Đợt nắng nóng kéo dài từ ngày 30-6 vừa qua ở Bắc Bộ và Trung Bộ đã ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân. Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Phó Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đây có khả năng sẽ là đợt nắng nóng diện rộng, kéo dài và gay gắt nhất của năm 2018. Riêng tháng 7 này, Bắc Bộ và Trung Bộ sẽ phải chịu thêm hai đợt nắng nóng nữa.


Trong ngày 4-7, nhiệt độ ngoài trời ở Hà Nội đã lên tới hơn 40 độ C (Ảnh minh họa: Duy Linh).

Thưa ông, hiện tượng nắng nóng năm nay có gay gắt hơn năm ngoái và dự kiến kéo dài bao lâu? Đỉnh điểm của đợt nắng nóng kéo dài từ ngày 30-6 đến nay là thời điểm nào?

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Phó Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia: Nắng nóng thường xảy ra từ cuối tháng 4 đến tháng 9 hằng năm. Trong đó, thời điểm từ cuối tháng 6, đầu tháng 7 là thời gian nắng nóng cao điểm ở Bắc và Trung Bộ. Đợt nắng nóng gay gắt từ ngày 30-6 là đợt nóng nhất từ đầu năm 2018 đến nay và phù hợp với quy luật nêu trên.

So với nhiệt độ trung bình các năm trước, đợt nắng nóng lần này chưa ghi nhận thêm giá trị lịch sử nào. Nhiệt độ cao nhất là ở Bái Thượng (Thanh Hóa) 41 độ C. Tại Hà Nội, cao nhất vào ngày 3-7 ở Hà Đông là 40 độ C, thấp hơn khoảng hai độ so với đợt nắng nóng lịch sử xảy ra từ ngày 31-5 đến 6-6-2017.

Mức độ nóng không bằng năm ngoái, song đợt này tập trung ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, nơi đông dân cư, nên số lượng người chịu ảnh hưởng lớn hơn. Hơn nữa, do nhiệt độ ban đêm cũng ở mức cao (30 độ C), nên cảm giác oi bức kéo dài gần như liên tục cả ngày, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người dân.

Dự báo, nắng nóng gay gắt trên 37 độ C sẽ còn kéo dài đến ngày 6-7 ở đồng bằng Bắc Bộ và ngày 7 và 8-7 ở Trung Bộ. Nhiệt độ giảm dần, nhưng vẫn có thể giữ mức 35 độ C trong các ngày tiếp theo.

Theo nhận định của chúng tôi, đây có thể là đợt nắng nóng gay gắt nhất và dài nhất của năm 2018, đặc biệt là đối với đồng bằng Bắc Bộ.

Vậy nguyên nhân của hiện tượng nắng nóng là do đâu, thưa ông?

 

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Phó Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia.

Ông Nguyễn Văn Hưởng: Nguyên nhân của đợt nắng nóng này là áp thấp nóng phía Tây phát triển khiến gió Tây Nam mạnh lên rõ rệt, kết hợp với địa hình dãy Trường Sơn ở miền trung và dãy Hoàng Liên Sơn ở miền bắc gây ra hiệu ứng phơn mạnh.

Khu vực đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh miền trung từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế là những nơi vừa chịu tác động của thấp nóng, đã xảy ra tình trạng nắng nóng gay gắt diện rộng kéo dài liên tục từ ngày 30-6 đến ngày 4-7.

Khả năng thời tiết nắng nóng như thế này có tiếp tục diễn ra trong tháng 7 và có khốc liệt hơn không, thưa ông? Người dân cần đề phòng những hiện tượng thời tiết cực đoan nào trong thời gian sắp tới?

Ông Nguyễn Văn Hưởng: Trung bình một năm, Bắc Bộ và miền trung có khoảng 17-18 đợt nắng nóng, năm nhiều có thể lên tới trên 20 đợt. Riêng tháng 7 này, Bắc Bộ và Trung Bộ sẽ phải chịu thêm hai đợt nắng nóng nữa. Tuy nhiên, việc dự báo số đợt nắng nóng không có nhiều ý nghĩa, vì cứ hai ngày liên tiếp được tính là một đợt. Thực tế, miền bắc có đợt kéo dài tới 15 ngày, xét theo tổng số ngày gấp 4-5 lần đợt ngắn.

Năm nay, chúng tôi dự báo các đợt nắng nóng sẽ không kéo dài. Mỗi đợt ở miền bắc chỉ 4-6 ngày, ít khả năng xảy ra đợt dài tám ngày. Ở miền trung, mỗi đợt sẽ dài 6-8 ngày, và đợt nắng nóng mà chúng ta đang trải qua có khả năng sẽ là đợt nắng nóng diện rộng, kéo dài và gay gắt nhất của năm 2018.

Nắng nóng được xếp là một trong những loại hình thiên tai nguy hiểm vì nó ảnh hưởng tới sức khỏe con người, cây trồng và vật nuôi. Thông thường, nắng nóng sẽ kết thúc bằng các đợt không khí lạnh từ phía bắc tràn xuống hoặc các đợt mưa lớn. Sự thay đổi trạng thái từ nắng sang mưa, nóng sang lạnh sẽ gây xáo trộn rất mạnh các khối không khí và dễ dẫn đến mưa, giông, lốc, sét, thậm chí là mưa đá, tố lốc, vòi rồng. Đây là những hiện tượng thời tiết nguy hiểm mà người dân cũng như chính quyền các địa phương, nhất là ở các tỉnh vùng núi và trung du, cần hết sức chú ý khi thời tiết nắng nóng kết thúc và chuyển sang trạng thái mát mẻ hơn.

Hiện tại đang là mùa mưa bão ở nước ta. Do vậy, với các loại hình thiên tai nguy hiểm như: bão, áp thấp nhiệt đới, mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất, nắng nóng,… người dân cần theo dõi chặt chẽ và thường xuyên cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn trên các phương tiện thông tin đại chúng để có các biện pháp chủ động phòng ngừa, giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn gây ra.

Bên cạnh đó, người dân cần phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai địa phương để có biện pháp phòng, tránh phù hợp khi có thiên tai xảy ra.

Trân trọng cảm ơn ông!

 

                        TheoNhandan

Các tin khác


Vụ cháy rừng tại Yên Bái: Đốt cỏ ở bãi chăn thả gia súc làm cháy lan sang diện tích rừng

Đến 15 giờ 30 phút ngày 26/3, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã xác định nguyên nhân và diện tích thiệt hại trong vụ cháy rừng xảy ra tại các bản Dào Cu Nha, Hú Trù Lình, xã Lao Chải.

Thời tiết ngày 25/3: Đông Bắc Bộ mưa vài nơi, Nam Bộ nắng nóng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 25/3, khu Tây Bắc Bắc Bộ, vùng núi phía Tây khu vực Bắc Bộ, Trung Trung bộ và khu vực Tây Nguyên có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất trong ngày có nơi trên 36 độ C. Khu vực Nam Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Độ ẩm tương đối thấp, phổ biến 45-50%.

Ghi nhận những ngày đầu thực hiện cấp đổi giấy phép lái xe ô tô trực tuyến toàn trình

Từ ngày 15/3/2024, tỉnh Hòa Bình chính thức triển khai cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) ô tô theo hình thức trực tuyến toàn trình (TTTT) qua Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG). Với sự phối hợp chặt chẽ của ngành GTVT và Bưu điện tỉnh, việc triển khai dịch vụ cấp đổi GPLX ô tô trực tuyến đã được thực hiện thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Thời tiết ngày 21/3: Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vài nơi

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 21/3, Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác; đêm và sáng trời rét.

Thời tiết ngày 20/3: Gió mạnh, sóng lớn trên biển

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 20/3, Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9. Biển động mạnh. Sóng biển cao 2-4 m.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục