(HBĐT) - Chồng giết vợ, con giết bố, giết mẹ… Các loại tội phạm do người mắc bệnh tâm thần gây ra thường thực hiện một cách dã man, tàn độc với bất kể người bị hại là ai, người quen, người ruột thịt hay người lạ, dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng, gây tâm lý hoảng sợ trong xã hội. Trong khi đó, vì bệnh lý không áp dụng được chế tài hình sự nên cần tìm giải pháp ngăn ngừa khả năng phạm tội của người tâm thần.


Trung tâm Công tác xã hội tỉnh tổ chức các hoạt động vui chơi hòa đồng cho người tâm thần.

 

Những vụ án đau lòng

Đã gần 2 tháng trôi qua nhưng nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ án chồng chém chết vợ ở thôn Phương Viên, xã Tân Thành (Lương Sơn). Rạng sáng 7/7/2018, ông Quách Đình T., 51 tuổi bất ngờ dùng dao chém nhiều nhát vào vợ làm bà Nguyễn Thị H. tử vong. Theo Trung tâm Phòng - chống bệnh xã hội (Sở Y tế), ông T. là người mắc bệnh tâm thần có hồ sơ quản lý từ năm 2013. ông được cấp thuốc uống, một thời gian sau đó bỏ điều trị.

Theo dõi tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh nhận định: Tội phạm nhìn chung có xu hướng giảm nhưng một số loại tội phạm cụ thể lại có diễn biến phức tạp, xu hướng tăng, gây thiệt hại lớn cho con người và xã hội. Đáng chú ý là các loại tội phạm do người mắc bệnh tâm thần hoặc rối loạn về nhận thức trước và trong khi thực hiện hành vi phạm tội gây ra. Thống kê từ năm 2013 - 2017, toàn tỉnh xảy ra 37 vụ án do người tâm thần gây ra với các loại tội như: giết người (15 vụ), hiếp dâm trẻ em, hủy hoại tài sản… Đối tượng phạm tội chủ yếu từ 20 - 55 tuổi, nam phạm tội nhiều hơn nữ.

Người ruột thịt, họ hàng thân thích vốn nương cậy nhau nhưng một khi đã lên cơn vắng ý thức, người tâm thần có thể hành động một cách dã man. Trong số 15 vụ giết người do các đối tượng tâm thần gây ra có 2 vụ con giết mẹ đẻ, 2 vụ chồng giết vợ, 1 vụ con giết bố đẻ, 1 vụ vợ giết chồng, 1 vụ bố giết con, 1 vụ em chồng giết chị dâu. Điển hình là các vụ Bùi Văn K., trú tại xã Yên Trị (Yên Thủy) dùng dao, bồ cào có răng bằng kim loại bổ nhiều nhát vào người bố đẻ. Vụ Bùi Văn I., trú tại xã Quy Hậu (Tân Lạc) dùng gậy gỗ đánh chết mẹ đẻ. Vụ Nguyễn Văn Đ., trú tại xã Hợp Thành (Kỳ Sơn) dùng dao chém chết vợ. Vụ Bùi Văn H., trú tại xã Bảo Hiệu (Yên Thủy) hiếp rồi dùng gậy đánh cháu P. ngất đi và dùng lá cây đốt. Vụ Bùi Văn L., trú tại xã Ngổ Luông (Tân Lạc) dùng dao cứa cổ vợ tử vong… Kết quả giám định của cơ quan chức năng, các đối tượng bị tâm thần trong khi gây án.

Nguyên nhân do đâu?

ông Vũ Trung Thành, Trưởng khoa Tâm thần, Trung tâm Phòng, chống bệnh xã hội cho biết: Bệnh tâm thần là do hoạt động não bị rối loạn gây nên những biến đổi bất thường về lời nói, tác phong, hành vi, tình cảm. Toàn tỉnh có 2.101 bệnh nhân tâm thần phân liệt, 1.114 bệnh nhân động kinh, 34 bệnh nhân trầm cảm đang được quản lý điều trị. Số bệnh nhân điều trị ổn định đạt 91 - 93%. Các bệnh nhân sử dụng thuốc không đều, bỏ trị, bị rối loạn hành vi, mãn tính là nhóm đối tượng dễ gây ra các hành động mất kiểm soát. Môi trường xã hội càng căng thẳng, rối loạn tâm thần càng tăng. Người bệnh nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến mãn tính, khi đó dùng thuốc nhưng vẫn có các triệu chứng như ảo giác, ý thức lờ mờ, không chủ động... Trong khi đó, số người mắc bệnh tâm thần trên thực tế ở nhiều thể khác nhau chiếm khoảng trên 10% dân số. Các trường hợp mắc bệnh trong tỉnh đã được phát hiện ở thể F20-F29: tâm thần phân liệt, các rối loạn loại phân liệt, rối loạn hoang tưởng. Người bệnh khi lên cơn vắng ý thức có thể hoang tưởng người bên cạnh muốn đánh đập, giết mình nên hành động. Có lần, cán bộ khoa đi khảo sát tại cộng đồng ở huyện Lương Sơn, Cao Phong… bị đối tượng vác gậy đuổi phải bỏ chạy.

Thông qua công tác kiểm sát cho thấy, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người mắc bệnh tâm thần phạm tội do gia đình và xã hội không quản lý, theo dõi chăm sóc, điều trị thường xuyên. Mặt khác, số lượng người tâm thần chưa được đưa vào danh sách quản lý, cấp thuốc điều trị hiện đang sinh sống tại cộng đồng còn nhiều, xã hội còn định kiến với bệnh tâm thần. Đặc biệt có những gia đình từ chối cung cấp thông tin hoặc giấu tình trạng của người bệnh. Khi áp dụng các biện pháp bắt buộc đưa người bệnh đến các trung tâm chữa trị, có gia đình không đủ kinh phí hoặc cơ quan điều tra giao chính quyền địa phương quản lý, trong khi chính quyền không phải lúc nào cũng theo dõi. Điều này dẫn đến việc họ tiếp tục sống trong cộng đồng khi chưa được chữa trị nên xảy ra nhiều vụ án đau lòng. Một số đối tượng do lạm dụng rượu, bia trong thời gian dài dẫn đến bị ảo giác, không làm chủ được hành vi, chưa kể những đối tượng sử dụng ma túy bị "ngáo đá”, hành động mất kiểm soát.

Giải pháp phòng ngừa người tâm thần phạm tội

Với các vụ án được xác định do người tâm thần gây ra, những trường hợp cơ quan tố tụng tạm đình chỉ, sau đó ra quyết định áp dụng bắt buộc chữa bệnh, khi khỏi sẽ đưa ra xử lý trước pháp luật. Một số trường hợp được đình chỉ, tức là sau khi cơ quan tố tụng xác định không phải chịu trách nhiệm hình sự sẽ được đưa đi chữa bệnh bắt buộc. Khi sức khỏe ổn định được trở về gia đình, những người này thường vẫn khiến những người xung quanh bất an. Vì không áp dụng được chế tài hình sự nên cần tìm giải pháp ngăn ngừa khả năng phạm tội của họ.

Từ thực tế trên, đồng chí Vũ Đức Hòa, Trưởng phòng 2, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cho rằng: Để giải quyết vấn đề người tâm thần trong cộng đồng gây án đòi hỏi vai trò quan trọng từ sự quản lý của gia đình cùng lực lượng y tế cơ sở, chính quyền địa phương. Khi trên địa bàn hoặc gia đình báo có người bị bệnh tâm thần, trạm y tế, chính quyền cơ sở cần tổ chức những đợt kiểm tra đánh giá năng lực, hành vi của người bệnh, cấp thuốc cho họ nếu trong diện điều trị ngoại trú. Trường hợp bệnh nhân quá nặng chuyển cơ sở y tế cao hơn để có biện pháp xử trí.

Hiện nay, thuốc điều trị cho bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng được cấp miễn phí. Mỗi huyện, thành phố có 1 cán bộ chuyên trách về sức khỏe tâm thần cộng đồng thuộc trung tâm y tế. Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh cấp thuốc điều trị cho tuyến huyện theo nhu cầu và cấp bổ sung kịp thời khi có bệnh nhân mới cần điều trị. Tuyến huyện cấp thuốc cho tuyến xã 1 lần/tháng; xã cấp thuốc cho bệnh nhân 2 - 4 lần/tuần.

Theo Trưởng khoa Tâm thần, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội Vũ Trung Thành: Nếu bệnh nhân tâm thần được gia đình giám sát chặt chẽ, cho uống thuốc đều đặn sẽ giảm thiểu được nguy cơ gây hại cho gia đình, cộng đồng. Cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục sức khỏe để người dân hiểu về các loại bệnh tâm thần, cách phòng tránh, điều trị, chăm sóc. Vai trò của người nhà là quan trọng vì gần gũi nhất với người bệnh. Gia đình bệnh nhân chấp hành tốt chỉ định của thầy thuốc cho bệnh nhân uống thuốc đều, sau 2 - 3 tháng điều trị hầu hết bệnh nhân có tiến triển tốt. Tuy nhiên, một số bệnh nhân chưa được điều chỉnh thuốc kịp thời. Công tác phục hồi chức năng, tâm lý cho bệnh nhân còn những hạn chế nhất định do chưa được tập huấn kỹ năng tư vấn; cán bộ chuyên trách huyện, xã, y tế thôn, bản kiêm nhiệm nhiều việc trong khi trình độ có hạn. Những hạn chế này cũng cần được khắc phục trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả chương trình sức khỏe tâm thần cộng đồng.

Rối loạn tâm thần dù nặng hay nhẹ đều làm giảm chất lượng cuộc sống, dễ gây mất an ninh trật tự và an toàn xã hội. Phòng để hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh tâm thần là cách tốt nhất. Song, đáng chú ý những năm gần đây, số lượng bệnh nhân tâm thần được phát hiện mới trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng (thời điểm tháng 8/2014 có 1.881 bệnh nhân tâm thần, 903 bệnh nhân động kinh). Trong 6 tháng đầu năm 2018 đã phát hiện mới 37 bệnh nhân tâm thần phân liệt, 27 bệnh nhân động kinh.


                                                                                          Cẩm Lệ



Tăng cường quản lý người mắc bệnh tâm thần

Hồ Đức Anh Viện trưởng Viện KSND tỉnh

Trước tình hình người mắc bệnh tâm thần gây án diễn biến phức tạp, ngày 26/4/2018, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã có Văn bản số 218 /KN-VKS-P2 kiến nghị việc quản lý, phòng ngừa người tâm thần phạm tội trên địa bàn tỉnh gửi Chủ tịch UBND tỉnh. Trong đó đề nghị UBND tỉnh có những biện pháp và chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, UBND các cấp nêu cao trách nhiệm, tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ về các loại bệnh tâm thần, cách quản lý, chăm sóc, điều trị để phòng và phát hiện sớm, hỗ trợ điều trị phục hồi chức năng. Tiếp tục quan tâm, chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, Sở Y tế, Sở LĐ-TB&XH cùng phối hợp rà soát, thống kê số người bị bệnh tâm thần; phân loại và phối hợp với gia đình người bệnh để quản lý, theo dõi chặt chẽ, đưa người tâm thần hoặc có dấu hiệu tâm thần đi điều trị, sử dụng thuốc thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ.

 

Cần làm rõ những quy định về sức khỏe tâm thần

Nguyễn Thanh Thủy Phó, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH

Trung tâm Công tác xã hội tỉnh thuộc Sở LĐ-TB&XH hiện đang chăm sóc, điều trị cho 300 người yếu thế, trong đó có 120 bệnh nhân tâm thần. Có những bệnh nhân được điều trị ổn định khi về địa phương với các mối quan hệ trong cuộc sống bệnh lại tái phát.

Theo ngành Y tế, số lượng người tâm thần ngoài cộng đồng còn nhiều nhưng vấn đề hồ sơ pháp lý để đưa người bệnh vào Trung tâm Công tác xã hội tỉnh còn khó khăn, vì lập bệnh án phải có một quá trình theo dõi ở cơ sở. Cơ sở vật chất của Trung tâm cũng không đáp ứng đủ nhu cầu. Vì vậy, để góp phần quản lý, phòng ngừa người tâm thần phạm tội cần làm rõ những quy định về sức khỏe tâm thần để xác định đối tượng. Theo phân cấp trách nhiệm, nhất là ở cấp xã cần rà soát, theo dõi, quản lý người bệnh; gia đình quan tâm, làng xóm hỗ trợ. Mặt khác, tăng cường cơ sở vật chất cho Trung tâm như mở rộng quy mô, đủ trang thiết bị chăm sóc, điều trị.

 

 

 


Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục