Ngày quốc tế hành động vì các dòng sông 14/3 là ngày dành riêng cho sự đoàn kết - khi các cộng đồng đa dạng trên toàn thế giới cùng chung một tiếng nói để nhấn mạnh vai trò của các dòng sông vô cùng quan trọng. Cộng đồng trên thế giới cần được tiếp cận với nước sạch và đã đến lúc cần phải bảo vệ những dòng sông để đảm bảo "mạch nguồn" xanh hơn bao giờ hết.


Sông Đà. Ảnh tư liệu: Trọng Đạt/TTXVN

Ngày quốc tế hành động vì các dòng sông năm 2022 đã nêu bật tầm quan trọng của các dòng sông đối với đa dạng sinh học bởi các con sông là chìa khóa để khôi phục và duy trì đa dạng sinh học của thế giới. Các hệ thống sông là khu vực có sự đa dạng sinh học cao nhất trên trái đất và cũng là nơi có hoạt động mạnh nhất của con người.

Thách thức về môi trường hệ sinh thái

Năm 2022, các quốc gia trên thế giới sẽ tham gia Công ước về Đa dạng Sinh học (CBD) lần thứ 15 bởi hệ sinh thái nước ngọt đang bị suy thoái nhiều nhất trên thế giới. Để giải quyết vấn đề này các quốc gia cần hành động khẩn trương, quyết liệt, trên tinh thần cùng chung tay nỗ lực xây dựng, thực hiện các chính sách, kế hoạch và sáng kiến ngăn chặn sự suy thoái hệ sinh thái vì tương lai của toàn thể nhân loại.

Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thượng Hiền, Luật Bảo vệ Môi trường đã được Quốc hội thông qua năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đã được Chính phủ ban hành ngày 10/1/2022 có những quy định cụ thể giúp kiểm soát ô nhiễm và bảo tồn đa dạng sinh học tốt hơn.

Mới đây nhất, Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 149/QĐ-TTG ngày 28/1/2022 cũng xác định rõ ưu tiên của Việt Nam về công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong thời gian tới đó là gia tăng diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ; phục hồi và bảo đảm tính toàn vẹn, tính kết nối của hệ sinh thái; đa dạng sinh học được sử dụng bền vững góp phần phát triển nền kinh tế xanh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Điển hình, thời gian qua, tình trạng người dân đổ các loại chất thải xuống các dòng sông, kênh mương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vẫn tái diễn, gây ứ đọng, thậm chí tắc nghẽn dòng chảy, ô nhiễm môi trường nặng nề, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước, việc điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và đe dọa đến sự an toàn của môi trường hệ sinh thái mặt nước lẫn hệ sinh thái mặt đất. Tuyến kênh chính Liễn Sơn đoạn chảy qua địa bàn xã Vân Hội, huyện Tam Dương mỗi mùa sản xuất, gieo cấy thường lưu lượng dòng chảy ở tuyến kênh này lớn song trên bề mặt kênh xuất hiện nhiều rác thải, có cả vỏ các bao bì, chai lọ, túi nilon, hộp nhựa, lọ thủy tinh... khi đến các miệng cống nhỏ, đoạn mương hẹp, chỗ có lưới chắn rác thì mọi thứ dồn ứ lại.

Có thời điểm, vị trí lắp đặt lưới chắn rác ở một số đoạn kênh, mương đã xảy ra tình trạng sạt lở, cho dù việc vớt các loại chất thải trên mặt kênh, mương được các nhân viên ngành chức năng thực hiện hàng ngày. Tình trạng ô nhiễm, kênh, mương còn diễn ra ở nhiều nơi khác do sự phát triển "nóng" các khu công nghiệp mới làm nước sông, hồ từ trong xanh ngả sang đen và bốc mùi hôi nồng.

Trước tình trạng ô nhiễm, tỉnh Vĩnh Phúc đã yêu cầu các địa phương không đổ rác thải, chất thải xuống các kênh, mương, ao hồ… và giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh xây dựng phương án lắp đặt hệ thống lưới chắn rác, có các giải pháp hạn chế để giảm thiểu ô nhiễm. Chính quyền xã, thị trấn... để xảy ra tình trạng vứt rác thải xuống kênh, mương, ao, hồ... sẽ phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện và tỉnh Vĩnh Phúc.

Cần quy hoạch tổng hợp lưu vực sông

Trước các thách thức về quản lý sử dụng và phát triển bền vững Tài nguyên nước, sau khi Quốc hội Việt Nam ban hành Luật Tài nguyên nước (1998), Việt Nam đã bắt đầu tiếp cận quản lý tổng hợp Tài nguyên nước theo lưu vực sông. Theo đó, năm 2022, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao lập Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình và Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Triển khai thực hiện các quy hoạch, Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Tống Ngọc Thanh cho biết, Trung tâm đã thu thập bổ sung tài liệu, dữ liệu liên quan; tổ chức hội thảo về định hướng quản lý, khai thác, sử dụng, phát triển bền vững tài nguyên nước đồng bằng sông Cửu Long; tiếp tục hoàn thiện các kịch bản quy hoạch, đánh giá hiện trạng lưu vực sông gồm: Tài nguyên nước, khai thác, sử dụng nước, bảo vệ tài nguyên nước, kinh tế - xã hội…

Theo đó, Trung tâm sẽ điều tra, khảo sát, đo đạc bổ sung số liệu thủy văn, địa chất thủy văn, địa chất công trình các sông chính đồng bằng sông Cửu Long; xác định các đoạn sông có nguy cơ xói lở, sạt lở nghiêm trọng; xây dựng hệ thống giám sát, cảnh báo mức độ sạt lở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, đề xuất các giải pháp công trình và phi công trình từng khu vực dọc các sông lớn góp phần định hướng quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch lại dân cư ven sông…

Bà Nguyễn Thị Thu Linh, Quyền Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh trong khu vực và quốc tế có nhiều quan ngại các hoạt động phát triển trong lưu vực, đặc biệt là phát triển thủy điện sẽ gây ra rất nhiều tác động bất lợi, đáng kể là làm thay đổi dòng chảy, dao động mực nước trên sông, làm ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt của người dân, về môi trường sinh thái.

Do vậy, năm 2022, Văn phòng sẽ tiếp tục theo sát tình hình khai thác sử dụng tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan tại các quốc gia thượng nguồn sông Mê Công, kịp thời báo cáo các vấn đề nóng trong lưu vực; tiếp tục đẩy mạnh hợp tác song phương, chia sẻ dữ liệu với Campuchia, Lào; tiếp tục đàm phán Hiệp định về quy chế sử dụng nước dọc biên giới Việt Nam - Campuchia… Cùng với đó, phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc hỗ trợ sửa đổi Luật tài nguyên nước, các chính sách, chương trình, dự án bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia, nhằm phục vụ tốt hơn nữa công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước.

Theo TTXVN

Các tin khác


Thời tiết ngày 17/4: Nắng nóng trải dài khắp cả nước, có nơi hơn 39 độ C

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 17/4, hầu khắp các vùng trên cả nước đều có nắng nóng, có nơi đặc biệt gay gắt. Dự báo, mức nhiệt tiếp tục tăng ở phía Đông Bắc Bộ những ngày tới.

Sẵn sàng cung ứng điện ổn định mùa nắng nóng

Mùa nắng nóng nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến nên nguy cơ gây quá tải đường dây, đe dọa sự cố làm gián đoạn cung cấp điện. Để cấp điện ổn định, Công ty Điện lực Hòa Bình (PC Hòa Bình) triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng tiết kiệm điện đến khách hàng.

Động đất có độ lớn 3.9 xảy ra tại Kon Plông, Kon Tum

Theo Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), chiều 15/4, trận động đất có độ lớn 3.9 xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Thời tiết ngày 15/4: Nắng nóng ở Tây Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 15/4, khu vực Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt, với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 35-37 độ C, có nơi trên 38 độ C.

Thời tiết ngày 14/4: Tây Bắc Bắc Bộ, Nam Bộ nắng nóng gay gắt

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 14/4, khu vực Tây Bắc Bắc Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 36 - 39 độ C, có nơi trên 39 độ C.

Thiết thực Chương trình phát triển tài sản trí tuệ

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2021 - 2030 đạt nhiều kết quả nổi bật, hướng tới hoàn thiện mục tiêu chung của chương trình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục