàm, Tám Thương, Ba Màng và qua Trạm kiểm soát Bãi Bồi, đi Bàu Nhỏ… để mọi người được "lạc” giữa ngút ngàn rừng đước xanh tươi. Ai cũng cảm nhận được sức sống mạnh mẽ của cây đước cũng như nhịp sống đi lên của người dân Đất Mũi hôm nay. Lại có thêm một vùng đất, vùng rừng và vùng biển để yêu thương, mong nhớ và khao khát được trở về…
Bùi Huy
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và nhu cầu du lịch tăng cao, để ngành du lịch phát triển xứng tầm, Việt Nam cần có chính sách thị thực cởi mở, linh hoạt và thân thiện hơn.
Tạp chí Time Out của Anh vừa công bố 20 thành phố văn hóa, nghệ thuật nổi bật nhất thế giới năm 2025. Thủ đô Hà Nội xếp thứ 9 trong danh sách này và đứng đầu các điểm đến ở châu Á.
Cách trung tâm thành phố Côn Minh (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) khoảng 150 km về phía Bắc, núi tuyết Kiệu Tử (Jiaozi Snow Mountain) hiện lên như một tuyệt tác của thiên nhiên, nơi hội tụ vẻ đẹp kỳ vĩ, hoang sơ và thơ mộng quanh năm. Được mệnh danh là "ngọn núi số 1 ở Trung Bắc Vân Nam”, Kiệu Tử là điểm đến thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, đặc biệt vào mùa đông khi tuyết phủ trắng xóa.
Chiều tối 12/5, tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở thủ đô Paris của Pháp đã diễn ra Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam, với các sản phẩm tập trung vào du lịch sinh thái và bền vững gắn với mục tiêu tăng trưởng xanh, du lịch lịch sử và văn hoá, du lịch biển và các sản phẩm độc đáo mới lạ, cao cấp, phù hợp với đặc trưng của thị trường châu Âu.
Đất Hà thành nghìn năm văn hiến có nhiều nơi để đi, nhiều điểm để đến. Song mỗi độ Xuân về, hay mồng một, ngày rằm hàng tháng và ngày 3/3 Âm lịch, Phủ Tây Hồ luôn tấp nập người dân, du khách đến vãn cảnh, thư giãn, cầu bình an và may mắn.
Trong bối cảnh nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là những yếu tố quyết định sự phát triển mạnh mẽ của các quốc gia, du lịch - một trong những ngành kinh tế mũi nhọn cần được quan tâm đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển theo hướng thông minh, bền vững, góp phần tăng trưởng kinh tế đất nước.