Việc cắt giảm khí thải sẽ giúp hạn chế phần nào tác động của biến đổi khí hậu

Việc cắt giảm khí thải sẽ giúp hạn chế phần nào tác động của biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu đang trở thành mối lo ngại lớn, được thường xuyên đề cập đến trong các diễn đàn kinh tế - xã hội thế giới. Đã có những cảnh báo rằng Việt Nam sẽ là một trong những nước có nguy cơ gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh nước ta đang mạnh mẽ đầu tư phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ thì việc hạn chế lượng khí thải, bảo vệ môi trường sống “xanh và sạch” nhằm chủ động đối phó với hiện tượng biến đổi khí hậu lại không dễ trở thành một phong trào tự nguyện.

Nhân sự kiện Giờ Trái đất (cả thế giới tự nguyện tắt điện trong một giờ đồng hồ để tiết kiệm năng lượng, giảm lượng khí thải) sắp diễn ra, các doanh nghiệp Việt Nam cùng đại diện các ban ngành đã có buổi “tiệc trưa xanh” để cùng nhìn nhận và kêu gọi mọi người hành động, góp phần ngăn chặn biến đổi khí hậu.

Phải xem môi trường là bạn

Những năm gần đây, các nhà khoa học trên toàn thế giới đã liên tiếp đưa ra nhiều nghiên cứu cho thấy lượng khí thải công nghiệp đã đến mức báo động, khiến Trái đất ấm dần và kéo theo một loạt các hệ lụy về biến đổi khí hậu. Khi nhiệt độ nóng lên, mực nước biển được dự đoán sẽ cao thêm một mét vào năm 2100, nhấn chìm nhiều vùng đồng bằng châu thổ và các vùng trũng khác, làm hàng triệu người phải di chuyển nơi cư trú cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế của nhiều quốc gia.

Bên cạnh đó, mưa lớn thất thường dễ gây lụt lội trầm trọng, các trận bão hoành hành dữ dội hơn và hạn hán cũng khắc nghiệt hơn. Cũng theo các nghiên cứu này, Việt Nam sẽ là một trong mười quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng biến đổi khí hậu và đồng bằng sông Cửu Long có thể sẽ bị mất đi diện tích rất đáng kể.

Bà Julianne Backer - đại diện của WWF (Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên) tại Việt Nam cho biết: “Mực nước dâng lên có thể ảnh hưởng đến 1/4 dân số Việt Nam, đồng thời số ngày có nhiệt độ cao hơn 300C tại vùng đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2030 sẽ gần như liên tục suốt năm. Môi trường bị xâm hại khiến thảm động thực vật đa dạng nơi đây không kịp thích nghi nên một vài loài có nguy cơ bị tuyệt chủng”.

Hậu quả được báo trước này đòi hỏi cả Nhà nước và nhân dân, trong đó lực lượng doanh nghiệp là một trong những thành phần nòng cốt, chung sức chủ động đối phó với hậu quả khôn lường của tình trạng biến đổi khí hậu.

Ông Nguyễn Văn Phước - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã nhắn nhủ với hơn 200 doanh nghiệp đến dự “Tiệc trưa xanh”, được tổ chức vào ngày 2-3 tại Khách sạn Windsor Plaza rằng: “Chúng ta hãy xem môi trường là bạn. Bên cạnh các hành động thiết thực như giảm lượng khí thải, tiết kiệm năng lượng thì các doanh nghiệp nên vận động mọi người sống xanh như đi xe đạp, chuyển sang dùng các năng lượng xanh và sạch để tránh ô nhiễm”.

Nền kinh tế Việt Nam đang tạo được ấn tượng đẹp trên trường quốc tế nhờ sự phát triển và hội nhập nhanh chóng, nếu ngay bây giờ chúng ta nêu cao tinh thần bảo vệ hành tinh xanh thì ắt sẽ càng nhận thêm nhiều thiện cảm trong lòng bạn bè thế giới. Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM Lê Minh Trí cũng khẳng định: “Tăng trưởng kinh tế luôn phải đi cùng với việc bảo vệ môi trường thì mới phát triển được bền vững. Điều này đòi hỏi sự tham gia và tinh thần trách nhiệm rất lớn từ phía các doanh nghiệp”.

Tuy nhiên, trong hai năm gần đây, không ít doanh nghiệp Việt Nam đã bị vướng vào những hành vi tiêu cực về môi trường, vừa gây ra những hậu quả khá nặng nề cho cộng đồng, vừa tự làm mất uy tín và giá trị thương hiệu cả ở thị trường trong lẫn ngoài nước.

Thẳng thắn nhìn nhận về thực trạng này, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TP.HCM, anh Cao Tiến Vị chia sẻ: “Đã đến lúc phải thay đổi tư duy của doanh nghiệp, không thể chấp nhận suy nghĩ đơn giản là cứ trả tiền là có quyền sử dụng thoải mái các nguồn năng lượng, bởi sự phung phí tài nguyên nào rồi cũng sẽ trả giá bằng gánh nặng mà thế hệ sau phải chịu”.

Anh cũng cho rằng các doanh nghiệp không nhất thiết phải làm những điều gì quá to tát, mà chỉ cần phát động phong trào “sống xanh” trong chính doanh nghiệp, kêu gọi mọi người cùng nhau thực hành tiết kiệm, tránh sử dụng lãng phí các nguồn điện, nước… thì sự hợp lực của hơn 400 ngàn doanh nghiệp trên cả nước có thể giúp môi trường xanh và sạch hơn nhiều. Một trong những hành động thiết thực nữa mà các doanh nghiệp đến dự “Tiệc trưa xanh” đều đồng lòng thực hiện là sẽ tham gia sự kiên Giờ Trái đất 2010 vào ngày 27-3 sắp tới.

Doanh nghiệp chung tay vì Giờ Trái đất 2010

Triển lãm ảnh về Giờ Trái đất 2009 tại Việt Nam trong khuôn khổ “Tiệc trưa xanh” nhằm giúp mọi người hiểu rõ hơn về ý nghĩa của chiến dịch này

Đây là năm thứ hai Việt Nam cùng cộng đồng thế giới tham gia vào Giờ Trái đất do WWF tổ chức. Cứ mỗi ngày thứ Bảy cuối của tháng 3 hằng năm, WWF kêu gọi tất cả các hộ gia đình và doanh nghiệp trên toàn thế giới tắt các thiết bị điện không cần thiết trong một giờ để cho “Trái đất nghỉ ngơi” sau cả năm trời hứng chịu khí thải từ các nguồn năng lượng phung phí.

Được khởi xướng tại Sydney (Úc) vào năm 2007 như một hành động nhằm kêu gọi ý thức của mọi người trước hiện tượng biến đổi khí hậu, đến năm ngoái đã có hơn một tỉ người dân của 4.013 thành phố thuộc 88 quốc gia tiếp bước Sydney tắt điện suốt một giờ trong ngày 28/3/2009. Sáu thành phố của Việt Nam là thủ đô Hà Nội, TP.HCM, Huế, Hội An, Nha Trang và Cần Thơ đều ghi tên mình vào con số 4.013 thành phố tham gia tiết kiệm điện theo Giờ Trái đất.

Dù vậy, vẫn còn nhiều người dân hiểu lầm về ý nghĩa của hoạt động này và cho rằng đó là khoảng thời gian… “bị nhà đèn cúp điện” nên cứ bảo nhau tranh thủ hoàn tất các công việc cần sử dụng điện trước thời gian đó, mà không biết rằng đây hoàn toàn là một lời kêu gọi tự nguyện. Do vậy nên dù Giờ Trái đất 2009 ở Việt Nam đã tiết kiệm được tổng cộng 140 ngàn kWh điện, tương đương 132 triệu đồng, nhưng qua ngày ấy thì mọi chuyện lại đâu vào đó, mọi người nhanh chóng quên mất một giờ “sống xanh” của mình.

Quả thật, Giờ Trái đất chỉ chiếm một giờ đồng hồ trong 8.760 giờ của cả năm, thật chẳng thấm tháp là bao, nhưng điều quan trọng nhất là qua đó tạo cho mọi người ý thức tiết kiệm năng lượng để góp phần giảm bớt những hệ lụy về sau của sự biến đổi khí hậu.

Vì ý nghĩa đó, Giờ Trái đất năm nay tiếp tục được các cơ quan chính phủ, giới truyền thông và cộng đồng doanh nghiệp bày tỏ cam kết mạnh mẽ sẽ tham gia hết mình. Tiếp sau Bộ Tài Nguyên và Môi trường, đến lượt Bộ Công thương vừa ký công văn ủng hộ và chỉ đạo các cơ quan, doanh nghiệp trực thuộc trên toàn quốc tham gia vào chiến dịch này.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã gửi yêu cầu các Sở Công Thương trực thuộc Trung ương tiến hành các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cho toàn xã hội vào tháng 3/2010, vận động các tổ chức, cơ quan và người dân tham gia vào chiến dịch tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết vào thời gian diễn ra sự kiện Giờ Trái đất, cụ thể là từ 20g30 đến 21g30 ngày 27-3.

Đại diện của VinaGame cho biết sẽ hỗ trợ việc thông tin rộng rãi chiến dịch này đến cộng đồng qua cổng thông tin Zing! nhằm kêu gọi ý thức của người dân cũng như tuyên truyền ý nghĩa đích thực của Giờ Trái đất. Công ty Honda Việt Nam cũng đã cam kết hưởng ứng tắt điện trong thời gian diễn ra hoạt động này, đồng thời bắt tay vào việc giảm lượng điện tiêu thụ trong quá trình sản xuất xuống tối đa cũng như sản xuất các loại xe sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường, không khí thải ô nhiễm…

Hơn 200 doanh nghiệp đến với “Tiệc trưa xanh” đều đã có cái nhìn thấu đáo hơn cho những hoạt động sau này nhằm góp một phần sức mình vào việc xây dựng môi trường sống xanh - sạch, giảm thiểu nguy cơ của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Giáo sư Hà Tôn Vinh, người đã sống ở nước ngoài hơn 50 năm và giảng dạy về trách nhiệm doanh nghiệp tại các trường đại học, đúc kết: “Doanh nghiệp ngày nay không chỉ làm kinh tế, thu lợi nhuận và đóng thuế, mà còn phải thể hiện vai trò và đạo đức doanh nghiệp của mình trong các vấn đề chung của xã hội. Và biến đổi khí hậu đang là mối quan ngại mà các doanh nghiệp cần chung tay tháo gỡ cùng chính phủ các nước”.

                                                                              Theo Báo Tuoitre

Các tin khác


Hà Nội, Hòa Bình xuất hiện mưa đá

Nhiều quận huyện ở Hà Nội và Hòa Bình xuất hiện mưa giông lớn kèm mưa đá, hạt đá to bằng đầu ngón tay, nhanh chóng tan khi tiếp đất.

Thời tiết ngày 20/4: Nắng nóng nhiều nơi trên cả nước, mưa dông vào chiều tối

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 20/4, Tây Bắc Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt, với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-38 độ C, có nơi trên 39 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến từ 35-40%.

Xuất hiện mưa đá tại các huyện miền núi cao của Quảng Nam

Chiều 18/4, dông lốc kèm theo mưa đá xuất hiện tại xã Trà Mai - Trung tâm hành chính huyện Nam Trà My. Trận mưa bắt đầu từ khoảng 14 giờ 30 phút.

Thời tiết ngày 19/4: Nắng nóng nhiều nơi trên cả nước

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 19/4, nhiều vùng trên cả nước đều có nắng nóng, riêng miền Trung có nơi đặc biệt gay gắt; chiều tối khả năng có mưa rào và giông vài nơi.

Khẩn trương tìm kiếm hai người mất tích do lật thuyền ở Sìn Hồ, Lai Châu

Ngày 18/4, ông Vũ Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ (Lai Châu) cho biết, chiều tối 17/4, trên địa bàn huyện có mưa lớn kèm gió lốc đã khiến hai người bị mất tích do lật thuyền tại vùng ngập thủy điện Sơn La, thuộc địa phận xã Nậm Mạ. Mưa lốc cũng gây nhiều thiệt hại về nhà ở, tài sản của nhà nước và nhân dân.

Dông, lốc kèm mưa đá gây thiệt hại nhiều nhà dân ở Thanh Hóa

Chiều tối 17/4, ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát (Thanh Hóa) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra trận dông, lốc kèm mưa đá, gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục