(HBĐT) - Theo điều tra khảo sát của Cục phòng, chống HIV/AIDS, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.100-1.200 người có nguy cơ bị nhiễm HIV. Tuy nhiên, hiện nay mới có trên 800 người được phát hiện và đang điều trị tại các cơ sở y tế.


Cán bộ Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người bệnh.

 

Biết mình bị bệnh và tiếp cận với dịch vụ y tế là một trong những điểm quan trọng trong công các phòng - chống HIV/AIDS. Chủ đề tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay là "Xét nghiệm HIV sớm - Hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020”. Theo đó, 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác. Trong các mục tiêu trên, mục tiêu 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình là mục tiêu hết sức quan trọng là tiền đề để thực hiện các mục tiêu người chuẩn đoán 90% nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp.

Trong thời gian qua, một trong những thành công trong công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh là đạt tiêu chí 2, đạt 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và là 1 trong 2 tỉnh trong cả nước (ngoài Hòa Bình có tỉnh Thừa Thiên Huế) đạt được tiêu chí này. Theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh có trên 1.800 người bị nhiễm HIV/AIDS đã tử vong 900 người. Còn lại là người đã phát hiện và điều trị tại các cơ sở y tế. Hiện nay mới đạt 70% người nhiễm biết được tình trạng nhiễm HIV. Đến năm 2020, toàn tỉnh phải phấn đấu xét nghiệm khoảng 300 người.

Theo Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: Trong 3 tiêu chí thì tiêu chí người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình là tiêu chí khó nhất. Nếu làm được tiêu chí này thì các tiêu chí còn lại cũng dễ thực hiện được. Do vậy cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người nhiễm tiếp cận được các dịch vụ y tế để người bệnh bớt mặc cảm với xã hội. Trong tháng hành động, từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, xã đã tăng cường giới thiệu, quảng bá rộng rãi lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS, hiệu quả của điều trị methadone và giới thiệu chi tiết các cơ sở cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS sẵn có tại địa phương, đơn vị qua các phương tiện thông tin đại chúng bao gồm cả các dịch vụ chuyển tiếp, chuyển tuyến để mọi người dân, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương, người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS dễ dàng tiếp cận và sử dụng. Tổ chức mở rộng việc cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS như: tư vấn xét nghiệm HIV lưu động, xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng; điểm cấp phát thuốc methadone, điểm cấp phát thuốc ARV tại các trạm y tế xã. Tổ chức các hoạt động vận động đưa trẻ nhiễm HIV đến trường học chung với trẻ không nhiễm HIV và chống kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ nhiễm HIV. Tổ chức vận động các doanh nghiệp tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ủng hộ gây quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV, người sau cai, người đang được điều trị nghiện các dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Tổ chức các chương trình vận động các tổ chức, cá nhân, gia đình tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, ủng hộ gây quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV, mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV và tổ chức thăm hỏi người nhiễm hoặc nhóm người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS tại địa phương. Rà soát, chấn chỉnh, giám sát hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo tính sẵn có, tính dễ tiếp cận của các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, đặc biệt là các dịch vụ can thiệp giảm thiểu tác hại dự phòng lây nhiễm. Vận động những người tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số, tôn giáo, dòng học (già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, trưởng họ, trưởng tộc…) tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong đồng bào vùng dân tộc và miền núi.

Trong công tác truyền thông đã tiếp nhận và phân phối 1.200 tờ rơi, 1.200 cuốn sách mỏng, 380 cuốn tạp chí, đĩa CD cho người nhiễm HIV tới các xã, phường, thị trấn các cơ sở chăm sóc hỗ trợ tư vấn xét nghiệm HIV/AIDS. Tập trung công tác truyền thông đến những người có hành vi nguy cơ cao là người nghiện ma túy và gái mại dâm. Tăng cường các hoạt động truyền thông với hình thức gián tiếp, trực tiếp lồng ghép vào các cuộc họp cấp xã, phường, thị trấn, tổ dân phố, thôn, xóm, các ban, ngành, đoàn thể, thảo luận nhóm, tư vấn, thăm hộ gia đình thông qua đội ngũ tuyên truyền viên, cộng tác viên, y tế thôn bản, đoàn thanh niên, hội phụ nữ. Thành lập các nhóm tiếp cận cộng đồng đến tận xóm, bản tổ chức thăm, tư vấn trực tiếp tới cá nhân và gia đình người nhiễm, đặc biệt chú trọng tới những hộ khó khăn, bệnh nhân chuyển giai đoạn AIDS, có sổ sách ghi chép đầy đủ thông tin truyền thông, ngày, giờ tư vấn và những hoạt động khác liên quan đến buổi truyền thông, tư vấn. Rà soát và ghi chép danh sách vào sổ theo dõi tất cả những câu lạc bộ hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn xã, phường, thị trấn, tổ, xóm, những đối tượng tiêm chích ma túy, mại dâm, người đi làm ăn xa. Phối hợp cùng các câu lạc bộ phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương truyền thông lồng ghép, nói chuyện chuyên đề về HIV/AIDS cho thành viên câu lạc bộ.

Trong tháng hành động, Ban chỉ đạo phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm các cấp ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc tăng cường triển khai các hoạt động như: tổ chức các hội nghị, hội thảo về các chủ đề xét nghiệm HIV tại cộng đồng, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu 90-90-90 để hướng tới kết thúc AIDS; huy động và đảm bảo tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS đủ điều kiện để ký hợp đồng với cơ quan BHYT… Tổ chức các hội thảo chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm các mô hình có hiệu quả như: xét nghiệm HIV tại cộng đồng do cán bộ y tế và nhân viên thực hiện, mô hình trong dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS và chống kỳ thị, phân biệt đối xử, các mô hình mà người nhiễm HIV chủ động vươn lên làm chủ trong phòng, chống HIV/AIDS và giúp nhau trong cuộc sống.

Theo đồng chí Quách Văn Triều, Chi cục trưởng Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh cho biết: Điểm quan trọng nhất trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội và HIV/AIDS là công tác tuyên truyền đến người bệnh, gia đình để họ hiểu rõ về tình trạng bệnh, coi đây như là căn bệnh thông thường và cần đến cơ sở y tế điều trị. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 9 cơ sở điều trị methadone, nhiều điểm đã triển khai về tuyến xã như xã Pà Cò, Vạn Mai (Mai Châu)… Các hoạt động điều trị và cấp phát thuốc ARV được duy trì hoạt động thường xuyên tại huyện Lương Sơn và Kim Bôi. Các cấp ngành mở rộng hơn nữa các cơ sở điều trị, cấp phát thuốc methadone và ARV. Để công tác phòng, chống tệ nạn xã hội và HIV/AIDS thực sự hiệu quả, ngoài sự quan tâm, vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền rất cần sự ủng hộ, tham gia tích cực của cả cộng đồng.

                                                                                                                Việt Lâm

 

Người cùng cảnh ngộ là tuyên truyền viên hiệu quả nhất

Trong những năm gần đây, cộng đồng xã hội nhìn người nghiện ma túy, nhiễm HIV đã bớt kỳ thị. Tuy nhiên, những người có nguy cơ cao nhiễm HIV/AIDS vẫn còn mặc cảm với gia đình và xã hội. Rất khó để họ tự giác tiếp cận việc xét nghiệm, điều trị bệnh. Do vậy, công tác tuyên truyền, vận động là quan trọng nhất, để họ hiểu rằng đây chỉ là bệnh như các bệnh khác và cần phải được điều trị dù ở mức độ nào. Chỉ những người cùng cảnh ngộ mới hiểu, thông cảm và vận động họ tiếp cận đến các dịch vụ y tế. Họ là những tuyên truyền viên tích cực, hiệu quả nhất trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Nhiều trường hợp cán bộ y tế, chuyên trách đến tận nhà vận động đi xét nghiệm không được nhưng với những người bị nhiễm thì không khó.

 

Lâm Ngọc Tĩnh - Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS

 

Cán bộ y tế là nơi gửi gắm niềm tin cho người bệnh

Trước đây, khi vận động người có nguy cơ nhiễm HIV để xét nghiệm, chúng tôi đến từng gia đình vận động từ vợ, chồng đến con cái nhưng rất khó khăn. Thậm chí họ còn không tiếp. Tuy nhiên, với sự tận tâm tuyên tuyền giúp đỡ người bệnh, nhiều người đã bớt đi sự mặc cảm. Họ hiểu rằng những việc làm của cán bộ y tế là giúp đỡ họ điều trị bệnh. Do vậy, không chỉ đến điều trị bệnh mà còn đến để chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe, chia sẻ những buồn, vui trong cuộc sống và gửi gắm niềm tin ở nơi đây.

 

Đinh Thị Phong -Trung tâm Y tế huyện Tân Lạc

 

Tạo điều kiện tốt nhất cho người bệnh

Tôi nghiện ma túy 6 năm nay. Trước đây, tôi tham gia sử dụng methadone tại Trung tâm Y tế dự phòng huyện Mai Châu. Hàng ngày đi hơn 30 km đến trung tâm để dùng thuốc. Do đường xa nên mỗi lần đi mất gần nửa ngày và việc sử dụng thuốc không được thường xuyên.

Từ năm ngoái, được Nhà nước hỗ trợ thành lập cơ sở cấp phát thuốc ở xã Vạn Mai, tôi đã chuyển về đây dùng thuốc. Việc đi lại sử dụng thuốc được thường xuyên hơn và giảm thời gian, chi phí đi lại. Không chỉ có tôi mà nhiều người khác ở những nơi gần xã Vạn Mai cũng có điều kiện tiếp cận thuốc methadone thuận lợi. Tôi mong muốn các cấp chính quyền tạo điều kiện mở rộng về đến từng xã để giảm chi phí cho người nghiện, gia đình và xã hội.

 

Hà Văn T. Người nghiện ma túy ở xã Bao La (Mai Châu)

 


 


Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục