(HBĐT) - Tháng 10/2014, Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ bắt đầu xuất hiện tại tỉnh ta, đến nay đã lôi kéo được khá đông người tham gia. Lực lượng chức năng đã phát hiện, lập biên bản những trường hợp tụ tập đông người trái phép để tuyên truyền về hoạt động của Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ. Nhiều người dân đã phải "cầu cứu” đến cơ quan chức năng vì người thân tham gia Hội này có các biểu hiện kỳ quái, hành vi trái với thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng đến sức khỏe, gây mâu thuẫn gia đình, có xu hướng bỏ nhà đi theo Hội. Thực tế cho thấy, nếu những "chiếc vòi bạch tuộc” này không nhanh chóng được chặt đứt, người dân không được tuyên truyền để nâng cao cảnh giác thì "dịch bệnh” lây lan sẽ gây ra rất nhiều nguy hại, bất an cho xã hội.


Một buổi sinh hoạt của Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ. Ảnh minh họa

Kỳ I - Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ và quá trình xâm nhập vào tỉnh ta

Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ có nguồn gốc từ Hàn Quốc, được du nhập vào Việt Nam bằng hình thức du lịch, phương thức tuyên truyền đạo chủ yếu thông qua hoạt động bán hàng đa cấp kết hợp với tuyên truyền đạo trái phép vào người dân. Tại Hòa Bình, Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ bắt đầu xuất hiện vào tháng 10/2014 và đang có dấu hiệu lan rộng, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự.

Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ là gì?

"Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ không phải là một tổ chức, hệ phái của đạo Tin lành” - Đó là điều đầu tiên mà đồng chí Nguyễn Trường Sơn, Trưởng phòng Tôn giáo, Sở Nội vụ khẳng định khi trao đổi về tà giáo này.

Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ có một số giáo lý gần giống với giáo lý đạo Tin lành khiến nhiều người nhầm lẫn đây là một nhóm Tin lành chính thống. Ví dụ như giáo lý Tin lành kêu gọi hiến dâng 1/10 tiền lương, lợi tức trong công việc cho Chúa nhưng là hình thức tự nguyện, không ép buộc, việc thu chi tài chính có thủ quỹ, báo cáo thu chi rõ ràng. Giáo lý Tin lành cũng không lập bàn thờ tổ tiên nhưng trong 10 điều răn của Chúa đã dạy là phải hiếu kính cha mẹ...Theo số liệu thống kê của Sở Nội vụ, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có khoảng 80 tín đồ theo đạo Tin lành (đã trải qua nghi lễ Bắptem khi có đủ tuổi để hiểu biết các lẽ đạo và nhất là phải ăn ở trong sạch, không được phạm tội - PV). Ngoài ra, còn có hàng trăm người bị ảnh hưởng các hệ phái Tin lành nhưng chưa chính thức tham gia. Cần phân biệt rõ rằng, Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ không phải là một hệ phái của đạo Tin lành.

Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ có nguồn gốc từ Hàn Quốc, được thành lập năm 1964. Điều đáng nói là ngay tại nơi Hội này được khai sinh ra, các Hội thánh của Hàn Quốc đã tuyên bố "Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ” là một tà giáo và cảnh báo các tín hữu cẩn thận với hoạt động của tà giáo này.

Sở dĩ các Hội thánh nhận định đây là một tà giáo vì trong giáo lý của Hội thánh này tin rằng Ahnsahnghong là đấng Christ (Chúa Giê - su) đến thế giới lần 2 theo lời tiên tri trong Kinh thánh nên khi cầu nguyện phải nhân danh đấng Christ Ahnsahnghong chứ không phải Đức chúa trời. Họ chia sự cứu rỗi ra làm 3 thời kỳ và con người được cứu rỗi là do Đức chúa con và Đức chúa mẹ. Trong các nghi lễ của hội này không có tượng thánh.  
Nghi lễ đầu tiên để chính thức gia nhập Hội chính là Lễ vượt qua với việc phải uống một thứ nước màu đỏ và ăn một loại bánh (tượng trưng cho máu và thịt của Chúa – PV). Hội thường tổ chức sinh hoạt tại các tổ nhóm hay còn gọi là Sion vào tối thứ 3 và thứ 7 hàng tuần.

Thời gian gần đây, Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ có nhiều hoạt động vụ lợi, mê tín dị đoan, gây hoang mang dư luận. Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Trường Sơn, Trưởng phòng Tôn giáo, Sở Nội vụ cho biết: Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ đang thực hiện việc lôi kéo, tuyên truyền những hoạt động mê tín, tiêu cực, lệch chuẩn xã hội. Đối tượng mà hội tìm đến là học sinh, sinh viên, nhóm người có hoàn cảnh éo le, bế tắc trong cuộc sống (hộ nghèo, bệnh hiểm nghèo, đã ly hôn, vỡ nợ... - PV). Tà giáo này tuyên truyền rằng con người sinh ra là do Đức Chúa trời, cha mẹ chỉ là thân xác già nua không có giá trị. Thậm chí họ còn tuyên truyền về "Ngày tận thế” gây hoang mang, hoảng sợ. Nếu ai vào Hội sớm và cung phụng, làm theo những điều tà đạo này sai khiến thì sẽ được Chúa Trời che chở cho sống hạnh phúc, không bệnh tật. Đáng nói, khi tham gia Hội sẽ phải tuân theo các "tà luật” quái đản, trái với thuần phong mỹ tục như: không thờ cúng tổ tiên, không ăn đồ cúng, không coi trọng và chăm sóc bố mẹ, hạn chế tắm rửa, phải đóng góp tiền cho Hội....

Quá trình xâm nhập và lôi kéo người dân tỉnh ta tham gia

Theo hồ sơ tại cơ quan chức năng, đối tượng đưa tà đạo Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ vào tỉnh ta là Bùi Thị H. (SN 1982, hiện trú tại tổ 21, đường Bùi Thị Xuân, phường Hữu Nghị, TP Hòa Bình). Tháng 10/2014, H. là sinh viên đại học, tham gia bán hàng đa cấp bị thua lỗ phải bán nhà, bán đất trả nợ. H. đã gia nhập Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ tại Hà Nội. Bỏ học, trở về Hòa Bình, H. bắt đầu lôi kéo, dụ dỗ mọi người tham gia. Đáng nói, bố đẻ, mẹ đẻ và em gái ruột đã bị H. dụ dỗ, lôi kéo tham gia tà giáo này. H. trực tiếp thực hiện việc tuyên truyền, dụ dỗ người dân ngay tại nhà riêng ở phường Hữu Nghị, TP Hòa Bình.

Qua công tác nắm tình hình, phát hiện hoạt động tuyên truyền tà đạo trái phép của đối tượng H., chính quyền địa phương, lực lượng chức năng đã nhiều lần tuyên truyền, nhắc nhở, yêu cầu đối tượng chấm dứt việc tuyên truyền tà đạo trái phép. Tuy nhiên, khi chính quyền kiểm tra, xử lý "căng” thì đối tượng lại "dạt” đến các huyện khác, tỉnh khác tuyên truyền, một thời gian sau lại quay về nhà. Hiện nay, lực lượng chức năng đã phát hiện H. và các đối tượng tham gia tà giáo lôi kéo, rủ rê người dân ở các địa phương tham gia như: Đà Bắc, Tân Lạc, Cao Phong, Lạc Sơn... Đặc biệt, khi số lượng người theo khá đông, H. đã tập trung đông người tại nhà, sinh hoạt tà giáo trái phép.

Cụ thể, vào cuối tháng 3/2018, tổ công tác liên ngành của UBND phường Hữu Nghị đột xuất kiểm tra nhà đối tượng H. Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện Bùi Thị H. đang tụ tập đông người (34 người - PV) và tổ chức sinh hoạt tôn giáo trái phép với các hoạt động như: đọc kinh, xem băng đĩa hình tuyên truyền về hoạt động Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ. Trong số 34 người tham gia sinh hoạt Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ có 12 nam, 22 nữ. Đặc biệt lưu ý có một số cặp mẹ - con, có 6 học sinh trường THCS Lý Tự Trọng và học sinh một số trường trên địa bàn TP Hòa Bình. Ngay khi phát hiện vụ việc, lực lượng chức năng đã lập biên bản làm việc, yêu cầu giải tán ngay việc tụ tập đông người và yêu cầu đối tượng H. không được sinh hoạt tôn giáo trái phép. Tuy nhiên, H. không hợp tác, không ký biên bản, không xác nhận việc sinh hoạt tôn giáo trái phép. Những người tham gia sinh hoạt trái phép chấp hành giải tán nhưng khoảng 30 phút sau khi cơ quan chức năng dời đi thì lại tụ tập về nhà H. để tiếp tục sinh hoạt, tuyên truyền các hoạt động của Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ.

Theo hồ sơ tại cơ quan công an, đối tượng tham gia Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ tại tỉnh ta chủ yếu là lao động tự do và có cả giáo viên (trường tiểu học Hợp Thành, huyện Kỳ Sơn và trường THPT Phú Cường, huyện Kỳ Sơn), tuổi đời đa phần khá trẻ.

Trao đổi với chúng tôi, thượng tá Phí Mạnh Thành, Phó trưởng phòng PA 88, Công an tỉnh cho biết: Thời gian qua, chúng tôi nhận được khá nhiều phản ánh, bức xúc và lo lắng của người dân về việc có người thân tham gia Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ. Số lượng người tham gia Hội này thời gian gần đây tăng nhanh. Những người tham gia thường có xu hướng thay đổi tính nết, tinh thần không minh mẫn, bỏ bê công việc, dời xa gia đình, có các hành vi trái với phong tục tập quán. Một số trường hợp có nguy cơ dời bỏ gia đình đến ăn ở, sinh hoạt cùng các thành viên trong Hội, làm tan vỡ hạnh phúc gia đình. Hoạt động của Hội gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân, ảnh hưởng đến ANTT trên địa bàn. Trước tình hình này, Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo Công an các huyện tăng cường nắm tình hình, tham mưu chính quyền địa phương chủ động trong công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo. Nâng cao nhận thức người dân, không nghe theo luận điệu tuyên truyền của Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ, không để hình thành các điểm Shion mới tại các huyện gây phức tạp tình hình ANTT. Đồng thời khuyến khích, vận động người dân kịp thời tố giác nếu phát hiện có những biểu hiện tuyên truyền hoạt động của tà giáo này cũng như báo với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng khi có người thân tham gia Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ.

Ngọc Minh

Kỳ 2: Tự vệ trước vòng xoáy Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ.

Trước những diễn biến phức tạp liên quan đến hoạt động Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ, BTV Tỉnh ủy đã có công văn chỉ đạo về vấn đề này. Cụ thể, BTV Tỉnh ủy yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh; Đảng đoàn các đoàn thể CT-XH; Ban Dân vận Tỉnh ủy; các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tăng cường công tác nắm tình hình, tuyên truyền vận động nhân dân không tham gia các hoạt động tôn giáo trái phép. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về hoạt động tín ngưỡng tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, phân biệt rõ các nhóm, tổ chức tự xưng "Hội Thánh Đức Chúa Trời” có biểu hiện phản văn hóa, lệch chuẩn đạo đức xã hội, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật với các tổ chức Tin lành có tên gọi tương tự để có biện pháp giải quyết và quản lý phù hợp theo quy định của pháp luật. Kịp thời báo cáo tình hình và tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đảm bảo quy định, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Các tin khác


Đưa kiến thức pháp luật đến người lao động trong doanh nghiệp

(HBĐT) - Để người lao động (NLĐ) không vi phạm pháp luật và tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì trước tiên NLĐ phải được trang bị, hiểu biết về pháp luật và các quy định liên quan. Do đó, Công đoàn tỉnh xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là nhiệm vụ quan trọng. Hàng năm, các cấp Công đoàn trong tỉnh chú trọng xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai nhiệm vụ tuyên truyền, PBGDPL có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hình thức tuyên truyền giúp NLĐ dễ tiếp cận thông tin, nắm vững kiến thức. 

Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục