(HBĐT) - Thời gian qua, trên cả nước xảy ra nhiều vụ cháy tại các chung cư, nhà cao tầng gây thiệt hại lớn về người, tài sản. Đặc biệt, vụ cháy tại chung cư Carina ở quận 8 (TP Hồ Chí Minh) ngày 23/3 vừa qua làm 13 người chết, 39 người bị thương.


Cán bộ phòng Cảnh sát PCCC &CN,CH (Công an tỉnh) kiểm tra thiết bị, phương tiện chữa cháy tại nhà xe 44, khu chung cư chuyên gia cũ thuộc phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình).

Ở tỉnh ta, ngoài các khu nhà 3 và 5 tầng cũ tại phường Tân Thịnh, Thịnh Lang, khu chuyên gia (TP Hòa Bình), những năm gần đây, nhiều nhà cao tầng được xây dựng mới. Công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) ở các khu nhà này cần được quan tâm hơn khi những vụ cháy đã từng xảy ra và thiếu sót không đảm bảo an toàn vẫn hiện hữu.

Từng xảy ra cháy tại các chung cư, nhà nhiều tầng

Ngày 21/10/2016, vào hồi 14h45’ xảy ra cháy căn hộ 402, tầng 4, cầu thang 1, khu chung cư 5 tầng cũ ở tổ 22, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình). Ngọn lửa thiêu rụi gần như toàn bộ tài sản trong nhà. Các căn hộ xung quanh cũng bị ảnh hưởng bởi khói đen. Gia chủ không có nhà, hàng xóm hoảng loạn, chỉ kịp vơ những giấy tờ quan trọng rồi tháo chạy.

10 ngày sau (31/10/2016), khoảng 10h19’, căn hộ số 518 tại Tòa nhà ở xã hội Dạ Hợp 12 tầng thuộc tổ 5, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) bốc cháy, khói đen thành cột nghi ngút. Khi xảy ra cháy, chủ nhà đi vắng, cửa căn hộ khóa. Nhận được tin báo, phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CN,CH), Công an tỉnh lập tức điều 3 xe chữa cháy cùng 25 CB, CS đến hiện trường dùng kìm cộng lực phá khóa cửa triển khai các biện pháp chữa cháy. Sau 10 phút, đám cháy được dập tắt nhưng ngọn lửa đã nhuộm đen căn hộ và thiêu rụi bình nóng lạnh, làm hư hỏng một số đồ dùng. Nguyên nhân được xác định do cháy bình nóng lạnh.

Lúc 6h30’ ngày 1/8/2017, người dân ở khu tập thể B13 thuộc tổ 3, phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình) nghe 2 tiếng nổ lớn và thấy cột khói to bốc ra từ căn hộ số 203. Nghe tiếng kêu cứu, hàng xóm đã dùng xà beng cậy cửa và đưa anh Nguyễn Tuấn Anh ra khỏi đám cháy. Anh bị bỏng nặng và sau đó tử vong. Toàn bộ đồ đạc trong nhà bị thiêu rụi. Do chung tường và các căn hộ liền kề với nhau nên khói, cùng sức nóng từ vụ cháy ảnh hưởng đến một số hộ xung quanh và trên tầng 3.

Trong 2 năm (2016 - 2017), hỏa hoạn từng xảy ra tại căn hộ ở khu chung cư chuyên gia cũ thuộc phường Hữu Nghị; cháy quán cà phê Phương Anh 3 tầng tại phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình)... Mới đây, ngày 5/2/2018 xảy ra cháy tại tầng hầm tòa nhà 4 tầng đang xây, phía sau Siêu thị Vì Hoà Bình thuộc phường Tân Thịnh (TP Hoà Bình). Khu vực cháy được chủ thầu dùng làm kho chứa vật liệu thi công trần nhà như tấm xốp lót trần, tấm nhựa. Khi xảy ra cháy vào lúc 18h15’, công nhân đã nghỉ làm việc nên không có thiệt hại về người.

Theo đánh giá, tổng hợp của phòng Cảnh sát PCCC & CN,CH, nguyên nhân các vụ cháy chủ yếu do sự cố hệ thống và thiết bị tiêu thụ điện, sơ xuất, bất cẩn trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt. Quý I /2018, trên địa bàn tỉnh tiếp tục xảy ra 7 vụ cháy, thiệt hại gần 150 triệu đồng, trong đó có 1 vụ cháy nhà.

Vẫn tồn tại không ít sơ hở, thiếu sót

KT-XH phát triển, nhà cao tầng, nhiều tầng "mọc” lên ngày càng nhiều. Nguy cơ cháy, nổ cũng ngày càng cao. Trong khi đó, các nhà này có đặc điểm tập trung đông người, nhiều công trình hỗn hợp, chứa nhiều vật liệu dễ cháy, sử dụng điện nhiều. Nếu xảy ra cháy, nổ, ngọn lửa, khói lan nhanh hơn, công tác cứu nạn khó khăn hơn và hậu quả sẽ lớn hơn. Do đó, những năm gần đây, công tác PCCC tại các nhà cao tầng, nhiều tầng được chủ đầu tư, nhân dân quan tâm hơn trước.

ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Ban An ninh tòa nhà Dạ Hợp thuộc tổ 5, phường Tân Thịnh cho biết: Tại tòa nhà trang bị 39 hộp cứu hỏa, 39 bình CO2, 78 bình ABC, 40 dây lăng, 40 vòi phun, 26 chuông báo động, 34 nội quy PCCC. Hàng tháng, Ban An ninh tổ chức kiểm tra định kỳ thiết bị PCCC. Ngoài ra, Ban tự quản tòa nhà có 5 người và mỗi tầng có 1 trưởng tầng. BQL tòa nhà kết hợp tuyên truyền, nhắc nhở cư dân các quy định đảm bảo an toàn PCCC tại các cuộc họp.

Anh Đào Quang Vinh, nhà xe 44 ở tầng hầm khu chuyên gia cũ thuộc phường Hữu Nghị cho biết: Chúng tôi nhận trông giữ 100 xe, chủ yếu là xe máy. Để phòng, chống cháy, chúng tôi trang bị bình chữa cháy xách tay, bể cát, dựng xe theo hàng lối và nhắc nhở khách hàng thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng xe, nhất là các xe cũ.

Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên và ghi nhận của Cảnh sát PCCC &CN, CH trong buổi sáng 28/3 tại 2 điểm trên vẫn còn không ít sơ hở, thiếu sót trong đảm bảo an toàn PCCC. Cụ thể, tòa nhà Dạ Hợp chưa được mua bảo hiểm cháy nổ. Cửa chống tụ khói tại lối dẫn vào cầu thang bộ thoát nạn ở tòa nhà Dạ Hợp bị mở, khi đóng vào cũng chưa khít. Thậm chí, người dân còn chèn gạch vào cánh cửa này ở tầng hầm để cho mở toang. Người dân làm vậy tiện cho việc đi lại nhưng mất tác dụng ngăn khói của các cửa này. Do đó, nếu xảy ra cháy, cầu thang thoát nạn lẽ ra là khu vực an toàn lại trở thành "ống khói” đưa khói từ khu vực dưới lên cao một cách nhanh chóng. Trong khi đó, ngạt khói là nguyên nhân chính gây tử vong. (Vụ cháy tại chung cư Carina đã cho thấy điều này). Theo bảo vệ tòa nhà, một số người vẫn không chấp hành quy định hút thuốc, ý thức của họ chưa cao. Còn nơi trông xe của anh Đào Quang Vinh bố trí bếp gas nấu ăn ngay trong nhà xe; các điều kiện về hút, thông gió… đối với nhà xe chưa đảm bảo. Tại các khu nhà chung cư cũ trước đây phục vụ công nhân, chuyên gia xây dựng Thủy điện Hòa Bình đã xuống cấp, dây điện chằng chịt, nước rò tường ẩm ướt. Một số lối đi tại các dãy nhà bị người dân lấn chiếm xây bịt kín làm nơi ở và kinh doanh, sẽ khó khăn hơn cho việc thoát nạn nếu xảy ra cháy.

Theo đánh giá của phòng Cảnh sát PCCC &CN,CH, công tác PCCC chưa được coi trọng đúng mức. Đối với một số nhà chung cư cao tầng mới, chủ đầu tư, ban quản lý chưa chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về công tác PCCC. Cụ thể như: trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ chưa đầy đủ; chưa thường xuyên kiểm tra bảo quản, bảo dưỡng các phương tiện báo cháy, chữa cháy, dẫn đến hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động; chưa định kỳ tổ chức học tập và thực tập phương án chữa cháy tối thiểu 1 lần /năm…

Đối với các nhà chung cư nhiều tầng cũ, không có ban quản lý, không có lực lượng, phương tiện chữa cháy tại chỗ. Các đơn nguyên nhà và căn hộ chỉ có duy nhất 1 lối đi, phía trước và sau nhà đều gia cố chuồng cọp chống trộm, nên khi xảy ra cháy khó cho công tác thoát nạn và tiếp cận chữa cháy, cứu nạn. Hầu hết nhân dân ở tại các khu chung cư nhiều tầng, cao tầng, nhận thức, ý thức chấp hành các quy định về PCCC chưa cao. Khi phòng Cảnh sát PCCC &CN, CH phối hợp mở các lớp tập huấn, thực tập phương án PCCC không tham gia mặc dù đã được thông báo, mời. Người dân chưa có ý thức tự trang bị các phương tiện chữa cháy, thoát nạn, kỹ năng thoát hiểm nếu có sự cố.

Chủ động ngăn ngừa hiểm họa cháy, nổ

Trước tình hình cháy, nổ tại các chung cư, nhà nhiều tầng diễn biến phức tạp, phòng Cảnh sát PCCC &CN, CH vừa xây dựng kế hoạch kiểm tra an toàn PCCC đối với các khu nhà này. Mục đích nhằm nâng cao hiệu lực QLNN về PCCC. Hướng dẫn cơ quan, đơn vị quản lý nhà, công trình nhiều tầng, cao tầng thực hiện tốt các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC trong suốt quá trình hoạt động, sử dụng công trình. Không để xảy ra cháy và hạn chế thấp nhất thiệt hại do các vụ cháy xảy ra trên địa bàn. Qua kiểm tra, đánh giá đúng thực trạng chấp hành pháp luật và các quy định an toàn về PCCC, kiến nghị các giải pháp, biện pháp khắc phục kịp thời, hiệu quả. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Nội dung tập trung kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở trong công tác PCCC theo quy định tại Khoản 2, Điều 1, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC. Việc thực hiện các điều kiện an toàn về PCCC đối với nhà, công trình nhiều tầng, cao tầng. Cụ thể là việc lập, lưu giữ, bổ sung hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC tại cơ sở. Tiến hành kiểm tra thực tế việc niêm yết các quy định, nội quy an toàn PCCC, về sử dụng điện, lửa, các chất dễ cháy, nổ; việc lắp đặt, bố trí các biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn, thoát nạn; chế độ thường trực chữa cháy, kiến thức nghiệp vụ PCCC của lực lượng ở cơ sở; hệ thống đường giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy; các giải pháp bố trí mặt bằng, điều kiện quy định về khoảng cách an toàn; điều kiện, giải pháp thoát nạn, cứu người khi có cháy; giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan; trang bị, quản lý, vận hành, sử dụng và bảo quản, bảo dưỡng hệ thống PCCC, dụng cụ, phương tiện chữa cháy tại chỗ...


Cửa chống tụ khói tại lối dẫn vào cầu thang bộ thoát nạn ở tòa nhà Dạ Hợp 12 tầng thuộc tổ 5,phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) bị mở.

Để đảm bảo an toàn PCCC tại các chung cư, nhà cao tầng, theo quy định của các văn bản luật hiện hành, cần thực hiện từ khâu thẩm duyệt, nghiệm thu công trình, kiểm tra, hướng dẫn định kỳ… đến trách nhiệm của cơ sở. Điều đó đòi hỏi sự chung tay trách nhiệm từ cơ quan QLNN, chủ cơ sở, đơn vị và ý thức mỗi người dân. Không nên chỉ "nóng” lên ngay sau vụ cháy, rồi sau đó lại nguội lạnh, lãng quên.

                                                                                                Cẩm Lệ


Phòng cháy hơn chữa cháy
 
 Phòng Cảnh sát PCCC &CN, CH luôn thường trực 24/24h sẵn sàng chữa cháy. Tuy nhiên, phòng cháy hơn chữa cháy vì đám cháy diễn biến rất nhanh, lực lượng Cảnh sát PCCC &CN, CH có tinh nhuọ, mau lẹ đến mấy thì khi đến hiện trường cũng đã có thiệt hại. Do đó, công tác phòng ngừa cần được mỗi cơ sở, cơ quan, đơn vị quan tâm.
 
Thời gian tới, phòng tiếp tục thực hiện các kế hoạch kiểm tra, hướng dẫn theo chuyên đề. Song, ý thức chủ động, tự giác của cơ quan, đơn vị, cơ sở và người dân là quan trọng. Không nên chỉ làm để đối phó khi có đoàn kiểm tra.
 
Thực tế thời gian qua cho thấy, mọi đám cháy đều xuất phát từ một đốm lửa nhỏ. Nếu xử lý kịp thời ngay bằng lực lượng, phương tiện chữa cháy tại chỗ sẽ hạn chế tối đa ngọn lửa bùng phát mạnh và lan rộng. Luật PCCC đã quy định rõ trách nhiệm của lực lượng chữa cháy cơ sở.
                                                                                          
                                                                                Trung tá Bùi Vĩnh Lộc 
                                             (Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC &CN,CH, Công an tỉnh)

Quan tâm và lo lắng đến công tác đảm bảo an toàn PCCC 

 Tòa nhà ở xã hội Dạ Hợp 12 tầng tại tổ 5, phường Tân Thịnh có 220 căn hộ, hiện 201 căn hộ có người ở với trên 500 nhân khẩu. Tòa nhà được xây dựng trên diện tích 2.950,5 m2, chiều cao 42, 8 m. Tầng hầm là nơi để xe. Chúng tôi rất quan tâm và lo lắng đến công tác đảm bảo an toàn PCCC. Sau vụ cháy xảy ra tại Chung cư Carina, BQL tòa nhà đã dán thêm "Thông báo khẩn về việc nâng cao ý thức PCCC” tại cầu thang máy các tầng. Trong đó, yêu cầu người dân hút thuốc đúng nơi quy định; cấm hút thuốc (kể cả thuốc điện tử) trong thang máy, thang bộ, tầng hầm; cấm vận chuyển, tàng trữ và sử dụng chất nổ, chất cháy. Tuy nhiên, ý thức, hiểu biết về đảm bảo an toàn PCCC, kỹ năng thoát nạn của một số cư dân chưa cao. Chúng tôi mong muốn phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC tuyên truyền, hướng dẫn thêm cho cư dân để đảm bảo an toàn.

                                                                       Nguyễn Thị Thanh Hương 

                                                             (Trưởng BQL tòa nhà ở xã hội Dạ Hợp)

 

Chưa nắm rõ kỹ năng thoát nạn

Dãy nhà A23 thuộc tổ 22, phường Tân Thịnh có 5 tầng, 6 cầu thang, mỗi cầu thang có 15 phòng liền nhau, khép kín. Được xây từ khi xây dựng thủy điện Hòa Bình, đến nay, khu nhà đã xuống cấp, không có ban quản lý, không có hệ thống thiết bị PCCC. Nếu cháy xảy ra, vấn đề thoát nạn sẽ khó khăn, vì mỗi cầu thang chỉ có 1 lối đi chung khá nhỏ hẹp, các căn hộ đều làm chuồng cọp cả phía trước và sau, bếp của 2 trong số 3 căn hộ ở mỗi tầng được thiết kế gần cửa ra vào. ở tầng cao nhưng tôi chưa nắm rõ kỹ năng thoát nạn, chưa tham gia lớp tập huấn về công tác phòng - chống cháy, nổ. Khu nhà này đã từng xảy ra cháy, nếu có lớp tập huấn nào tôi sẽ tham gia.

                                                                             Nguyễn Thúy Hà 

                                                           (Nhà A23, tổ 22, P. Tân Thịnh, TP Hòa Bình)

 

* Phòng Cảnh sát PCCC &CN, CH khuyến cáo khi xảy ra cháy:

 

- Phải bình tĩnh để xử lý các tình huống.

- Di tản nhanh ra khỏi khu vực nhiễm khói. Đóng các cửa trên đường lan truyền để giới hạn sự lan tràn của lửa, khói.

- Cúi thấp người khi di chuyển. Lấy khăn thấm nước che kín miệng, mũi để lọc không khí khi hít thở hoặc có thể sử dụng mặt nạ chống khói khi được trang bị. Khi muốn thoát ra khỏi đám lửa, dùng chăn mền nhúng nước trùm lên toàn bộ cơ thể và chạy nhanh ra ngoài để tránh bị cháy quần áo.

- Không sử dụng thang máy, chỉ sử dụng cầu thang bộ để thoát nạn.

- Khi bị kẹt trong đám cháy, khói tràn vào từ các cửa và hành lang, phải nằm xuống sàn nhà cách nơi khói càng xa càng tốt, dùng khăn thấm nước che mặt, đóng hết các cửa lớn, cửa sổ để cô lập đám cháy. Nếu có khói, lửa lan đến gần, dùng vải, quần áo chèn vào các khe hở, sử dụng bình chữa cháy cố gắng khống chế đám cháy.

- Khi thoát ra ngoài cửa sổ hay hành lang phải dùng mọi cách làm cho nhân viên cứu hỏa nhận ra bằng cách vẫy tay, la hét.

- Nếu thấy an toàn để thoát ra và có một cửa lớn đang đóng, phải kiểm tra độ nóng của cửa bằng cách đặt mu bàn tay lên cửa. Không mở cửa nếu thấy cửa ấm hoặc nóng. Nếu thấy cửa không bị tác động nhiệt thì đè sát người vào cửa, mở từ từ, nhanh chóng thoát ra ngoài và đóng lại.

- Khi bị lửa làm cháy quần áo, nằm xuống và lăn qua, lăn lại đến khi lửa tắt. Không chạy vì gió có thể làm lửa cháy bùng thêm. Không nhảy vào hồ bơi, bể chứa hay thùng nước vì nước có thể bị nấu sôi khi bị lửa tác động.

- Kịp thời báo cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp theo số điện thoại 114 để được hỗ trợ.


 

Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục