(HBĐT) - Hiện nay, số lượng người lao động trong khu vực nông nghiệp (NN) của tỉnh chiếm khoảng 70% tổng số lao động toàn tỉnh. Mỗi năm, tỉnh đặt mục tiêu tạo việc làm mới cho khoảng 16.000 lao động. Như vậy có thể thấy, nhu cầu đào tạo nghề NN cho lao động nông thôn (LĐNT) là rất lớn. Cùng với áp lực về số lượng, công tác đào tạo nghề NN cho LĐNT đang đứng trước nhiều thách thức để nâng cao hiệu quả, từ đó tiếp thêm động lực cho quá trình tái cơ cấu ngành NN gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM).


Sau đào tạo nghề, lao động nông thôn xã Bảo Hiệu (Yên Thủy) đã tìm kiếm được việc làm mới tại các doanh nghiệp chuyên chế biến, tiêu thụ nông sản chất lượng cao.

Chưa hoàn thành chỉ tiêu đào tạo

Được biết, tại cấp tỉnh, Sở NN&PTNT là đơn vị chủ trì thực hiện Kế hoạch đào tạo nghề NN cho LĐNT giai đoạn 2016-2020. Đây là kế hoạch trọng tâm đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo nghề NN cho LĐNT, từ đó góp phần thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành NN và xây dựng NTM.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, cơ sở đào tạo nghề tổ chức triển khai công tác đào tạo nghề NN cho LĐNT. Hàng năm, tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ tại địa phương, đơn vị. Đặc biệt, Sở kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai công tác đào tạo nghề NN cho các địa phương theo định hướng phát triển quy hoạch của ngành gắn với tái cơ cấu ngành và xây dựng NTM. Riêng về công tác tổ chức các lớp đào tạo, Sở NN&PTNT đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung danh mục nghề, mức hỗ trợ đào tạo cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Qua đó, công tác đào tạo nghề NN cho LĐNT đã chuyển biến tích cực theo định hướng đào tạo có trọng tâm, trọng điểm như: đào tạo gắn với tái cơ cấu ngành, đào tạo gắn với công nghệ cao, gắn với quy hoạch sản xuất và xây dựng NTM... Đối tượng ưu tiên đào tạo là những nông dân nòng cốt, lao động nằm trong vùng sản xuất hàng hóa tập trung, có liên kết sản xuất với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, kết quả thống kê trong 2 năm (2016-2017) cho thấy, số LĐNT được hỗ trợ đào tạo nghề NN chưa đạt chỉ tiêu đề ra: 3.337 người, đạt 71,30% so với kế hoạch giao. Riêng năm 2017, ngành NN&PTNT hỗ trợ đào tạo được 1.694 người, chỉ đạt 44,11% so với kế hoạch chỉ tiêu giao là 3.840 người.

Mở rộng ra quy mô đào tạo các nghề phi NN dành cho LĐNT cũng cho thấy diễn biến tương tự. Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH: Trong 2 năm (2016-2017) thực hiện đào tạo nghề cho LĐNT, toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo theo các trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng cho 7.086 lao động, chỉ đạt khoảng 44,3% chỉ tiêu đề ra. Trong đó, năm 2017 đã đào tạo 3.486 lao động (đạt 43,6% kế hoạch), gồm 1.792 lao động được đào tạo nghề NN (chiếm 51,4%) và 1.694 lao động được đào tạo nghề phi NN (chiếm 48,6%). Trong khi đó, mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2017 là bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 8.000 - 9.500 LĐNT. Với kết quả đạt được trong năm 2017, áp lực về số lượng đối với công tác đào tạo nghề cho LĐNT từ nay đến năm 2020 là rất lớn để có thể hoàn thành chỉ tiêu trong giai đoạn 2017-2020: Hỗ trợ đào tạo sơ cấp và dưới 3 tháng cho 35.000 LĐNT.

Sau đào tạo, trên 80% LĐNT có thu nhập cao hơn

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, công tác đào tạo nghề NN cho LĐNT trong 2 năm gần đây tuy không đạt kế hoạch về số lượng nhưng bù lại, các cơ sở đào tạo nghề đang đi đúng hướng để đạt được giá trị cốt lõi nhất là chất lượng đào tạo. Hiện nay, các đơn vị trực thuộc Sở như: Trung tâm Khuyến nông, Chi cục TT&BVTV, Chi cục Thủy sản, Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản... đều có đội ngũ giáo viên tham gia đào tạo nghề NN cho LĐNT đảm bảo trình độ chuyên môn, đạt chuẩn về nghiệp vụ sư phạm dạy nghề và kỹ năng nghề. Cùng với đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị từng bước được đầu tư giúp các đơn vị này đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của công tác đào tạo. Đặc biệt, với phương pháp đào tạo lấy thực hành là chính và gắn với mô hình cụ thể, hiệu quả của các lớp đào tạo nghề được nâng lên rõ rệt, tác động trực tiếp tới hoạt động tổ chức sản xuất ở địa phương.

Kết quả khảo sát tại Chi cục TT&BVTV – một trong những cơ sở đào tạo nghề NN uy tín của Sở NN&PTNT cho thấy: Trong 2 năm (2016-2017), Chi cục đã tuyển sinh 11 lớp với 271 học viên. Trong đó, gần 100% học viên có việc làm hoặc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo. Nhiều học viên trở thành nông dân nòng cốt trong việc tổ chức lại sản xuất (tổ chức hoạt động theo nhóm nông dân, tổ hợp tác hoặc hợp tác xã) và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân khác.

Còn kết quả khảo sát đối với 3.337 LĐNT được Sở NN&PTNT hỗ trợ đào tạo nghề NN trong 2 năm (2016-2017) cũng đầy sức thuyết phục: Sau khi được đào tạo, có 3.031 người (chiếm 90,83%) đã tìm được việc làm mới (được tổ chức, doanh nghiệp tuyển dụng) hoặc nâng cao hiệu quả của việc làm cũ (bằng cách tổ chức lại sản xuất theo hướng tạo liên kết bao tiêu sản phẩm, thành lập doanh nghiệp/tổ hợp tác/hợp tác xã và hoạt động hiệu quả...). Về nội dung này, Sở LĐ-TB&XH đã có rà soát sơ bộ sau 1 năm đối với 3.600 LĐNT được đào tạo nghề trong năm 2016 theo Đề án "Đào tạo nghề cho LĐNT tỉnh Hòa Bình đến năm 2020”. Kết quả đã có 2.887 người (tỷ lệ 80,1%) tìm được việc làm mới hoặc vẫn làm nghề cũ nhưng năng suất, thu nhập cao hơn. Như vậy, đạt mục tiêu đề ra là "trên 80% số LĐNT sau học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn”. Đó thực sự là những con số "biết nói”, cho thấy phần nào hiệu quả của công tác đào tạo nghề cho LĐNT nói chung và đào tạo nghề NN nói riêng.

Tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nghề nông nghiệp

Trên thực tế, tại các địa phương thực hiện tốt công tác đào tạo nghề nâng cao trình độ cho LĐNT như Kim Bôi, Cao Phong, Yên Thủy, Lạc Thủy… đang xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất NN có hiệu quả tốt, nhiều hộ nông dân nhờ được đào tạo đã thay đổi tư duy, nâng cao năng lực sản xuất, từ đó triển khai hiệu quả các mô hình kinh tế NN.

Năm 2017, toàn tỉnh có 1.694 lao động nông thôn được đào tạo các loại nghề nông nghiệp, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất. ảnh: Nông dân xã Liên Sơn (Lương Sơn) thực hành tại đồng ruộng lớp IPM trên cây lúa.

Huyện Kim Bôi là một ví dụ điển hình. Với số LĐNT chiếm tỷ lệ cao (thống kê đến cuối năm 2017, số lao động trong ngành NN chiếm khoảng 77% tổng dân số toàn huyện), huyện Kim Bôi luôn xác định công tác đào tạo nghề NN cho LĐNT là nhiệm vụ trọng tâm, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH. Thực hiện Đề án đào tạo nghề Nông cho LĐNT đến năm 2020, trong 2 năm (2016 - 2017), huyện đã tổ chức được 10 lớp nghề cho 335 LĐNT, thời gian đào tạo từ 1-3 tháng. Ngoài ra, bằng nguồn ngân sách huyện và các nguồn vốn lồng ghép, Trạm KN-KL huyện đã tổ chức 362 lớp tập huấn, chuyển giao KHKT cho 14.199 lượt LĐNT, thời gian tập huấn từ 1-5 ngày tại các xã trên địa bàn huyện. Sau khi học nghề, học viên đã bước đầu áp dụng kiến thức được đào tạo để tự tạo việc làm, phát triển kinh tế hộ. Trong đó, một số mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết đã mang lại hiệu quả cao như mô hình sản xuất rau an toàn gắn với bao tiêu sản phẩm, mô hình chăn nuôi gà hữu cơ...

Đồng chí Lê Đức Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi khẳng định: Thời gian tới, huyện sẽ tăng cường khảo sát nhu cầu người học để xây dựng kế hoạch đào tạo sát thực tiễn, xác định vùng và sản phẩm chủ lực của từng vùng để tổ chức đào tạo theo trọng tâm, trong đó, tiếp tục ưu tiên đào tạo cho LĐNT ở vùng sản xuất hàng hóa tập trung, các dự án sản xuất NN sạch, khuyến khích LĐNT tham gia liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Đặc biệt, trong phương pháp đào tạo nghề sẽ lấy thực hành làm chính với phương châm "cầm tay, chỉ việc” gắn với các mô hình sản xuất, có như vậy mới nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề.

Nếu như trước đây, việc vay ngân hàng mấy trăm triệu đồng để đầu tư cho một mô hình sản xuất chưa biết hiệu quả đến đâu là một điều không tưởng đối với LĐNT thì hiện nay, nhiều LĐNT đã có được quyết tâm đó. Vấn đề then chốt chính là tác động tích cực của các khóa đào tạo nghề chất lượng.

Anh Bùi Văn Cường (xóm Mới, xã Thung Nai, huyện Cao Phong) - học viên tham gia lớp đào tạo nghề nuôi cá lồng trên sông do Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức năm 2017 – cho biết: "Nhờ được đào tạo bài bản từ lý thuyết đến thực hành nên tôi cũng như các học viên trong lớp đã nắm bắt và thực hành khá thông thạo quy trình nuôi cá lồng bè hiệu quả trên hồ chứa thủy điện sông Đà. Tham gia lớp học nghề, chúng tôi được tiếp cận các thông tin, kỹ thuật, kỹ năng cơ bản trong nuôi cá lồng bè, nắm được các công nghệ mới như: công nghệ làm lồng, phao, lưới, thức ăn, cách vệ sinh lồng lưới, cách chăm sóc và phòng trị bệnh cho đàn cá... để áp dụng vào thực tế sản xuất. Chính vì hoàn toàn tự tin vào bản thân nên sau khóa học, tôi quyết định chuyển sang nuôi cá lăng, cá tầm để có giá trị kinh tế cao hơn các đối tượng nuôi truyền thống mà gia đình đã chọn nhiều năm nay”.

Cũng như anh Bùi Văn Cường, các học viên khác đã mạnh dạn đầu tư cả trăm triệu đồng để mở rộng quy mô nuôi cá lồng sau khi được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết. Đối với họ, nhờ được đào tạo nghề bài bản nên những trở ngại trước đây không còn nữa. Thay vào đó là sự tin tưởng vào bản thân và hiệu quả kinh tế của mô hình sẽ triển khai trong thời gian tới.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhìn nhận. Rất đáng ghi nhận là hiện nay, công tác đào tạo nghề NN cho LĐNT đã chuyển từ vai trò "làm thay” sang vai trò "hỗ trợ và định hướng”. Chính vì thế đã làm được hai điều đặc biệt quan trọng: Thứ nhất là tạo được chuyển biến tích cực trong tư duy kinh tế của người lao động, giúp họ nâng cao trình độ nhận thức để thích ứng tốt hơn với những yêu cầu ngày càng cao của quá trình hiện đại hóa NN. Thứ hai là thúc đẩy hành động, trang bị cho LĐNT những kỹ năng cần thiết để làm chủ quy trình sản xuất NN hiện đại. Trên thực tế, nhu cầu học nghề của LĐNT là rất lớn, nhất là nhu cầu học nghề nông. Bởi những kinh nghiệm mà cha ông truyền lại không còn phù hợp với thực tiễn sản xuất. Trong khi đó, nghề nông là một nghề khó và có độ rủi ro cao, những phát sinh trong lộ trình tái cơ cấu ngành NN sẽ tạo ra nhiều sức ép để gạt ra bên lề những ai không có đủ năng lực. Xuất phát từ yêu cầu thực tế, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 108/KH-UBND ngày 9/8/2017 về nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT giai đoạn 2017 - 2020. Trong đó, chỉ đạo tiếp tục tăng cường hiệu quả công tác đào tạo nghề NN - giải pháp trọng tâm và hữu hiệu nhất giúp LĐNT có thêm nội lực để thực hiện thành công quá trình xóa đói giảm nghèo, phát triển toàn diện về KT-XH.



Năm 2018, đào tạo nghề nông nghiệp cho 2.000 lao động nông thôn

Theo kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT năm 2018, ngành NN&PTNT sẽ tập trung đào tạo cho các đối tượng là lao động thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, lao động có tham gia liên kết sản xuất với doanh nghiệp, lao động làm việc trong các trang trại, HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với nông dân, lao động làm trong các vùng sản xuất hàng hóa, sản xuất công nghệ cao…

Dự kiến, trong năm sẽ tổ chức 66 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho 2.000 lao động, gồm các nhóm nghề: nông nghiệp (29 lớp với 870 lao động), chăn nuôi (27 lớp với 810 lao động), thủy sản (10 lớp với 320 lao động). Tổng kinh phí hỗ trợ đào tạo khoảng 5 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 3,5 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương và các nguồn huy động khác.



Các ngành nghề đào tạo dành cho lao động nông thôn

Theo kế hoạch của Bộ NN&PTNT về đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT giai đoạn 2016-2020, các ngành nghề đào tạo gồm:

- Ngành nghề về kỹ thuật và quản lý sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nghề rừng, nghề nuôi trồng, đánh bắt, khai thác thủy sản, chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối cho người dân ở vùng nghèo, vùng đặc biệt khó khăn.  

- Ngành nghề đào tạo để thực hiện các chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng phó với biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường biển.

- Các địa phương lựa chọn ngành nghề phù hợp gắn với các vùng sản xuất hàng hóa lớn, có liên kết sản xuất – tiêu thụ, sản phẩm công nghệ cao và đảm bảo ATVSTP

Thu Trang 

Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục