(HBĐT) - Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2 vào trung tuần tháng 7/2020, nước sông Bôi dồn về nhanh, gây lũ ống đoạn qua xã Yên Bồng (Lạc Thủy). Nhờ được thông báo kịp thời và cảnh giác, chủ động phòng tránh nên đợt mưa lũ không gây ảnh hưởng, thiệt hại về người, tài sản của Nhân dân.


Xã Yên Bồng (Lạc Thủy) chủ động đảm bảo phương tiện, vật chất phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn mùa mưa lũ.

Đồng chí Quách Hoàng Hiệp, Chủ tịch UBND xã Yên Bồng cho biết: Là vùng đất nằm ở vùng trũng, hạ lưu sông Bôi, do vậy, hàng năm xã chịu ảnh hưởng, tác động của lũ bão sông Bôi. Xã có 9 thôn, cả 9 thôn đều bị ảnh hưởng, nhất là thôn Hồng Phong nằm dọc bờ sông Bôi. Khi nước sông Bôi dâng cao, ngoài thôn Hồng Phong thì các thôn: Hồng Phong 2, Hồng Phong 3, Quyết Tiến 1, Quyết Tiến 2, Mạnh Tiến 1, Mạnh Tiến 2 dù không ở ven sông nhưng cũng hay bị ngập lụt nhà cửa, hoa màu. Những năm trước, do diễn biến thời tiết mưa lũ thất thường, có năm lũ về sớm hơn so với thường lệ nên có thời điểm, Yên Bồng bị ngập lụt kéo dài, mất trắng toàn bộ diện tích cấy lúa và hoa màu, làm cho đời sống người dân vốn đã khó khăn càng khó khăn hơn.

Theo đồng chí Đinh Văn Dương, Trưởng thôn Hồng Phong, thôn hiện có 130 hộ, trong đó hơn 40 hộ (khoảng 270 nhân khẩu) sinh sống ở ven sông. Hầu hết đất canh tác của thôn đều chịu ảnh hưởng, tác động mỗi khi vào mùa mưa lũ, nước lên gần như toàn bộ diện tích đất sản xuất bị ngập úng; nhiều hộ nuôi cá lồng, cá ao bị mất trắng...

Trước thực tế đó, để chủ động phòng, chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, ngay từ đầu năm, xã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết, nhằm ứng phó hiệu quả với mưa lũ. Ngay sau khi ban hành, kế hoạch được triển khai đến từng thôn, xóm. Thông qua hệ thống loa truyền thanh, đội ngũ cán bộ thôn, xóm tuyên truyền, phổ biến để các hộ dân nắm chắc, chủ động phối hợp thực hiện, nêu cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng tránh, không để bị động bất ngờ. Với phương châm "tập trung đảm bảo an toàn, tính mạng người dân, không để bị động, bất ngờ, chủ động ứng phó với thiên tai, lũ bão”, xã duy trì, kiện toàn, củng cố Đội phòng, chống thảm họa, thiên tai với 24 thành viên. Cùng với đó, Chủ tịch UBND xã phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ huy phòng chống lũ bão (PCLB) xã; thành lập, duy trì hoạt động của các tổ, lực lượng cứu hộ, phòng chống thiên tai các thôn, xóm; đảm bảo phương tiện, vật chất để phục vụ công tác ứng cứu, cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

Theo thống kê, trên địa bàn xã có khoảng 50 thuyền các loại của người dân, hàng trăm phương tiện nổi như phao cứu sinh, áo phao... có thể huy động phục vụ công tác PCLB khi nước sông Bôi dâng cao. "Trong thời điểm mưa lũ, chúng tôi thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình, diễn biến của thời tiết để thông báo cho người dân, các thành viên Ban chỉ huy PCLB xã để chủ động các phương án ứng phó. Nếu như nước sông Bôi dâng nhanh, có thể gây ngập lụt trên diện rộng, ngay lập tức thực hiện phương án di chuyển người và tài sản từ vùng có nguy cơ cao về trụ sở UBND xã, nhà văn hóa xã và các khu vực cao hơn để đảm bảo an toàn” - đồng chí Chủ tịch UBND xã cho biết thêm.

Để nâng cao hơn nữa ý thức phòng tránh thiên tai, hàng năm, xã tổ chức từ 1 - 2 cuộc diễn tập PCLB để Nhân dân, cán bộ xã chủ động phòng, chống thiên tai, lũ bão, giúp Yên Bồng giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất. Đặc biệt, nhiều năm liền xã không để xảy ra thiệt hại về người trong mùa mưa lũ.


Mạnh Hùng


Các tin khác


Siết chặt quản lý vật liệu nổ công nghiệp và hóa chất

Với chức năng quản lý nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN), hóa chất, thời gian qua, ngành Công Thương đã phối hợp các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo quản, sử dụng VLNCN và hóa chất trên địa bàn tỉnh.

Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn về thị trường tín chỉ carbon

Theo tính toán, chỉ riêng ngành nông nghiệp Việt Nam, tiềm năng có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm.

Công nghệ mưa nhân tạo có thể dẫn đến ‘cuộc chiến thời tiết’ giữa các quốc gia

Nhà khí tượng học cảnh báo "cuộc chiến thời tiết” giữa các quốc gia có thể nổ ra nếu việc gieo hạt mây vượt tầm kiểm soát, sau khi lũ lụt ở Dubai làm nảy sinh lo ngại về công nghệ gây mưa nhân tạo.

Thời tiết ngày 22/4: Bắc Bộ mưa dông, Tây Bắc Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ nắng nóng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 22/4, chiều tối và đêm ở khu vực Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 15-30 mm, có nơi trên 50 mm; ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa rào và dông cục bộ.

Mưa to, dông lốc kèm mưa đá gây thiệt hại tại các huyện Đà Bắc, Cao Phong 

Theo thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh, chiều và đêm 20/4, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xảy ra mưa, mưa đá, dông lốc, sét cục bộ tại thành phố Hòa Bình và các huyện Đà Bắc, Cao phong, Lương Sơn. Tại một số điểm có mưa to như: Tiến Sơn (Lương Sơn) 34,4 mm, Độc Lập (TP Hòa Bình) 32,2 mm, Tân Pheo (Đà Bắc 21,8 mm), Xuân Phong (Cao Phong) 15,6 mm... Mưa đá, dông lốc đã gây thiệt hại tại các huyện Đà Bắc, Cao Phong.

Sét đánh cháy rừng ở xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi

Trận mưa đá tối 20/4 đã gây cháy rừng tại khu đồi Cằn Kẻo, xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục