(HBĐT) - Theo số liệu thống kê của Sở GD&ĐT, tính đến cuối năm 2017, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp ở lứa tuổi từ 4 - 6 tuổi trên địa bàn toàn tỉnh đạt 96,5%. Tuy nhiên, tỉ lệ huy động trẻ ra lớp ở lứa tuổi từ 0 - 3 tuổi, bao gồm cả các cơ sở mầm non công lập và tư thục chỉ đạt 38,6% trẻ trong độ tuổi.

 


Đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT (đứng giữa áo xanh) thăm và làm việc tại trường mầm non tư thục Sao Mai (phường Phương Lâm, thành phố Hòa Bình).


Cơ sở mầm non tư thục Ánh Sao (phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình) đầu tư cơ sở vật chất khang trang, sạch, đẹp đáp ứng tốt nhu cầu nuôi dạy trẻ.

Như vậy, hơn 60% trẻ từ 0 - 3 tuổi trên địa bàn toàn tỉnh đang được trông giữ tại các điểm trông trẻ nhỏ lẻ, tự phát, không phép (có quy mô dưới 10 cháu) hoặc do ông bà, người thân, hàng xóm trông giữ. Trước thực tế thời gian gần đây xuất hiện tình trạng bạo hành trẻ ở các cơ sở mầm non tại một số tỉnh, thành phố, phụ huynh tỉnh ta cũng có nhiều băn khoăn, lo lắng cho sự an toàn của con em mình.

Cơ sở vật chất ngành giáo dục chưa đáp ứng nhu cầu gửi trẻ

Đó là thực tế khiến ngành GD&ĐT trăn trở nhiều năm nay. Đồng chí Trần Thị Bắc, Trưởng phòng giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT cho biết: Việc huy động trẻ mầm non ra lớp đúng độ tuổi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của bậc học mầm non. Song, thực tế, hiện nay cơ sở vật chất, quy mô các trường mầm non công lập chưa đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh. Do đó, ngành buộc phải tuyển sinh theo hướng ưu tiên đảm bảo 100% trẻ 5 tuổi đến trường, sau đó đến 4 tuổi, 3 tuổi… Vì vậy, hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo ra lớp đạt 96,5% nhưng ở lứa tuổi nhà trẻ mới đạt 38,6%. Ngành GD&ĐT đã và đang nỗ lực thực hiện mục tiêu mỗi năm tăng 1% tỉ lệ huy động trẻ lứa tuổi nhà trẻ đến trường. Tuy nhiên, do thiếu phòng học và kinh phí xây dựng, sửa chữa trường lớp; thiếu quỹ đất xây dựng trường ở các khu vực đông dân cư… nên số học phòng mầm non hàng năm tăng chưa tương xứng với nhu cầu thực tế. Vấn đề càng trở nên bức thiết hơn ở các địa bàn đông dân cư như TP Hòa Bình, huyện Lương Sơn…

Là trung tâm của tỉnh, TP Hòa Bình tập trung đông dân, nhiều cơ quan, doanh nghiệp, nhà máy… nên số lượng trẻ từ 0 - 6 tuổi hiện nay trên toàn TP đã tăng lên hơn 9.600 trẻ. Riêng trẻ ở lứa tuổi từ 0 - 3 tuổi gần 3.400 cháu nhưng các cơ sở mầm non công lập trên chỉ đáp ứng được việc trông giữ, chăm sóc cho gần 700 cháu (tức chỉ đáp ứng được khoảng 20% số trẻ trong độ tuổi 0 - 3 tuổi). Còn lại phụ huynh phải gửi trẻ vào các trường mầm non tư thục, cơ sở mầm non tư thục…

Đặc biệt, theo số liệu thống kê của phòng GD&ĐT thành phố, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, xu hướng trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo trên địa bàn thành phố tăng nhanh; tổng số trẻ mầm non năm 2016 bằng 1,5 lần số trẻ mầm non năm 2005. Vì thế mà số trẻ nhà trẻ/lớp cũng tăng nhanh từ gần 15 cháu/lớp năm 2005 lên 20 cháu/lớp hiện nay. Đây là áp lực rất lớn đối với ngành GD&ĐT.

Tình trạng trên cũng diễn ra tại huyện Lương Sơn khi Khu công nghiệp Lương Sơn với diện tích hơn 86 ha đang có hơn 12.000 công nhân làm việc, trong đó chủ yếu là công nhân nữ, ở lứa tuổi sinh đẻ. Cơ sở vật chất bậc mầm non không thể đáp ứng được khi số lượng trẻ ở lứa tuổi từ 0 – 6 tăng nhanh trong vài năm trở lại đây. Vì vậy mà hiện nay, tỷ lệ huy động trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo trên địa bàn huyện ra lớp chỉ đạt xấp xỉ 90%, tỷ lệ huy động trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ chỉ đạt trên 30%.

Nở rộ mầm non tư thục

Có "cầu”, ắt có "cung”, việc gửi con để đi làm là vô cùng cần thiết, cấp thiết đối với các cặp vợ chồng trẻ đang trong độ tuổi lao động. Khi cơ sở mầm non công lập không đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ thì khoảng từ năm 2010 trên địa bàn tỉnh xuất hiện các trường mầm non tư thục đầu tiên. Hiện nay, toàn tỉnh có 5 trường mầm non tư thục (thành phố Hòa Bình: 3, Tân Lạc: 1, Lạc Sơn: 1) và 41 cơ sở trông giữ trẻ được cấp phép (có quy mô từ 10 đến 50 cháu/cơ sở) và hàng nghìn điểm nhỏ lẻ trông giữ trẻ từ 1 – 10 cháu/điểm. Các trường mầm non tư thục, cơ sở mầm non tư thục được thành lập đáp ứng được yêu cầu của phụ huynh về chất lượng chăm sóc trẻ, việc học năng khiếu theo yêu cầu, trông giữ trẻ ngày cuối tuần và ngoài giờ…hoặc tối thiểu nhất là có chỗ để phụ huynh gửi trẻ.

Theo các quy định hiện hành, việc thành lập cơ sở trông giữ trẻ tư thục, trường mầm non tư thục phải đảm bảo một số yêu cầu nghiêm ngặt, chặt chẽ, đúng quy trình. Về vấn đề này, đồng chí Trần Thị Bắc, Trưởng phòng giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT cho biết: "Một cơ sở mầm non tư thục muốn được cấp phép thành lập thì phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về diện tích phòng học, sân chơi, có nhà vệ sinh khép kín đạt yêu cầu, trang thiết bị đồ dùng dạy học, chuyên môn của người quản lý, chuyên môn của giáo viên…phải xây dựng đề án thành lập cơ sở, có đầy đủ các phương án, kế hoạch chăm sóc, nuôi dạy trẻ, đảm bảo lương và chế độ chính sách cho người lao động…Đề án sẽ được xã, phường, thị trấn nơi sở tại và Phòng GD&ĐT cấp huyện, thành phố xem xét, thẩm định; UBND cấp xã, phường, thị trấn cấp phép hoạt động. Với trường mầm non tư thục phải có ít nhất từ 3 nhóm lớp trở lên, trên 50 cháu và do UBND huyện, thành phố cấp phép hoạt động. Như vậy, việc cấp phép hoạt động các cơ sở mầm non tư thục, trường mầm non tư thục được thực hiện khá chặt chẽ. Hàng năm, ngành GD&ĐT thường xuyên hoặc đột xuất tiến hành kiểm tra hoạt động các cơ sở mầm non tư thục, trường mầm non tư thục.

Vai trò của các cơ sở mầm non tư thục, trường mầm non tư thục hiện nay rất cần thiết. Cụ thể như thành phố Hòa Bình, năm học 2017 – 2018, các cơ sở mầm non tư thục, trường mầm non tư thục trông giữ, chăm sóc khoảng gần 1.700 trẻ (bằng 1/3 tổng số trẻ trong các trường mầm non công lập).

Nỗi lo mang tên "mầm non tư thục” và "cơ sở trông giữ trẻ mầm non không phép”

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, kết quả kiểm tra tại các cơ sở mầm non tư thục cho thấy, lỗi thường gặp là: diện tích khuôn viên một số cơ sở mầm non tư thục không đảm bảo do tăng số trẻ so với đề án ban đầu; đồ chơi không phong phú, không đủ chủng loại nên chưa thực sự đáp ứng tốt nhu cầu học tập, vui chơi của trẻ, đặc biệt là đội ngũ giáo viên không ổn định.

Chia sẻ với chúng tôi về việc gửi con tại cơ sở mầm non tư thục, chị Hoàng Thị Thảo (phường Phương Lâm, thành phố Hòa Bình) cho biết: Con tôi gần 2 tuổi. Gia đình phải gửi cháu vào cơ sở mầm non tư thục. Tuy các điều kiện của cơ sở tư thục không được như công lập nhưng chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác. Hàng tháng, cơ sở mầm non tư thục phải đóng khoảng 600 – 1 triệu đồng tiền học phí/tháng; trường mầm non tư thục học phí phải từ 1,2 triệu – 2 triệu đồng/tháng. Đây là số tiền không nhỏ đối với gia đình cán bộ, công nhân như chúng tôi. Ngoài ra, gửi con ở trường tư thục, cháu thiệt thòi hơn các bạn học công lập vì cơ sở vật chất các cơ sở mầm non tư thục hiện nay khá hạn chế, chủ yếu là chăm sóc chứ giáo dục chưa thực sự được chú trọng. Đặc biệt là thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều các vụ bạo hành, đánh đập trẻ mầm non tại cơ sở mầm non tư thục, mầm non công lập nên chúng tôi rất lo lắng.

Thực tế cho thấy, giáo viên tại các cơ sở mầm non tư thục chủ yếu đã về hưu hoặc sinh viên mới tốt nghiệp các trường sư phạm, chưa có kinh nghiệm. Đội ngũ giáo viên này không ổn định, thường xuyên thay đổi nên ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chăm sóc, giáo dục trẻ. Đây cũng là vấn đề khiến phụ huynh lo ngại nhất.

Trao đổi về những vấn đề có thể phát sinh trong hoạt động của cơ cở mầm non tư thục trên địa bàn tỉnh, đồng chí Trần Thị Bắc, Trưởng phòng giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT cho biết: Qua kiểm tra nhiều năm nay tại các cơ sở mầm non tư thục, chúng tôi chưa phát hiện trường hợp bạo hành trẻ nào. Tuy nhiên, chúng tôi luôn chú trọng, thường xuyên cũng như định kỳ kiểm tra để kịp thời nhắc nhở, uốn nắn sai phạm, cố gắng không để xảy ra các vụ việc đáng tiếc liên quan đến trẻ mầm non. Hiện nay, chúng tôi lo ngại nhất là các vấn đề có thể phát sinh tại cơ sở trông giữ trẻ không phép, lỏ nhẻ có quy mô dưới 10 cháu trong các khu dân cư. Do đó, trong khi cơ sở vật chất ngành giáo dục chưa đáp ứng được thì phụ huynh cần xem xét, tìm hiểu kỹ trước khi gửi trẻ tại các cơ sở mầm non tư thực.


Dương Liễu

Khuyến khích phát triển cơ sở trường mầm non tư thục hoạt động đúng quy định

Trần Văn An Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Lạc

Theo khảo sát sơ bộ cho thấy, trường mầm non tư thục đáp ứng nhu cầu của một số phụ huynh có điều kiện về kinh tế và có yêu cầu riêng về việc chăm sóc, đưa đón trẻ, trông ngày nghỉ... Do đó, ngành GD&ĐT đã tích cực hướng dẫn, tạo điều kiện, hỗ trợ về chuyên môn... để trường mầm non tư thục Hoa Anh Đào (thị trấn Mường Khến, huyện Tân Lạc) được thành lập và đi vào hoạt động. Sau thành phố Hòa Bình, huyện Tân Lạc là địa phương đầu tiên đưa vào hoạt động trường mầm non tư thục.

Quan điểm của ngành là khuyến khích phát triển cơ sở mầm non tư thục, trường mầm non tư thục thành lập và hoạt động đúng quy định. Ngành sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ về chuyên môn để các trường tư thục, cơ sở mầm non tư thục...hoạt động đúng theo điều lệ, nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ. Để hạn chế các vấn đề tiêu cực có thể phát sinh trong hoạt động của cơ sở mầm non tư thục, trường mầm non tư thục thì điều quan trọng hàng đầu là phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý sai phạm. Kiên quyết ngăn ngừa không để xảy ra tình trạng bạo hành trẻ em tại các cơ sở mầm non nói chung, mầm non tư thục nói riêng.

Bổ sung việc lắp camera là tiêu chí bắt buộc khi cấp giấy phép

Nguyễn Thị Hường, Tổ 25, phường Chăm Mát, thành phố Hòa Bình

Thực tế hiện nay, cơ sở giáo dục công lập không đủ chỗ để phụ huynh gửi trẻ với những phụ huynh không có hộ khẩu ở thành phố thì việc gửi trẻ càng khó khăn. Do đó, phụ huynh buộc lòng phải gửi trẻ tại các cơ sở tư thục. Trẻ mầm non phần vì chưa nhận thức được hết, phần vì sợ cô nên không thể nói hết được với bố mẹ, người thân về việc bị cô mắng, cô đánh, thậm chí là bạo hành ở lớp. Nếu có nói, phụ huynh cũng không có căn cứ, bằng chứng để trao đổi lại với cô giáo hoặc với chủ cơ cở.

Hiện nay mới có các trường mầm non tư thục và một số cơ sở mầm non tư thục lắp camera để phụ huynh giám sát hoạt động của con em còn đa số các cơ sở mầm non quy mô nhỏ chưa có hệ thống camera. Do đó, tôi đề nghị ngành GD&ĐT, UBND các cấp cần xem xét đưa thêm việc lắp camera là tiêu chí bắt buộc khi cấp giấy phép hoạt động cho các cơ sở mầm non tư thục. Việc lắp camera phải đảm bảo không có "điểm mù” và phụ huynh được phép truy cập. Có như vậy, chúng tôi mới giám sát được hoạt động của các cơ sở mầm non tư thục và yên tâm gửi con, đồng thời phần nào hạn chế được việc bạo hành trẻ.

Trường mầm non công lập nên xã hội hóa việc trông ngoài giờ và nhận trông trẻ ngày nghỉ

Hoàng Thu Hà, Tiểu khu 4, thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn

Gửi con ở các trường công lập đa số phụ huynh cảm thấy yên tâm, hài lòng. Tuy nhiên, một trong những "điểm trừ” đối với phụ huynh phải làm ca kíp như chúng tôi đó chính là thời gian trông giữ. Trường công lập thường trả trẻ từ 16 - 17h và nghỉ ngày thứ bảy, chủ nhật, trong khi có ngày chúng tôi phải làm tăng ca, thêm giờ hoặc làm vào ngày nghỉ. Vì thế mà nhiều công nhân tuy đồng lương eo hẹp nhưng vẫn phải chọn gửi trẻ vào cơ sở tư thục, chấp nhận chi phí cao hơn công lập để đảm bảo thời gian đi làm.

Do đó, chúng tôi mong muốn ngành giáo dục xem xét có cơ chế mở để các trường mầm non công lập khảo sát nhu cầu phụ huynh, thực hiện xã hội hóa việc trông giữ trẻ ngoài giờ và ngày nghỉ. Phụ huynh chúng tôi hoàn toàn nhất trí và đồng thuận với việc sẽ đóng góp thêm kinh phí để hỗ trợ thêm giáo viên trông trẻ ngoài giờ và ngày nghỉ.

 


 


Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục