(HBĐT) - "Mặc dù đã vào cuộc nhưng số vụ tai nạn lao động (TNLĐ), số người chết vẫn tăng. Trong đó, tai nạn chủ yếu xảy ra trong lĩnh vực khai thác khoáng sản và xây dựng.” Vấn đề đáng báo động này được đưa ra tại hội nghị triển khai Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) lần thứ 2, năm 2018. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp nào để giảm thiểu, ngăn ngừa TNLĐ?


Đoàn kiểm tra liên ngành ATVSLĐ tỉnh kiểm tra công tác an toàn lao động, phòng - chống cháy, nổ tại Siêu thị Vì Hòa Bình thuộc Công ty CP thương mại Định Nhuận (TP Hòa Bình).

Gia tăng số vụ tai nạn lao động

Để tham mưu, triển khai công tác ATVSLĐ, UBND tỉnh đã thành lập Hội đồng ATVSLĐ gồm 9 sở, ngành chức năng. Trong đó, Sở LĐ-TB&XH là cơ quan thường trực. ở các huyện, thành phố cũng có các ban chỉ đạo. Theo chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm được giao, Hội đồng và các ngành thành viên đã tổ chức triển khai các công việc như: phát động Tháng hành động; tuyên truyền, tập huấn, huấn luyện, triển khai các văn bản về đảm bảo ATVSLĐ; thành lập và tham gia các đoàn thanh, kiểm tra…

Tuy nhiên, TNLĐ vẫn gia tăng. Theo số liệu của Sở LĐ-TB&XH, năm 2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra 20 vụ TNLĐ, làm 16 người chết, 17 người bị thương, so với năm 2016 tăng 8 vụ, 14 nạn nhân. TNLĐ chủ yếu xảy ra trong lĩnh vực khai thác khoáng sản và xây dựng, chiếm khoảng 65%. Tính riêng lĩnh vực khai thác đá xảy ra 8 vụ TNLĐ, làm 8 người chết; khai thác than 1 vụ, 1 người chết. Còn lại là TNLĐ do điện giật, máy xúc đè, kim đâm vào tay, nổ thùng phuy…

Trong quý I/2018, toàn tỉnh xảy ra 3 vụ TNLĐ, làm 5 người chết, 6 người bị thương. Trong đó, 2 vụ xảy ra tại mỏ khai thác đá ở huyện Lương Sơn. Cụ thể tại Công ty TNHH MTV Thạch Kim ở xã Cao Dương (2 người chết) và tại Công ty TNHH Minh Thành, xã Cao Thắng (1 người chết). Đáng chú ý, năm 2017, cũng tại mỏ đá của Công ty TNHH MTV Thạch Kim đã xảy ra 2 vụ TNLĐ, làm 2 người chết do ngã từ trên núi xuống. Trong lĩnh vực xây dựng, đáng chú ý là vụ TNLĐ xảy ra tại xã Mai Hịch (Mai Châu) vào ngày 31/1/2018. ông Vì Văn Đội ở xóm Dến nhờ 11 người họ hàng dựng nhà giúp. Trong khi mọi người ngồi nghỉ, bất ngờ nhà bị sập, làm 2 người chết tại chỗ, 6 người bị thương.

Nguyên nhân do đâu?

Theo đánh giá của Hội đồng ATVSLĐ tỉnh, số vụ TNLĐ tăng do từ ngày 1/7/2016, theo Luật ATVSLĐ thống kê cả các vụ TNLĐ mà người lao động làm việc không theo hợp đồng. Song, nguyên nhân chính dẫn đến các vụ TNLĐ bắt nguồn từ những tồn tại, hạn chế trong công tác đảm bảo ATVSLĐ từ phía doanh nghiệp, người lao động và các cấp, ngành, đoàn thể.

Đối với doanh nghiệp, người sử dụng lao động không chủ động tìm hiểu, tiếp cận các văn bản pháp luật về ATVSLĐ, chỉ chú trọng sản xuất, kinh doanh. ý thức chấp hành pháp luật về ATVSLĐ chưa cao. Cụ thể như: chưa trang bị đầy đủ bảo hộ lao động cho người lao động, không chủ động huấn luyện ATVSLĐ theo quy định, không kiểm định và khai báo các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, không đánh giá nguy cơ rủi ro… Người phụ trách công tác ATVSLĐ phần lớn kiêm nhiệm, trình độ chuyên môn không phù hợp theo Luật ATVSLĐ. Kỷ luật lao động chưa nghiêm, không thường xuyên giám sát, nhắc nhở người lao động chấp hành quy định về an toàn. Chưa thật sự quan tâm đến công tác tuyên truyền, huấn luyện để tạo chuyển biến về nhận thức của người lao động trong đảm bảo ATLĐ. Đặc biệt, 100% doanh nghiệp khai thác khoáng sản thực hiện khai thác không đúng theo thiết kế được phê duyệt nên người lao động gặp nhiều rủi ro trong quá trình làm việc.

Trưởng phòng Vật liệu xây dựng (Sở Xây dựng) Nguyễn Gia Khải từng cảnh báo: Việc khai thác không theo thiết kế là một trong những nguyên nhân mấu chốt dẫn đến TNLĐ. Không thực hiện khai thác cắt tầng nên góc nghiêng sườn tầng lớn, có nhiều đá treo, độ cao tầng không đúng quy định.

Còn đối với nhiều người lao động vẫn chưa nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình trong công tác ATVSLĐ. Trình độ chuyên môn, tay nghề dù được nâng cao nhưng còn hạn chế. Tác phong công nghiệp, ý thức chấp hành kỷ luật lao động yếu; chủ quan trong việc tự kiểm tra nơi làm việc, các phương tiện bảo hộ trước khi lao động. Ngay trong Tháng hành động ATVSLĐ, tham gia cùng Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra tại một số doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy nhiều công nhân mặc dù được cấp phát bảo hộ lao động nhưng không sử dụng, khi hỏi đến họ mới lấy ra.

ông Trần Văn Lực, quản lý mỏ đá của Bộ Tư lệnh pháo binh ở xã Thành Lập (Lương Sơn) cho biết: Trước khi vào ca sản xuất, đơn vị đều nhắc người lao động sử dụng đầy đủ bảo hộ lao động nhưng khi nghỉ giải lao họ lại bỏ ra hoặc đeo nhưng không đúng quy cách.

Đối với các cấp, ngành, đoàn thể, hiệu quả các hình thức thông tin, tuyên truyền về ATVSLĐ tới người lao động chưa cao. Việc hướng dẫn, thanh, kiểm tra được tăng cường nhưng chưa duy trì thường xuyên. Công tác xử lý vi phạm chưa triệt để nên hiệu quả bền vững chưa cao. Công tác phối hợp giữa các ngành chưa chặt chẽ. BCĐ Tháng hành động ATVSLĐ ở cấp huyện còn nhiều hạn chế. Số lao động làm việc không theo hợp đồng lao động có khoảng trên 50.000 người nhưng không được huấn luyện ATVSLĐ.

Giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động

Năm 2018, tỉnh ta đặt mục tiêu giảm 4% tần suất TNLĐ chết người trong các lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, thi công xây dựng… Trên 50% người lao động làm việc tại các cơ sở có nguy cơ bị các bệnh nghề nghiệp phổ biến được khám phát hiện bệnh. Trên 70% người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ, 80% người làm công tác ATVSLĐ, 90% người trong mạng lưới an toàn vệ sinh viên được huấn luyện. 5% người làm việc không theo hợp đồng lao động làm các việc nguy hiểm, độc hại được huấn luyện ATVSLĐ. 100% CB, CC, VC trong các cơ quan liên quan đến ATVSLĐ cấp tỉnh, huyện, xã được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về ATVSLĐ. 100% doanh nghiệp khai thác khoáng sản thực hiện đầy đủ các kiến nghị của tổ công tác liên ngành theo Quyết định số 2001/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh.

Sau khi kiểm tra, rà soát 52 doanh nghiệp khai thác khoáng sản theo Quyết định số 2001, ngày 26/1/2018, UBND tỉnh đã có Thông báo số 584 về việc tạm dừng hoạt động của 45 doanh nghiệp vi phạm về ATVSLĐ, khai thác không đúng thiết kế, vi phạm về môi trường từ ngày 1/2/ 2018. Tuy nhiên, trên thực tế doanh nghiệp vẫn hoạt động "phớt lờ” thông báo.

Về vấn đề này, Trưởng phòng Việc làm - ATLĐ (Sở LĐ-TB&XH) Ngô Ngọc Thu cho rằng, cần "mạnh tay” trong xử lý và giám sát chặt chẽ việc thực hiện. Để góp phần đảm bảo ATVSLĐ, trong Tháng hành động ATVSLĐ (tháng 5), đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh cùng với việc hướng dẫn, nhắc nhở doanh nghiệp chấp hành nghiêm quy định, đoàn sẽ kiên quyết hơn trong việc lập biên bản đề nghị xử lý vi phạm. Xuất phát từ các nguyên nhân dẫn đến TNLĐ đã được chỉ rõ, cần có sự vào cuộc tích cực từ cả 3 phía: cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người lao động. Doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. Tổ chức tự kiểm tra, phát hiện kịp thời nguy cơ mất an toàn để chủ động phòng ngừa. Tập trung vào các hoạt động cụ thể nhằm cải thiện điều kiện làm việc, phát động các phong trào vệ sinh, ATLĐ trong đơn vị... Người lao động cần tìm hiểu để nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình. Tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, huấn luyện ATLĐ. Chấp hành nghiêm quy định, nội quy, quy trình về ATVSLĐ.

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Cường, phòng Cảnh sát PCCC&CN,CH (Công an tỉnh) cho rằng: Doanh nghiệp cần coi việc đảm bảo ATVSLĐ nói chung, an toàn PCCC nói riêng là để doanh nghiệp phát triển bền vững. Tự giác thực hiện các quy định, chứ không phải chỉ làm đối phó khi có đoàn kiểm tra đến.

Để đạt được mục tiêu đề ra về công tác ATVSLĐ năm 2018, Hội đồng ATVSLĐ tỉnh đề ra 4 giải pháp: Tăng cường thông tin, tuyên truyền, huấn luyện công tác ATVSLĐ theo chức năng, nhiệm vụ từng ngành để nâng cao nhận thức của người lao động và chủ sử dụng lao động. Phối hợp chặt chẽ giữa các ngành trong công tác thanh - kiểm tra, tránh chồng chéo, đảm bảo chất lượng. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị sau thanh - kiểm tra. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Hàng năm, các huyện, thành phố bố trí kinh phí huấn luyện ATVSLĐ cho người làm việc không theo hợp đồng lao động. Đề nghị cấp có thẩm quyền thu hồi giấy phép kinh doanh hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng công tác ATVSLĐ.


Các mỏ đá ở huyện Lương Sơn thực hiện khai thác không đúng theo thiết kế được phê duyệt, góc nghiêng sườn tầng lớn. ảnh chụp tại mỏ đá của Công ty CP Khai thác khoáng sản Lương Sơn ở xã Cao Dương.

 

                                                                                                   Cẩm Lệ

* Hãy quan tâm hơn nữa đến công tác ATVSLĐ

Nguyễn Trung Dũng  Giám đốc Sở LĐ-TB&XH

 Tháng hành động ATVSLĐ năm nay có chủ đề "Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn, bệnh nghề nghiệp”. Qua đó, tôi muốn phát đi một thông điệp: Con người là tài sản quý nhất. Vì sức khỏe, hạnh phúc của người lao động, vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, hãy chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Luật ATVSLĐ. Rất mong người sử dụng lao động và các cấp, ngành, đoàn thể hãy quan tâm hơn nữa đến công tác ATVSLĐ. Tổ chức Tháng hành động thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, hướng về doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, người lao động trong cả khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động. Công tác ATVSLĐ cần thực hiện thường xuyên, liên tục, không chỉ dừng lại ở Tháng hành động. Công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm sẽ được thực hiện kiên quyết hơn.

 * Sớm khắc phục những hạn chế được chỉ ra

Park Tae Jin,  Phó Tổng Giám đốc Công ty RNS Global

 Công ty RNS Global có trụ sở tại phường Chăm Mát (TP Hòa Bình) chuyên ngành may mặc xuất khẩu với 887 người lao động, trong đó có 4 người lao động nước ngoài. Tôi có quốc tịch Hàn Quốc, đến Việt Nam làm việc đã hơn 10 năm. Vì sự lớn mạnh bền vững của Công ty, công tác ATVSLĐ là vấn đề quan trọng cần quan tâm. Chúng tôi muốn làm ăn lâu dài và sẽ chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, trong thực tế có những vấn đề về công tác ATVSLĐ Công ty chưa nhìn nhận ra. Trong Tháng hành động ATVSLĐ, Công ty được Đoàn kiểm tra liên ngành ATVSLĐ của tỉnh đến kiểm tra, chỉ ra những hạn chế và hướng dẫn khắc phục rất hữu ích. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để thay đổi cho tốt hơn.

 * Mong được tập huấn về an toàn vệ sinh lao động

Nguyễn Văn Tâm, phường Hữu Nghị, TP Hòa Bình

Chúng tôi là lao động tự do và tập hợp nhau lại để thành lập nhóm thợ xây 10 người. Là tổ trưởng, tôi liên hệ với những người có nhu cầu xây nhà, nhận công trình và phân công công việc cho mọi người. Tôi thường chỉ thống nhất các công việc với chủ nhà, chứ không làm hợp đồng bằng văn bản. Như vậy là làm việc không theo hợp đồng lao động, trong khi công việc có nhiều nguy hiểm, rủi ro. Chúng tôi cũng chưa nắm rõ nếu không may xảy ra TNLĐ thì trách nhiệm của ai và mức độ như thế nào? Chúng tôi mong muốn được tập huấn để hiểu biết thêm các quy định của pháp luật về ATVSLĐ cũng như các kỹ năng tự bảo vệ an toàn về sức khỏe, tính mạng.


 

Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục