(HBĐT) - "Đập đá” - tiếng lóng chỉ việc sử dụng loại ma túy tổng hợp cực mạnh - đang là cơn lốc ngầm khủng khiếp, tàn phá một bộ phận giới trẻ, gây ra vô vàn hệ lụy và hiểm họa cho xã hội. Và bản thân họ - những người "ngáo đá” - cũng phải chịu nỗi đau tột cùng do một phút lầm lỡ...


Báo động tình trạng sử dụng ma túy đá

Đầu tháng 1/2018, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận bệnh nhân nữ 16 tuổi trong tình trạng kích thích, co giật, hôn mê sâu do dùng ma túy đá. Bác sỹ Tạ Huy Kiên, người trực tiếp cứu chữa bệnh nhân nhớ lại: Sau khi tiếp xúc với thân nhân người bệnh, chúng tôi được biết, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, tháng 5/2017, em từ Kiên Giang ra Hòa Bình bán mỹ phẩm. Bị bạn bè xấu lôi kéo nên đã sử dụng ma túy đá nhiều lần. Ngay sau khi cấp cứu, tim đập trở lại, bệnh nhân đã được chuyển lên tuyến trên điều trị. Sự bàng hoàng, đau xót, nỗi lo về sức khỏe cũng như tiền bạc phục vụ việc điều trị trong ánh mắt người thân của em, đến giờ vẫn hiển hiện trong tâm trí các y, bác sỹ tham gia kíp trực hôm đó.

Sau hơn 20 năm thâm nhập, đến nay, ma túy tổng hợp đã trở thành vấn nạn lớn đối với xã hội do tình trạng sử dụng loại ma túy này ngày càng gia tăng, mở rộng ra nhiều nhóm đối tượng, lứa tuổi. Khi rơi vào trạng thái "ngáo đá”, các đối tượng không còn điều chỉnh được hành vi, gây nên những hậu quả đáng tiếc. Vụ việc xảy ra vào tháng 5/2017 tại huyện Kỳ Sơn là một ví dụ. Khi đó, ông Nguyễn Quốc Khuyên, Bí thư Đảng ủy thị trấn Kỳ Sơn (Kỳ Sơn) đang đi bộ trong khu làm việc thì bất ngờ bị Nguyễn Mạnh Hùng (trú tại Khu 1, thị trấn Kỳ Sơn) xông đến cầm dao đâm nhiều nhát khiến ông gục ngã tại chỗ. Lực lượng công an đã nhanh chóng khống chế đối tượng, cùng người dân đưa ông Khuyên đi cấp cứu tại Bệnh viện Việt- Đức (Hà Nội). Những hộ dân sống tại Khu 1 cho biết, Hùng là đối tượng nghiện ma túy, đã đi cai nghiện về. Sáng hôm xảy ra vụ việc, Hùng có biểu hiện ngáo đa, liên tục la hét, dọa tự tử và đập đầu vào tường, gây mất ANTT.

Đã có quá trình tham gia nhiều vụ án do TAND thành phố xét xử với tư cách hội thẩm nhân dân, đồng chí Nguyễn Khánh, Bí thư Đoàn phường Chăm Mát không khỏi băn khoăn vì tình trạng trẻ hóa tội phạm. Anh tâm sự: Có thể dùng 2 chữ "ám ảnh” để nói về phiên tòa ngày 11/12/2013 khi bị cáo lúc đó mới 18 tuổi song đã có nhiều năm nghiện ma túy tổng hợp. Tuy nhiên, điều đáng nói là đứng trước vành móng ngựa với tội danh "mua bán trái phép chất ma túy”, bị cáo Phùng Tùng S., trú tại tổ 15, phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) không hề có thái độ sợ sệt, ăn năn, hối cải. Đó là điều khiến những người làm công tác đoàn kết, tập hợp, giáo dục đoàn viên – thanh, thiếu niên như chúng tôi thực sự phải lưu tâm.


Đoàn viên - thanh niên huyện Mai Châu phối hợp cùng các ngành, đoàn thể địa phương thực hiện chương trình truyền thông, phát tờ rơi phòng - chống ma túy tại xã Hang Kia.

Có thể nói, tình trạng sử dụng ma tuý tổng hợp trong thanh niên trên địa bàn tỉnh đang ở mức báo động, bởi lẽ theo một "tay chơi” ở thành phố Hòa Bình thì việc sử dụng ma tuý tổng hợp dạng "đá” hay "cắn” thuốc lắc đang là thú chơi trong các cuộc tụ tập bạn bè, sinh nhật của giới trẻ. Khi đã trở thành một thú chơi, đương nhiên sẽ không phân biệt độ tuổi hay giới tính của người "chơi”. Chẳng vậy mà trong giới "chơi” ở thành phố Hòa Bình có cả nữ giới cầm đầu cuộc chơi như Đinh Thế Tr. (sinh năm 1980), trú tại tổ 18, phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình), đối tượng đã từng bị lực lượng chức năng bắt giữ về tội tàng trữ và tổ chức sử dụng ma túy tổng hợp dạng "đá”.

Khó khăn trong quản lý

Đồng chí Hoàng Kiên Giang, Phó Chi cục phòng - chống tệ nạn xã hội tỉnh cho biết: Theo thống kê, toàn tỉnh có khoảng 2.000 người nghiện, tuy nhiên, thực tế con số này có thể lớn hơn nhiều. Trong khi đó, việc quản lý người nghiện nói chung, đối tượng có biểu hiện ngáo đá nói riêng hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. nguyên nhân bắt đầu từ hệ thống văn bản pháp luật.

Theo Thông tư liên tịch số 17/TTLT-BYT-BLĐTBXH-BCA ngày 9/7/2015, quy định thẩm quyền, thủ tục và quy trình xác định người nghiện thì phải là bác sỹ, y sỹ, có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh; có chứng chỉ hoặc chứng nhận tập huấn về chẩn đoán và điều trị cắt cơn nghiện ma túy do Cục Quản lý khám, chữa bệnh- Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc T.ư, tổ chức hoặc các bệnh viện được Bộ Y tế giao...


Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an huyện Cao Phong trao đổi nghiệp vụ hàng tuần nhằm nâng cao chất lượng công tác đấu tranh với tội phạm về ma túy trên địa bàn.

Ngoài ra, về quy trình xác định người nghiện ma túy chất dạng Amphetamine phải khẳng định được ít nhất 3/6 triệu chứng trong vòng 12 tháng. Thế nhưng 5/6 triệu chứng làm căn cứ kết luận là triệu chứng cơ năng (đối tượng tự khai). Trên thực tế, đối tượng chỉ nhận mình có sử dụng ma túy đá nhưng không nhận mình là người nghiện ma túy và khẳng định sẽ tự bỏ được. Trong khi đó, hội chứng cai nghiện ma túy đá thường không xuất hiện hoặc xuất hiện rất mờ nhạt; việc xác định đối tượng có sử dụng ma túy tổng hợp hay không phụ thuộc hoàn toàn vào thử test hoặc xét nghiệm máu... và phụ thuộc vào lời khai của đối tượng. Đối tượng khi được gia đình, chính quyền địa phương đưa tới trung tâm để xác định tình trạng nghiện thường đang trong trạng thái "ngáo đá” nên việc hỏi đáp, gặp nhiều khó khăn.

Cũng theo đồng chí Phó Chi cục phòng - chống tệ nạn xã hội tỉnh, về mặt pháp luật, quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Nghị định số 221/2013, Thông tư Liên tịch số 17/2015 thì quy trình xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người nghiện ma túy tổng hợp trên thực tế vẫn chưa thực hiện được vì cần phải có thời gian lưu giữ để theo dõi dấu hiệu lâm sàng. Quá trình lưu giữ đối tượng ở đâu, do ai lưu giữ, trường hợp nào chưa có quy định cụ thể.

Từ thực tế nêu trên, việc xác định tình trạng nghiện đối với người sử dụng ma túy tổng hợp là rất khó khăn. Kéo theo việc cơ quan Công an gặp khó trong thống kê, báo cáo, lập hồ sơ quản lý và có hình thức cai nghiện phù hợp đối với người nghiện ma túy tổng hợp. Câu hỏi: làm sao để siết chặt quản lý, giáo dục đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp? Cần có sự vào cuộc trả lời của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò của mỗi gia đình, các đoàn thể ở địa phương cần được nêu cao.

 

Chủ động tuyên truyền định hướng đoàn viên - thanh, thiếu niên tránh xa ma túy

Trước thực trạng người nghiện ma túy phần lớn nằm trong độ tuổi thanh niên, do đó, nhiều năm qua, BTV Tỉnh Đoàn luôn tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ĐV-TTN về tác hại của ma túy.

Điển hình là từ năm 2011, Tỉnh Đoàn đã chủ động phối hợp cùng Công an tỉnh thực hiện hiệu quả Nghị quyết liên tịch số 03 về phối hợp tuyên truyền, phòng - chống ma túy trong thanh, thiếu niên (TTN); xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu cho mỗi xã, phường, thị trấn giúp đỡ, cảm hóa TTN chậm tiến…

Từ đầu năm đến nay, các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh đã tổ chức và phối hợp tổ chức tuyên truyền về phòng, chống ma túy cho trên 10.000 lượt ĐV-TTN. Tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình phòng- chống ma túy hiệu quả trong cộng đồng như: Xây dựng nhà trường an toàn không ma túy; CLB đồng đẳng; CLB sau cai… Thông qua các hoạt động này nhằm giúp ĐV-TTN nhận thức rõ tác hại của ma túy, trong đó có ma túy đá, đồng thời, giúp ĐV-TTN lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.

Bùi Quốc Hoàn

Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN tỉnh

 

Não bộ chịu tổn thương rõ nhất khi sử dụng ma túy đá

Trong 100 trường hợp dùng ma túy đá thì một phần tư số đó não bị tổn thương, phá hủy. Nguy hiểm nhất là chỉ cần dùng ma túy đá 1 lần có thể gây nghiện và ảnh hưởng của nó sẽ đi theo người sử dụng suốt cả đời. Cho dù vài tháng, vài năm không dùng ma túy đá nhưng vẫn có thể tái sử dụng do hiện tượng "đói ma túy” diễn ra trong não.

Khi sử dụng ma túy đá, bộ não con người là nơi bị tổn thương rõ nhất. Người bệnh bị rối loạn tâm thần, là kết quả trực tiếp của việc sử dụng ma túy đá hoặc khi ngừng sử dụng (hội chứng cai). Trong đó, nguy hiểm nhất là biểu hiện hoang tưởng, người bệnh tự cho mình có nhiều tài năng, thực hiện được những điều không tưởng hoặc có thể cho rằng có người đang hại mình và tìm cách chống lại. Trên thực tế đã có không ít án mạng xảy ra do người bị "ngáo đá” gây nên.

Đào Xuân Lương

Trưởng khoa Nội thần kinh - cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh

 

Phát huy vai trò của gia đình trong giám sát, định hướng thanh, thiếu niên

Hiện nay, nhiều TTN coi sử dụng ma túy đá như một trào lưu để thể hiện "đẳng cấp” của mình mà không nhận thấy tác hại của nó. Chính vì vậy, nhà trường, xã hội và đặc biệt là gia đình cần phát huy vai trò giám sát, định hướng nhận thức cho con em mình.

Muốn các cháu không sa đà vào ma túy, trước tiên, cha mẹ phải làm gương tốt cho con trong lối sống, cách ứng xử. Khi gia đình hoà thuận sẽ tạo cho con em họ ổn định về mặt tâm lý, hình thành nhân cách tốt. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần quan tâm đến đời tư của các con, có sự định hướng trong các mối quan hệ để các em có thể lường trước được mọi vấn đề, nhất là đối với các em ở độ tuổi vị thành niên.

Thực tế có nhiều gia đình coi nhẹ việc quản lý, giáo dục con cái, thậm chí ruồng bỏ, né tránh trách nhiệm khi trẻ sa ngã. Có gia đình lại quá nuông chiều, khi phát hiện con mình nghiện chỉ một mực tìm cách bao che, dung túng. Cá nhân tôi cho rằng, việc phòng - chống tệ nạn ma túy không phải là trách nhiệm của riêng ai mà cần phong trào quần chúng rộng rãi, có tính xã hội cao, trong đó, vai trò, trách nhiệm của gia đình trong quản lý, giáo dục các thành viên phải được đề cao.

Nguyễn Thị Quế

Tổ 12, phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình


Hải Yến

 


Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục