(HBĐT) - Trong khi dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) gây thiệt hại nhiều tỷ đồng đối với chăn nuôi lợn của tỉnh thì ở các trang trại chăn nuôi, DTLCP không xâm nhập được nhờ áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Nhiều cơ sở, hộ chăn nuôi ở các địa phương trong cả nước cũng đã chọn chăn nuôi an toàn sinh học để ngăn chặn hiệu quả sự tấn công của DTLCP.


T
Trang trại chăn nuôi hữu cơ Thủy Thiên Nhu ở xóm Tân Phú, xã Phú Thành (Lạc Thủy) trong tình hình DTLCP lan rộng vẫn hoạt động tốt, cung cấp cho thị trường 

dòng sản phẩm lợn sạch cao cấp, tuyệt đối an toàn với bình quân mỗi tuần xuất trên 2 tấn thịt lợn hơi. Tại đây, khu vực chăn nuôi cách xa nhà ở và có hệ thống tường bao ngăn cách khu vực khác và dân cư. Theo chị Bùi Thị Bích Liên - quản lý trang trại, một nguyên tắc của trại nuôi là hạn chế tối đa người lạ vào khu vực chăn nuôi. Công nhân làm việc ở đây trước khi vào cổng khu vực chăn nuôi và vào các dãy chuồng đều phải lội qua hố sát trùng. Khu vực chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi được thường xuyên, định kỳ tiêu độc, khử trùng. Chất thải được thu gom, xử lý theo công nghệ chế phẩm EM của Nhật Bản không có mùi hôi. Đồng thời, để quản lý chặt dịch bệnh, trang trại cung cấp đầy đủ thức ăn chất lượng tốt, nước uống sạch cho vật nuôi. Chuồng nuôi đảm bảo quy cách với mật độ nuôi hợp lý. Đàn lợn được tiêm phòng định kỳ, tẩy giun sán đầy đủ.

Hiện nay, không riêng Thủy Thiên Nhu mà ở các trại lợn khác, tập trung tại địa bàn TP Hòa Bình, các huyện: Lương Sơn, Kỳ Sơn, Yên Thủy, Lạc Thủy, Lạc Sơn... đều đã áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để phòng DTLCP và các loại dịch bệnh. Lai lịch, nguồn gốc lợn nhập về các trại được kiểm soát gắt gao. Nhiều trang trại chăn nuôi sử dụng nguồn giống tại chỗ giúp chủ động về giống, đồng thời kiểm soát phòng bệnh tối ưu, ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhiễm từ bên ngoài. Số lợn mới nhập được nuôi cách ly theo quy định. Ngoài ra, thức ăn, vật tư, dụng cụ chăn nuôi đưa vào trại, chim hoang dã, các loài gặm nhấm, chó, mèo ra vào khu vực chăn nuôi cũng được kiểm soát chặt.

Tình hình DTLCP trên địa bàn tỉnh vẫn đang có xu hướng lây lan. Nguyên nhân do nhiều yếu tố làm lây truyền mầm bệnh trực tiếp, gián tiếp, bao gồm cả con người, các loài vật nuôi, chim hoang dã, côn trùng (gián, ruồi). Mật độ virus DTLCP lưu hành ở môi trường rất cao, nguy cơ xâm nhiễm vào các trại chăn nuôi lợn lớn và khó lường trước. Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương tăng cường một số biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn để phòng, chống DTLCP.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Phương Thủy, Phó Chi cục Chăn nuôi và thú y, toàn tỉnh hiện có 37 trang trại lợn, bình quân số đầu lợn dao động từ 1.000 - 5.000 con/trại. Với việc thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, mặc dù ở trong vùng có DTLCP nhưng các trang trại vẫn hoạt động ổn định, không có DTLCP xâm nhập. Đặc biệt, tình hình chăn nuôi, giá cả và đầu ra sản phẩm thịt lợn từ các trại lợn vẫn được giữ vững, không chịu sự tác động của thị trường và diễn biến DTLCP.

Cũng theo đồng chí Phó Chi cục Chăn nuôi và thú y, mặc dù việc áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học đối với nông hộ còn gặp không ít trở ngại cả về tập quán, thói quen chăn nuôi và điều kiện, nguồn lực. Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh nói chung, DTLCP nói riêng gây thiệt hại lớn về kinh tế, chỉ có thực hiện biện pháp trên, các hộ, cơ sở chăn nuôi mới giảm, tránh, hạn chế được mức độ rủi ro. Lưu ý các hộ đang chăn nuôi điều kiện chuồng nuôi đơn giản cần tăng cường một số biện pháp kỹ thuật: Chuồng nuôi phải có tường bao hoặc hàng rào kín ngăn cách với khu vực xung quanh. Từng ô chuồng nên sử dụng lưới che nắng bao vây kín chuồng. Rắc vôi bột, phun thuốc tiêu độc sát trùng chuồng trại hàng ngày để tiêu diệt mầm bệnh xâm nhập. Kiểm soát phương tiện, dụng cụ ra, vào khu vực chăn nuôi, thực hiện khử trùng trước khi ra, vào khu chăn nuôi, hạn chế khách thăm quan và những người không phận sự ra, vào. Trang bị bảo hộ lao động sử dụng riêng trong khu vực chăn nuôi; cải tạo tiểu khí hậu chuồng nuôi bằng cách lắp thêm quạt bên trong chuồng, có hệ thống phun nước chống nóng cho vật nuôi. Về nguồn thức ăn phải đảm bảo có nguồn gốc rõ ràng; nước uống đảm bảo sạch sẽ, thường xuyên bổ sung vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi, nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho lợn, gồm: 3 bệnh đỏ (dịch tả cổ điển, đóng dấu, tụ huyết trùng), tai xanh, e.coli, lở mồm long móng; khi xuất bán lợn nên áp dụng biện pháp cùng vào - cùng ra, nhập lợn theo dãy chuồng cùng lứa tuổi và khi bán cũng theo cả dãy chuồng đó. Trường hợp phát hiện đàn lợn nuôi có biểu hiện bất thường, nghi bệnh dịch, báo cáo ngay cho thú y cơ sở hoặc chính quyền địa phương để được phối hợp, hướng dẫn, xử lý kịp thời...
 
Bùi Minh

Các tin khác


Thời tiết ngày 25/3: Đông Bắc Bộ mưa vài nơi, Nam Bộ nắng nóng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 25/3, khu Tây Bắc Bắc Bộ, vùng núi phía Tây khu vực Bắc Bộ, Trung Trung bộ và khu vực Tây Nguyên có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất trong ngày có nơi trên 36 độ C. Khu vực Nam Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Độ ẩm tương đối thấp, phổ biến 45-50%.

Ghi nhận những ngày đầu thực hiện cấp đổi giấy phép lái xe ô tô trực tuyến toàn trình

Từ ngày 15/3/2024, tỉnh Hòa Bình chính thức triển khai cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) ô tô theo hình thức trực tuyến toàn trình (TTTT) qua Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG). Với sự phối hợp chặt chẽ của ngành GTVT và Bưu điện tỉnh, việc triển khai dịch vụ cấp đổi GPLX ô tô trực tuyến đã được thực hiện thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Thời tiết ngày 21/3: Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vài nơi

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 21/3, Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác; đêm và sáng trời rét.

Thời tiết ngày 20/3: Gió mạnh, sóng lớn trên biển

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 20/3, Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9. Biển động mạnh. Sóng biển cao 2-4 m.

Từ tháng 4 - 9/2024, đề phòng các hình thái thời tiết nguy hiểm

Nhận định về các hình thái thời tiết từ tháng 4-9/2024, Trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết, từ tháng 4-6/2024, hiện tượng El Nino sẽ suy yếu dần và chuyển sang trạng thái trung tính với xác suất 75-80%. Bão và áp thấp nhiệt đới ít có khả năng xuất hiện trên Biển Đông.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục