(HBĐT) - Ngày 30/10/2012, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 06/2012 hướng dẫn về "chức trách, tiêu chuẩn cụ thể, nhiệm vụ và tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn”.


Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nghệ nhân ưu tú Bùi Huy Vọng giới thiệu bộ chữ Mường đến cán bộ, phóng viên Báo Hòa Bình.


Học viên Trung tâm GDTX tỉnh thực hành kỹ năng nói tiếng Thái.

Đáng lưu ý là ở Điều 2, trong 6 tiêu chuẩn công chức xã phải có đủ thì có 1 nội dung là về tiếng dân tộc thiểu số. Cụ thể: "ở địa bàn công tác phải sử dụng tiếng dân tộc thiểu số trong hoạt động công vụ thì phải biết thành thạo tiếng dân tộc thiểu số phù hợp với địa bàn công tác đó; nếu khi tuyển dụng mà chưa biết tiếng dân tộc thiểu số thì sau khi tuyển dụng phải hoàn thànhlớp học tiếng dân tộc thiểu số phù hợp với địa bàn công tác được phân công”. Ngoài ra, những năm gần đây, chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số là một trong những điều kiện để được miễn thi ngoại ngữ trong các kỳ thi nâng ngạch viên chức, công chức. Do nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa khu vực đồng bào dân tộc ít người, nhiều cơ quan, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng cán bộ sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, trên địa bàn tỉnh ta, nhu cầu học và được cấp chứng chỉ tiếng dân tộc đang có xu hướng tăng nhanh. Tuy nhiên, xung quanh câu chuyện dạy tiếng dân tộc đã và đang phát sinh rất nhiều khó khăn cần được quan tâm tháo gỡ. 

Thiếu giáo viên và câu chuyện văn hóa bản địa trong dạy học tiếng dân tộc 

Thực hiện Nghị định số 82/2010 của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số và được sự thẩm định, đồng ý của Bộ GD&ĐT, từ năm 2010, Sở GD&ĐT đã giao nhiệm vụ dạy học, kiểm tra, cấp chứng chỉ tiếng dân tộc cho 1 đơn vị duy nhất trên địa bàn tỉnh là Trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTC) tỉnh. Qua hơn 8 năm triển khai, Trung tâm đã mở được 30 lớp với 1.625 học viên học tiếng dân tộc được đào tạo và cấp chứng chỉ. Nhu cầu đào tạo cấp chứng chỉ tăng nhanh qua các năm. Năm học 2010 – 2011, khi bắt đầu tổ chức dạy tiếng dân tộc, Trung tâm mới có 1 lớp với 65 học viên nhưng đến năm học 2017 – 2018, trung tâm có 7 lớp với 520 học viên (tăng 9 lần). Tuy nhiên, hiện Trung tâm chỉ có duy nhất 1 giáo viên trong biên chế có chứng chỉ dạy tiếng dân tộc, đủ tiêu chuẩn để dạy tiếng Thái. Để có đủ giáo viên giảng dạy, Trung tâm đã phối hợp với Trung tâm GDTX tỉnh Sơn La, Trung tâm GDTX huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La), Trung tâm GDTX huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La) mới có thể duy trì được 8 giáo viên cơ hữu và thỉnh giảng dạy tiếng dân tộc.
 
Lý giải về điều này, đồng chí Lê Nam Thanh – Giám đốc Trung tâm GDTX tỉnh cho biết: "Theo Thông tư liên tịch số 50 ngày 3/11/2011 của Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính thì chỉ được phép tổ chức dạy học tiếng dân tộc khi có đủ các điều kiện về nhu cầu học; bộ chữ được cơ quan chuyên môn hoặc UBND cấp tỉnh phê chuẩn; chương trình, sách giáo khoa và tài liệu được Bộ GD&ĐT thẩm định; cơ sở vật chất và nhất là giáo viên dạy tiếng dân tộc. Thông tư nêu rõ:"Giáo viên đạt trình độ chuẩn đào tạo của cấp học tương ứng về tiếng dân tộc thiểu số theo quy định tại Điều 77 Luật Giáo dục; giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số chưa đạt chuẩn đào tạo dạy tiếng dân tộc thiểu số được bồi dưỡng ngắn hạn để có chứng chỉ giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số”. Như vậy, muốn dạy tiếng dân tộc thiểu số thí ít nhất giáo viên phải có chứng chỉ dạy tiếng dân tộc thiểu số sau khi được bồi dưỡng ngắn hạn. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, trường Đại học Tây Bắc không tổ chức lớp bồi dưỡng dạy tiếng dân tộc thiểu số nào nên mặc dù nhu cầu, nguyện vọng lớn nhưng cho đến nay tỉnh ta vẫn chỉ có 1 giáo viên có chứng chỉ dạy tiếng dân tộc và được phép dạy học tiếng dân tộc theo quy định. Đây là khó khăn lớn nhất đối với việc dạy tiếng dân tộc trên địa bàn tỉnh ta, nhất là khi nhu cầu học tiếng dân tộc trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng tăng; nhu cầu mở lớp tại các huyện ngày càng nhiều. Như vậy, việc dạy tiếng dân tộc không đơn giản chỉ là người biết nhiều dạy người biết ít. Việc dạy tiếng dân tộc phải được thực hiện đảm bảo đủ 450 tiết đối với tiếng Mông, từ 325 – 330 tiết đối với tiếng Thái. Đa số cán bộ, công chức, viên chức chỉ tranh thủ học được vào cuối tuần nên thời gian học sẽ kéo dài khoảng từ 3 – 4 tháng. Sau khi hoàn thành chương trình học, người học sẽ được đánh giá, xếp loại và cấp chứng chỉ theo quy định thông qua kiểm tra 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết.
 
Bên cạnh việc thiếu giáo viên, vấn đề dạy tiếng dân tộc thiểu số hiện nay đang vấp phải khó khăn khá lớn, đó là do những khác nhau về: phát âm, văn hóa bản địa, dòng họ. Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Giám đốc Trung tâm GDTX tỉnh cho biết: Bộ tài liệu tiếng dân tộc Thái và dân tộc Mông đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3069/QĐ-UBND ngày 30/12/2008 và đã được Bộ GD&ĐT thẩm định. Tiếp đó, vào tháng 10/2010, Sở GD&ĐT đã có quyết định ban hành phân phối chương trình dạy tiếng dân tộc Thái; tháng 10/2012 có quyết định ban hành phân phối chương trình dạy tiếng dân tộc Mông. Từ đó đến nay, hoạt động giảng dạy 2 bộ môn tiếng Thái và Mông được các đồng chí giáo viên thực hiện nghiêm túc theo đúng bộ tài liệu cũng như phân phối chương trình đã được phê duyệt. Tuy nhiên, trong quá trình thực tế giảng dạy đã phát sinh vấn đề đó là mỗi bản làng, địa phương, dòng họ…cùng 1 dân tộc thiểu số nhưng cũng có những điểm khác nhau nhất định về văn hóa bản địa, phong tục tập quán, ngôn ngữ. Trong khi yêu cầu đặt ra là giáo viên phải dạy theo bộ tài liệu đã được phê duyệt. Đây là một điểm bất hợp lý và cần phải được điều chỉnh theo hướng xây dựng bộ tài liệu ở dạng "khung” hoặc có phần "cứng”, phần "mềm” để nội dung dạy và học tiếng dân tộc trở nên linh hoạt hơn, phù hợp với đặc điểm văn hóa bản địa, dòng họ; được cộng đồng, người học đón nhận tích cực hơn.
 
Chờ đợi chữ Mường đi vào cuộc sống
 
Sau 8 năm là đơn vị duy nhất được giao nhiệm vụ dạy học, kiểm tra, cấp chứng chỉ tiếng dân tộc trên địa bàn tỉnh, đồng chí Lê Nam Thanh, Giám đốc Trung tâm GDTX tỉnh đánh giá: Ngoài việc dạy học cấp chứng chỉ tiếng dân tộc, Trung tâm còn phối hợp với các địa phương tổ chức được 8 lớp với 620 học viên học theo chương trình dạy bảo tồn văn hóa (không cấp chứng chỉ) tiếng dân tộc Thái cho đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng cao. Đây là hoạt động đào tạo đáp ứng nhu cầu của bà con theo hướng bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số ở phương diện tiếng nói và chữ viết, không thu kinh phí. Nội dung chương trình học cũng được rút gọn, cơ bản hơn so với bộ khung chương trình giảng dạy đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt. Việc dạy tiếng dân tộc đã giúp cán bộ, công chức, viên chức đang công tác ở vùng đồng bào dân tộc sau khóa học có thể giao tiếp được với người dân tộc bản địa, góp phần hoàn thành nhiệm vụ được giao tốt hơn. Thông qua việc truyền dạy chữ viết và tiếng nói sẽ góp phần quan trọng bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số.
 
Như vậy, sau 8 năm triển khai, mặc dù còn gặp khá nhiều khó khăn nhưng có thể thấy, việc dạy tiếng dân tộc thiểu số, cụ thể là tiếng Thái và tiếng Mông trên địa bàn tỉnh ta đã đi vào nề nếp, mang lại những hiệu quả bước đầu đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Và câu chuyện đang được tỉnh ta hiện nay đặc biệt quan tâm đó chính là việc dạy chữ Mường.
 
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 6 dân tộc chính cùng chung sống lâu đời, trong đó đông nhất là dân tộc Mường, chiếm 63% dân số. Người Mường ở Hòa Bình cư trú trải rộng khắp tỉnh, tại các xóm, xã, phường, thị trấn thuộc 11 huyện, thành phố theo kiểu vừa tập trung, vừa đan xen. Sau rất nhiều nỗ lực, ngày 8/9/2016, UBND tỉnh Hòa Bình đã có Quyết định số 2295 về việc "phê duyệt bộ chữ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình”. Theo đó, bộ chữ dân tộc Mường có 28 chữ cái, 24 phụ âm đầu, 1 âm đệm, 14 nguyên âm, 5 thanh điệu và 152 vần.
 
Để chữ Mường đi vào cuộc sống, ngày 27/10/2016, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 118 triển khai ứng dụng Bộ chữ Mường tại tỉnh Hòa Bình và ngày 5/2/2018, UBND tỉnh ban hành Công văn số 769 về việc lấy ý kiến của các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh về Đề án. Đáng lưu ý, trong ý kiến đóng góp của các sở, ban, ngành đã có những ý kiến tham gia rất đáng quan tâm như: nên lùi thời gian thực hiện đề án để công tác chuẩn bị chu đáo hơn; cần đánh giá thực trạng và xác định nhu cầu của đối tượng bồi dưỡng nhằm làm rõ sự cần thiết của Đề án; đề nghị điều chỉnh đối tượng bồi dưỡng của Đề án…
 
Nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ nhân ưu tú Bùi Huy Vọng cho biết: "Do đặc điểm cư trú đan xen giữa người dân tộc Mường với các dân tộc khác, nhất là dân tộc Kinh đã làm cho tiếng Mường có sự tiếp xúc với tiếng Việt và các ngôn ngữ dân tộc thiểu số khác. Từ đây hình thành nên 2 khái niệm là "tiếng Mường thuần” và "tiếng Mường biến thể” hay "tiếng Mường pha”. Các vùng mường Bi – Vang – Thàng – Động cũng có cách phát âm không hoàn toàn giống nhau. Ví dụ thanh 2 do người Mường Vang (Lạc Sơn) phát âm rất giống cách phát âm thanh huyền của tiếng Việt ở Sơn Tây (Hà Nội) nhưng ở Mường Bi (Tân Lạc) thì lại phát âm trùng với thanh huyền của tiếng Việt.”
 
Thực tế tiếng Mường đã bị biến thể, sự khác nhau giữa văn hóa các vùng miền sẽ dẫn đến những tranh cãi khi tổ chức dạy học tiếng Mường. Từ những bài học rút ra sau 8 năm dạy học tiếng Thái và tiếng Mông đã cho thấy việc biên soạn bộ giáo trình dạy tiếng nói và chữ viết dân tộc Mường để áp dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm GDTX tỉnh, tiến đến việc cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường… cần được chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, khoa học thì mới nhận được sự đón nhận, đồng thuận cao của người học.
 
Đáng lưu ý, khi bộ chữ Mường được công bố, tài liệu học chữ Mường được xây dựng đã có nhiều cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên…có nhu cầu, nguyện vọng muốn học chữ Mường, được cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường. Tuy nhiên, khi tìm hiểu tại Trung tâm GDTX tỉnh thực tế cho thấy, trên địa bàn toàn tỉnh Hòa Bình nói riêng, vùng Tây Bắc nói chung chưa có giáo viên nào có chứng chỉ dạy tiếng dân tộc Mường để có thể đảm nhiệm việc dạy tiếng dân tộc Mường. Như vậy, tại thời điểm hiện nay, việc dạy chữ Mường, tiếng Mường mới chỉ dừng lại ở mức bảo tồn bản sắc văn hóa. Những ai có nguyện vọng học tiếng Mường để được cấp chứng chỉ sẽ phải tiếp tục chờ đợi.
 
Đồng chí Lê Nam Thanh – Giám đốc Trung tâm GDTX tỉnh cho biết: Theo Thông tư liên tịch số 50 ngày 3/11/2011 của Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, việc dạy và học tiếng Mường trong các cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm GDTX chỉ được triển khai sau khi UBND tỉnh lập hồ sơ đề nghị và được Bộ GD&ĐT chấp thuận.

Dạy tiếng Mường, chữ Mường rất cần thiết, nhất là đối với học sinh dân tộc Mường

Quách Đình Hải

Phó Hiệu trưởng trường PTDTNT THPT tỉnh

Khoảng 20% học sinh người dân tộc thiểu số đang học tại trường PT DTNT THPT tỉnh không nghe và không nói được tiếng của dân tộc mình, rất đông trong số đó là học sinh người dân tộc Mường. Đa số các em đều sinh ra ở thành phố Hòa Bình hoặc thị trấn của các huyện và ngay trong gia đình cũng ít sử dụng tiếng Mường. Việc học sinh dân tộc thiểu số nói chung, học sinh dân tộc Mường nói riêng mà lại không biết tiếng của dân tộc mình là điều rất đáng tiếc, cần suy ngẫm. Do đó, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc dạy tiếng dân tộc Mường trong các nhà trường. Thông qua việc học tiếng Mường, các em sẽ hiểu hơn về dân tộc mình, quê hương mình, thêm yêu và tự hào cũng như giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc.

 

Cần tạo điều kiện cho giáo viên tham gia bồi dưỡng, học tiếng dân tộc

Nguyễn Thị Đương

Hiệu trưởng trường PTDTNT THCS B Đà Bắc

Trường PTDTNT THCS B Đà Bắc có khoảng 50% học sinh là người dân tộc Tày, 47% học sinh là người dân tộc Mường, còn lại là học sinh người dân tộc Dao nhưng hiện chỉ có khoảng 50% giáo viên là người dân tộc thiểu số. Trong khi đó, học sinh lớp 6 mới tuyển sinh vào học có nhiều em vẫn nói tiếng dân tộc mình, chưa thực sự tự tin khi sử dụng tiếng Việt, nhất là các em học sinh dân tộc Mường thuộc một số xã như: Đồng Nghê, Suối Nánh, Mường Tuổng. Do đó, nhà trường phải lựa chọn giáo viên có kinh nghiệm, hiểu và nói được tiếng dân tộc để giảng dạy. Giáo viên phụ trách nội trú cũng phải là người dân tộc thiểu số để giao tiếp tốt được với các em trong đời sống hàng ngày. Từ thực tế đó cho thấy, giáo viên trường dân tộc nội trú cần được tạo điều kiện học, bồi dưỡng tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đây cũng là đội ngũ có thể truyền dạy tiếng dân tộc cho học sinh nhà trường thông qua hoạt động giảng dạy trên lớp hoặc ngoại khóa. 

Xem xét đưa chữ Mường trở thành môn học tự chọn trong các trường phổ thông ở Hòa Bình

Nguyễn Thị Đào

Tổ 5, phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình

Chữ Mường giúp cho con em dân tộc Mường ở Hòa Bình có thể học, hiểu, bảo tồn và phát huy tiếng mẹ đẻ. Tuy chiếm tỷ lệ khá đông ở Hòa Bình nhưng người Mường là người dân tộc thiểu số nên có thể xem xét đề xuất đưa tiếng Mường trở thành môn học tự chọn trong các trường phổ thông ở Hòa Bình theo quy định của Bộ GD&ĐT, không nên coi việc học chữ Mường là yêu cầu bắt buộc. Vì chỉ khi thực sự đam mê, yêu thích thì các em mới say mê, thích thú khi học, tích cực áp dụng vào đời sống. Có như vậy mới giúp tiếng Mường thực sự "sống” trong đời sống xã hội. Không nên tổ chức dạy chữ Mường, tiếng Mường một cách ồ ạt, áp đặt trên mọi đối tượng vì như thế hiệu quả sẽ không đạt được như mong đợi.

 

 

 

 


 

Dương Liễu

 

 

 

 


 

 


Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục