(HBĐT) - Vài năm gần đây và đặc biệt là trong năm 2017, thiên tai đã gây ra hậu quả khủng khiếp trên địa bàn tỉnh ta. Mặc dù công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) luôn được quán triệt nghiêm túc với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị nhưng thực tế đã cho thấy một số "mắt xích yếu” cần phải được gia cố lại để tăng cường hơn nữa khả năng ứng phó của con người trước diễn biến thiên tai ngày càng khó lường và khốc liệt.


Rà soát các khu vực và cấp độ rủi ro thiên tai

Tháng 10/2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2231/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai cấp tỉnh. Theo đó, xác định 5 loại hình thiên tai thường xảy ra và gây thiệt hại lớn trên địa bàn tỉnh, gồm: 1- Hoàn lưu bão và áp thấp nhiệt đới; 2- Lũ, lụt; 3- Sạt lở đất; 4- Hạn hán; 5- Lốc, lốc xoáy. Không kể các loại hình thiên tai xảy đến bất thường như lốc, sét, mưa đá..., đây được xem là các loại thiên tai có thể dự báo, xác định được vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng, từ đó chủ động các phương án phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại. Tuy nhiên, trên thực tế, việc dự báo cấp độ rủi ro của từng loại thiên tai trong các thời điểm khác nhau và xác định khu vực trọng điểm có nguy cơ chịu ảnh hưởng chính là hai "mắt xích yếu” cần phải được gia cố lại để nâng cao hiệu quả công tác PCTT.

Đơn cử như việc dự báo nguy cơ xảy ra thiên tai lũ quét, sạt lở đất. Căn cứ cấp độ rủi ro thiên tai được quy định tại Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cấp độ rủi ro thiên tai lũ quét, sạt lở đất đối với tỉnh Hòa Bình đã được xác định là cấp độ 2, khi có mưa trong 24h với lượng mưa trên 300 mm và trước đó 2 ngày cũng có mưa trên địa bàn tỉnh; phạm vi chịu ảnh hưởng là các tuyến đường giao thông, các khu vực ven sông, suối và hộ dân sống ven đồi. Cụ thể tại huyện Tân Lạc, vùng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở đất được xác định là các xã: Địch Giáo, Quy Mỹ, Ngọc Mỹ, Đông Lai. Dự báo nguy cơ trượt lở đất diễn ra mạnh mẽ dọc theo tuyến từ Địch Giáo đến Quy Mỹ và Lỗ Sơn; tai biến sụt đất phát triển theo dạng tuyến từ Lũng Vân đến Ngổ Luông; tại Đông Lai còn phân bố tai biến nứt đất. Tuy nhiên, trong đợt áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn kéo dài từ ngày 9-12/10/2017, sạt lở đất nghiêm trọng đã xảy ra tại địa bàn xóm Khanh (xã Phú Cường), bất ngờ lấy đi 18 sinh mạng và vùi lấp toàn bộ tài sản của 8 gia đình nạn nhân. Trong tổng số 436 nhà dân bị thiệt hại do thiên tai năm 2017, có 142 nhà phải di dời khẩn cấp do sạt lở đất, trong đó, Nam Sơn là xã cần di dời nhiều nhất với 62 nhà. Đây cũng là địa bàn có nhiều điểm sạt lở hơn so với các xã khác của huyện Tân Lạc.


Trong trường hợp thiên tai khẩn cấp, các lực lượng quân đội đã được khẩn trương huy động theo phương châm "4 tại chỗ” góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCTT&TKCN. Ảnh: Cán bộ, chiến sĩ, LLVT tỉnh tích cực tham gia giúp nhân dân huyện Đà Bắc khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra trên địa bàn.

Về diễn biến này, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Tân Lạc đã thẳng thắn nhìn nhận: Việc khảo sát, đánh giá địa chất để dự báo nguy cơ sạt lở đất, đá trên địa bàn huyện chưa được thực hiện hiệu quả. Cùng với đó, dự báo lượng mưa trên địa bàn chưa chính xác, dẫn tới sự chủ quan nhất định trong công tác PCTT năm 2017. Từ thực tế này, huyện Tân Lạc đã rút ra một số bài học kinh nghiệm sâu sắc. Trong đó, nhận thấy cần xây dựng thêm một số trạm đo mưa tại các lưu vực sông, suối chính trên địa bàn để cung cấp thông tin về lượng mưa phục vụ công tác dự báo, cảnh báo lũ được chính xác, kịp thời hơn. Đồng thời, sẽ thường xuyên kiểm tra, rà soát, phát hiện sớm nguy cơ sạt lở đất, từ đó chủ động các phương án phòng, chống và ứng phó với thiên tai hữu hiệu hơn trong các năm tiếp theo.

Tăng cường công tác cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn

Cũng như huyện Tân Lạc, các địa phương trong tỉnh đang nỗ lực "gia cố lại” những "mắt xích yếu” nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCTT. Tại huyện Lương Sơn, để ứng phó với mưa lũ và ngập lụt – hai loại hình thiên tai có cấp độ rủi ro đáng lo ngại nhất đối với địa bàn huyện, BCH PCTT&TKCN huyện đã đề ra nhiều biện pháp, trong đó xác định rõ các trọng điểm để thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa và cảnh báo. Tại các xã có nguy cơ ngập úng cao, Ban chỉ đạo lắp đặt đầy đủ các biển cảnh báo nguy hiểm, cắt cử lực lượng thường trực, huy động nhân lực và vật lực sẵn sàng tại trụ sở UBND các xã, thị trấn; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền để các hộ dân nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động ứng phó với thiên tai nhằm hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại. Đặc biệt, trong các trường hợp khẩn cấp, ưu tiên hàng đầu được xác định là bảo toàn tính mạng của người dân, tập trung cao nhất cho công tác cứu hộ và TKCN.

Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó trưởng BCH PCTT&TKCN huyện Lương Sơn cho biết: Huyện đã có bài học kinh nghiệm sâu sắc khi ứng phó với đợt thiên tai, mưa lũ lịch sử hồi trung tuần tháng 10/2017. Trong đợt thiên tai này, Lương Sơn là một trong những địa bàn có lượng mưa lớn nhất tỉnh đồng nghĩa với nguy cơ chịu ảnh hưởng từ mưa lũ là rất cao. Nhờ triển khai chủ động, hiệu quả các biện pháp ứng phó, huyện đã giảm thiểu được thiệt hại về vật chất và bảo toàn tính mạng người dân. Với tinh thần trách nhiệm cao nhất, công tác cứu hộ và TKCN đã được xác định là ưu tiên hàng đầu. Trong tình huống cấp bách, huyện Lương Sơn đã tổng huy động thành công các lực lượng từ Ban CHQS huyện, Công an huyện, dân quân tự vệ, Công an xã, đặc biệt còn phối hợp với cán bộ, chiến sỹ Trường Đặc nhiệm, Bộ Công an T45 Xuân Mai với tổng số gần 500 người cùng nhiều phương tiện để kịp thời triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn. Qua đó đã cứu hộ và di dời 767 người dân ra khỏi vùng nguy hiểm đến nơi tạm trú an toàn. Ngoài ra còn kịp thời hỗ trợ người dân di dời trên 1.000 con gia súc, gia cầm cùng nhiều tài sản có giá trị.


Các lực lượng "4 tại chỗ” được huy động triệt để nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCTT&TKCN. Ảnh: Diễn tập "4 tại chỗ” tại xã Nam Thượng (Kim Bôi).

Theo đánh giá của BCH PCTT&TKCN tỉnh: Một số địa phương như Lương Sơn, Lạc Thủy, Yên Thủy, TP Hòa Bình... đã tổ chức khá hiệu quả công tác cứu hộ và TKCN khi ứng phó với các đợt thiên tai. Thống kê sơ bộ trong năm 2017, các địa phương đã sơ tán kịp thời cho trên 3.700 hộ dân bị ngập lụt ra khỏi vùng nguy hiểm. Riêng TP Hòa Bình đã tổ chức sơ tán khẩn cấp 154 hộ dân ra khỏi vùng sạt lở đất và nguy cơ sạt lở đất; huyện Đà Bắc sơ tán 211 hộ; huyện Kim Bôi sơ tán cho 88 hộ... Cùng với đó, các lực lượng "4 tại chỗ” không quản ngày đêm dồn lực tìm kiếm người mất tích, tăng cường công tác khắc phục hậu quả thiên tai. Nhờ đó, vài ngày sau khi thiên tai đi qua, các gia đình có thiệt hại về nhà đã được sửa chữa, các công trình hạ tầng cơ sở bị hư hỏng được khôi phục, người dân bắt đầu ổn định đời sống và sản xuất.

Nâng cao nhận thức cộng đồng, huy động cả hệ thống chính trị

Giống như vết thương hở chưa lúc nào thôi nhức nhối, những thiệt hại nặng nề về con người trong các đợt thiên tai luôn gợi nhớ vô cùng đau xót một bài học không bao giờ cũ: Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong công tác PCTT. Riêng năm 2017, toàn tỉnh có 42 người chết và mất tích khi thiên tai bất ngờ trút xuống. Tổng thiệt hại về vật chất do thiên tai gây ra ước tính trên 2.838 tỷ đồng. Đây là mức thiệt hại cao chưa từng có, dồn gánh nặng rất lớn lên nỗ lực phát triển KT-XH của toàn tỉnh cũng như của từng địa phương.

Đồng chí Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCH PCTT&TKCN tỉnh nhìn nhận: Năm 2017 là năm thiên tai xảy ra với mức độ đặc biệt nghiêm trọng, nhất là đợt mưa lũ lịch sử từ ngày 9 – 12/10 đã gây áp lực lớn cho công tác PCTT&TKCN của địa phương. Trong bối cảnh đó, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cơ sở, kết hợp với sự chung sức của các lực lượng tại chỗ và quần chúng nhân dân đã chứng minh rất rõ bài học kinh nghiệm sâu sắc đối với công tác PCTT&TKCN: Phải huy động hiệu quả sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đồng thời nâng cao nhận thức, hành động của cộng đồng về PCTT. Trên thực tế, công tác PCTT những năm gần đây đang cho thấy một số "mắt xích yếu” cần phải cấp bách "gia cố lại” mới có thể tăng cường khả năng ứng phó của con người trước diễn biến thiên tai ngày càng khó lường và khốc liệt. Trong đó, cần phát huy hơn nữa vai trò của BCH PCTT&TKCN địa phương; tăng cường năng lực của cán bộ làm công tác PCTT các cấp, đặc biệt là cấp xã do đây là lực lượng trực tiếp và sớm nhất trong công tác chỉ đạo ứng phó; củng cố sự phối hợp giữa các lực lượng "4 tại chỗ” để kịp thời hỗ trợ người dân trong các tình huống thiên tai khẩn cấp; sự đồng thuận của người dân trong việc chủ động di dời khỏi vùng nguy hiểm cũng là yếu tố rất quan trọng.

Theo chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCH PCTT&TKCN tỉnh: Các ban, sở, ngành, địa phương cần thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao trong "Phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai cấp tỉnh”, "Kế hoạch PCTT cấp tỉnh đến năm 2020” và "Chiến lược quốc gia phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, cần tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án "Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, giai đoạn 2016-2020”. Đây chính là những giải pháp then chốt nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCTT&TKCN năm 2018 và những năm tiếp theo.

 

Nâng cao năng lực cho cộng đồng về phòng, chống thiên tai

Đó là mục tiêu quan trọng của Đề án "Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình”. Theo kế hoạch sẽ có khoảng 180 cán bộ cấp tỉnh, huyện làm công tác PCTT&TKCN được đào tạo về cơ chế, chính sách và hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; khoảng 15.000 dân quân xã, phường, tự vệ thuộc các sở, ngành và 11 huyện, thành phố được đào tạo về các bước thực hiện quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Đến năm 2020, 100% cán bộ chính quyền cấp trực tiếp làm công tác PCTT sẽ được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực; 70% số dân tại các xã, phường, thị trấn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai được phổ biến kiến thức; đồng thời tại các khu vực này sẽ được trang bị hệ thống thông tin liên lạc và xây dựng các lực lượng nòng cốt có chuyên môn, nghiệp vụ để hỗ trợ cộng đồng dân cư nâng cao hiệu quả PCTT. Thực hiện Đề án, kiến thức về phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai cũng được lồng ghép trong chương trình giảng dạy, đào tạo của các trường phổ thông.

 

Thu Trang

Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục