(HBĐT) - Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, tỉnh Hoà Bình đã và đang tích cực xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp. Từ đó từng bước góp phần nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho nhân dân, hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng toàn diện, hiện đại và bền vững.

 


Mô hình nuôi ếch thương phẩm của gia đình ông Nguyễn Đức Hải, xóm Chùa, xã Thống Nhất (TP Hòa Bình)cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

 


Người dân xóm Nam Thắng, xã Nam Phong (Cao Phong) phát triển diện tích cây ăn quả có múi cho thu nhập bình quân 600 triệu đồng/ha.

 

Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

Thống Nhất là xã về đích NTM năm 2016 của TP Hòa Bình. Đồng chí Bùi Thế Đừng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Nhằm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập

cho người dân, xã đã triển khai nhiều mô hình về trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao như nuôi hươu lấy nhung, nuôi ếch, lợn bản địa, trồng sả, cây có múi... Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 32 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,5%.

Cùng với cán bộ khuyến nông xã Thống Nhất, chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình ông Nguyễn Đức Hải ở xóm Chùa. ổng Hải từ lâu được biết đến như 1 "kỹ sư” nông dân, bởi ông không học qua bất kỳ trường lớp nào về nông nghiệp mà chỉ tự học hỏi nhưng đã giúp ông thành công với rất nhiều mô hình kinh tế hiệu quả để mọi người đến học tập kinh nghiệm. Bắt đầu từ nuôi lợn nái, lợn thịt, nuôi hươu lấy nhung và giờ là nuôi ếch giống, ếch thương phẩm. Tính ra mỗi năm thu nhập bán hươu giống, nhung hươu, ếch giống và ếch thương phẩm, gia đình ông có thu nhập……….. Có kinh nghiệm và điều kiện kinh tế, ông không ngần ngại chia sẻ và hỗ trợ giống cho bà con quanh vùng. Không những thế, ông còn tích cực đóng góp cho công cuộc xây dựng NTM của địa phương.

Hiện nay, tỉnh ta có hơn 80% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn. Từ khi tái lập tỉnh đến nay, tỉnh luôn xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược quan trọng trong xây dựng và phát triển tỉnh bền vững, giàu mạnh. Nhiệm vụ phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn tỉnh ta đặt ra trong thời kỳ mới là xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Thời gian qua, các huyện, thành phố đã xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM; đã hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn theo hướng hàng hoá và xây dựng thương hiệu như: mía tím Hòa Bình, cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, cá lòng hồ sông Đà, gà đồi Lạc Sơn, dê núi Lạc Thủy...

Xác định tái cơ cấu sản xuất, trong đó ưu tiên tái cơ cấu nông nghiệp là vấn đề cốt lõi trong xây dựng NTM, UBND tỉnh đã chủ động bố trí vốn chương trình xây dựng NTM cho UBND các huyện, thành phố và Văn phòng điều phối; trong năm 2017-2018 đã hỗ trợ xây dựng 22 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với tổng kinh phí 20 tỷ đồng. Ngoài ra các huyện, thành phố huy động, lồng ghép các nguồn, dự án, chương trình 135... xây dựng gần 500 mô hình sản xuất với kinh phí khoảng 328 tỷ đồng.

Thông qua sản xuất an toàn, bền vững dựa trên tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM đã có nhiều mô hình về các giống, cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2018, giá trị sản xuất trên đất canh tác bình quân toàn tỉnh đạt 140 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, công tác dồn điền, đổi thửa đã góp phần thực hiện tốt quy hoạch, tập trung đất đai, hình thành những ô thửa lớn, tạo tiền đề phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Đến nay, toàn tỉnh có 24/191 xã hoàn thành cơ bản công tác dồn điền, đổi thửa được 3.575 ha. Một số huyện thực hiện dồn đổi tốt như: Yên Thuỷ, Lương Sơn. Riêng với những vùng trồng cây ăn quả có múi, cây nhãn ở Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Thuỷ, Kim Bôi, công tác dồn điền đổi thửa chủ yếu do nông dân tự gom đất đổi cho nhau để hình thành những thửa ruộng, khu vườn có diện tích lớn hơn, thuận lợi cho canh tác. Ngoài ra, trong 191 xã xây dựng NTM đã thành lập được 148 HTX; 173 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy lợi.

… gắn với xây dựng nông thôn mới

Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Tiệp cho biết, Mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp được gắn với đẩy mạnh Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trong nội dung tái cơ cấu ngành nông nghiệp vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay, các địa phương đã sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng trên cùng một đơn vị diện tích.

Những thành tựu về phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng NTM đã tạo nên sự thay đổi sâu sắc, cơ bản, toàn diện về chính trị, KT-XH, chất lượng của cuộc sống và môi trường ở khu vực nông thôn. Đời sống vật chất, tinh thần nông dân nhìn chung được cải thiện rõ rệt, nhiều vùng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 ước đạt 24,8 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn trên 21%. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ; chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao, 100% trạm y tế xã đã có bác sĩ; các thiết chế văn hóa, cơ sở giáo dục, hệ thống cơ sở hạ tầng KT-XH được quan tâm đầu tư, chất lượng và hiệu quả hoạt động được nâng cao. Hệ thống điện, đường, trường, trạm, các hoạt động lễ hội, văn hóa, thể dục, thể thao tiếp tục phát triển; nếp sống văn hóa ở các làng, xã có tiến bộ rõ rệt...

Tính đến hết tháng 9, toàn tỉnh có 54 xã đạt 19 tiêu chí NTM đã có quyết định công nhận chiếm 28,27%; 8 xã đạt từ 15-18 tiêu chí; 66 xã đạt từ 10-14 tiêu chí; 46 xã đạt từ 8-9 tiêu chí; 17 xã đạt 7 tiêu chí. Bình quân tiêu chí NTM của các xã đạt 12,66 tiêu chí/xã. Năm 2018, có 16 xã phấn đấu về đích NTM và TP Hòa Bình đạt chuẩn NTM.

Bên cạnh những kết quả khả quan, việc triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế như: Chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành chậm, sản xuất nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh và chưa gắn kết chặt chẽ với thị trường. Ngoài ra, hoạt động ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và vốn đầu tư cho chuyển đổi cơ cấu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp chưa nhiều; sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp thấp…

Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Để triển khai tốt xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, các địa phương phải nâng cao nhận thức về vai trò của phát triển sản xuất trong xây dựng NTM; tập trung chỉ đạo triển khai các mô hình sản xuất, sơ kết rút kinh nghiệm những chương trình đã triển khai; đồng thời dành nguồn lực hỗ trợ các đề án, mô hình phát triển sản xuất hiệu quả. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ dựa trên tập quán canh tác, kinh nghiệm sản xuất, yếu tố văn hóa trong sản xuất nông nghiệp của từng địa phương để lựa chọn những hình thức sản xuất phù hợp nhằm vừa phát huy yếu tố truyền thống vừa kết hợp khoa học hiện đại tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp để đạt được những kết quả cao. Qua đó, hỗ trợ nông dân tăng cường ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ và tiếp cận với các dịch vụ nghiên cứu, các hình thức đào tạo nghề, đưa nông nghiệp lên sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao. Từ đó xây dựng ngành nông nghiệp bền vững gắn với việc thay đổi bộ mặt nông thôn. Tỉnh cũng chú trọng đến nội dung quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao phù hợp với thế mạnh của từng vùng. Đồng thời chú trọng hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu một số nông sản, thực phẩm chủ lực. Tập trung phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng cao đảm bảo an toàn thực phẩm, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao giá trị nông sản, nâng cao thu nhập cho người dân.

 

                                                                      Đinh Thắng

 


Cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Nguyễn Anh Quân Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM tỉnh

Thời gian qua, Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM của tỉnh, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương tập trung đầu tư sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất công nghệ cao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Nhìn chung, sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chất lượng tăng trưởng từng bước cải thiện. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật được đẩy mạnh để nâng cao giá trị sản phẩm.

Tái cơ cấu sản xuất gắn với xây dựng NTM là nhiệm vụ quan trọng của các ngành, địa phương nhằm nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn. Một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững mà UBND tỉnh phê duyệt là đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng NTM. Từ định hướng này, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh ta được tổ chức thực hiện lồng ghép với việc hoàn thành các tiêu chí về NTM. Mục tiêu của tỉnh là có 40% xã đạt chuẩn NTM vào năm 2020. Để thực hiện thành công nhiệm vụ này cần có sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, địa phương; sự chung tay của các nhà khoa học, các doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập của người dân khu vực nông thôn, xóa đói, giảm nghèo nhằm tạo đột phá trong thực hiện đề án tái cơ cấu và thực hiện tốt các mục tiêu, ý nghĩa mà chương trình xây dựng NTM đã đề ra.

 

Tiếp tục tổ chức lại sản xuất

Nguyễn Văn Danh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn

 

Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân được huyện Lương Sơn xác định là khâu then chốt trong hoàn thành các tiêu chí về NTM. Do đó, huyện khuyến khích phát triển các loại hình kinh tế hợp tác với quy mô lớn, tập trung và ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào trong sản xuất. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện các đề án, dự án, quy hoạch, kế hoạch nhằm chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân. Khi tái cơ cấu nông nghiệp thành công, đời sống được cải thiện thì người dân mới có điều kiện đóng góp nhiều hơn cho xây dựng NTM.

Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp được ban hành khi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đang triển khai thực hiện. Thực tế cho thấy, những xã đạt chuẩn NTM là những xã biết phát huy thế mạnh, có bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đặc biệt là việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong xây dựng NTM gắn kết với tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn. Thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đây cũng là giải pháp thiết thực để các xã NTM của huyện nâng chất, củng cố các tiêu chí về thu nhập, tổ chức sản xuất, giao thông, thủy lợi…

Với lợi thế và thành công về rau hữu cơ, huyện Lương Sơn tiếp tục tổ chức lại sản xuất theo hướng mở rộng diện tích sản xuất rau hữu cơ trên nền tảng là các HTX, tổ hợp tác sản xuất. Đây là hướng ổn định đầu ra cũng như giúp nông dân tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập. Ngoài ra, huyện tập trung phát triển cây ăn quả và chăn nuôi. Theo đó, huyện tiếp tục liên kết với doanh nghiệp hoặc tìm hướng kết nối với các cửa hàng, siêu thị giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm.

 

 


Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục