(HBĐT) - Vấn đề rác thải và việc xử lý rác thải ở các địa phương trong tỉnh, nhất là tại các đô thị như TP Hoà Bình và trung tâm các huyện đang trở thành vấn đề nóng dư luận và bức xúc trong Nhân dân. Kiến nghị gửi tới Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVII, cử tri các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là cử tri TP Hoà Bình bức xúc phản ảnh nhiều khó khăn trong việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, nhiều điểm tập kết, thu gom, xử lý rác thải không đảm bảo quy định gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sức khoẻ và sinh hoạt của Nhân dân.


Đây không phải lần đầu cử tri và đại biểu HĐND tỉnh nêu vấn đề rác thải trên diễn đàn của HĐND tỉnh. Cũng không phải lần đầu tiên lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ngành phải giải trình trách nhiệm cùng một vấn đề "biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Mặc dù thời gian qua các cấp, ngành đã tập trung nhiều giải pháp cho vấn đề xử lý chất thải, rác thải, trong đó có rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên đến nay, vấn đề rác thải chưa được xử lý một cách triệt để, chính vì vậy cử tri và Nhân dân tiếp tục kiến nghị tỉnh có biện pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường (BVMT), đẩy mạnh kiểm soát ô nhiễm, nhất là từ nguồn rác thải; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về BVMT, có cơ chế, chính sách công khai, minh bạch đủ sức thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực thu gom, xử lý rác thải góp phần BVMT.

Phản ánh tình trạng thu gom, xử lý rác thải tại TP Hoà Bình, đại biểu Nguyễn Thị Dung, tổ đại biểu thành phố cho biết, tình trạng thu gom, xử lý rác tại thành phố đang gặp nhiều khó khăn, các điểm tập kết rác thải tạm bợ vừa quá tải, vừa không đảm bảo vệ sinh, rác thải được doanh nghiệp thu gom "gửi tạm” nhiều địa điểm trong thành phố hàng ngày phát tán ô nhiễm, gây bức xúc trong Nhân dân và vi phạm nghiêm trọng pháp luật, đặc biệt là pháp luật BVMT. Đáng nói, tình trạng này đã kéo dài nhiều năm và không chỉ tồn tại ở TP Hoà Bình như phản ánh của đại biểu HĐND tỉnh mà tồn tại ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Sở dĩ có tình trạng này là do quá trình đô thị hoá nhanh, dân số tập trung cao, đặc biệt tại các khu, cụm công nghiệp nên dẫn đến lượng rác thải hàng ngày phát sinh lớn, gây quá tải cho các cơ sở thu gom, xử lý. Bên cạnh đó, hoạt động thu hút các doanh nghiệp đầu tư công nghệ, nâng công suất thu gom, xử lý rác gặp nhiều khó khăn do cơ chế, chính sách và hiệu quả kinh tế kém, không hấp dẫn các nhà đầu tư. Công tác quy hoạch và tổ chức các địa điểm thu gom, tập kết, xử lý rác lạc hậu so với sự phát triển chung nên bộc lộ nhiều hạn chế, thậm chí xung đột với quy hoạch phát triển dân cư. Bên cạnh đó cũng phải đề cập đến ý thức tự giác, thói quen sinh hoạt của không ít người dân còn hạn chế trong quản lý và xả rác sinh hoạt bừa bãi; một bộ phận người dân lợi dụng những thiếu sót, sơ hở của công tác quản lý Nhà nước về môi trường, tập trung đông người gây khó khăn, cản trở công tác thu gom, xử lý rác, gây áp lực lên chính quyền để đòi hỏi các yêu sách…

Vấn đề đại biểu HĐND phản ánh tại kỳ họp dĩ nhiên đã được các cơ quan của tỉnh trả lời, song theo như nhiều đại biểu đánh giá còn chung chung, chưa rõ trách nhiệm và kết quả giải quyết cụ thể vấn đề đang đặt ra. Sổ tay người giám sát cho rằng nhận xét của các đại biểu là xác đáng, qua đó phản ánh sự tín nhiệm của Nhân dân đối với các cơ quan nhà nước, đồng thời cũng phản ánh năng lực của các cơ quan nhà nước dưới con mắt giám sát của Nhân dân. Theo lẽ phải và sự công bằng, người dân đã đóng thuế, phí và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình theo pháp luật, vì vậy cái người dân cần đó là trách nhiệm của cơ quan nhà nước đáp ứng môi trường sống an toàn, vệ sinh và sự ngăn nắp, quy củ theo quy định của pháp luật; cái người dân muốn đó là những hành động cụ thể, quyết liệt giải quyết vấn đề của chính quyền chứ không phải là những lời hứa, những mỹ từ nằm ở thì tương lai trong các giải trình như "… chúng tôi sẽ tiếp tục, sẽ tăng cường, sẽ đẩy mạnh, sẽ nâng cao…" vì người dân quá quen với những mỹ từ này. Theo quan điểm của người đứng đầu Chính phủ khoá XV phương châm hành động của chính quyền là "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”, trộm nghĩ, những yêu cầu của người dân cũng không có gì là quá đáng phải không quý vị.

N.T.S

Các tin khác


Dồn sức khắc phục thiệt hại sau mưa đá lịch sử tại 2 xã Hang Kia, Pà Cò

Trận mưa đá được xem là lớn nhất từ trước đến nay xảy ra chiều 24/4 tại 2 xã Hang Kia, Pà Cò đã khiến nhiều diện tích ngô, lúa, rau màu, cây ăn quả của bà con bị thiệt hại nặng nề; nhiều nhà cửa hư hỏng. Ngay sau thiên tai, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Mai Châu đã trực tiếp khảo sát tình hình thực tế và chỉ đạo các xã khẩn trương khắc phục thiệt hại để sớm ổn định sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Huyện Mai Châu: Mưa đá lịch sử gây thiệt hại nặng nề tại xã Pà Cò

Theo báo cáo sơ bộ của UBND xã Pà Cò (Mai Châu), khoảng 16 - 17h ngày 24/4, một trận mưa đá đổ bộ trên địa bàn xã. Đây là trận mưa đá lớn chưa từng có làm thiệt hại hàng trăm héc ta hoa màu, cây ăn quả. Nhiều nhà dân bị đá rơi làm hư hỏng, sập mái.

Mưa đá gây thiệt hại ở 2 xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu

Trận mưa đá kéo dài hơn 10 phút vào khoảng 16 h chiều 24/4 đã gây thiệt hại cho sản xuất và hoa màu ở 2 xã Hang Kia và Pà Cò, huyện Mai Châu.

Xã Tân Minh khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai

Những ngày qua, tại một số địa phương như thành phố Hòa Bình, các huyện: Đà Bắc, Cao Phong, Lương Sơn xảy ra mưa lớn, mưa đá, dông lốc và sét cục bộ gây thiệt hại về kinh tế và đời sống sinh hoạt của nhân dân; trong đó, xã Tân Minh, huyện Đà Bắc chịu thiệt hại nặng nề. Ngay sau khi xảy ra thiệt hại, cấp ủy, chính quyền xã Tân Minh đã chỉ đạo tập trung nhân lực, phương tiện, khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai.

Siết chặt quản lý vật liệu nổ công nghiệp và hóa chất

Với chức năng quản lý nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN), hóa chất, thời gian qua, ngành Công Thương đã phối hợp các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo quản, sử dụng VLNCN và hóa chất trên địa bàn tỉnh.

Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn về thị trường tín chỉ carbon

Theo tính toán, chỉ riêng ngành nông nghiệp Việt Nam, tiềm năng có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục