(HBĐT) - Trong những năm qua, việc khai thác tài nguyên, khoáng sản đã đóng góp đáng kể nguồn thu ngân sách cho huyện Kỳ Sơn, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, thúc đẩy phát triển KT-XH. Tuy nhiên, hoạt động khai thác đất, đá, cát, sỏi còn diễn ra phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, do đó công tác quản lý, giám sát luôn được các cấp, các ngành huyện chú trọng.


Lực lượng chức năng huyện Kỳ Sơn phối hợp với các cơ quan hữu quan thường xuyên thị sát các hoạt động khai thác tài nguyên trên địa bàn.

Trên địa bàn các xã: Dân Hạ, Yên Quang, Hợp Thịnh, Hợp Thành có 15 doanh nghiệp, hộ dân được cấp phép khai thác các loại đất, đá, cát, sỏi. Nhiều doanh nghiệp được cấp phép khai thác với diện tích lớn như Công ty CP khai khoáng Sahara với diện tích 71,53 ha, Công ty TNHH xây dựng Hùng Yến với 15,37 ha, Công ty CP Tân Tiến với 11,18 ha cùng hàng chục doanh nghiệp, hộ dân khai thác với quy mô nhỏ. Nhìn chung qua công tác quản lý của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và các hộ dân đã chấp hành các quy định về khai thác khoáng sản theo địa bàn được cấp phép, đúng quy trình hoạt động. Tuy nhiên, sau nhiều cuộc khảo sát, hoạt động khai thác đất đá, cát, sỏi trên địa bàn vẫn còn phức tạp. Một số doanh nghiệp, hộ dân không được cấp phép đã khai thác hoặc được cấp phép nhưng khai thác ngoài tọa độ cho phép, vận chuyển, tiêu thụ cát, sỏi làm thất thoát tài nguyên khoáng sản, thất thu thuế, phí. Địa bàn khai thác giáp ranh với tỉnh Phú Thọ, do đó một số doanh nghiệp, hộ dân tỉnh ngoài vẫn lén lút khai thác, nhất là vào ban đêm. Việc khai thác làm thay đổi dòng chảy, sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, gây bức xúc trong nhân dân. An toàn lao động tại một số doanh nghiệp chưa cao. Một số dự án được cấp phép thực hiện kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường.

Đồng chí Hoàng Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: "Để thực hiện nghiêm các quy định của UBND tỉnh và đảm bảo đúng trách nhiệm của địa phương trong việc quản lý, khai thác, vận chuyển, bảo vệ nguồn khoáng sản và tài nguyên môi trường, thời gian qua, huyện đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh doanh, khai thác tài nguyên trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về Luật Khoáng sản, Nghị định số 158 ngày 29/11/2016 của Chính phủ, thường xuyên kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản; vi phạm an toàn lao động, ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, sử dụng vật liệu nổ. Đồng thời có văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn, báo cáo UBND tỉnh, Sở TN&MT về hoạt động quản lý khai thác cát, sỏi trên địa bàn”.

Thực hiện Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 17/2/2011, Chỉ thị số 13/CT-UBND 17/9/2012 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động khai thác khoáng sản, vận chuyển cát, sỏi trên địa bàn, thời gian qua, UBND huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo Thanh tra huyện, các Phòng TN&MT, Kinh tế - hạ tầng, NN&PTNT, UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp. Thường xuyên báo cáo UBND tỉnh, Sở TN&MT và các tổ công tác về hoạt động khai thác khoáng sản, tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý đối với hoạt động khai thác trái phép, làm thất thoát tài nguyên, khoáng sản. Trong năm 2017, UBND huyện cùng tổ công tác liên ngành thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tình, xử phạt Công ty TNHH Hùng Yến và Công ty CP khai khoáng Sahara chưa chấp hành đúng quy định khai thác, đúng dự án được duyệt với tổng số tiền 100 triệu đồng, đồng thời yêu cầu tạm dừng mọi hoạt động khai thác của 2 công ty này.

Việc khai thác trái phép không chỉ làm thất thoát tài nguyên mà còn tác động tới dòng chảy của sông, gây sạt lở, ảnh hưởng đến môi trường, tiếng ồn, gây bức xúc trong nhân dân. UBND huyện, các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp đã tổ chức các buổi đối thoại với nhân dân các xã Hợp Thịnh, Hợp Thành nhằm kịp thời nắm bắt tình hình, tháo gỡ bức xúc trong nhân dân. Khai thác trong khung giờ quy định, thả phao đúng tiêu chuẩn; xây dựng cơ chế, thiết lập đường dây nóng để nhân dân phản ánh kịp thời và cùng tham gia giám sát; phát hiện vi phạm sẽ xử lý theo quy định pháp luật, mức cao nhất là tước giấy phép hoạt động. Tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân về nội dung của Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường và các quy định về an toàn lao động.

Đồng chí Hoàng Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: "Trong thời gian tới, huyện tiếp tục phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý các hoạt động khai thác. Xây dựng phương án phối hợp giữa các xã giáp ranh, cùng nhân dân tham gia giám sát, phát hiện, tố giác các hành vi sai phạm. Quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên, khoáng sản trong địa bàn, hạn chế tối thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, các rủi ro, tai nạn lao động đáng tiếc xảy ra”.

Hoàng Anh



Các tin khác


Siết chặt quản lý vật liệu nổ công nghiệp và hóa chất

Với chức năng quản lý nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN), hóa chất, thời gian qua, ngành Công Thương đã phối hợp các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo quản, sử dụng VLNCN và hóa chất trên địa bàn tỉnh.

Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn về thị trường tín chỉ carbon

Theo tính toán, chỉ riêng ngành nông nghiệp Việt Nam, tiềm năng có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm.

Công nghệ mưa nhân tạo có thể dẫn đến ‘cuộc chiến thời tiết’ giữa các quốc gia

Nhà khí tượng học cảnh báo "cuộc chiến thời tiết” giữa các quốc gia có thể nổ ra nếu việc gieo hạt mây vượt tầm kiểm soát, sau khi lũ lụt ở Dubai làm nảy sinh lo ngại về công nghệ gây mưa nhân tạo.

Thời tiết ngày 22/4: Bắc Bộ mưa dông, Tây Bắc Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ nắng nóng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 22/4, chiều tối và đêm ở khu vực Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 15-30 mm, có nơi trên 50 mm; ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa rào và dông cục bộ.

Mưa to, dông lốc kèm mưa đá gây thiệt hại tại các huyện Đà Bắc, Cao Phong 

Theo thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh, chiều và đêm 20/4, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xảy ra mưa, mưa đá, dông lốc, sét cục bộ tại thành phố Hòa Bình và các huyện Đà Bắc, Cao phong, Lương Sơn. Tại một số điểm có mưa to như: Tiến Sơn (Lương Sơn) 34,4 mm, Độc Lập (TP Hòa Bình) 32,2 mm, Tân Pheo (Đà Bắc 21,8 mm), Xuân Phong (Cao Phong) 15,6 mm... Mưa đá, dông lốc đã gây thiệt hại tại các huyện Đà Bắc, Cao Phong.

Sét đánh cháy rừng ở xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi

Trận mưa đá tối 20/4 đã gây cháy rừng tại khu đồi Cằn Kẻo, xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục