Nguyễn Văn Dũng  Phó chủ tịch UBND tỉnh

(HBĐT) - Tỉnh ủy Hòa Bình đã ban hành Chương trình hành động số 17 ngày 31/1/2013 về việc thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW đánh dấu một bước quan trọng trong việc đưa khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu CNH-HĐH của tỉnh. Theo đó, các cấp, các ngành đã xây dựng và triển khai thực hiện đồng bộ và có hệ thống các chương trình, kế hoạch để đổi mới hoạt động khoa học công nghệ trên các lĩnh vực: phát triển nông nghiệp, nông thôn; khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; bảo tồn và phát triển văn hóa bản địa;

 

Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra cây đầu dòng “bưởi đỏ Tân Lạc”. ảnh: Thế Hải (Sở KH&CN).

 

Phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo và chăm sóc sức khỏe nhân dân; thực hiện chương trình bảo tồn nguồn gen quý hiếm của tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2014-2020; ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ; đẩy mạnh hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ. Với nhiều đóng góp về nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất của tỉnh trong những năm qua, đặc biệt là sau kết quả nghiên cứu phát triển vùng sản xuất cam Cao Phong thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với phát triển thương hiệu thành công, đánh dấu một bước quan trọng trong việc triển khai khoa học và công nghệ của tỉnh.

 

Giai đoạn 2014-2016, tỉnh đã triển khai thực hiện 54 đề tài, dự án cấp tỉnh, cấp bộ và cấp quốc gia trên 6 lĩnh vực (khoa học nông nghiệp 27 đề tài; khoa học tự nhiên 6 đề tài; khoa học kỹ thuật và công nghệ 4 đề tài; khoa học y dược 2 đề tài; khoa học xã hội 12 đề tài; khoa học nhân văn 3 đề tài). Các đề tài, dự án thực hiện có hiệu quả với nhiều đề tài, dự án được nghiên cứu, ứng dụng thành công góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần, vật chất của người dân. Một số đề tài đã tạo ra bước đột phá trong phát triển KT-XH, như việc xây dựng và công bố Chỉ dẫn địa lý Cao Phong cho sản phẩm cam quả của huyện Cao Phong đã tăng giá trị quả cam lên 30-40%, giá trị gia tăng lên đến hàng trăm tỉ đồng, cam Cao Phong đã nổi tiếng khắp cả nước, nâng diện tích trồng cam từ 1.200 ha (năm 2014) lên gần 3.000 ha (năm 2016), dự kiến hơn 5.000 ha vào năm 2020. Đề tài xây dựng Bộ chữ cho người dân tộc Mường tại tỉnh đã được UBND tỉnh phê chuẩn. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước ngoặt lịch sử dân tộc Mường Hoà Bình, là cơ sở cho việc lập hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận Mo Mường là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây chính là công cụ hữu hiệu nhất cho việc giữ gìn, phát huy tiếng Mường và  bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Ngoài ra, hoạt động nghiên cứu bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen đã được triển khai và đạt nhiều kết quả tốt với nhiều nguồn gen được thực hiện như dổi ăn hạt tại huyện Lạc Sơn; quýt Nam Sơn Tân Lạc; lúa nếp cẩm Kim Bôi... 

 

Bên cạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng Khoa học và Công nghệ, hoạt động quản lý nhà nước về Khoa học và Công nghệ cũng được chú trọng thực hiện hiệu quả. Trong lĩnh vực quản lý nhà nước về Sở hữu trí tuệ, tỉnh Hòa Bình đã tập trung hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ là sản phẩm nông sản, đặc sản gắn với các địa danh của tỉnh. Đến nay đã có 1 Chỉ dẫn địa lý Cao Phong cho sản phẩm cam và 7 nhãn hiệu tập thể được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; gần 200 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và bằng sáng chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp cho các sản phẩm, dịch vụ trên địa bàn tỉnh.

 

Hoạt động quản lý công nghệ, phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong giai đoạn 2014-2016 đã đạt nhiều kết quả với 4 dự án đầu tư được thẩm định, 5 doanh nghiệp khoa học và công nghệ được ươm tạo và hình thành; đã hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chợ công nghệ và thiết bị, sự kiện cung cầu công nghệ tổ chức trên cả nước,…

 

Hoạt động thông tin, truyền thông khoa học và công nghệ tới các huyện, xã và người dân được thực hiện kịp thời, nhanh chóng góp phần năng cao nhận thức về vai trò, vị trí của khoa học và công nghệ trong cộng đồng.

Hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng cũng triển khai việc xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 tại 46/47 các sở, ban, ngành, UBND các huyện và thành phố và 15 UBND xã, phường, thị trấn.

Đã thực hiện 14 cuộc thanh tra về lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng, nhãn hàng hóa, mã số mã vạch, sở hữu công nghiệp, an toàn bức xạ với tổng số 323 lượt cơ sở được thanh tra.

 

Bên cạnh các kết quả đạt được, hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong thời gian qua cũng còn một số khó khăn hạn chế như:

Công tác tham mưu, đề xuất các chính sách của các cấp, ngành còn chưa đầy đủ, kịp thời, chưa đổi mới kịp với yêu cầu thực tế. Một số nhiệm vụ khoa học - công nghệ có hàm lượng khoa học chưa cao, chưa thực sự sát với các nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh, còn hiện tượng trùng với chức năng nhiệm vụ thường xuyên của ngành; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; hoạt động đầu tư, nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế; số tổ chức, doanh nghiệp khoa học và công nghệ còn ít, hiệu quả hoạt động chưa cao; nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của tỉnh còn thiếu và không đồng đều; việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập còn chậm và gặp nhiều khó khăn, bất cập; Kinh phí đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ còn hạn chế, tỷ lệ chi cho khoa học và công nghệ còn thấp.

 

Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, cũng như tiếp tục đẩy mạnh hoạt động Khoa học và Công nghệ của địa phương, hoạt động Khoa học và Công nghệ giai đoạn tới cần tập trung triển khai thực hiện những giải pháp sau đây:

Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ; tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, gắn nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ với nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương.

 

Tăng mức đầu tư và ưu tiên đầu tư cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là của các doanh nghiệp cho đầu tư phát triển khoa học và công nghệ. Hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ.

Phát triển thị trường khoa học và công nghệ gắn với thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ nhằm thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ, khuyến khích sáng tạo. Hình thành hệ thống doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Phát triển các mạng lưới các tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ, dịch vụ chuyển giao công nghệ, đẩy mạnh kết nối cung - cầu công nghệ. Phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu về KH&CN song song với phát triển toàn diện công tác thông tin thống kê khoa học và công nghệ.

 

Hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ là mục tiêu, đồng thời là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao khả năng tiếp thu, làm chủ công nghệ tiên tiến, sáng tạo ra sản phẩm, dịch vụ, công nghệ mới, góp phần vào việc phát triển tiềm lực KH&CN, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao.

 

Năm 2016, tỉnh ta vinh dự là đơn vị được trao quyền đăng cai tổ chức hội nghị giao ban khoa học và công nghệ các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc lần thứ XVI. Đây là dịp thuận lợi để tỉnh được tiếp thu những kinh nghiệm và giải pháp trong tổ chức thực hiện các hoạt động khoa học công nghệ của các địa phương trong Vùng. Qua đó tiếp tục đổi mới, từng bước nâng cao công tác quản lý hoạt động khoa học và công nghệ trong xu thế hội nhập hiện nay, để thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh Hòa Bình trong thời gian tới.

 

 

                                                          

Các tin khác


Xã Tân Minh khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai

Những ngày qua, tại một số địa phương như thành phố Hòa Bình, các huyện: Đà Bắc, Cao Phong, Lương Sơn xảy ra mưa lớn, mưa đá, dông lốc và sét cục bộ gây thiệt hại về kinh tế và đời sống sinh hoạt của nhân dân; trong đó, xã Tân Minh, huyện Đà Bắc chịu thiệt hại nặng nề. Ngay sau khi xảy ra thiệt hại, cấp ủy, chính quyền xã Tân Minh đã chỉ đạo tập trung nhân lực, phương tiện, khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai.

Siết chặt quản lý vật liệu nổ công nghiệp và hóa chất

Với chức năng quản lý nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN), hóa chất, thời gian qua, ngành Công Thương đã phối hợp các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo quản, sử dụng VLNCN và hóa chất trên địa bàn tỉnh.

Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn về thị trường tín chỉ carbon

Theo tính toán, chỉ riêng ngành nông nghiệp Việt Nam, tiềm năng có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm.

Công nghệ mưa nhân tạo có thể dẫn đến ‘cuộc chiến thời tiết’ giữa các quốc gia

Nhà khí tượng học cảnh báo "cuộc chiến thời tiết” giữa các quốc gia có thể nổ ra nếu việc gieo hạt mây vượt tầm kiểm soát, sau khi lũ lụt ở Dubai làm nảy sinh lo ngại về công nghệ gây mưa nhân tạo.

Thời tiết ngày 22/4: Bắc Bộ mưa dông, Tây Bắc Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ nắng nóng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 22/4, chiều tối và đêm ở khu vực Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 15-30 mm, có nơi trên 50 mm; ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa rào và dông cục bộ.

Mưa to, dông lốc kèm mưa đá gây thiệt hại tại các huyện Đà Bắc, Cao Phong 

Theo thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh, chiều và đêm 20/4, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xảy ra mưa, mưa đá, dông lốc, sét cục bộ tại thành phố Hòa Bình và các huyện Đà Bắc, Cao phong, Lương Sơn. Tại một số điểm có mưa to như: Tiến Sơn (Lương Sơn) 34,4 mm, Độc Lập (TP Hòa Bình) 32,2 mm, Tân Pheo (Đà Bắc 21,8 mm), Xuân Phong (Cao Phong) 15,6 mm... Mưa đá, dông lốc đã gây thiệt hại tại các huyện Đà Bắc, Cao Phong.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục