(HBĐT) - Những năm gần đây, cứ đến mùa mưa bão, xã Đồng Chum (Đà Bắc) lại chịu thiệt hại nặng nề về nhà ở, sản xuất, công trình công cộng, thậm chí cả tính mạng người dân. Trên địa bàn thường xảy ra một số loại hình thiên tai là dông lốc, sạt lở đất, đá, lũ ống, lũ quét... do địa hình vùng cao, độ dốc lớn, xã lại có những con suối lưu lượng nước khá lớn như: suối Chum, suối Nhạp... Bình thường đây là nguồn nước dồi dào phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân. Song mỗi khi có mưa to, những con suối này trở thành mối nguy hại rất lớn, đe dọa đến sự an toàn. Thiên tai khiến cuộc sống của nhiều hộ ở xã đặc biệt khó khăn này càng thêm khốn khó.


Mưa lũ, nước chảy xiết khiến sân tiêu năng bai Luông ở xóm Nà Lốc, xã Đồng Chum (Đà Bắc) bị lật tung.

Từ đầu năm đến nay, Đồng Chum bị ảnh hưởng khá lớn do thời tiết cực đoan. Dông lốc, mưa đá, gió giật mạnh trong tháng 4, 5 khiến trên 220 hộ bị hư hỏng nhà ở, hơn 100 ha lúa, ngô và gần 50 ha cây lâm nghiệp, cây ăn quả bị dập nát, gãy đổ, nhiều diện tích gần như mất trắng. Một số cột đèn chiếu sáng sân vận động, nhà văn hóa xóm bị đổ, tốc mái. Mưa to kéo dài do ảnh hưởng của hoàn lưu bão cũng làm sạt lở một số điểm giao thông, vùi lấp kênh mương. Nặng nề nhất là do lũ to, nước chảy xiết đã làm đứt gãy, lật tung sân tiêu năng bai Luông ở xóm Nà Lốc. Đây là công trình thủy lợi cung cấp nước cho toàn bộ khu trung tâm xã.

Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Chum Xa Văn Tâm cho biết: Rất may không có mất mát về người, song thiên tai đã tác động lớn tới sản xuất, cuộc sống của người dân. Hiện, cả 6/6 xóm của xã đều có điểm nguy cơ thiên tai cao, 45 hộ nằm trong khu vực nguy cơ sạt lở đất, đá. Mỗi khi có thông tin về mưa bão, các hộ lại nơm nớp nỗi lo sạt lở. Xã rất mong được các cấp, ngành chức năng về khảo sát, quy hoạch xây dựng khu tái định cư giúp bà con ổn định cuộc sống.

Qua tìm hiểu được biết, hiện Đồng Chum có bai mương Nà Luồng, bai mương Thằm Nắm bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng; cống tiêu lũ xóm Nà Lốc tiết diện nhỏ, không đủ chức năng tiêu lũ cần được xây mới toàn bộ. Xã cũng cần được đầu tư đường ống dẫn nước suối Ót đến Na Toàn, xóm Nhạp, bởi đây là nguồn cung cấp nước tưới tiêu cho 15 ha đất lúa ở xóm Nhạp. Ngoài ra, xã mong muốn được đầu tư kênh thoát lũ đảm bảo dung lượng ở địa phận giữa xóm Nà Lốc với Cọ Phụng. Nơi đây mỗi khi mưa to là đất, đá tràn xuống ruộng và nhà dân, nếu đầu tư xây dựng công trình vừa có vai trò chắn lũ, vừa phục vụ sản xuất.

Trước thực tế thiên tai luôn thường trực, để chủ động phòng ngừa, ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại và khắc phục khẩn trương, có hiệu quả khi có tình huống xảy ra, UBND xã đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN, đồng thời xây dựng Kế hoạch phòng, chống thiên tai năm 2020. Theo đó, xã tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống thiên tai; việc nhận biết và cách ứng phó với các loại hình thiên tai thường gặp; tăng cường thông tin, cập nhật tình hình thời tiết, thiên tai xuống thôn, xóm, nhóm dân cư, đặc biệt là các hộ đang sinh sống, sản xuất tại khu vực có nguy cơ cao để chủ động phòng tránh. Cấp ủy, chính quyền xã chỉ đạo các xóm tích cực quản lý, bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ nhằm phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra thiên tai, biến đổi khí hậu. Đồng thời chủ động kiểm tra, đôn đốc việc đảm bảo an toàn các hồ chứa nước, công trình thủy lợi để đề xuất sửa chữa hư hỏng.

Phó Chủ tịch UBND xã Xa Văn Tâm cho biết thêm: Trong mùa mưa bão, xã tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h. Khi có mưa to kéo dài, bộ phận thường trực đảm bảo trực 100% quân số, phân công người canh gác, không cho người dân qua lại ở các ngầm và đoạn đường có nguy cơ lở đất, đá lăn. Xã vận động Nhân dân phát quang, khơi thông dòng chảy, tháo dỡ, dọn dẹp những vật cản trên bờ, kênh mương làm ách tắc dòng chảy, hạn chế việc tiêu thoát nước; cắm biển cảnh báo những khu vực xung yếu, khu vực có nguy cơ cao. Đồng Chum đang nỗ lực nâng cao nhận thức của người dân thực hiện "quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng".


Bình Giang


Các tin khác


Dông, lốc kèm mưa đá gây thiệt hại nhiều nhà dân ở Thanh Hóa

Chiều tối 17/4, ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát (Thanh Hóa) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra trận dông, lốc kèm mưa đá, gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân.

Thời tiết ngày 17/4: Nắng nóng trải dài khắp cả nước, có nơi hơn 39 độ C

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 17/4, hầu khắp các vùng trên cả nước đều có nắng nóng, có nơi đặc biệt gay gắt. Dự báo, mức nhiệt tiếp tục tăng ở phía Đông Bắc Bộ những ngày tới.

Sẵn sàng cung ứng điện ổn định mùa nắng nóng

Mùa nắng nóng nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến nên nguy cơ gây quá tải đường dây, đe dọa sự cố làm gián đoạn cung cấp điện. Để cấp điện ổn định, Công ty Điện lực Hòa Bình (PC Hòa Bình) triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng tiết kiệm điện đến khách hàng.

Động đất có độ lớn 3.9 xảy ra tại Kon Plông, Kon Tum

Theo Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), chiều 15/4, trận động đất có độ lớn 3.9 xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Thời tiết ngày 15/4: Nắng nóng ở Tây Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 15/4, khu vực Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt, với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 35-37 độ C, có nơi trên 38 độ C.

Thời tiết ngày 14/4: Tây Bắc Bắc Bộ, Nam Bộ nắng nóng gay gắt

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 14/4, khu vực Tây Bắc Bắc Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 36 - 39 độ C, có nơi trên 39 độ C.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục