(HBĐT) - Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, có nề nếp việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở tất cả các loại hình cơ sở. Kết quả vận dụng linh hoạt phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và các quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở đã phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội; phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí.


Yên Thủy – quy chế dân chủ tạo đà trong dồn điền, đổi thửa

"Năm 2013, huyện Yên Thủy đã chỉ đạo thực hiện thí điểm dồn điền, đổi thửa (DĐ, ĐT) ở 3 xóm là Hổ 2, Trường Long, xã Ngọc Lương và xóm Ao Hay, xã Yên Trị. Sau khi thí điểm thành công đã nhanh chóng được nhân rộng ra toàn huyện. Việc DĐ, ĐT thực hiện dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và tham gia ý kiến của nhân dân. Nhờ thực hiện tốt QCDC ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân đã tạo nền tảng vững chắc cho việc DĐ, ĐT đạt hiệu quả cao”, đồng chí Quách Hương Lam, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Yên Thủy cho biết.

Trước đây, mỗi hộ có từ 3.000 - 5.000 m2 đất sản xuất nhưng chia thành 8 - 12 thửa, có hộ lên đến 30 thửa. Thửa đất phân tán, manh mún gây khó khăn trong đầu tư thâm canh, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chăm sóc và đưa cơ giới hóa vào sản xuất, gây lãng phí ngày công lao động. Cùng với đó là các tuyến đường ra đồng nhỏ hẹp, không có mương dẫn nước… Vì vậy, thực tế đòi hỏi phải quy hoạch, tổ chức lại quỹ đất, đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi, áp dụng tiến bộ KH-KT vào sản xuất.

Sau gần một năm tích cực DĐ, ĐT tại 3 xóm, huyện Yên Thủy đã vận động được 179 hộ dân tham gia thực hiện, tổng diện tích dồn đổi là 90,59 ha (xóm Trường Long 20,24 ha, xóm Hổ 2 33,59 ha và xóm Ao Hay 36,76 ha). Những năm trước, bình quân mỗi hộ có 9,21 thửa, có hộ đến 30 thửa, diện tích bình quân mỗi thửa 550 m2. Sau khi dồn đổi còn 508 thửa, bình quân mỗi hộ còn 2,84 thửa, bình quân mỗi thửa 1.783 m2. Các xóm cũng tổ chức quy hoạch lại ruộng đồng, xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi theo quy hoạch NTM.


Nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở trong xây dựng nông thôn mới, nhân dân xóm Mè, xã Tu Lý (Đà Bắc) tích cực đóng góp ngày công lao động, mở rộng đường giao thông nông thôn.

Sau 4 năm có 36 xóm thuộc 6 xã thực hiện thành công, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân. Các xóm, xã đã cơ bản khắc phục được tình trạng manh mún ruộng đất, số thửa đất nông nghiệp bình quân/hộ giảm 65%, mỗi hộ chỉ còn từ 1-3 thửa. Việc thực hiện DĐT theo nguyên tắc "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Dấu ấn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU

Thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU, ngày 17/8/2007 của BTV Tỉnh ủy "về việc tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện QCDC ở cơ sở”, các Đảng bộ trực thuộc, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức triển khai Chỉ thị đến các chi bộ, đảng viên gắn với thực hiện các văn bản của T.ư về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở. Qua đó, ý thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, lề lối, tác phong làm việc của công chức, viên chức có nhiều chuyển biến tích cực.

Phong trào thi đua "Dân vận khéo” tiếp tục được các cấp ủy, chính quyền quan tâm, chỉ đạo thực hiện bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể. Toàn tỉnh đã xây dựng được 2.079 mô hình "Dân vận khéo” trên các lĩnh vực KT-XH, QP-AN, xây dựng hệ thống chính trị giúp cấp ủy, chính quyền các cấp nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

MTTQ và các tổ chức CT-XH phát huy tối đa vai trò trong xây dựng và thực hiện QCDC thông qua việc phối hợp thông tin kịp thời đến các tầng lớp nhân dân về kế hoạch phát triển KT-XH, dự án, công trình đầu tư, phương án đền bù, hỗ trợ GPMB,… Tham gia công tác tiếp dân, rà soát hương ước, quy ước, giám sát hoạt động của chính quyền và việc xử lý đơn thư KN, TC. Đẩy mạnh giám sát việc thực hiện QCDC ở cơ sở thông qua Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng và giám sát của nhân dân. Từ năm 2014 đến nay, MTTQ và các đoàn thể đã tổ chức 27 cuộc giám sát tại các địa phương, đơn vị với các nội dung như giám sát chương trình MTQG xây dựng NTM về thực hiện QCDC và phát huy vai trò của nhân dân tham gia thực hiện; Đề án đầu tư hỗ trợ 36 thôn, bản đặc biệt khó khăn của tỉnh; đánh giá sự hài lòng của người dân với chính quyền cơ sở;…

Đánh giá kết quả xây dựng và thực hiện QCDC ở các loại hình cơ sở, đồng chí Nguyễn Thị Oanh, UV BTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: "Việc xây dựng và thực hiện QCDC ở các loại hình cơ sở như xã, phường, thị trấn; trong hoạt động của cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp; trong doanh nghiệp và lực lượng vũ trang đều đảm bảo đúng theo tinh thần chỉ đạo của T.ư, của tỉnh. Từ đó phát huy tối đa tính dân chủ, nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương. Kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh, giải đáp thắc mắc, kiến nghị của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nổi bật trong đó là việc thực hiện QCDC ở xã, phường, thị trấn theo Pháp lệnh số 34 của ủy ban Thường vụ Quốc hội thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng kể”.

Việc thực hiện QCDC ở xã, phường, thị trấn đã đi vào nề nếp, phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Các nội dung phải công khai cho nhân biết như chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; kế hoạch phát triển KT-XH; các quy định, trình tự giải quyết thủ tục hành chính, các nguồn vốn Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng,… cơ bản được thực hiện tốt, bằng nhiều hình thức như niêm yết tại trụ sở, qua hệ thống truyền thanh, các cuộc họp xóm, tiếp xúc cử tri.

Tính từ năm 2008 đến nay, chính quyền các cấp đã tiếp trên 12.000 lượt công dân, nhận và xử lý trên 11.000 đơn, thư các loại. Điểm nhấn đặc biệt trong thời gian qua là cải cách hành chính những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến phục vụ người dân. Lãnh đạo các cấp đã quan tâm thực hiện tốt việc đối thoại, tiếp dân. Cụ thể như đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; đối thoại với nhân dân 2 xã Hợp Thịnh và Hợp Thành (Kỳ Sơn)… Hiện, 100% xã, phường, thị trấn duy trì hoạt động của bộ phận nhận và trả kết quả phục vụ nhân dân.

Đa dạng giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện QCDC ở cơ sở

Thẳng thắn nhìn vào thực tế, thời gian qua, một số cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị thực hiện các nội dung về QCDC ở cơ sở còn hạn chế. Việc thể chế hoá các văn bản liên quan đến QCDC tại một số địa phương, đơn vị có lúc chưa kịp thời. Đặc biệt, vai trò kiểm tra, giám sát của Ban Thanh tra nhân dân ở các xã, phường, thị trấn, các cơ quan, doanh nghiệp chưa được phát huy tối đa hiệu quả. Việc thực hiện QCDC ở một số doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp không có vốn sở hữu của Nhà nước, doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng, công đoàn còn biểu hiện hình thức.

Để khắc phục tình trạng đó cần thực hiện có trọng tâm, trọng điểm các giải pháp tối ưu, đồng chí Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ cho biết: "Nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, các văn bản về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở phải đặt lên hàng đầu. Coi việc thực hiện là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cấp uỷ và các cơ quan, đơn vị. Gắn việc thực hiện QCDC ở các loại hình cơ sở với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị và NQT.ư 4 (khoá XII). Kịp thời củng cố, kiện toàn BCĐ thực hiện QCDC các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị. MTTQ và các tổ chức CT-XH tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; phối hợp với chính quyền nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng. Tăng cường công tác CCHC, nâng cao chất lượng hoạt động các Trung tâm hành chính công gắn với thực hiện Chỉ thị số 29 củaDDBTV Tỉnh uỷ. Đặc biệt, cần tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp uỷ Đảng và nâng cao trách nhiệm chính quyền, nhất là người đứng đầu trong thực hiện QCDC ở cơ sở. Đẩy mạnh đối thoại giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Kịp thời giải quyết KN, TC và những bức xúc trong nhân dân”.



"Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”

Để phát huy tối đa hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, trước hết phải củng cố đội ngũ cán bộ, đảng viên làm công tác dân vận có đủ trình độ, nhận thức và bản lĩnh chính trị. Vai trò của đội ngũ này phải thực sự được coi trọng trong thực hiện mọi nhiệm vụ chính trị, phát triển KT-XH, QP-AN của tỉnh. Đặc biệt cần thường xuyên nâng cao trình độ cho cán bộ làm công tác dân vận từ tỉnh đến cơ sở, nhất là ở tổ dân vận các thôn, xóm, khu dân cư. Bởi đây là lực lượng nòng cốt, sâu sát và nắm bắt nhanh nhất tình đời sống, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

"Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” là tiêu chí quan trọng mà mỗi cán bộ, đảng viên cần ghi nhớ và tích cực thực hiện để đem lại hiệu quả công tác dân vận, tạo niềm tin cho nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Theo đó, mỗi CB, ĐV phải biết lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; giải thích cho nhân dân hiểu và tiên phong, gương mẫu thực hiện để nhân dân làm theo tạo sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư.

Quách Hương Lam

Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Yên Thủy


 


Cần nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn

Thời gian qua, việc cụ thể hóa Pháp lệnh 34 ở một số cấp ủy, chính quyền cơ sở còn hạn chế nên chưa có nhận thức chưa sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, do vậy triển khai còn hình thức, đơn giản. Công tác cải cách hành chính đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn tình trạng giải quyết hồ sơ chậm trễ ; một số cán bộ tiếp dân trách nhiệm chưa cao, chưa thực sự là công bộc của dân; một số nội dung công khai chưa được thực hiện thường xuyên, định kỳ.

Thực tiễn đó đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp phải tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở xã, phường, thị trấn. Từ đó kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở, tạo niềm tin trong nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư; tạo điều kiện để doanh nghiệp và nhân dân yên tâm lao động, sản xuất, góp phần phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN, giải quyết việc làm, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Nguyễn Quang Minh

Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy

 


Quy chế dân chủ góp phần phát huy vai trò chủ thể của người dân

Thực hiện xây dựng nông thôn mới, cán bộ, nhân dân xóm Kỵ, xã Tân Lập (Lạc Sơn) được chính quyền địa phương thông báo đầy đủ về kế hoạch, chương trình thực hiện các công trình, dự án đầu tư hạ tầng nông thôn. Người dân trong xóm được tham gia bàn bạc và quyết định trực tiếp những công trình có liên quan đến quyền lợi của mình. Với những hạng mục như đường giao thông nông thôn, đường nội đồng,… việc người dân đóng góp tiền mặt, ngày công lao động, hiến đất được xã thông báo công khai trước sự chứng kiến của nhân dân.

Nhờ phát huy vai trò chủ thể của nhân dân đã góp phần tạo sự đồng lòng, nhất trí trong cộng đồng dân cư chung tay xây dựng NTM. Qua tuyên truyền, vận động, giải thích, chúng tôi hiểu được giá trị và lợi ích to lớn mà chương trình đem lại cho chính cuộc sống của mình. Từ đó, người dân nâng cao ý thức về trách nhiệm của cá nhân và gia đình trong xây dựng NTM, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước như trước đây.

Bùi Văn Thảg

Trưởng xóm Kỵ, xã Tân Lập (Lạc Sơn)

 


 

Thanh Sơn

Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục