(HBĐT) - Dịch vụ công trực tuyến là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan Nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng. Dịch vụ có 4 mức độ, khi sử dụng dịch vụ này, thay vì phải đến tận nơi nộp hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC), người dân, doanh nghiệp có thể nộp qua mạng internet, đồng thời có thể kiểm tra, giám sát về tình trạng giải quyết hồ sơ của cơ quan Nhà nước.


Nhiều tiện ích

Theo quy định, dịch vụ công trực tuyến đã, đang được triển khai qua 4 mức độ. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 1: là dịch vụ bảo đảm cung cấp đầy đủ các thông tin về TTHC và các văn bản có liên quan quy định về TTHC đó. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 2: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 và cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và cho phép người sử dụng điền, gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.


Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh.

Với dịch vụ công trực tuyến, chỉ cần ở nơi nào có kết nối internet, việc thực các TTHC sẽ được thực hiện dễ dàng, người dân, tổ chức, doanh nghiệp có thể giao dịch mọi lúc, 24/24 giờ trong ngày, tiết kiệm rất nhiều thời gian, chi phí đi lại. Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã triển khai dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 2. Một số đơn vị đã triển khai dịch vụ ở mức độ 3 như Sở KH&ĐT ở lĩnh vực đăng ký kinh doanh; BHXH ở các lĩnh vực thu, cấp sổ, thẻ BHXH, giải quyết chế độ ngắn hạn…

Lộ trình triển khai cung cấp dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4

Tháng 8/2017, Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh được ra mắt và đi vào hoạt động. Từ thời điểm đó, tất cả các TTHC (theo danh mục đã được công bố) được niêm yết tại Trang thông tin dichvucong.hoabinh.gov.vn. Khi người dân, doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu quy trình, trình tự thực hiện một TTHC chỉ cần vào trang thông tin tra cứu sẽ nắm được đầy đủ các yêu cầu, hướng dẫn thực hiện.

Việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến được xem là một khâu quan trọng trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử. Thực hiện các nhiệm vụ theokết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại Thông báo số 3313/TB-VPUBND ngày 7/6/2018, hiện Sở TT&TT đang thực hiện hạng mục khảo sát, đánh giá hiện trạng chính quyền điện tử tỉnh để xây dựng Kiến trúc chính quyền điện tử của tỉnh, hoàn thành trước ngày 30/8; đã ban hành Văn bản số 422/STTTT-CNTT ngày 12/6/2018 về việc đăng ký xây dựng lộ trình dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, trong đó yêu cầu các đơn vị xây dựng quy trình chuyển hồ sơ giữa các cơ quan, đơn vị cùng cấp và các cấp đối với những TTHC phải thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông. Theo kế hoạch, trong năm nay sẽ thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4.

Cần có những tổ chức, công dân "điện tử”

Ôm một tập hồ sơ dày cộp đến bộ phận giải quyết TTHC của Sở Xây dựng tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, anh Đỗ Hải N. (TP Hòa Bình) cho biết: Tôi đến nộp hồ sơ thẩm định điều chỉnh dự án, tôi cũng không để ý đến việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Tuy nhiên, tôi nghĩ đối với lĩnh vực xây dựng việc giải quyết hồ sơ trực tuyến là rất khó, bởi có những thủ tục đòi hỏi phải có nhiều tài liệu đính kèm, liên quan đến bản vẽ, thiết kế phức tạp, để scan lại tài liệu thì mất nhiều thời gian. Mặt khác, việc đến nộp hồ sơ trực tiếp sẽ nhận được phản hồi trực tiếp từ cán bộ tiếp nhận để biết được mình thiếu gì cần bổ sung, chỗ nào cần chỉnh sửa…


Bộ phận một cửa xã Mông Hóa (Kỳ Sơn) chú trọng giải quyết thủ tục hành chính cho công dân đúng hạn, kịp thời.

Đồng quan điểm, anh Nguyễn Văn Th. từ huyện Lạc Thủy lên Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp cho rằng, không phải TTHC nào cũng có thể nộp trực tuyến qua mạng vì còn cần nhiều giấy tờ liên quan để xác minh, có bản gốc để đối chiếu. Đến tận nơi gặp cán bộ trực tiếp sẽ được hướng dẫn đầy đủ hơn, yên tâm hơn.

Chưa biết về dịch vụ công trực tuyến, tâm lý e ngại khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến nếu điền sai sót thông tin sẽ mất thêm thời gian đi lại, sợ gửi qua mạng không biết có đến nơi không nên đến gặp nộp hồ sơ trực tiếp cho… chắc ăn… là những điểm chung của đa số đối tượng khi được hỏi về dịch vụ công trực tuyến. Chị Đinh Thị Hảo, chuyên viên Sở KH&ĐT cho biết: Về lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp có 84 TTHC có thể giải quyết theo mức độ 3, tuy vậy số hồ sơ nộp trực tuyến qua mạng chiếm tỷ lệ chưa cao, chỉ khoảng 30% tổng số hồ sơ tiếp nhận.

Chị Đinh Thị Huyền Trang, chuyên viên Sở Tư pháp cho biết thêm: Có những TTHC đòi hỏi nhiều giấy tờ liên quan, nếu công dân không tìm hiểu kỹ thì rất khó đáp ứng yêu cầu hoàn chỉnh hồ sơ ngay từ lần đầu làm thủ tục. Đơn cử như trong lĩnh vực cấp phiếu lý lịch tư pháp, cứ tiếp nhận 5 hồ sơ thì có đến 4 hồ sơ phải quay lại vì chưa đáp ứng đủ yêu cầu.

Có thể khẳng định, để thực hiện dịch vụ công trực tuyến, ngoài việc cung cấp dịch vụ của cơ quan Nhà nước thì một nhân tố hết sức quan trọng đó là người sử dụng, có các "tổ chức, công dân điện tử” biết ứng dụng, sử dụng CNTT. Chị Đinh Thị Hảo, chuyên viên Sở KH&ĐT nhìn nhận: Thủ tục đăng ký doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3, nghĩa là việc thực hiện các thủ tục được thực hiện trên môi trường mạng, tuy nhiên, việc sử dụng lại hoàn toàn phục thuộc vào chính doanh nghiệp, tổ chức có thực hiện được việc đăng ký trên mạng theo như hướng dẫn hay không? Điều đó có nghĩa để thực hiện dịch vụ công trực tuyến đòi hỏi người sử dụng phải có trình độ CNTT nhất định. Đây là một vấn đề cần được quan tâm, bởi thực tế việc áp dụng CNTT trong giải quyết TTHC hiện còn nhiều bất cập. Một bộ phận người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, lớp người cao tuổi chưa biết sử dụng CNTT, ngại tiếp cận dịch vụ mới, hạ tầng CNTT chưa đồng bộ, trang thiết bị ở cấp xã còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu người dân. Trong triển khai dịch vụ công trực tuyến, một số thủ tục yêu cầu đính kèm file liên quan khi nộp hồ sơ trực tuyến, nhưng việc số hóa các tài liệu liên quan của công dân, doanh nghiệp cũng chưa sẵn sàng. Bên cạnh đó, qua tìm hiểu, công tác tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến cũng chưa được sâu rộng, nhiều người còn chưa biết đến loại hình dịch vụ này.

Trong giai đoạn hiện nay, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến là bước làm cần thiết, tạo sự bứt phá trong cải cách TTHC, đáp ứng yêu cầu của tiến trình xây dựng chính quyền điện tử. Theo kế hoạch, trong năm nay tỉnh sẽ triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền cần được quan tâm đẩy mạnh để nhiều người biết và sử dụng dịch vụ, tránh tình trạng "cung” có mà "cầu” (người sử dụng) ít thì sẽ trở nên lãng phí.


Cần đẩy mạnh tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến

Tôi làm việc ở một doanh nghiệp, sống trên địa bàn thành phố Hòa Bình nhưng thực sự chưa được biết nhiều, chưa tìm hiểu nhiều về dịch vụ công trực tuyến. Tôi cũng chưa nghe nói đến các TTHC được niêm yết trên trang thông tin điện tử của Trung tâm phục vụ hành chính công vì chưa lần nào vào trang này tìm hiểu. Tôi cũng như nhiều người xung quanh mà tôi biết khi có việc cần giải quyết thường đến thẳng cơ quan Nhà nước, gặp trực tiếp cán bộ để hỏi và được hướng dẫn chứ chưa có thói quen tìm hiểu thông tin trên mạng.

Vì vậy tôi nghĩ, công tác thông tin, tuyên truyền cần được đẩy mạnh, rộng rãi hơn để nhiều người biết đến loại hình dịch vụ này. Vì thực tế nếu có những việc chỉ cần ngồi nhà với một chiếc máy tính có kết nối mạng mà giải quyết được thì quá thuận tiện và hữu ích, tạo nhiều thuận lợi cho người dân. Người dân không phải đến cơ quan Nhà nước, tránh tình trạng phải đi lại nhiều lần, nhất là nhiều người vẫn còn tâm lý e ngại khi đến cơ quan Nhà nước gặp phải cán bộ gây sách nhiễu, phiền hà.

Đinh Thị Hạnh

(Phường Đồng Tiến – TP Hòa Bình)

 

Hạ tầng công nghệ thông tin sẵn sàng để nâng cấp mức độ 3, mức độ 4

Sau khi Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động, các dịch vụ công trực tuyến đã được niêm yết trên trang thông tin điện tử của Trung tâm. Trang điện tử này cung cấp tất cả các dịch vụ công trực tuyến của tỉnh cho người dân và doanh nghiệp đối với cấp tỉnh, trong đó, một số đơn vị đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 theo hệ thống triển khai ở ngành dọc từ T.ư xuống như kho bạc, thuế, bảo hiểm, y tế, KH&ĐT.

Đối với tỉnh, để triển khai cung cấp dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 về hạ tầng trang thiết bị có thể nói đã sẵn sàng. Việc thực hiện phụ thuộc vào chính đơn vị có TTHC cung cấp trực tuyến đề xuất các thủ tục triển khai, trước mắt lựa chọn các thủ tục dễ làm nhất. Hiện Sở TT&TT đã ban hành văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị đăng ký lộ trình triển khai dịch vụ công trực tuyến làm cơ sở thực hiện.

Trần Hòa

Trưởng phòng CNTT (Sở Thông tin và truyền thông)

 

 

Dịch vụ công trực tuyến hạn chế tiêu cực, sách nhiễu

Việc triển khai, áp dụng dịch vụ công trực tuyến giúp cơ quan Nhà nước giảm tải áp lực công việc, giảm nhân lực, quá trình giải quyết công việc nhanh, thuận tiện, đơn giản. Đối với công dân, doanh nghiệp, thay vì phải đến tận nơi có thể nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên mạng điện tử, qua đó giảm thời gian, chi phí đi lại, chi phí giấy tờ, biểu mẫu…

Có thể nói, giao dịch điện tử mang lại nhiều lợi ích, tránh được nhiều vấn đề như là tránh phiền hà cho đơn vị khi đến nộp hồ sơ trực tiếp phải gặp bộ phận này bộ phận kia. Ngược lại cũng tránh cho cán bộ, viên chức tiếp nhận hồ sơ có thái độ tiêu cực, sách nhiễu, gây khó khăn cho người đến nộp hồ sơ.

Trần Văn Hùng

Trưởng phòng Tiếp nhận và quản lý hồ sơ (BHXH tỉnh)

 

                                                                                        Hà Thu

Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục