(HBĐT)-Được thành lập vào năm 2006 và năm 2009, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 24 Đội công tác xã hội tình nguyện (CTXHTN) với 90 tình nguyện viên (TNV). Với chặng đường trên, dưới 10 năm hoạt động, có đội được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận hiệu quả, nhưng cũng có ý kiến cho rằng, mô hình Đội CTXHTN thực sự không cần thiết. Thành lập thêm hay giải thể là việc của cấp có thẩm quyền (UBND tỉnh), nhưng trước hết cần nhìn nhận rõ những mặt được và cả những hạn chế, làm lu mờ vai trò của Đội CTXHTN.


Cán bộ Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh (Sở LĐ-TB&XH) trao đổi nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tệ nạn xã hội ở cơ sở.

 

"Cánh tay nối dài” của chính quyền trong phòng, chống tệ nạn xã hội

Theo Thông tư số 24/2012 của liên Bộ LĐ-TB&XH Tài chính; Nội vụ, Đội CTXHTN có chức năng, nhiệm vụ, hỗ trợ UBND cấp xã trong phòng - chống tệ nạn xã hội (PCTNXH) trên địa bàn. Phần việc cụ thể Đội CTXHTN được giao là: Tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn ma túy, mại dâm, giảm lây nhiễm và tác hại của HIV/AIDS, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tại cộng đồng. Tham gia quản lý, tư vấn, giáo dục, cảm hóa, vận động, hỗ trợ người nghiện ma tuý cai nghiện, người bán dâm hoàn lương, nạn nhân bị mua bán hòa nhập cộng đồng. Phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, mua bán người để báo cho các cơ quan chức năng xử lý và có biện pháp ngăn chặn. Tham gia thực hiện các chương trình KT-XH, lồng ghép công tác PCTNXH với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có TNXH và các phong trào khác trên địa bàn…

Căn cứ vào tình hình thực tế, những năm 2000 - 2006, tình hình TNXH trên địa bàn tỉnh hết sức phức tạp. Tỷ lệ người nghiện ma túy gia tăng về số lượng và ngày càng trẻ hóa; tội phạm buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma tuý với tính chất, mức độ ngày càng tinh vi khó kiểm soát; tệ nạn mại dâm có lúc, có nơi trở thành điểm nóng gây bức xúc trong dư luận xã hội... Tháng 6/2006, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1346/QĐ-UBND thành lập điểm 13 Đội CTXHTN xã, phường, thị trấn. Sơ kết làm điểm và ghi nhận rõ hiệu quả hoạt động của các Đội CTXHTN, tháng 12/2009, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định số 2739/QĐ-UBND về việc "Cho phép duy trì 13 Đội CTXHTN cũ và thành lập mới 11 Đội CTXHTN cấp xã”. Với chức năng làm cầu nối giữa chính quyền với nhân dân, làm mềm hóa mối quan hệ giữa chính quyền với các đối tượng mắc TNXH, các Đội CTXHTN đã trở thành "cánh tay nối dài” của chính quyền các xã, phường, thị trấn trong công tác PCTNXH, ổn định ANTT, ATXH trên địa bàn.

Hiệu quả được đo đếm

Đánh giá về hiệu quả hoạt động của Đội CTXHTN ở xã, đồng chí Bùi Văn Bản, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Vũ (Lạc Sơn) cho biết: Đó là lực lượng nòng cốt trong công tác PCTNXH của xã. Những năm 1995-1996, một bộ phận người dân, chủ yếu ở lứa tuổi thanh - thiếu niên đi khai thác vàng, quặng ở các bãi vàng trong và ngoài tỉnh do thiếu hiểu biết và đua đòi nên đã tham gia vào con đường hút, chích ma túy. Theo đó, vào thời điểm từ năm 1996 – 2006, xã Liên Vũ có 87 người nghiện (có hồ sơ quản lý của Công an xã). Từ nạn nghiện ma túy đã phát sinh tình trạng trộm cắp, gây mất ANTT và làm gia tăng số người nhiễm HIV/AIDS. Vào thời điểm từ 2001 - 2006 đã xảy ra tình trạng một số người nhiễm HIV/AIDS hoang mang (có người tự tử) gây ra tình trạng bất ổn trên địa bàn xã. Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để PCTNXH, ổn định tình hình ANTT là việc mà Liên Vũ ưu tiên trong thời điểm này. Tháng 3/2010 Đội hoạt động xã hội tình nguyện (nay là Đội CTXHTN được thành lập). Từ đây, các thành viên Đội CTXHTN luôn là những người đi đầu trong các hoạt động phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, HIV/AIDS và các hoạt động xã hội khác trên địa bàn. Bằng uy tín của mình, họ lôi cuốn người thân, bà con khối phố cùng tham gia.

Theo đánh giá của Chi cục Phòng - chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH): Trong những năm qua, hoạt động của Đội CTXHTN các xã, phường, thị trấn, góp phần thực hiện tốt mục tiêu, chủ trương xã hội hóa công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm và phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS tại cơ sở; hỗ trợ tích cực những đối tượng dễ bị tổn thương tại cộng đồng. Đội CTXHTN ra đời đã tập hợp sức mạnh cộng đồng để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh TNXH và lây nhiễm HIV/AIDS ở các xã, phường, thị trấn. Hoạt động của Đội đã có những tác động nhất định đến tình hình ANTT tại địa phương, làm thay đổi phần nào nhận thức và sự kỳ thị của nhân dân đối với đối tượng mại dâm và nghiện ma túy. Quá trình hoạt động, một số Đội CTXHTN đã xây dựng được những mô hình hay, cách làm hiệu quả, điển hình như: Đội CTXHTN thị trấn Hàng Trạm (Yên Thủy) với phong trào vận động người nghiện ma túy tham gia cai nghiện tại cộng đồng; Đội CTXHTN phường Chăm Mát (TP Hòa Bình) thành công với mô hình kết hợp giữa chính quyền và gia đình hỗ trợ, giúp đỡ người sau cai tái hòa nhập cộng đồng; Đội CTXHTN thị trấn Cao Phong (Cao Phong) tạo dấu ấn với mô hình hỗ trợ vốn, tạo việc làm, giúp đỡ những người sau cai nghiện; Đội CTXHTN thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn) thành lập và duy trì tốt hoạt động của "Câu lạc bộ người sau cai nghiện cùng hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau hòa nhập cộng đồng”; Đội CTXHTN, xã Tử Nê (Tân Lạc) sát sao với công tác quản lý địa bàn, phối hợp với cơ quan chức năng lập hồ sơ đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại các trung tâm cai nghiện...

Những hạn chế, bất cập cần được tháo gỡ

Phần "ưu” là cơ bản, nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, hiệu quả hoạt động của một số Đội CTXHTN chưa được như mong muốn. Kết quả khảo sát, giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh) về hoạt động của Đội CTXHTN tại 11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh cho thấy: Một số Đội CTXHTN hoạt động còn hạn chế, chưa có kế hoạch cụ thể, rõ nét, chủ yếu là hoạt động lồng ghép và chưa chấp hành niên độ báo cáo định kỳ. Việc đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra, giám sát hoạt động của Đội CTXHTN có lúc, có nơi chưa sâu sát, thiếu quyết liệt. Công tác kiện toàn cán bộ chưa kịp thời khi biến động về công tác cán bộ và quy định mới. Việc thực hiện chế độ, chính sách; công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho thành viên còn hạn chế. Một số TNV trẻ tuổi, ít kinh nghiệm, thiếu kỹ năng, ngại tiếp xúc... nên không phát huy được hiệu quả công việc của Đội. Vừa qua, có 1/11 huyện, thành phố đưa ra ý kiến: Nên xóa bỏ Đội CTXHTN để dồn kinh phí cho các ngành, đoàn thể khác thực hiện chức năng tuyên truyền. Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế trên cũng được nêu rõ: Trong thời gian qua, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm tới hoạt động của Đội CTXHTN. Việc thực hiện chế độ, chính sách hỗ trợ đối với thành viên của Đội chưa đầy đủ, kịp thời. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho các TNV trong 3 năm qua, hầu như không được thực hiện.

Thúy Hằng

Theo thống kê của Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH), hiện tại, tình hình vi phạm các TNXH nói chung, ma túy, mại dâm nói riêng trên địa bàn vẫn hết sức phức tạp. Đến tháng 12/2017, toàn tỉnh có 1.874 người nghiện ma túy, trong đó, số người nghiện có mặt tại cộng đồng (ngoài xã hội) 1.551 người, tăng 68 người so với năm 2016. 139/210 xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy, tăng 6 xã so với năm 2016. Ngoài ra, số người phát hiện sử dụng ma túy nhưng chưa thiết lập được hồ sơ (đối tượng nghi nghiện) 337 người. Hoạt động mại dâm vẫn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp. Đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 174 người hoạt động mại dâm có hồ sơ quản lý (kể cả đối tượng tạm trú). Ngoài ra có 420 phụ nữ vắng mặt ở địa phương không xác định được lý do vắng mặt và địa chỉ cư trú mới.



Nâng cao hiệu quả hoạt động của các Đội công tác xã hội tình nguyện


Trong tình hình các tệ nạn xã hội luôn có diễn biến hết sức phức tạp cần có sự chung tay, góp sức của các Đội CTXHTN trong việc đấu tranh, phòng ngừa. Thực tế, trong số 24 Đội CTXHTN đã thành lập và đang được duy trì, phần đa là hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, cũng thẳng thắn nhận định rằng, hiện tại, nhiều đội viên còn non về nghiệp vụ và thiếu sự nhiệt tình. Điều này đã ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của Đội.

Nguyên nhân chính dẫn đến những tồn tại này là do công tác tập huấn về nghiệp vụ cho các tình nguyện viên trong 3 năm qua gần như bỏ ngỏ (do thiếu kinh phí). Một phần là do các xã, thị trấn chưa quan tâm đánh giá sâu sát hoạt động của Đội CTXHTN, việc kiện toàn các thành viên chưa kịp thời. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Đội CTXHTN, trong thời gian tới, Chi cục Phòng - chống tệ nạn xã hội tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch tập huấn nghiệp vụ cho các tình nguyện viên và tổ chức đi học tập kinh nghiệm ở các tỉnh lân cận. Một mặt, phối hợp với cấp ủy, chính quyền cơ sở rà soát hoạt động của các Đội:. Nếu Đội nào hoạt động không hiệu quả hoặc đặt ở xã này không cần thiết có thể chuyển sang thành lập Đội CTXHTN ở xã khác để phát huy hiệu quả hoạt động ở tất cả 11 huyện, thành phố trên địa bàn.

 Quách Văn Triều 

(Chi cục trưởng Chi cục Phòng - chống tệ nạn xã hội tỉnh)

              


                          Lực lượng làm mềm hóa hoạt động phòng, chống tệ nạn xã hội


Theo tôi, thành lập Đội CTXHTN là chủ trương đúng. Bởi công tác đấu tranh, phòng, chống tệ nạn xã hội, cảm hóa những người lầm lỡ là cuộc chiến gian nan cần cả cộng đồng xã hội tham gia. Các thành viên Đội CTXHTN là những người có thể dễ dàng tiếp cận để giúp đỡ, cảm hóa những đối tượng đã từng vi phạm pháp luật, nhất là các đối tượng nghiện ma túy. Việc làm này nếu chỉ để lực lượng công an xã thì sẽ hết sức khó khăn trong việc thực hiện.

Với những phần việc các tình nguyện viên đã làm từ nhiều năm nay, Công an huyện Yên Thủy luôn xác Đội CTXHTN là một mô hình tốt trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Trong thời gian tới, nếu kiện toàn lại các Đội CTXHTN nên có những tình nguyện viên là người đã từng có quá khứ lầm lỗi, những người tâm huyết. Bởi chính họ sẽ góp phần làm mềm hóa hoạt động phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn, góp phần xây dựng địa bàn trong sạch, lành mạnh.

 Trung tá Nguyễn Văn Thành

 (Phó Trưởng Công an huyện Yên Thủy)

Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục