(HBĐT) - Miền Bắc đang trải qua những đợt rét đậm, rét hại. Một số nơi xuất hiện băng giá như ở Sa Pa (Lào Cai), Lạng Sơn. Vào lúc này, công tác phòng - chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Tại tỉnh ta, sau 2 đợt rét đậm, rét hại khá sâu đang có thêm những đợt mưa rét kéo dài khiến người chăn nuôi lo lắng trước diễn biến đáng ngại của thời tiết.


Hộ chăn nuôi xã Kim Truy (Kim Bôi) chủ động nguồn thức ăn nhằm phòng - chống đói, rét, dịch beänh cho gia súc.

 

Báo động về nguồn thức ăn dự trữ

Nếu như ở các vụ đông - xuân trước, nguồn thức ăn chăn nuôi được đánh giá là khá dồi dào thì ở vụ đông - xuân này, việc thiếu thức ăn dự trữ cho đàn gia súc tại một số địa phương trong tỉnh đang là thực tế đáng quan ngại. Nguyên nhân do ảnh hưởng của đợt thiên tai trung tuần tháng 10/2017 khiến không những năng suất lúa giảm mạnh mà số lượng rơm rạ dự trữ trong dân cũng không còn là bao, chất lượng không đảm bảo. Tại một số vùng chăn nuôi gia súc lớn, diện tích đồng cỏ bị thu hẹp, mưa lũ, tiếp đó là hạn hán và giá rét làm giảm diện tích cỏ voi và ngô gieo dày.

Tại huyện Lạc Thủy, đợt mưa lũ lịch sử đã gây lũ cấp báo động 3 trên sông Bôi làm ngập hầu hết và thiệt hại về diện tích cỏ voi, ngô dày, hư hỏng một số cây rơm người dân đã chuẩn bị. Theo thống kê, toàn huyện có 3.708 hộ chăn nuôi với tổng số 8.941 con trâu, bò. Diện tích trồng cỏ giảm còn 181 ha, ngô dày còn 13.520 m2 và chỉ có 563 cây rơm. Trong số các hộ chăn nuôi còn 265 hộ không có thức ăn dự trữ cho gia súc.

Tại huyện Kim Bôi – địa phương có tổng đàn gia súc khá lớn (27.569 con trâu, bò), công tác dự trữ nguồn thức ăn cũng gặp khó khăn, nhất là các vùng có tổng đàn đông như Cuối Hạ, Đú Sáng…Theo đồng chí Bùi Xuân Bộ, Phó phòng NN & PTNT huyện, số cây rơm dự trữ chỉ bằng một nửa so với mọi năm (6.709 cây), diện tích trồng cỏ chỉ khoảng 41, 2 ha. Trong đự, khó khăn nhất là xã Cuối Hạ, do đồng đất khan hiếm nước nên cỏ trồng không mọc, diện tích ngô trồng dày chỉ trồng ở một vài điểm đất bãi ven suối manh mún và bị mưa lũ cuốn trôi gần hết.

Tình trạng thiếu thức ăn dự trữ cũng xảy ra tương tự ở nhiều địa phương khác như các huyện Lạc Sơn, Tân Lạc, Đà Bắc, Mai Châu, Lương Sơn, Yên Thủy. Qua đợt kiểm tra thực tế công tác phòng – chống đói, rét tại các xã, xóm và tận hộ gia đình cho thấy một số nơi đang gặp khó trong công tác chủ động nguồn thức ăn cho gia súc. Rơm rạ và các sản phẩm phụ của ngành nông nghiệp vốn là thức ăn chính của gia súc vụ đông - xuân do thiên tai tàn phá đã bị sụt giảm nghiêm trọng. Nhất là số cây rơm dự trữ giảm nhiều, không đủ để duy trì cho những ngày mưa rét. Nhiều hộ tuy có chuẩn bị được 1 – 2 cây rơm nhưng cũng để đấy, trâu, bò không chịu ăn vì chất lượng rơm kém, bị mủn, mục nhiều, bị đắng.

Nhận thức của một bộ phận người chăn nuôi còn chủ quan

Đó là thực tế đang diễn ra ở không ít người chăn nuôi trong điều kiện thời tiết vụ đông khắc nghiệt. Tại xóm Rớm, xã Yên Thượng (Cao Phong), các xóm Thông, Thượng, Má - xã Cuối Hạ (Kim Bôi), xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) hay một số địa bàn vùng cao của huyện Đà Bắc… tình trạng nuôi thả rông gia súc vẫn còn khá phổ biến. Trong khi một số người chăn thả trâu, bò có ý thức lùa trâu, bò về chuồng trại để tránh rét thì vẫn còn nhiều hộ để mặc gia súc trên rừng tự kiếm ăn và chống chọi với cái đói, cái lạnh, không có sự chăm sóc hay quản lý, bảo vệ.

Mặt khác, việc che chắn ở một số chuồng trại còn tạm bợ, sơ sài, không đảm bảo đủ để che chắn sương muối, gió lùa. Nơi nuôi nhốt gia súc và môi trường xung quanh không khô ráo, thoáng và nền chuồng không dọn rửa thường xuyên nên ảnh hưởng đến sức khỏe gia súc cũng như yếu tố vệ sinh phòng bệnh trong chăn nuôi. Cá biệt có hộ chăn nuôi hoàn toàn thụ động trong khâu chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi, nguồn thức ăn phụ thuộc vào tự nhiên, không có diện tích cỏ voi, cỏ dày, không dự trữ các phụ phẩm nông nghiệp như sắn, ngô, rơm, rạ cho gia súc. Đây chính là những nguyên nhân khiến đàn vật nuôi bị tổn thất.

 


Hộ chăn nuôi xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) bảo vệ và chăm sóc tốt đàn vật nuôi.

 

Theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương, qua 2 đợt rét đậm, nhiệt độ giảm khá sâu vừa qua, hiện tượng gia súc chết rét, chết đói đang diễn biến rải rác, chủ yếu là số bê, nghé non. Tại huyện Kim Bôi ghi nhận chết 4 con ở xã Cuối Hạ, huyện Cao Phong chết 6 con, huyện Lạc Sơn chết hơn 10 con hiện đang xác minh nguyên nhân chết do đói, rét hay bệnh tật. Đồng chí, Nguyễn Thị Phương Thủy, Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y nhận định: Qua đợt kiểm tra công tác phòng - chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm ở 11/11 huyện, thành phố, đại bộ phận người chăn nuôi đã có nhận thức đầy đủ về bảo vệ, phát triển chăn nuôi, áp dụng các biện pháp phòng - chống đói rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Bên cạnh đó, vẫn còn một số hộ thực hiện chưa tốt. Diễn biến thời tiết năm nay dự báo phức tạp, nhiều đợt rét đậm, rét hại, nhiệt độ xuống sâu đang tiếp tục tràn về. Các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở cần tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, vận động và hướng dẫn người chăn nuôi chăm sóc, bảo vệ gia súc, gia cầm. Mặt khác, người chăn nuôi cần nâng cao ý thức chủ động phòng - chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn. Khuyến cáo bà con trong điều kiện nguồn thức ăn dự trữ cho gia súc không dồi dào, cần tiếp tục gây trồng tăng diện tích cỏ, ngô dày, tận dụng cắt cỏ, các loại thức ăn có sẵn tự nhiên như lá chuối, lá, ngọn mía, thân, lá cây ngô, các phụ phẩm nông nghiệp như cám ngô, sắn, mía cỏ… để đảm bảo lượng thức ăn cho gia súc, giúp duy trì và tăng sức đề kháng. Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin THT, LMLM trâu, bò. Lưu ý khi nhiệt độ xuống dưới 12oC, không cho gia súc làm việc ngoài đồng. Tại các địa bàn vùng núi cao, nhiệt độ thường chênh lệch và xuống thấp hơn, vì vậy đặc biệt lưu ý các biện pháp chống rét, chăm sóc cho vật nuôi, nhất là vấn đề che chắn, vệ sinh chuồng trại. Các hộ có thể lót trấu, rơm khô hoặc các vật liệu khác xuống nền chuồng để gia súc không bị lạnh. Đối với tập quán thả rông gia súc trong các vùng thung và khu vực đồi, rừng, người dân cần từng bước hạn chế, xóa bỏ, tuyệt đối không thả rông trong những thời điểm nhiệt độ xuống quá thấp, đưa trâu bò về chuồng trại để quản lý và chăm sóc.

 

Bùi Minh

 

Trâu, bò thả rông nếu chết rét, chết đói sẽ không hỗ trợ

 Vương Đắc Hùng (Phó Giám đốc Sở NN & PTNT)

 Đây là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt từ Bộ NN & PTNT đến các tỉnh. Những năm qua, mặc dù ngành NN & PTNT, các cơ quan chuyên môn từ tỉnh đến cơ sở đã chỉ đạo, đôn đốc và tuyên truyền, khuyến cáo, vận động nhưng thói quen, tập quán thả rông gia súc vẫn tồn tại ở một số địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trong tỉnh. Hậu quả của việc vật nuôi không được chăm sóc, bảo vệ là tình trạng gia súc chết đói, chết rét trên rừng. Người chăn nuôi do ý thức chủ quan, không đưa gia súc về chuồng trại để quản lý dẫn đến thiệt hại đối với kinh tế hộ gia đình, ảnh hưởng đến công tác phát triển chăn nuôi.

Sở NN & PTNT yêu cầu chính quyền cơ sở, thú y viên khi có thông tin về trâu, bò chết đói, chết rét, khẩn trương phối hợp, kiểm tra trực tiếp để xác minh, lập biên bản có sự chứng kiến của người dân để tổng hợp báo cáo huyện, tỉnh. Lưu ý về chủ trương, chính sách sẽ không hỗ trợ đối với trường hợp trâu, bò thả rông chết tại đồi, rừng.

 Cần tăng cường thức ăn cho gia súc trong thời điểm rét đậm, rét hại

Quách Anh Tuấn, (Phó trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Kim Bôi)

 Thực tế hiện nay, các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện đã có nhận thức khá tốt về phòng - chống đói, rét cho gia súc nhưng đang gặp nhiều khó khăn về dự trữ nguồn thức ăn do tác động đợt thiên tai mang lại. Số lượng rơm, ngô gieo dày, cỏ voi, cỏ VA06 đều giảm gần một nửa so với mọi năm.

Là huyện có tổng đàn gia súc khá lớn, trong điều kiện thời tiết liên tiếp có những đợt rét đậm, rét hại đang đặt ra nhiều lo ngại đối với phát triển sản xuất chăn nuôi. Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện đang tích cực triển khai chỉ đạo, đôn đốc công tác phòng - chống đói, rét, dịch bệnh tại cơ sở. Đội ngũ thú y viên phát huy vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, hướng dẫn để bà con chăn nuôi khắc phục khó khăn, một mặt tận dụng mọi nguồn thức ăn xanh, thô, tinh để cung cấp đủ lượng cho trâu, bò trong mùa mưa rét, một mặt thực hiện đúng khuyến cáo, các biện pháp phòng - chống đói, rét hữu hiệu như cho ăn cám pha nước ấm, muối, tận dụng bờ ao, góc vườn tiếp tục trồng cỏ…

 Bảo vệ tốt gia súc nhờ thực hiện đúng biện pháp phòng - chống đói rét, dịch bệnh

Lường Thị Đệ Xóm Tát xã Tân Minh (Đà Bắc)

 Sau 7 năm chăn nuôi, bắt đầu với 1 con trâu, 2 con bò, đến nay, đàn gia súc của tôi hiện có 2 con trâu, 5 con bò. Đặc biệt là trải qua nhiều vụ rét nhưng gia đình tôi chưa để con gia súc nào bị thiệt hại do đói, rét. Có được thành quả này là nhờ trong chăn nuôi, tôi chú trọng tiêm phòng định kỳ cho vật nuôi, giữ vệ sinh chuồng trại luôn sạch sẽ, phun tiêu độc khử trùng mỗi tháng /lần.

Mặt khác vào vụ đông - xuân khi tiết trời lạnh giá, tôi chỉ tranh thủ chăn thả để tận dụng cỏ đồng bãi, ven đồi khi nhiệt độ ngoài trời ấm và lùa gia súc về chuồng trại để quản lý. Tôi đầu tư mua bạt phủ quây kín khu vực chuồng trại, chuẩn bị sẵn củi đốt để sưởi ấm cho gia súc vào những đợt đại hàn. Cho ăn theo hướng dẫn của thú y viên và chuẩn bị thêm rơm, diện tích mía cỏ, cỏ voi phòng ngày mưa rét.

 

Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục