(HBĐT) - Thực phẩm không an toàn vẫn hiện hữu trong đời sống hàng ngày của người dân, ảnh hưởng đến sức khỏe và là nguyên nhân gây nhiều bệnh lý nguy hiểm. Sử dụng thực phẩm ô nhiễm có thể dẫn đến ngộ độc cấp tính với các triệu chứng dễ nhận thấy, nhưng cũng có thể sau một thời gian mới phát bệnh hoặc gây dị tật, dị dạng cho các thế hệ sau. Một số hóa chất độc hại, độc tố vi nấm, vi khuẩn và độc tố vi khuẩn nhiễm vào thức ăn, nước uống tuy ở liều lượng thấp nhưng với thời gian dài cũng có thể gây ra các bệnh nguy hiểm như ung thư hoặc rối loạn chức năng thần kinh, tiêu hóa, tuần hoàn của cơ thể.


Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm của tỉnh kiểm tra bếp ăn tại nhà hàng Quán Ngon (TP Hòa Bình).


Nhiều đồ ăn, thức uống tại lễ hội đền Chúa Thác Bờ thuộc huyện Đà Bắc bày bán ngay lối lên xuống, không được che đậy gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nguy hại từ chợ
 
Khi hỏi chuyện về ATTP, bà Trần Thị Bình, tổ 2, phường Phương Lâm, TP Hòa Bình ái ngại thốt lên rằng, dù đã có kinh nghiệm nội trợ hơn 40 năm nhưng bà vẫn khó lựa chọn được thực phẩm an toàn cho bữa ăn gia đình. Trước đây bà Bình cho rằng, củ cà rốt còn nguyên cuống, lá là của Đà Lạt nhưng về sau bà mới biết, mình vẫn bị lừa khi mua phải cà rốt không rõ nguồn gốc. Rau súp lơ xanh trái vụ có cả lá, cuống dài cũng không biết xuất xứ ở đâu. Ngay cả các loại nấm tuy được viết bằng tiếng Việt nhưng khi giở ra cũng hoang mang không biết ở đâu sản xuất và rất khó để biết được mình mua thực phẩm có an toàn hay không?
 
Cùng cảnh ngộ như bà Bình, chị Lê Thị Xuân ở phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình bảy tỏ: Hôm trước tôi mua thịt lợn chợ, trông rất tươi ngon, bắt mắt nhưng khi giở ra rửa thì mùi rất hôi. Hỏi một số người thì được biết, đây là thịt từ hôm trước, bán không hết được tẩm ướp phụ gia hôm sau tiếp tục mang bán. Từ lần đó tôi rất ngại mua thịt ở chợ. Một lần tôi mua cá khô ngoài chợ trông cá màu đẹp, xung quanh không có ruồi bu, trong khi những thực phẩm khác có nhiều ruồi vây kín. Mua về thấy mọi người bảo cá đó ngâm thuốc đuổi ruồi rất độc nên tôi không dám ăn nữa...
 
Có thể nói, công tác đảm bảo ATTP có vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược bảo vệ sức khỏe con người. Tình trạng ô nhiễm môi trường, đất đai, nguồn nước và những sai sót trong thực hành nông nghiệp, chế biến, bảo quản ảnh hưởng đến mức độ ATTP cũng như sự gia tăng tỷ lệ bệnh ung thư gan, dạ dày, thực quản, đại tràng… có liên quan đến thực phẩm ô nhiễm, đã có nhiều nghiên cứu cảnh báo. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm thực phẩm luôn là quá trình động. Kiểm soát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm phải là việc làm thường xuyên, số liệu cần được cập nhật vì sự tiến bộ không ngừng của việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến, sự thay đổi môi trường nuôi trồng, sự giao lưu thương mại ngày càng mở rộng cũng như nhu cầu sử dụng thực phẩm của con người cũng luôn luôn thay đổi. Do vậy, công tác kiểm soát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm và khả năng khắc phục sự cố về ATTP hiện nay đặt ra những thách thức lớn.
 
Thực phẩm có thể bị ô nhiễm do mối nguy có bản chất sinh học, hóa học hay vật lý gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Trong một số trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến ngộ độc nguy hiểm. Vi sinh vật có thể tồn tại ở nguyên liệu tươi sống hoặc nhiễm vào thức ăn, đồ uống do sai sót trong quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản và phục vụ ăn uống. Khí hậu nóng ẩm ở nước ta luôn là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn, nấm men, nấm mốc. Tuy nhiên, mối nguy sinh học gây ô nhiễm thực phẩm có thể hạn chế được nhờ việc áp dụng các biện pháp thực hành nông nghiệp tốt (GAP), thực hành thú y tốt (GVP), thực hành thủy sản tốt (GaqP), thực hành sản xuất tốt (GMP), thực hành vệ sinh tốt (GHP/SSOP) và hệ thống đảm bảo ATTP (HACCP/ISO). Tuy nhiên việc kiểm soát mối nguy hóa học luôn là "bài toán khó” đối với các nhà quản lý ATTP.
 
Từ khi nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường, một số cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông - lâm - hải sản ra đời một cách tự phát với các quy trình công nghệ còn thô sơ, vấn đề khai thác khoáng sản tự do, tinh chế vàng và kim loại quý hiếm tuỳ tiện theo phương pháp thủ công. Kim loại nặng, các hợp chất hữu cơ có độc tính cao từ chất thải của nhà máy, bệnh viện và rác thải sinh hoạt không được xử lý tốt có thể ảnh hưởng tới môi trường sinh thái, làm tích lũy các chất độc hại hóa học trong cây trồng, vật nuôi.
 
"Sờ” đâu cũng vi phạm
 
Theo Báo cáo của Chi cục VSATTP, trong năm 2017, Chi cục VSATTP (Sở Y tế) đã mua và xét nghiệm 476 mẫu thực phẩm. Qua xét nghiệm đã phát hiện 51 mẫu (10,7%) dương tính với vi phạm về ATTP, bao gồm 18 mẫu test thử nhanh dương tính: 1 mẫu rượu trắng nấu thủ công dương tính với methanol, 17 mẫu giò, chả dương tính với hàn the. Qua xét nghiệm 33 mẫu bằng phương pháp vi sinh, có 33 mẫu, trong đó, 9 mẫu rau sống dương tính với E.Coli, 1 mẫu nước uống đóng chai dương tính với Colifrom, 6 mẫu đá thực phẩm dương tính với Colifrom, 3 mẫu giò, chả dương tính với S.aureus; 3 mẫu dương tính với E.Coli, 2 mẫu cá và sản phẩm từ cá dương tính với S.aureus; 1mẫu dương tính với E.Coli, 1 mẫu thịt quay dương tính với E.Coli, 3 mẫu dương tính với S.aureus, 4 mẫu lòng lợn dương tính với E.Coli.
 
Trong lĩnh vực nông nghiệp tổ chức lấy mẫu cho 224 sản phẩm nông - lâm - thủy sản để giám sát chất lượng vệ sinh ATTP, qua đó cho thấy: 18/224 mẫu không đảm bảo vệ sinh ATTP, cụ thể, 2 mẫu thịt lợn có kháng sinh cấm Chloramphenicol, 1 mẫu chứa kháng sinh Sufadimidine vượt ngưỡng cho phép, 2 mẫu giò và 1 mẫu chả có chất cấm hàn the, 12 mẫu giò, chả có chứa phụ gia bảo quản nhóm Benzoat, chiếm 8,03%, tăng 3,24% so với năm 2016. Trong năm 2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm với 33 người mắc, gây tử vong 1 người.
 
Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện Luật An toàn thực phẩm còn gặp phải một số khó khăn như: Do việc thanh, kiểm tra chỉ có thể thực hiện theo từng thời điểm nhất định nên dẫn đến tình trạng nhiều chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh tìm cách đối phó với lực lượng chức năng, nhất là đối với nguồn thực phẩm mang từ các tỉnh khác vào tiêu thụ, các cơ sở nhỏ lẻ bán ở các lễ hội, hội chợ, vùng sâu, vùng xa… Ngoài ra, hiện nay, đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP các cấp, nhất là cơ sở còn thiếu và yếu về chuyên môn, các điều kiện, phương tiện kỹ thuật kiểm tra chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Yếu tố quan trọng là do ý thức của một bộ phận người dân về ATTP hạn chế, trong đó ý thức chấp hành pháp luật về đảm bảo vệ sinh ATTP chưa cao. Nhiều người còn tùy tiện, thờ ơ khi sử dụng thực phẩm mà mình không biết rõ nguồn gốc, xuất xứ. Mặt khác, do lợi nhuận kinh tế mà một số cá nhân, doanh nghiệp coi thường sức khỏe, tính mạng con người, có hành vi kinh doanh các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm quá hạn sử dụng hoặc chế biến thực phẩm không đảm bảo vệ sinh.

                                 Việt Lâm

Cần tăng chế tài xử phạt, chú trọng năng lực tuyến cơ sở

Bùi Quang Huấn, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh ATTP tỉnh

Để tình trạng vi phạm ATTP không còn là vấn nạn, cần thiết phải có những quy định về xử lý hình sự đối với các vi phạm nghiêm trọng đã bị xử lý nhiều lần vẫn tái phạm, quy trách nhiệm đối với người có trách nhiệm khi thấy vi phạm mà không xử lý. Trong tổ chức thực hiện phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp, cơ quan chức năng, cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan đến ATTP.

Bên cạnh đó, cần phải tiếp tục tổ chức lại mối liên kết từ sản xuất đến tiêu dùng. Các địa phương trọng điểm đã đến lúc cần có ban chỉ đạo về ATTP để phối hợp tốt hơn, nâng cao trách nhiệm và tổ chức quản lý ATTP, khắc phục các yếu kém hiện nay.

Tuyến cơ sở, xã, phường chính là đầu mối có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động kiểm soát chất lượng vệ sinh thực phẩm, vì vậy, cần chú trọng tăng cường năng lực và trách nhiệm quản lý của chính quyền, bên cạnh việc củng cố, kiện toàn các cơ quan kiểm tra Nhà nước về ATTP.

Nâng cao ý thức người sản xuất

Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh

Trong sản xuất nông nghiệp, nguy cơ mất ATVSTP đến từ nhiều công đoạn. Từ đất sản xuất, nước tưới, quá trình canh tác, sử dụng thuốc BVTV, công đoạn thu hoạch, sơ chế... Ngoài ra, khi sản phẩm đến bàn ăn cũng có nguy cơ mất an toàn như để trong tủ lạnh bị nấm mốc, vi sinh vật thâm nhập…

Hiện nay rất khó kiểm soát được những mối nguy mất ATVSTP từ các sản phẩm nông nghiệp. Bởi chỉ một sơ xuất nhỏ cũng có thể trở thành mối nguy hại đến người tiêu dùng. Do vậy, để đảm bảo VSATTP, người tiêu dùng cần tìm hiểu rõ về sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, địa chỉ sản xuất, nơi cung cấp sản phẩm và sản phẩm phải được giám sát thường xuyên của các cơ quan chức năng. Đối với người sản xuất cần nâng cao ý thức trách nhiệm, kiểm soát các khâu từ sản xuất đến bàn ăn. Coi sản phẩm bán ra thị trường như sử dụng cho mình.

Phòng ngừa từ khâu sản xuất

Lê Văn Thuận, Xã Tử Nê, huyện Tân Lạc

Để kiểm soát chất lượng ATVSTP, theo tôi các cơ quan chức năng cần xây dựng hệ thống kiểm soát thực phẩm theo nguyên tắc: phân tích mối nguy, tiếp cận quản lý hệ thống "ngăn ngừa, phòng chống, kiểm soát và xử lý” và kiểm soát toàn bộ chu trình thực phẩm "từ trang trại đến bàn ăn”.

Xây dựng hệ thống kiểm nghiệm, phân tích thực phẩm có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm tính chính xác, khoa học của hoạt động thanh tra, kiểm tra chất lượng VSATTP. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về nguy cơ ngộ độc thực phẩm, sự lan truyền bệnh dịch trong nhân dân. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực VSATTP như tranh thủ hỗ trợ kỹ thuật, phòng, chống dịch bênh lây truyền qua biên giới.

 

 



Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục