(HBĐT) -  Từ khi thành lập và đi vào hoạt động đến nay, làng nghề chế tác đã cảnh thôn Sỏi, xã Phú Thành (Lạc Thủy) cũng nảy sinh không ít tồn tại, bất cập, nhất là tình trạng ô nhiễm do bụi, tiếng ồn, việc sử dụng hóa chất là vấn đề khiến dân cư trên địa bàn trăn trở, bức xúc.



Bụi, nước và chất thải rắn xả thẳng ra môi trường trong quá trình hoạt động của làng nghề chế tác đá cảnh thôn Sỏi, xã Phú Thành (Lạc Thủy).

Nghề chế tác đá cảnh ở thôn Sỏi, xã Phú Thành hình thành từ năm 2007. Ban đầu là một số hộ đi khai thác đá cảnh tại các địa phương trong, ngoài huyện đưa về bán cho tư thương ở các tỉnh: Hà Nam, Thanh Hóa, Nam Định, Ninh Bình. Do bán sản phẩm thô mang lại thu nhập không đáng kể, năm 2009, một số hộ đã họp bàn, thống nhất thành lập tổ hợp tác chế tác đá cảnh, mời nghệ nhân nơi khác về truyền nghề. Thấy rõ hiệu quả từ nghề chế tác đá cảnh và được hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ nông dân, UBND xã Phú Thành đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh mở lớp dạy nghề, cấp chứng chỉ cho 90 lao động địa phương. Từ đó, người lao động nắm được kỹ thuật và nghề chế tác đá cảnh ở thôn Sỏi ngày một phát triển. Năm 2015, thôn Sỏi được UBND tỉnh cấp bằng công nhận làng nghề chế tác đá cảnh, hiện có 70 hộ tham gia. Làng nghề đã hai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có của địa phương; sản phẩm làm ra không chỉ tiêu thụ trong nước mà đã xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính; tạo việc làm ổn định cho gần 200 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 300 - 500.000 đồng/ngày…

Sau hơn 5 năm được công nhận làng nghề, nhưng tổ chức bộ máy của làng nghề vẫn chưa chính thức hình thành. Chủ tịch UBND xã Phú Thành Bùi Văn Thắng cho biết: Làng nghề hiện chưa có bộ máy quản lý, điều hành, nên chưa có sự liên kết giữa các hộ từ khâu thu mua, khai thác phôi, chế tác đến tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, hoạt động vẫn mang tính tự phát, phân tán. Đa số các hộ tận dụng diện tích đất của gia đình, hoặc thuê đất dọc mặt đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 21A để trưng bày sản phẩm, làm xưởng tập kết nguyên liệu và chế tác. Do đó, việc quản lý, xử lý những vấn đề phát sinh như bụi, tiếng ồn, ô nhiễm môi trường, đảm bảo hành lang an toàn giao thông còn nhiều khó khăn.

Từ khi được công nhận làng nghề, nghề chế tác đá cảnh ở thôn Sỏi phát triển, sản phẩm làm ra tiêu thụ thuận lợi hơn. Những năm qua, các sản phẩm chủ yếu như hòn non bộ, bàn, ghế đá... đã có mặt khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, xuất bán sang các nước như: Đức, Hàn Quốc, Hoa Kỳ… Kinh tế các hộ dân trong vùng khá giả hơn. Song, hệ lụy là ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, không chỉ những người làm nghề mà tất cả người dân trong vùng cũng phải hứng chịu.

Dọc quốc lộ 21A và đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua xóm Sỏi là hàng chục cơ sở chế tác đá cảnh. Hầu hết các công đoạn sản xuất đều diễn ra ở ngoài trời, hoặc có bạt che chắn cũng mang tính tạm bợ. Tiếng đục, tiếng chạm, tiếng máy mài đá, xẻ đá xen lẫn tạo cảm giác rất khó chịu. Kéo theo đó là bụi trắng len lỏi vào mọi ngóc ngách. Người lao động làm việc ở xưởng chế tác đá không được trang bị thiết bị bảo hộ, tóc, quần áo đều trắng xóa bụi đá. Không có cơ sở sản xuất nào có quy trình, công trình xử lý chất thải. Do đó, chất thải rắn, nước thải trong quá trình sản xuất đều được thải thẳng ra môi trường. Vì thế, không chỉ có những người làm nghề, mà tất cả người dân trong vùng cũng đang phải hứng chịu những hệ lụy từ việc chế tác đá. Hầu hết mọi người đều biết nếu hít phải bụi đá có nguy cơ mắc các bệnh về phổi, bệnh liên quan đến xoang, mắt. Tiếng ồn liên tục có thể tác động gây suy nhược thần kinh, dẫn đến ù tai, mất ngủ. Vì vậy, nhiều hộ đã dùng các tấm bạt che trước nhà, bịt kín cửa, nhưng vẫn không thể ngăn tiếng ồn và bụi xâm nhập. Bên cạnh đó, người dân hết sức lo ngại trước việc các cơ sở chế tác đá cảnh dùng axít trộn nước để mài mòn, đánh bóng sản phẩm, dẫn đến hiện tượng đá hoá nền đất, ô nhiễm nguồn nước và dị ứng da trên người khi tiếp xúc…

Lợi ích kinh tế đem lại của làng nghề chế tác đá cảnh là không thể phủ nhận, nhưng hệ lụy từ làng nghề đến môi trường, đời sống dân sinh là hiện trạng đang diễn ra khá nhức nhối. Để tiếp tục duy trì, phát triển làng nghề, không chỉ người dân mà nhiều chủ cơ sở chế tác đá cảnh ở đây đều mong muốn chính quyền, các cơ quan chức năng quan tâm hơn nữa đến vấn đề môi trường làng nghề, để trả lại môi trường trong lành cho bà con.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh, chủ cơ sở chế tác đá cảnh thôn Sỏi bày tỏ: Chúng tôi mong muốn các cấp có thẩm quyền sớm bố trí quỹ đất, để di dời hoạt động chế tác đá cảnh vào vị trí tập trung, xa khu dân cư. Quan tâm đầu tư trạm biến áp riêng để cung cấp điện sản xuất khi làng nghề tập trung hình thành. Có hạ tầng đồng bộ, nhất là hệ thống xử lý nước thải, rác thải, làng nghề mới phát triển bền vững, môi trường sống của người dân trong khu vực mới được bảo đảm.


Đức Phượng

Các tin khác


Điện lực Mai Châu tăng cường đảm bảo hành lang an toàn lưới điện

Vào mùa mưa bão, việc không đảm bảo hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ) là một trong những nguyên nhân gây sự cố điện. Thời gian qua, Điện lực Mai Châu đã tăng cường kiểm tra, phát quang cây cối trong và ngoài HLATLĐ để ngăn ngừa sự cố trong mùa mưa bão.

Ứng phó với mưa dông, mưa lớn kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh

Ngày 6/5, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai -Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh có Công văn số 30/BCH-VP về việc ứng phó với mưa dông, mưa lớn kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Hội nghị toàn quốc về công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng

Chiều 5/5, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024. Đồng chí Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố.

Thời tiết ngày 5/5: Nhiều khu vực trên cả nước có mưa dông vào chiều tối và đêm

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 5/5, Bắc Bộ, khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 20-40 mm, có nơi trên 80 mm (mưa tập trung vào chiều tối và đêm).

Xã Đa Phúc đón bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới

Ngày 4/5, UBND huyện Yên Thuỷ tổ chức Lễ công bố xã Đa Phúc đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2023.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục