(HBĐT) -Hoạt động nhân đạo, từ thiện trên địa bàn tỉnh do các đơn vị, cá nhân, tổ chức thực hiện trong thời gian qua đã góp phần chia sẻ khó khăn với nhân dân trên địa bàn tỉnh. Không chỉ về vật chất, đó còn là động viên tinh thần to lớn, thể hiện tinh thần đoàn kết toàn dân. Qua đó tạo niềm tin, động lực cho nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn yên tâm sinh sống, lao động sản xuất.


CLB Thiện nguyện Hòa Bình tổ chức hoạt động tặng quà từ thiện cho các gia đình khó khăn ở xóm Rỳ, xã Tự Do (Lạc Sơn).

Đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW

Ngay sau khi Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chữ thập đỏ” ra đời, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 06 về thực hiện Chỉ thị số 43 đến các cấp hội trong tỉnh. Công tác tuyên truyền, quán triệt chỉ thị trong hệ thống Hội được chú trọng. Hằng năm, Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp với các cơ quan báo chí trung ương và địa phương tuyên truyền về công tác nhân đạo, từ thiện. Tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ công tác hội, phòng ngừa ứng phó thảm họa và sơ, cấp cứu cho cán bộ hội. Phổ biến sâu rộng đến các cấp hội ở huyện, thành phố bằng hình thức tuyên truyền trực tiếp, gián tiếp qua loa phát thanh của xã, phường, thị trấn, thôn, xóm. Nhờ đó tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của nhân dân về công tác nhân đạo, từ thiện.

Công tác phối hợp được tăng cường qua việc nhiều cơ quan, ban, ngành, đoàn thể ký kết các chương trình phối hợp hoạt động với Hội Chữ thập đỏ tỉnh như Sở GD&ĐT, Tỉnh Đoàn, Bộ CHQS tỉnh, Hội Doanh nghiệp trẻ… Từ đó huy động các đơn vị chung tay tham gia các hoạt động cụ thể trên lĩnh vực nhân đạo như đào tạo cán bộ Hội cơ sở, tặng quà, xây dựng nhà chữ thập đỏ, tổ chức các chương trình khám bệnh, cấp thuốc miễn phí... Quá trình thực hiện có sự liên kết chặt chẽ và tổng kết đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm thực tiễn. Giữa Tỉnh Hội và các đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội luôn có sự phối hợp chặt chẽ thực hiện các chương trình hỗ trợ cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, trẻ em mồ côi,… như phối hợp với Tỉnh Đoàn tổ chức tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, khám, chữa bệnh tại xã Kim Sơn, Sơn Thủy (Kim Bôi), xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu), xã Bảo Hiệu (Yên Thủy) trị giá trên 27 triệu đồng; phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy khảo sát và xây dựng nhà cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn ở xã Thượng Bì (Kim Bôi) giá trị trên 40 triệu đồng,…

Giai đoạn 2010-2017, hệ thống tổ chức Hội Chữ thập đỏ các cấp trong tỉnh phát triển vững mạnh, tăng cả về chất và lượng với 104.147 hội viên, 13.570 tình nguyện viên, 33.406 thanh, thiếu niên chữ thập đỏ sinh hoạt tại 11 Hội Chữ thập đỏ huyện, thành phố và 261 cơ sở hội. Các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động được Hội triển khai thực hiện sâu rộng, gắn chặt với thực hiện Chỉ thị số 03, nay là Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Điển hình như phong trào "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” từ 2010 đến nay, các cấp Hội đã vận động, tổ chức thăm hỏi, tặng trên 105.500 suất quà với tổng trị giá hơn 35,9 tỷ đồng gồm các hoạt động hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà, tặng nhu yếu phẩm; chương trình "Ngân hàng bò” (từ năm 2013-2017), các cấp hội vận động được trên 5 tỷ đồng, mua và trao 482 con trâu, bò cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn… Sau hơn 8 năm thực hiện Chỉ thị số 43, tổng giá trị các hoạt động của Hội CTĐ tỉnh 71,7 tỷ đồng, trợ giúp cho hơn 249.900 lượt đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên toàn tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh cho biết: "Thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW tại địa phương, các cấp Hội luôn nhận được sự quan tâm, phối hợp của các cơ quan, đơn vị có liên quan, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên trong thực hiện công tác nhân đạo. Nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân về công tác hội và phong trào CTĐ tại địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Hội CTĐ trong tình hình mới trở thành địa chỉ tin cậy của nhân dân”.

Các câu lạc bộ làm từ thiện -mang niềm vui đến với mọi nhà

Với 2 đội tình nguyện trực thuộc Hội CTĐ thành phố Hòa Bình và các CLB làm từ thiện tự phát trên địa bàn tỉnh, hoạt động quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ nhân dân các vùng khó khăn trong tỉnh ngày càng được đẩy mạnh. Đội thiện nguyện áo xanh và đội tình nguyện viên áo đỏ là 2 nhóm làm từ thiện được Hội CTĐ thành phố ra quyết định thành lập với chức năng, nhiệm vụ là tổ chức và tham gia các hoạt động từ thiện giúp đỡ các đối tượng khó khăn tại địa phương và trong toàn tỉnh. Giai đoạn 2015-2017, các đội đã phát huy tốt vai trò của mình trong hoạt động xã hội với nhiều việc làm thiết thực.

Đội thiện áo xanh kêu gọi ủng hộ, quyên góp cho những gia đình khó khăn, tặng quà học sinh nghèo vượt khó, hỗ trợ xây nhà tại các huyện, thành phố trị giá trên 450 triệu đồng. Đội tình nguyện viên áo đỏ kêu gọi các nhóm thiện nguyện cùng hỗ trợ nhóm quyên góp, ủng hộ đồng bào vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh được 269 triệu đồng. 2 đội đều tổ chức phát cơm định kỳ hàng tuần tại các bệnh trong thành phố cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi, người khuyết tật… Trong 2 năm, đội thiện nguyện áo xanh đã phát 15.360 suất cơm, trị giá hơn 230 triệu đồng; đội tình nguyện viên áo đỏ phát 11.000 suất cơm trị giá 165 triệu đồng...

Ngoài ra, nổi bật trong các CLB làm từ thiện tự thành lập có CLB Thiện nguyện Hòa Bình đã hoạt động được 3 năm nay với những kết quả tích cực. Chị Đỗ Thị Dung, Chủ nhiệm CLB Thiện nguyện Hòa Bình chia sẻ: "CLB được thành lập ngày 1/8/2015, ban đầu chỉ có 10 thành viên hoạt động, nay đã có hơn 70 thành viên, chủ yếu là những người trẻ đang đi làm và học sinh, sinh viên có chung tấm lòng nhân ái. Đây là nơi để các thành viên giao lưu, học hỏi, gắn kết với nhau cùng thực hiện một số hoạt động xã hội mang tính chất tự nguyện như hiến máu nhân đạo, giúp đỡ trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật…”. Sau 3 năm, CLB đã thực hiện được trên 50 hoạt động thiện nguyện lớn nhỏ, số tiền huy động từ cộng đồng và các nhà hảo tâm trên 400 triệu đồng. Tiêu biểu như chương trình Tết thiếu nhi vùng cao tại xóm Khú, xã Thượng Tiến (Kim Bôi); cứu trợ đồng bào lũ lụt ở xã Suối Nánh (Đà Bắc), xã Lũng Vân, Nam Sơn (Tân Lạc) hay ở các tỉnh Sơn La, Hà Tĩnh; xây nhà tình thương cho gia đình bé Đinh Công Kiều ở xóm Ngau, xã Phú Vinh (Tân Lạc); tặng bò cho gia đình bé Bùi Văn Hạ, xã Cố Nghĩa (Lạc Thủy).

Hoạt động của các tổ chức từ thiện là niềm động viên to lớn đối với nhân dân các vùng khó khăn. Đồng chí Bùi Văn Nội, Bí thư Đảng uỷ xã Thượng Tiến (Kim Bôi) cho biết: "Bên cạnh sự quan tâm giúp đỡ với các hoạt động thiết thực từ Hội CTĐ các cấp, nhân dân trong xã nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ khó khăn từ các cá nhân, tổ chức từ thiện bên ngoài. Đặc biệt, mỗi dịp lễ, tết, các đoàn từ thiện từ nhiều nơi đến tổ chức chương trình tặng quà, làm tình nguyện góp phần động viên tinh thần và vật chất đối với nhân dân, học sinh trong xã. Bà con phấn khởi, yên tâm lao động, sản xuất”.

                                                                                              Thanh Sơn

 

 Tăng cường phối hợp giữa Hội Chữ thập đỏ với các tổ chức từ thiện
 
Hoạt động của các tổ chức từ thiện trên địa bàn tỉnh thời gian qua đem lại nhiều lợi ích cho nhân dân, đặc biệt là nhân dân các vùng khó khăn. Để hoạt động này đảm bảo đúng mục đích, không vi phạm pháp luật và hướng tới đúng đối tượng cần tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp Hội CTĐ trong tỉnh với các tổ chức từ thiện. Theo đó, các cấp hội cần đưa ra định hướng và chuẩn bị tốt nguồn thông tin về địa phương khó khăn, đối tượng cần giúp đỡ để có thể cung cấp cho các cá nhân, tổ chức làm từ thiện liên hệ tham khảo và tổ chức chương trình. Ngoài ra, phân công cán bộ hội trực tiếp tham gia các hoạt động cùng các tổ chức từ thiện và đảm bảo kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguồn hàng được quyên góp, ủng hộ đạt tiêu chuẩn như bánh, kẹo, đồ uống còn hạn sử dụng; quần áo cũ đạt yêu cầu tái sử dụng,…

                                                     Trần Thị Hoa (Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Hòa Bình)
 
Đảm bảo công khai, minh bạch các khoản đóng góp, ủng hộ
 
Để tạo niềm tin cho những tình nguyện viên tham gia công tác từ thiện, các nhà hảo tâm và nhân dân, việc công khai, minh bạch các khoản đóng góp là vô cùng cần thiết. Vì vậy, trước mỗi chương trình từ thiện, những khoản ủng hộ bằng tiền mặt hay đóng góp bằng hiện vật của các tấm lòng hảo tâm cần được công khai để mọi người cùng được biết dưới nhiều hình thức.
 
Bên cạnh đó, qua phối hợp với Hội CTĐ các cấp, các tổ chức từ thiện cần thông báo rõ ràng về nguồn hỗ trợ và mục đích, đối tượng hướng tới để được định hướng, tư vấn và cung cấp thông tin chính xác. Từ đó củng cố lòng tin cho nhân dân vào các chương trình từ thiện, đảm bảo lợi ích cho các đối tượng xứng đáng được hưởng. Đồng thời, tích cực thu hút các nguồn xã hội hoá trong việc hỗ trợ nhân dân ở những hoạt động thường xuyên và đột xuất.
                                              Quách Thị Thoa (Trưởng nhóm Đội tình nguyện viên áo đỏ)
 
Giới trẻ cần tích cực,năng động hơn trong các hoạt động từ thiện tình nguyện
 
Các hoạt động thiện nguyện thể hiện phẩm chất, giá trị đạo đức tốt đẹp của mỗi con người. Điều đó càng được thể hiện rõ hơn qua các hoạt động từ thiện tình nguyện giúp đỡ nhân dân của lực lượng thanh, thiếu niên. Xã hội ngày càng phát triển thì vai trò của thanh, thiếu niên trong việc làm từ thiện ngày càng quan trọng. Cá nhân tôi đã tham gia hoạt động từ thiện tình nguyện tại CLB Thiện nguyện Hòa Bình được gần 3 năm. Mỗi hoạt động CLB tổ chức vừa giúp đỡ được những hoàn cảnh khó khăn, vừa đem lại cho tôi cũng như những người trẻ khác nhiều trải nghiệm mới, nâng cao hiểu biết cho bản thân. Theo tôi, là thanh niên, bên cạnh việc học tập, làm việc cần phải tích cực, năng động hơn trong hoạt động từ thiện để giúp ích cho xã hội. 

 

                             Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh (Phường Phương Lâm, thành phố Hoà Bình)

Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục