(HBĐT) - "Trong những năm qua, công tác thương binh, liệt sỹ, người có công (NCC) và phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa” trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân quan tâm thực hiện và đạt được những kết quả khả quan, mang đậm ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên hiện nay, công tác chăm sóc NCC còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, đòi hòi tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của cả cộng đồng”- đồng chí Nguyễn Thanh Thủy, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH khẳng định.


Cán bộ Trung tâm MARIN tư vấn về pháp luật và trợ giúp pháp lý miễn phí cho thân nhân các gia đình liệt sỹ của tỉnh.

Còn một bộ phận NCC khó khăn

Tính đến tháng 10/2017, theo điều tra của Sở LĐ-TB&XH, tổng số 9.742 hộ chính sách thuộc diện được rà soát thì có 9.386 hộ có mức sống trung bình trở lên, đạt 96,35%; 356 hộ NCC thuộc diện hộ nghèo theo tiêu chí chuẩn nghèo giai đoạn 2016- 2020, trong đó, nguyên nhân hộ nghèo do thiếu vốn sản xuất 190 hộ, chiếm tỷ lệ 53,37%; 22 hộ nghèo do thiếu lao động, chiếm 6,18%; 43 hộ nghèo do thiếu các điều kiện sản xuất như đất canh tác, vật tư, thiết bị, kỹ thuật, chiếm 12,08%; 57 hộ nghèo do ốm đau, bệnh tật, già yếu, chiếm 16,01%; 44 hộ nghèo, chiếm 12,36% do các nguyên nhân khác như hộ đông nhân khẩu nhưng thiếu lao động chính, có nhiều người ăn theo do hết tuổi lao động, trẻ em, người ốm đau dài ngày hoặc do thiếu kiến thức làm ăn, rủi ro… Năm 2018, toàn tỉnh còn 260 hộ NCC thuộc diện hộ nghèo.

Cùng với những khó khăn về mức sống, nhiều hộ NCC vẫn ở trong những ngôi nhà tạm, dột nát. Số liệu theo Quyết định số 22/QĐ-TTg và Quyết định số 2036/QĐ-UBND ngày 28/5/2013 của UBND tỉnh, tổng số hộ NCC được hỗ trợ về nhà ở tại thời điểm tháng 5/2013 là 5.880 hộ, trong đó xây mới 1.940 hộ; sửa chữa 3.940 hộ. Nhưng thực tế, tổng số hộ đã được hỗ trợ theo Quyết định số 22 chỉ có 130 hộ gồm xây mới 91 hộ với kinh phí hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ và sửa chữa 39 hộ, kinh phí hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ. Tổng kinh phí đã hỗ trợ 4.420 triệu đồng từ nguồn T.ư cấp. Như vậy, tổng số hộ chưa được hỗ trợ 5.750 hộ, trong đó, xây mới 1.849 hộ;, sửa chữa 3.901 hộ. Tổng kinh phí cần hỗ trợ 151.980 triệu đồng, trong đó, ngân sách T.ư hỗ trợ 143.599 triệu đồng; ngân sách địa phương 7.599 triệu đồng. Ngoài ra, cần huy động thêm từ nguồn xã hội hoá, dự kiến hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ với tổng số tiền 86.250 triệu đồng.

Theo thống kê, từ năm 2013- 2017, tổng số nhà được xây mới, sửa chữa 790 nhà, trong đó có 362 ngôi nhà xây mới, 428 nhà cần tu sửa và nâng cấp với tổng kinh phí 13,9 tỷ đồng. Đã huy động được từ nguồn xã hội hóa như: Tập đoàn VINGROUP, Ngân hàng Công Thương, Quỹ Thiện Tâm hỗ trợ xây mới, sửa chữa 200 nhà, kinh phí 7 tỷ đồng; nguồn Quỹ "Đền ơn - đáp nghĩa” cấp tỉnh, cấp huyện và các nguồn vốn khác hỗ trợ cho 590 nhà, kinh phí 6,97 tỷ đồng. Hiện nay, toàn tỉnh còn 4.960 hộ NCC có nhu cầu nhà ở, trong đó xây mới 1.487 hộ, sửa chữa, nâng cấp 3.473 hộ với tổng kinh phí hỗ trợ 128.940 triệu đồng.

Trăn trở về công tác tìm mộ liệt sỹ

Theo đồng chí Nguyễn Thanh Thủy, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH trăn trở, vướng mắc lớn nhất của người làm chính sách NCC là nguyện vọng trong sâu thẳm những hộ gia đình liệt sỹ chưa tìm được mộ người thân và mong muốn quy tập mộ của con, em họ về nghĩa trang liệt sỹ. Mong muốn của họ là được biết danh tính, mộ liệt sỹ của gia đình ở địa chỉ nào, đã có tên chưa?.

Qua hai cuộc kháng chiến và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế đã có 5.876 người con ưu tú của quê hương Hòa Bình anh dũng hy sinh. Trong đó, liệt sỹ chống Pháp 414 người, chống Mỹ 2.977 người, bảo vệ Tổ quốc 2.485 người; có 8 liệt sỹ anh hùng LLVT nhân dân. Toàn tỉnh có 25 nghĩa trang liệt sỹ với 3.155 mộ nhưng có tới 2.950 mộ (chiếm 93,5%) ở các nghĩa trang liệt sỹ của tỉnh chưa biết tên, đa số là liệt sỹ thời kỳ chống Pháp. Các nghĩa trang liệt sỹ được xây dựng và quy tập mộ liệt sỹ từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước, do nhiều nguyên nhân, đến nay, hầu hết các phần mộ đều không có tên liệt sỹ và cần được xác định danh tính (số mộ trên bia có ghi thông tin đầy đủ và thông tin chưa đầy đủ chỉ khoảng trên 200 mộ). Đến nay, tổng hợp số liệu qua các chương trình điều tra báo tin và thông tin mộ liệt sỹ được ghi trong hồ sơ liệt sỹ, tỉnh ta mới có 1.675 liệt sỹ biết nơi an táng (chiếm 1/5 tổng số liệt sỹ). Tuy nhiên, trong số liệt sỹ biết nơi an táng thì trên 200 liệt sỹ có sơ đồ mộ chí là nơi an táng ban đầu ở trận địa, số này đã được quy tập về các mghĩa trang liệt sỹ vì nhiều lý do đã bị mất thông tin mộ.

Huy động các nguồn lực chăm lo

Đồng chí Nguyễn Thanh Thủy cho biết thêm: Để giải quyết những vấn đề đặt ra đối với công tác chăm sóc NCC, tỉnh đã phát động toàn xã hội tham gia giúp đỡ NCC thông qua 6 chương trình tình nghĩa như: Tặng sổ tiết kiệm, xây dựng nghĩa trang, đài tưởng niệm, quỹ tình nghĩa, vườn cây và nhà tình nghĩa. Các phong trào trở thành thường xuyên, sâu rộng trên địa bàn tỉnh, góp phần ổn định đời sống vật chất, tinh thần NCC. Để đạt mục tiêu đến năm 2020, 100% hộ gia đình chính sách NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên cùng địa bàn, tỉnh xác định tập trung quán triệt sâu sắc các chế độ, chính sách đối với thương binh, liệt sỹ, NCC, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình chăm sóc NCC. Trong đó tập trung thực hiện các giải pháp tác động trực tiếp vào nguyên nhân gây ra nghèo của đối tượng như: Cho vay vốn đối với các hộ có nhu cầu vay và có khả năng SX-KD, UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH tổ chức cho vay vốn đối với các hộ có nhu cầu vay vốn để SX-KD. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, dạy nghề, hướng dẫn cách làm ăn cho các hộ gia đình. Phát động phong trào tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, ủng hộ vườn cây, con giống, ngày công lao động… giúp các hộ thiếu nhân lực, hộ ốm đau bệnh tật dài ngày ổn định đời sống và nâng cao năng lực sản xuất, sớm thoát nghèo. Thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách, chế độ về BHYT đối với NCC, hộ nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực đặc biệt khó khăn.

Về công tác tìm mộ liệt sỹ, hiện nay, tỉnh tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW, ngày 15/5/2013 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm hài cốt liệt sỹ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo; Quyết định số 1237/QĐ-TTg, ngày 27/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 25-CT/TU, ngày 18/3/2014 và đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 1237 tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sỹ của tỉnh để triển khai thực hiện. Thực hiện Quyết định số 150-QĐ/TTg, ngày 14/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin, tỉnh cũng đã xây dựng phương án và tiến hành điều tra thông tin về liệt sỹ, mộ liệt sỹ, nghĩa trang liệt sỹ và thân nhân liệt sỹ, làm cơ sở cho việc lấy mẫu sinh phẩm, xác định ADN của các thân nhân liệt sỹ còn thiếu thông tin về mộ liệt sỹ.

Mới đây, Trung tâm Tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sỹ (MARIN) đã tổ chức tư vấn lưu động về pháp luật và trợ giúp pháp lý miễn phí cho gần 800 thân nhân các gia đình liệt sỹ của tỉnh trong việc tìm kiếm thông tin về liệt sỹ, mộ liệt sỹ để cung cấp tới thân nhân liệt sỹ về chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước và những thông tin hữu ích phục vụ cho việc tìm kiếm thông tin và hài cốt liệt sỹ. Dự kiến, ngày 27/7/2018, nhân kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh - liệt sỹ, Bộ LĐ-TB&XH sẽ công bố Cổng thông tin điện tử về liệt sỹ, mộ liệt sỹ và nghĩa trang liệt sỹ. Cổng thông tin là hệ thống ứng dụng đầu tiên của Chính phủ được xây dựng, phát triển với mục tiêu cung cấp thông tin về liệt sỹ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sỹ. Trong đó, Cổng thông tin sẽ đưa thông tin, hình ảnh về liệt sỹ, mộ liệt sỹ và nghĩa trang liệt sỹ để người dân, thân nhân liệt sỹ dễ dàng cập nhật. Đây là phương tiện hữu ích để gia đình liệt sỹ trên địa bàn tỉnh tìm mộ của người thân.

Nhóm ý kiến: 

Đẩy mạnh xã hội hóa công tác người có công

Phát huy truyền thống, đạo lý "Uống nước - nhớ nguồn” của dân tộc, trong những năm qua, các phong trào "Đền ơn - đáp nghĩa” đã được duy trì thường xuyên từ tỉnh đến cơ sở, nguồn Quỹ "Đền ơn - đáp nghĩa” các cấp ngày càng lớn mạnh. Từ nguồn quỹ này, nhiều gia đình thương binh, liệt sỹ, NCC với cách mạng đã được hỗ trợ xây mới, sửa chữa cải thiện nhà ở. Nhiều hoạt động tri ân NCC đã được triển khai như: thăm hỏi, tặng quà, trao sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc, điều dưỡng người có công, khám sức khoẻ, cấp thuốc miễn phí, tư vấn pháp luật… được cả cộng đồng quan tâm vào cuộc. 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng suốt đời.

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn một bộ phận gia đình NCC với cách mạng khó khăn, mức sống chưa ngang bằng mức bình quân chung của dân cư trên cùng địa bàn. Nguyên nhân có cả chủ quan và khách quan, đòi hỏi tiếp tục có sự chung tay giúp đỡ của toàn xã hội, nhất là đối với những hộ ở vùng sâu, vùng cao, giao thông đi lại khó khăn.

Thời gian tới, cùng với việc thực hiện tốt và đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước cần phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa chăm sóc đời sống gia đình chính sách NCC, để phong trào "Toàn dân chăm sóc thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ, NCC với cách mạng” trở thành tiềm thức trong mỗi người dân và cộng đồng.


 

Vũ Hồng Nghiệp

Trưởng phòng Người có công (Sở LĐ-TB&XH)


Góp sức nâng cao đời sống người có công trên địa bàn

Xã Thu Phong (Cao Phong) có 54 đối tượng người có công với cách mạng. Hàng năm, Đảng ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể đều có những hoạt động cụ thể, thiết thực tri ân người có công trên địa bàn. Các chế độ, chính sách đối với người có công đều được tri trả đầy đủ. Đặc biệt, dịp lễ, tết, kỷ niệm ngày thương binh, liệt sỹ 27/7 hàng năm, xã đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, người có công. Các ban, ngành, đoàn thể có kế hoạch và thực hiện giúp đỡ gia đình chính sách, người có công có hoàn cảnh khó khăn… Đến nay, 100% người có công trên địa bàn đều có mức sống bằng và cao hơn mức sống người dân trên cùng địa bàn cư trú. Xã được công nhận là địa bàn làm tốt công tác thương binh - liệt sỹ.


 

Vũ Thế Dũng

Phó Chủ tịch UBND xã Thu Phong (Cao Phong)

 

Mong muốn đưa mộ của người thân về quê hương

Là gia đình giàu truyền thống cách mạng, hai anh trai tôi là Đinh Văn Hòa, sinh năm 1941, nhập ngũ năm 1968, mất tháng 10/1969 tại chiến trường phía Nam và anh Đinh Thanh Giáp, sinh năm 1950, nhập ngũ năm 1968, mất năm 1969 cũng tại chiến trường phía Nam. Gia đình được hưởng mọi chế độ theo quy định. Mẹ tôi là Đinh Thị Ninh được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng năm 2016. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước phần nào nguôi ngoai nỗi đau thương, mất mát của gia đình. Gia đình luôn tự hào vì đã góp một phần xương máu vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Tuy nhiên, đến nay, gia đình vẫn chưa tìm được phần mộ của 2 anh tôi. Nguyện vọng của mẹ tôi lúc còn sống là đưa 2 anh về quê. Không những gia đình tôi mà nhiều gia đình người có công trên địa bàn rất mong được cơ quan chức năng quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ để sớm đưa được mộ của các liệt sỹ về với mảnh đất quê hương.


 

Đinh Văn Đông

Xóm Đồng Bài, xã Phú Minh (Kỳ Sơn)

Hương Lan

Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục