(HBĐT) - "Cơn bão số 3 vẫn đang tiếp tục hoành hành với mưa lớn kéo dài gây ra lụt lội, ngập úng, sạt lở ở nhiều nơi trong xã Tu Lý nói riêng, huyện Đà Bắc nói chung. Để đảm bảo an toàn cho người, vật nuôi và giữ gìn tài sản, xã đã củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với phương châm "4 tại chỗ” gồm: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ và nguyên tắc phòng ngừa, chủ động ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả. Trong đó, ưu tiên tập trung phương án sơ tán các hộ dân khỏi vùng có nguy cơ bị sạt lở cao”, đồng chí Nguyễn Văn Điện, Chủ tịch UBND xã Tu Lý cho biết.


 

Do mưa lớn kéo dài từ ảnh hưởng cơn bão số 3 khiến cho ngầm Tong, xóm Đồng Chanh, xã Tu Lý (Đà Bắc) bị ngập lụt nặng, nước chảy xiết chia cắt giao thông 2 bên ngầm. Cảnh báo người dân không được tự ý đi qua khu vực này khi nước chưa rút hết.

 

Xã Tu Lý hiện có 6 khu vực với 20 hộ dân, 94 nhân khẩu trong diện cần phải sơ tán khi có thiên tai xảy ra. Trong đó, hầu hết các hộ dân sống ven suối, chân đồi, nền nhà có ta-luy âm và ta-luy dương cao có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Cụ thể ở xóm Mó La 6 hộ, xóm Kim Lý 1 hộ, xóm Riêng 4 hộ, xóm Mạ 3 hộ, xóm Hương Lý 5 hộ và xóm Tầy Măng 1 hộ. Với các trường hợp hộ dân phải sơ tán, di dời, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN xã đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với 4 địa điểm để tập kết cho người dân. Các hộ xóm Mó La sẽ sơ tán đến Chi trường Tiểu học xóm Mó La; các hộ xóm Hương Lý sơ tán đến Hội trường xóm Hương Lý; các hộ dân 4 xóm Tầy Măng, Mạ, Riêng và Kim Lý sẽ tập kết tại một số nhà xây kiên cố trong xóm. Trường hợp khẩn cấp có thể tập kết tại trụ sở các cơ quan xã như UBND xã, Trạm y tế, trường học,… Các lực lượng xung kích tại xã khoảng 150 người gồm các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN, các đoàn thể xã, thanh niên, dân quân tự vệ. Trường hợp khẩn cấp có thể huy động lực lượng tăng cường của các xã lân cận và cấp huyện. Thực hiện báo cáo định kỳ hàng giờ các vấn đề phát sinh như số hộ dân phải di chuyển, số nhà bị sập đổ do trượt sạt, số người gặp nạn,… về Ban Chỉ hủy PCTT&TKCN huyện. Huy động các phương tiện sẵn có tại địa phương như ô tô, xe máy, thuyền máy,… Xã phải nhanh chóng thực hiện di dời người dân trước 12 giờ so với thời điểm dự báo bão, ưu tiên người già, trẻ em, phụ nữ và phân công lực lượng ứng trực tại xã 24/24 giờ sẵn sàng nhận nhiệm vụ.

Theo quan sát của phóng viên, tại điểm có nguy cơ sạt lở cao xóm Mó La có vết nứt rộng chừng nửa mét kéo dài, do mưa lớn dài ngày nên đất đồi không còn độ rắn chắc, cộng thêm những khối đá lớn nằm sát sườn đồi có nguy cơ trượt sạt bất cứ lúc nào. Ông Lường Xuân Lý, người dân xóm Mó La cho biết: "Địa hình đồi núi đá nên khi có mưa lớn kéo dài, chúng tôi lo ngại việc sạt lở kèm theo đá lăn gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản. Gia đình tôi đã chủ động các phương án di dời theo hướng dẫn của chính quyền xã đến nơi an toàn ngay khi có thông báo”.


 

Đập hồ Thảng, xóm Mó La, xã Tu Lý (Đà Bắc) cần nhanh chóng hoàn thiện việc nâng cấp, sửa chữa để đảm bảo công tác phòng, chống lũ bão.

 

Xã đã phân công lực lượng ứng trực ở 4 điểm ngầm qua đường gồm ngầm Tầy Măng, ngầm Mó La, Ngầm Riêng, ngầm Tong và tổ chức cắm biển cảnh báo, lập rào chắn không cho người và phương tiện qua lại khi nước lũ tràn qua. Trạm y tế xã tăng cường lực lượng thường trực khi có diễn biến xấu để đảm bảo công tác sơ, cấp cứu, khám chữa bệnh kịp thời cho người dân. Tại điểm ngầm Tong, xóm Đồng Chanh, lưu lượng nước dồn về khá lớn tràn qua ngầm với tốc độ cao, nước chảy xiết nên người dân không thi di chuyển qua đây. Xã đã cử người theo dõi và thông báo đến người dân không được tự ý di chuyển qua ngầm Tong khi nước chưa rút hết bởi tại đây, trong 5 năm qua đã có 6 trường hợp người từ nơi khác đến cố tình đi xe qua khi nước lũ chảy xiết đã bị trôi phương tiện, may mắn không có người gặp nạn. Lượng nước tại các hồ Thảng và hồ Cháu tăng lên trong khi các công trình đang trong quá trình nâng cấp, sửa chữa. Mưa lũ cũng gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công một số công trình xây dựng NTM. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Điện khẳng định sẽ tập trung mọi lực lượng theo sự phân công để tổ chức các biện pháp chống lũ nhanh nhất, hiệu quả nhất, kiên quyết không để một trường hợp người dân nào ở lại những khu vực nguy hiểm có cơ sạt lở cao.

Thanh Sơn


Các tin khác


Thời tiết ngày 26/4: Nhiều nơi trên cả nước nắng nóng gay gắt

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 26/4, phía Tây Bắc Bộ, khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên và miền Đông Nam Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 36-39 độ C, có nơi trên 39 độ C.

Dồn sức khắc phục thiệt hại sau mưa đá lịch sử tại 2 xã Hang Kia, Pà Cò

Trận mưa đá được xem là lớn nhất từ trước đến nay xảy ra chiều 24/4 tại 2 xã Hang Kia, Pà Cò đã khiến nhiều diện tích ngô, lúa, rau màu, cây ăn quả của bà con bị thiệt hại nặng nề; nhiều nhà cửa hư hỏng. Ngay sau thiên tai, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Mai Châu đã trực tiếp khảo sát tình hình thực tế và chỉ đạo các xã khẩn trương khắc phục thiệt hại để sớm ổn định sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Huyện Mai Châu: Mưa đá lịch sử gây thiệt hại nặng nề tại xã Pà Cò

Theo báo cáo sơ bộ của UBND xã Pà Cò (Mai Châu), khoảng 16 - 17h ngày 24/4, một trận mưa đá đổ bộ trên địa bàn xã. Đây là trận mưa đá lớn chưa từng có làm thiệt hại hàng trăm héc ta hoa màu, cây ăn quả. Nhiều nhà dân bị đá rơi làm hư hỏng, sập mái.

Mưa đá gây thiệt hại ở 2 xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu

Trận mưa đá kéo dài hơn 10 phút vào khoảng 16 h chiều 24/4 đã gây thiệt hại cho sản xuất và hoa màu ở 2 xã Hang Kia và Pà Cò, huyện Mai Châu.

Xã Tân Minh khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai

Những ngày qua, tại một số địa phương như thành phố Hòa Bình, các huyện: Đà Bắc, Cao Phong, Lương Sơn xảy ra mưa lớn, mưa đá, dông lốc và sét cục bộ gây thiệt hại về kinh tế và đời sống sinh hoạt của nhân dân; trong đó, xã Tân Minh, huyện Đà Bắc chịu thiệt hại nặng nề. Ngay sau khi xảy ra thiệt hại, cấp ủy, chính quyền xã Tân Minh đã chỉ đạo tập trung nhân lực, phương tiện, khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai.

Siết chặt quản lý vật liệu nổ công nghiệp và hóa chất

Với chức năng quản lý nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN), hóa chất, thời gian qua, ngành Công Thương đã phối hợp các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo quản, sử dụng VLNCN và hóa chất trên địa bàn tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục