(HBĐT) - Thôn Sấu Hạ, xã Thanh Cao (Lương Sơn) có hơn 200 hộ. Kinh tế của người dân nơi đây chủ yếu làm nông nghiệp, trang trại và trồng rừng. Tuy nhiên, trại lợn công nghiệp Mạnh Thường quy mô lớn được đầu tư tại thôn đã gây bức xúc cho Nhân dân về tình trạng ô nhiễm môi trường. Không dừng lại ở đó, năm 2017, xưởng tái chế cao su Dương Bình cũng được đưa vào sản xuất, nằm cách khu dân cư không xa, khiến nhiều hộ dân khu vực này khốn khổ vì cùng lúc hứng chịu mùi hôi thối từ trại lợn và khói khét từ xưởng tái chế cao su. 



Các bao chất thải của trại lợn tại thôn Sấu Hạ, xã Thanh Cao (Lương Sơn) không được xử lý theo đúng quy trình. 

Hộ anh Nguyễn Văn Vịnh, thôn Sấu Hạ chủ yếu sống dựa vào trồng cây ăn quả như nhãn, cam, bưởi. Thời gian của anh phần lớn ở ngoài vườn chăm sóc cây trồng. Tuy nhiên, khu vườn hơn 3 ha của gia đình anh lại nằm ngay sát trại lợn, chỉ cách một con suối nhỏ. Chính vì vậy, mỗi lần đi làm vườn với gia đình anh là một cực hình bởi mùi hôi thối từ trại lợn bốc lên. Chưa hết, ngôi nhà nhỏ nằm cạnh mảnh vườn của gia đình anh cũng thường xuyên phải đóng kín cửa. Bởi, rất nhiều ngày, khi cả gia đình đang ăn cơm thì mùi hôi thối từ trại lợn lại bốc lên, khiến ai cũng phải rùng mình. Liên tục phải hứng chịu mùi hôi thối chưa đủ, gia đình anh còn thiệt hại nặng về kinh tế. Đã có một thời gian, nước xả thải từ trại lợn tràn vào ao cá, làm cá trong ao cũng ngửa bụng chết trắng, từ đó, gia đình anh bỏ hẳn việc nuôi cá. "Có những buổi trưa nắng nóng, muốn mở cửa sổ, cửa chính cho mát thì mùi thối lại xộc lên rất nặng, khó chịu vô cùng" - anh Vịnh cho biết. 

Cách nhà anh Vịnh không xa là nhà ông Bùi Văn Rởm. Chia sẻ về cuộc sống với một bên là lò đốt cao su, một bên là trại lợn xả thải, ông Rởm bức xúc: 4h thì trại lợn xả thải, 16h thì khói từ lò đốt cao su. Cuộc sống của chúng tôi ở đây rất cực khổ. Những người già, trẻ nhỏ như gia đình tôi nhiều khi không thở nổi, nhất là những ngày nắng nóng vừa rồi, mùi bốc lên rất khó chịu. 

Không chỉ thường xuyên phải chịu đựng mùi hôi thối, các hộ dân ở đây còn lo ngại về tình trạng ô nhiễm nguồn nước vì cách xử lý chất thải của hai cơ sở này. Ông Bạch Minh Văn, thôn Sấu Hạ cho biết: Chất thải của lợn được công ty đóng bao, tập kết tại bãi đất trống, ngay cạnh con suối cung cấp nguồn nước tưới tiêu của nhiều hộ dân. Có thời điểm trại lợn phun trực tiếp chất thải lên đồi chưa qua xử lý, vừa gây mùi thối vừa nguy cơ ngấm vào lòng đất. Cách đây 2 năm, trại lợn này đã phải bồi thường vì xả thải làm ảnh hưởng năng suất lúa của các hộ dân xung quanh. Chúng tôi rất lo lắng vì trại lợn nằm ngay đầu nguồn con suối, cao hơn khu vực sinh sống của các hộ dân, nếu không tuân thủ các biện pháp vệ sinh môi trường thì về lâu dài nguy cơ ô nhiễm rất cao, tác động xấu đến môi trường và cuộc sống của người dân. 

Đây cũng là lo lắng chung của nhiều hộ dân gần khu vực xưởng tái chế cao su Dương Bình đang sản xuất tại thôn Sấu Hạ. Trao đổi về vấn đề này, anh Bùi Văn Nam, cán bộ chuyên trách nông nghiệp - môi trường xã Thanh Cao cho biết: Là cán bộ phụ trách mảng nông nghiệp - môi trường, tôi đã nhiều lần nhận được phản ánh, kiến nghị của người dân về tình trạng ô nhiễm mùi, khói của cơ sở tái chế cao su Dương Bình. Qua thực tế kiểm tra, chúng tôi cũng thấy cơ sở này sản xuất mà chưa có hệ thống thu gom nước thải, không có quy trình xử lý nước thải, vẫn xả trực tiếp vào môi trường. 

Tình trạng ô nhiễm do trại lợn và cơ sở tái chế cao su đã nhiều lần được người dân có ý kiến. Theo phản ánh, có khoảng hơn 50 hộ dân thôn Sấu Hạ, xã Thanh Cao và nhiều hộ dân xóm Gạo, xã Thanh Sơn trực tiếp bị ảnh hưởng. Chính quyền xã cũng đã nhiều lần báo cáo cơ quan chức năng có thẩm quyền. Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề chưa được xử lý một cách dứt điểm. Theo anh Bùi Văn Nam, cán bộ nông nghiệp - môi trường xã Thanh Cao: Cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân thôn Sấu Hạ mong muốn ngành chức năng tiếp tục vào cuộc, kiểm tra, quan trắc môi trường tại khu vực sản xuất để có đánh giá cụ thể, chính xác về vấn đề này. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt để chấn chỉnh đối với doanh nghiệp có vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường. 


P.V

Các tin khác


Siết chặt quản lý vật liệu nổ công nghiệp và hóa chất

Với chức năng quản lý nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN), hóa chất, thời gian qua, ngành Công Thương đã phối hợp các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo quản, sử dụng VLNCN và hóa chất trên địa bàn tỉnh.

Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn về thị trường tín chỉ carbon

Theo tính toán, chỉ riêng ngành nông nghiệp Việt Nam, tiềm năng có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm.

Công nghệ mưa nhân tạo có thể dẫn đến ‘cuộc chiến thời tiết’ giữa các quốc gia

Nhà khí tượng học cảnh báo "cuộc chiến thời tiết” giữa các quốc gia có thể nổ ra nếu việc gieo hạt mây vượt tầm kiểm soát, sau khi lũ lụt ở Dubai làm nảy sinh lo ngại về công nghệ gây mưa nhân tạo.

Thời tiết ngày 22/4: Bắc Bộ mưa dông, Tây Bắc Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ nắng nóng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 22/4, chiều tối và đêm ở khu vực Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 15-30 mm, có nơi trên 50 mm; ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa rào và dông cục bộ.

Mưa to, dông lốc kèm mưa đá gây thiệt hại tại các huyện Đà Bắc, Cao Phong 

Theo thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh, chiều và đêm 20/4, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xảy ra mưa, mưa đá, dông lốc, sét cục bộ tại thành phố Hòa Bình và các huyện Đà Bắc, Cao phong, Lương Sơn. Tại một số điểm có mưa to như: Tiến Sơn (Lương Sơn) 34,4 mm, Độc Lập (TP Hòa Bình) 32,2 mm, Tân Pheo (Đà Bắc 21,8 mm), Xuân Phong (Cao Phong) 15,6 mm... Mưa đá, dông lốc đã gây thiệt hại tại các huyện Đà Bắc, Cao Phong.

Sét đánh cháy rừng ở xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi

Trận mưa đá tối 20/4 đã gây cháy rừng tại khu đồi Cằn Kẻo, xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục