(HBĐT) - Trong hơn 2 tháng nay, mực nước hồ Hoà Bình xuống thấp kỷ lục trong khoảng 30 năm trở lại đây. Nước cạn không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành điện, việc tưới tiêu ở đồng bằng mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến những người sống trên vùng lòng hồ sông Đà.




Nước cạn, người dân trên lòng hồ Hòa Bình, thuộc xã Bình Thanh (Cao Phong) đi lại thêm vất vả. 

Chỉ vào mớn nước cách mặt nước hiện tại gần 30 m, ông Nguyễn Văn Nhất ở xóm Tháu, xã Thái Bình (TP Hoà Bình) cho hay: Tầm giờ này năm ngoái, nước còn ở mức đó. Đến tháng 3, tháng 4 dương lịch thì mực nước mới giảm. Đó là thời điểm cạn nhất. Nhưng năm nay, nước xuống thấp hơn so với năm ngoái khoảng gần 30 m. Kể từ ngày hoàn thành thuỷ điện Hoà Bình, chưa năm nào nước hồ xuống thấp như thế này. Nhà tôi nuôi 5 lồng cá trắm và cá lăng. Mọi năm kéo vó bè sản lượng cá tép cũng đủ cho cá lăng ăn. Năm nay nước cạn kiệt, cá cũng ít nên đánh cá tép không đủ. Để đủ thức ăn cho cá, tôi phải mua thêm cám. Nhà tôi nuôi ít cá lăng thì ảnh hưởng không nhiều. Nhà nào nuôi từ 5 lồng trở lên thì chi phí cho việc mua cám cho cá ăn thêm cũng tăng lên đáng kể. Ngoài việc ít cá tự nhiên, chi phí nuôi cá tăng thì nước hồ xuống thấp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại, vận chuyển. Vào dịp này, nhà tôi đang thu hoạch đu đủ, chuối trên vườn sát lòng hồ. Nước cạn, việc đi lại xa hơn, đường dốc khó đi nên mỗi khi vận chuyển rất mất công. Dịp cuối năm là thời điểm vận chuyển hàng hoá Tết lên vùng lòng hồ. Mực nước xuống thấp, chi phí, công sức vận chuyển nguyên vật liệu cũng tăng lên.        Anh Nguyễn Văn Chiến cũng ở xóm Tháu góp chuyện: Nghề của tôi chuyên đánh cá ngạnh trên sông. Không hiểu sao năm nay nước xuống quá thấp, cá ít, việc đánh bắt cũng gặp khó khăn. Mọi năm, hàng ngày, tôi đều đi nhấc lờ, lờ ít được vài cân, có lờ hàng chục cân. Nhưng năm nay cá ít thường xuyên phải về tay không nên 3-4 ngày tôi mới đi nhấc lờ.   

Anh Đinh Văn Linh, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp nuôi trồng thủy sản xã Bình Thanh (Cao Phong) nuôi 20 lồng cá đen và cá trắm đen trên lòng hồ. Mỗi lồng chừng vài trăm con. Những năm trước, anh ăn nên làm ra nhờ nuôi cá. Anh tận dụng việc khai thác nguồn lợi thủy sản từ lòng hồ để làm thức ăn cho cá. Nhưng năm nay, mực nước lòng hồ xuống sâu và sớm nên khó đánh bắt cá con. Do vậy, anh phải mua cám công nghiệp cho cá ăn, mỗi ngày tốn thêm trên dưới 700 nghìn đồng mua cám.
Không riêng anh Linh mà các hộ nuôi cá trong HTX cũng bị ảnh hưởng. Nguồn lợi thủy sản ở lòng hồ là thức ăn chính cho cá. Nay nước cạn, nguồn lợi thủy sản này không thể khai thác được, gia đình nào cũng phải bỏ tiền mua thức ăn cho cá. Cùng với việc thiếu thức ăn, nước cạn dẫn đến nguy cơ về dịch bệnh trên cá ngày càng tăng. Nước ít, lượng ô xy trong nước thấp, ngưng đọng nhiều bùn bẩn gây bất lợi cho cá. Nếu mưa xuống, nước ở các suối chảy ra gây sục bùn. Do vậy, người nuôi cá thường xuyên phải di chuyển lồng ra lòng hồ phòng dịch bệnh. 


Việt Lâm

Các tin khác


Kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại huyện Lạc Thuỷ

(HBĐT) - Chiều 28/9, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn huyện Lạc Thủy. Tham gia đoàn công tác có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

Mực nước lũ trên sông Bôi đang xuống chậm

(HBĐT) - Theo Đài Khí tượng thủy văn Hòa Bình, do mưa lớn, mực nước trên sông Bôi tại trạm Hưng Thi (Lạc Thủy) đã đạt đỉnh là 1.380 cm lúc 14 giờ ngày 28/9/2023. Lúc 15 giờ ngày 28/9 là 1.376 cm, cao hơn báo động III là 73 cm.

Huyện Cao Phong: Mưa lũ làm một người tử vong

(HBĐT) - Hồi 15h20' ngày 28/9, các lực lượng chức năng tìm thấy thi thể anh Bùi Văn T, sinh ngày 10/11/1982, trú tại xóm Bưng 1, xã Thu Phong, huyện Cao Phong. Trước đó, hồi 15h ngày 27/9, anh T đi ra suối Bưng và bị nước lũ cuốn mất tích. Nhận được thông tin, Công an huyện và Ban Chỉ huy quân sự huyện Cao Phong đã tổ chức lực lượng cùng cán bộ UBND xã Thu Phong, xã Bắc Phong và thị trấn Cao Phong đi dọc suối Bưng tìm kiếm.

Huyện Yên Thủy: Hơn 440 ha lúa bị ngập úng do mưa lớn

(HBĐT) - Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự huyện Yên Thủy, từ ngày 26 đến 14h ngày 28/9, trên địa bàn huyện xảy ra các đợt mưa to đến rất to liên tục, tổng lượng mưa đo được ở trạm đo mưa xã Lạc Lương đạt 290 mm, trạm đo mưa xã Đoàn Kết 160 mm, trạm đo mưa xã Yên Trị 279,2 mm. Mưa lớn liên tục trong 3 ngày đã gây ngập lụt hầu hết diện tích cây trồng, ngập úng, sạt lở một số nhà dân, tuyến đường trên địa bàn.

Huyện Kim Bôi: Thiệt hại do mưa lũ gần 6 tỷ đồng

(HBĐT) - Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, từ đêm ngày 25 - 28/9, trên địa bàn huyện Kim Bôi có mưa to đến rất to kéo dài. Lượng mưa trung bình 210 mm, gây thiệt hại về tài sản của người dân và công trình hạ tầng giao thông. Trong đó có 4 hộ nằm trong vùng nguy cơ sạt lở phải di dời, 85 ha lúa và cây màu bị ngập, 7 điểm đường sạt lở chia cắt giao thông... Thiệt hại ước tính gần 6 tỷ đồng.

Huyện Lạc Sơn: Mưa lũ gây thiệt hại khoảng 390 triệu đồng

(HBĐT) - Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, từ ngày 26 đến 11h ngày 28/9, trên địa bàn huyện xảy ra mưa lớn. Lượng mưa đo được tại các trạm như: Thủy điện Miền Đồi, Thủy điện Định Cư, Thủy điện Suối Mu trên 130 mm. Mưa lớn đã gây thiệt hại khoảng 390 triệu đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục