(HBĐT) - Những năm qua, việc đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư luôn được tỉnh ta xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH. Trong thực tế, các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã và đang đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương. Tuy nhiên, hoạt động thu hút đầu tư còn không ít khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ.


Công ty may GGS, doanh nghiệp FDI (khu công nghiệp bờ trái sông Đà - TP Hòa Bình) tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 500 lao động địa phương.

 

Những tiềm năng, lợi thế trong thu hút đấu tư

Tỉnh ta có địa giới tiếp giáp, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 73 km, cách sân bay quốc tế Nội Bài 93 km và cảng biển Hải Phòng 170 km. Toàn tỉnh có diện tích tự nhiên 4.596,4 km2, trong đó đất lâm nghiệp chiếm trên 51%, đất sản xuất nông nghiệp 12%, đất nuôi trồng thuỷ sản 0,27%, đất phi nông nghiệp 12,3%, đất chưa sử dụng chiếm hơn 24%. Đây là một trong những lợi thế của tỉnh trong thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, với dân số trên 80 vạn người, trong đó có khoảng 50 vạn người trong độ tuổi lao động, tỷ lệ lao động được đào tạo chiếm 25%, tuổi lao động trung bình từ 22 -25 tuổi, đó là nguồn lực quan trọng để các doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai đầu tư và tổ chức SX-KD trên địa bàn.

Với nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng như đá granit, đá vôi, than đá, đất sét, cao lanh, vàng, sắt, nước khoáng... các doanh nghiệp có thể đầu tư khai thác phát triển công nghiệp khai khoáng, tuyển quặng kim loại, sản xuất vật liệu xây dựng.

Về tiềm năng đầu tư phát triển du lịch, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Bùi Thị Niềm cho biết: Với diện tích mặt nước lớn, đặc biệt hồ Hoà Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào Quy hoạch trọng điểm du lịch quốc gia. Ngoài ra, trên địa bàn có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa, đền, chùa với nhiều lễ hội dân gian truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đây là yếu tố, hấp dẫn, thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tâm linh, du lịch thể thao, văn hóa, lịch sử và tổ chức hội nghị, hội thảo. Nhiều khách sạn, khu resort đã được đầu tư, cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ đáp ứng được nhu cầu ăn, nghỉ của khách đến thăm quan, nghỉ ngơi và làm việc.

Hoà Bình kết nối giữa khu vực Tây Bắc và đồng bằng Bắc Bộ thông qua mạng lưới giao thông đối ngoại tương đối thuận lợi với các tuyến quốc lộ quan trọng chạy qua như đường Hồ Chí Minh, QL 6 nối Hà Nội với các tỉnh vùng Tây Bắc. Ngoài ra còn có các đường 12B, 21 và nhiều tuyến tỉnh lộ khác với chiều dài khoảng 4.222 km đã được trải nhựa hoặc bê tông. Đặc biệt đường Hoà Lạc - Hòa Bình đang được đầu tư xây dựng, khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ rút ngắn khoảng cách giữa Thủ đô Hà Nội và TP Hoà Bình. Các trục chính của hệ thống điện, cấp nước và viễn thông đã được đầu tư tương đối đồng bộ, rộng khắp các địa phương trong tỉnh. Trên địa bàn tỉnh còn có nhiều ngân hàng thương mại đang hoạt động kinh doanh, ngoài việc huy động, cho vay vốn, dịch vụ gửi tiền thì các dịch vụ phone banking, home banking, rút tiền tự động ATM cũng đã được triển khai khá rộng khắp.

Theo Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Trần Văn Phúc, một lợi thế cho các nhà đầu tư là các huyện, thành phố trong tỉnh có 8 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam đến năm 2020 với tổng diện tích gần 1.300 ha. Trong đó, KCN Lương Sơn đang khai thác và cho thuê 42 ha/82,4 ha; KCN bờ trái sông Đà đang khai thác và cho thuê 31 ha/68,37 ha; KCN Nam Lương Sơn đã có một số dự án triển khai thực hiện trên diện tích khoảng 95 ha/204 ha;. KCN Mông Hoá (Kỳ Sơn) hiện đang cho thuê 17,24 ha/236 ha...Ngoài ra, 15 cụm công nghiệp đã được quy hoạch trên địa bàn các huyện, thành phố.

Nông nghiệp là lĩnh vực đang được tỉnh quan tâm đẩy mạnh thu hút đầu tư. Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Tiệp cho biết: Lĩnh vực nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư đối với các ngành nghề như: trồng rừng, bảo vệ rừng, trồng cây dược liệu; xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến, xây dựng cánh đồng lớn; chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản tập trung; ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản... Theo đó, khi đầu tư vào tỉnh, các doanh nghiệp sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi về đất đai, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường và áp dụng KH-CN, đầu tư hạ tầng.

Theo Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở KH&ĐT) Vũ Đức Dũng, các dự án đầu tư vào tỉnh còn được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu và các Nghị định của Chính phủ cùng cơ chế, chính sách của tỉnh ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp; tiền thuê đất, tiền sử dụng đất; tiền thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị; sản phẩm công nghiệp hỗ trợ...Ngoài ra, các nhà đầu tư còn được hỗ trợ cung cấp thông tin về môi trường và các chính sách đầu tư; quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH, các quy hoạch về đất đai, xây dựng, phát triển ngành, lĩnh vực và những thông tin về sơ đồ vị trí, mốc giới, trích lục bản đồ giải thửa địa điểm dự kiến đầu tư dự án.

Nhờ đẩy mạnh thu hút đầu tư, trong tháng 1/2018, trên địa bàn tỉnh có 8 dự án đầu tư trong nước được cấp phép đầu tư với số vốn đăng ký 387 tỷ đồng. Với kết quả đó, đến nay, toàn tỉnh có 497 dự án được cấp phép đầu tư, trong đó có 36 dự án đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký 502 triệu USD và 361 dự án đầu tư trong nước vốn đăng ký 64.000 tỷ đồng. Riêng quý I/2018, doanh thu của các doanh nghiệp trong các KCN ước đạt 2.479,82 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu 103,595 triệu USD, nộp NSNN 31,58 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 16.144 lao động.

Còn nhiều khó khăn, bất cập cần tháo gỡ

Qua tiếp xúc với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đang SX-KD và tìm kiếm cơ hội để triển khai đầu tư vào địa bàn cho thấy, trên thực tế vẫn còn không ít khó khăn, bất cập cần sớm được tháo gỡ.

ông Dương Quang Hoà, một doanh nghiệp ở Hà Nội cho rằng, thủ tục hành chính nói chung chưa thông thoáng, thời gian giải quyết còn chậm, nhất là thủ tục trong đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB), giao đất cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, chất lượng hạ tầng kỹ thuật nói chung còn thiếu, chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu.

ông Nguyễn Cao Sơn, Chủ tịch Hội doanh nghiệp tỉnh bày tỏ: Chúng tôi mong muốn tỉnh chú trọng hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp. Triển khai mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp theo Nghị quyết số 35 của Chính phủ để tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và tạo mọi khả năng để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với các nguồn lực phát triển như tài chính, đất đai, công nghệ, nhân lực. Chú trọng nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh để đẩy mạnh thu hút đầu tư và tạo môi trường SX-KD ổn định. Hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực. Chú trọng chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra, tránh việc chồng chéo, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp

Chị Bùi Thị Len, công nhân Công ty Sakon (KCN bờ trái sông Đà trăn trở: Tình trạng thiếu hụt nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo cho công nhân và các thiết chế văn hóa trong các KCN chậm được cải thiện khiến nhiều lao động nữ phải nghỉ làm trông con hoặc bỏ việc, dẫn đến không ít doanh nghiệp không đảm bảo nguồn lao động. Thực trạng này rất mong sớm được khắc phục.

Việc thu hút các nguồn vốn đầu tư, nhất là về thu hút đầu tư nước ngoài là rất cần thiết để thúc đẩy phát triển KT-XH. Theo Giám đốc Sở KH&ĐT Bùi Đức Hinh, để tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, năm 2018 và những năm tiếp theo tỉnh sẽ chủ động triển khai một số chủ trương, biện pháp cơ bản gồm: chỉ đạo quyết liệt khắc phục ngay những tồn tại, yếu kém nhằm đổi mới căn bản môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Chọn lọc kỹ, ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường. Đảm bảo công khai, minh bạch tất cả các thủ tục hành chính liên quan đến các thủ tục thu hút đầu tư; tập trung GPMB tạo quỹ đất sạch để bàn giao cho nhà đầu tư. Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, nhất là trách nhiệm công vụ của CB, CC trong việc giải quyết các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng, xuất nhập khẩu, lao động, môi trường nhằm loại bỏ phiền hà, tạo điều kiện và thời gian nhanh nhất cho các nhà đầu tư khi thực hiện dự án. Quan tâm tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp đã và đang SX-KD trên địa bàn tỉnh, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhất là tháo gỡ khó khăn về vốn vay ngân hàng. Củng cố, kiện toàn Trung tâm Hành chính công của tỉnh và các huyện, thành phố để tạo điều kiện thuận lợi nhất các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến đánh giá tác động môi trường, cấp phép xây dựng, giao đất... cho các nhà đầu tư nhằm rút ngắn thời gian và chi phí không cần thiết cho nhà đầu tư. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá và tổ chức xúc tiến đầu tư. Thường xuyên tổ chức gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến phản ánh, nắm bắt, giải quyết kịp thời các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân gây khó khăn cho các doanh nghiệp.

 


Nhờ đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, trong tháng 3/2018, điểm du lịch xóm Ngòi, xã Ngòi Hoa (Tân Lạc) do Công ty CP Du lịch Hòa Bình đầu tư đã thu hút trên 1.000 lượt khách trong nước và quốc tế.

Đức Phượng


Tháo gỡ khó khăn trong quá trình thu hồi đất để đầu tư dự án


 

Quy định doanh nghiệp tự thỏa thuận với người dân khi thu hồi đất cho mục đích kinh doanh theo Luật Đất đai năm 2013 đang khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng hết sức khó khăn. Nguyên nhân là chủ đầu tư không thương lượng được với người dân về mức giá bồi thường. Trong thực tế, theo quy định này, quyền thu hồi đất của Nhà nước đang bó hẹp khi chỉ áp dụng với dự án mục đích AN-QP, dự án trọng điểm, mục đích công ích mà thiếu sự "điều tiết” đối với các dự án phục vụ cho SX-KD. Điều này dẫn tới việc thu hồi đất phục vụ SX-KD gặp nhiều khó khăn. Bất cập ở chỗ doanh nghiệp phải tự thỏa thuận mức giá bồi thường với người dân, trong khi người dân đòi mức bồi thường cao hơn nhiều so với thị trường. Thỏa thuận không thành dẫn đến thời gian triển khai dự án kéo dài nhiều năm, thậm chí không ít dự án đã bị doanh nghiệp bỏ hoang sau khi thỏa thuận với dân thất bại.

Bên cạnh đó, quy định giá đất bồi thường được áp dụng riêng cho từng dự án không chỉ làm ảnh hưởng đến tiến độ thu hồi đất, bồi thường GPMB mà còn là nguyên nhân khiến cho khiếu kiện tăng cao bởi trên một khu vực đất liền thửa, mỗi dự án áp một mức giá bồi thường khác nhau.

Để đẩy mạnh thu hút đầu tư, đề nghị chính quyền địa phương và các ngành chức năng vào cuộc hỗ trợ đền bù, GPMB với mức giá đền bù không thấp hơn mức giá cao nhất mà chủ đầu tư đã đền bù cho các hộ dân trong phạm vi dự án trước đó. Những hộ dân không đồng tình cần có cơ chế để người có đất tham gia góp vốn cùng chủ đầu tư thực hiện hợp tác đầu tư kinh doanh dự án đó.

                                          Hoàng Anh Dũng,  Phường Tân Thịnh - TP Hòa Bình

                                               

Nâng cao chất lượng công vụ để đẩy mạnh thu hút đầu tư

 Để đẩy mạnh thu hút đầu tư, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh cần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển SX-KD và tiêu thụ hàng hóa. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, nêu cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ, nâng tính chuyên nghiệp cho cán bộ, công chức trong tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính. Rà soát tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ở các dự án chưa triển khai, chậm triển khai. Thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn trong quá trình triển khai đầu tư và sản xuất - kinh doanh. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc giải quyết thủ tục hành chính, chú trọng việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế, tài chính...

Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn tỉnh tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ công nhân, lao động lành nghề, có tác phong công nghiệp. Tập trung xây dựng và hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp, ưu tiên bố trí ngân sách hoàn thiện hạ tầng một số cụm công nghiệp có điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư. Chú trọng xây dựng các thiết chế văn hóa, nhà ở, nhà trẻ, lớp mẫu giáo và các dịch vụ thương mại để người lao động yên tâm lao động, sản xuất.

 

Đặng Đình Đức, Thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn)

 

 

Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục