Người dân xóm Trại Ổi, xã Kim Truy bức xúc trao đổi với phóng viên về trại lợn gây ô nhiễm môi trường.

Người dân xóm Trại Ổi, xã Kim Truy bức xúc trao đổi với phóng viên về trại lợn gây ô nhiễm môi trường.

(HBĐT) - Trang trại chăn nuôi lợn với quy mô 6.000 con/đợt do bà Nguyễn Thị Nguyệt Minh làm chủ đầu tư tại xóm Trại Ổi, xã Kim Truy (Kim Bôi) đi vào hoạt động từ đầu năm 2014. Mục tiêu tạo thu nhập cho chủ đầu tư, cán bộ, nhân viên tại trại, đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho người dân. Đồng thời, tạo thêm thu nhập cho một số lao động trên địa bàn, góp phần vào nguồn thu ngân sách, phát triển ngành sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Tuy nhiên, quá trình hoạt động đã gây ra những ảnh hưởng đến môi trường, gây bức xúc cho người dân xung quanh.

 

Trung tuần tháng 8, chúng tôi về xóm Trại Ổi. Trang trại nuôi 6.000 con lợn có tổng diện tích 39.777,7 m2 nằm phía trên khu đồng Khét, dưới chân núi Đang-Khơng, tiếp giáp giữa xóm Trại Ổi, xã Kim Truy và xóm Lựng, xã Cuối Hạ. Khu vực này có con suối Lựng chảy qua. Theo UBND xã Kim Truy, trước đây, khu đất trên được duyệt để triển khai dự án trồng cây ăn quả và nuôi thủy sản. Chủ đầu tư này không thực hiện được và đã được chuyển cho bà Minh thuê làm trang trại lợn với thời hạn 50 năm. Sau cơn mưa to đêm hôm trước, không khí quanh khu vực có vẻ dịu đi nhưng những bức xúc của người dân vẫn thì vẫn lên cao. Biết có phóng viên đến tìm hiểu tình hình ô nhiễm môi trường, gần chục người dân xóm Trại Ổi, xã Kim Truy và xóm Lựng, xã Cuối Hạ đã tự kéo đến. Nhà nằm cách tường trại lợn chỉ khoảng 100m, anh Bùi Văn Lân, xóm Trại Ổi bày tỏ: “Gia đình tôi và các hộ xung quanh thường xuyên phải ngửi mùi hôi thối, nhất là trước những lúc mưa và vào ban đêm từ 21 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Hôm gió lùa, đóng kín cửa mà vẫn nhức hết mũi. Hôm trước, cá ở ao sát tường trại lợn nổi chết trắng mà cũng không ai dám vớt.” Bà Bùi Thị Na, 60 tuổi cũng bức xúc góp lời: “Cháu tôi năm nay mới hơn 3 tuổi đã biết kêu mùi thối. Những khi nặng mùi quá, chúng tôi phải đóng cửa, đeo cả khẩu trang".

 

Đem những ý kiến của nhân dân đến gặp Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Trại Ổi đều xác nhận, tình trạng trại lợn gây ô nhiễm môi trường là có thật. Bí thư chi bộ Bùi Quang Vinh cũng là người có nhà gần trại lợn cho biết: “Xóm có 73 hộ, hầu hết đều bị ảnh hưởng tùy mức độ, nặng nhất là thời điểm mùa khô. Trong đó có 15 hộ thường xuyên phải ngửi mùi thối. Nhân dân đã nhiều lần có ý kiến với chính quyền xóm. Xóm cũng đã báo cáo sự việc lên xã. Hồi đầu năm đã xảy ra tình trạng người dân vào trại rạch thủng bể bioga, làm phân lợn tràn ra đen kịt khu ruộng Đồng Khét rộng 12 ha, không thể cấy vụ chiêm xuân. Bà Minh đã phải hỗ trợ nhân dân tiền bơm nước từ sông vào mới cấy được. Vừa rồi lại xảy ra vụ việc cửa kính, téc chứa nước trong trại lợn bị ném đá vỡ.” 

 

Nằm trên phần đất xóm Trại Ổi, xã Kim Truy nhưng có lẽ mức độ ảnh hưởng ở xóm Lựng, xã Cuối Hạ lại nặng hơn. Bởi, nước thải từ trại lợn đổ ra dòng suối Lựng nơi có nhiều hộ dân sống ven bờ. Ông Quách Công Thanh, nhà ngay sát ven suối đã đại diện cho các hộ xung quanh viết đơn kiến nghị gửi lên chính quyền xóm, xã. Trong đơn viết: “Từ trước đến nay, gia đình tôi và các hộ xung quanh sống yên tâm, ổn định, cảnh quan môi trường trong sạch. Nhưng từ khi trại lợn đi vào hoạt động luôn xảy ra mùi hôi thối khó chịu. Đặc biệt, thời gian gần đây, trại đã xả nước thải qua đường ống ra lạch Mòi, suối Lựng gây mùi thối và ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt hàng ngày…” Bà Bùi Thị Nhự, vợ ông Thanh bộc bạch: “ Trước đây, dòng suối Lựng trong xanh, người dân tha hồ tắm, đánh bắt cá. Giờ thì dòng suối gần như đã chết, nhất là thời điểm trời không mưa, mùa khô, nước y như nhớt xe đạp sủi bọt. Không có con gì sống được, kể cả ốc bươu vàng. Ai đi ngang qua suối hay khách đến nhà chơi cũng phải thốt lên.” Chị hàng xóm Bùi Thị Minh Hằng nói: “Lo lắng nhất là nguồn nước sinh hoạt hàng ngày thấy có dấu hiệu khác trước. Mong cơ quan chức năng về kiểm định chất lượng nước để người dân yên tâm.”

 

Nhà Trưởng thôn Bùi Văn Đích cách gia đình chị Hằng đến 1 km cũng xác nhận ngửi mùi thối. Ông Đích khẳng định: “Xóm Lựng có 130 hộ, khoảng 30 hộ bị trực tiếp ảnh hưởng. Mùa mưa còn có nước từ đầu nguồn chảy xuống hòa tan bớt nước bẩn ở suối, chứ mùa khô thì kinh khủng. Xóm đã gửi đơn kiến nghị lên xã.” Chủ tịch UBND xã Cuối Hạ Bùi Thanh Chương cho biết: “Cuối tháng 6, sau khi nhận được đơn kiến nghị của xóm Lựng, xã đã xuống hiện trường kiểm tra và thấy đúng như phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trườngi và ảnh hưởng nguồn nước. Xã đã mời bà Minh lên trụ sở làm việc và yêu cầu phải giải quyết sớm tình trạng trên. Bà Minh cũng đã hứa sẽ khắc phục.”

 

Trước khi thực hiện dự án nuôi lợn, chủ đầu tư đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đồng thời, cam kết khi đi vào hoạt động sẽ thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường dưới sự giám sát của người dân xung quanh khu vực và các cơ quan chức năng liên quan. Đến nay, khi môi trường không đảm bảo, người dân mong muốn chủ dự án sớm thực hiện lời hứa của mình. Các cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ và có biện pháp xử lý thích hợp.

 

 

 

                                                             Cẩm Lệ

 

 

 

 

 

Các tin khác


Sức mạnh đáng gờm của công nghệ thế hệ mới đằng sau ChatGPT

Gần 4 tháng kể từ khi OpenAI gây chấn động ngành công nghệ kỹ thuật với ứng dụng ChatGPT, công ty này chuẩn bị ra mắt phiên bản công nghệ thế hệ tiếp theo hỗ trợ công cụ chatbot.

Hội thảo một số ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp

(HBĐT) - Vừa qua, UBND huyện Tân Lạc phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn Nông nghiệp trí tuệ tổ chức hội thảo một số ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng nông sản và phát triển du lịch trên địa bàn huyện Tân Lạc.

Đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền

(HBĐT) - UBND tỉnh vừa ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND về việc triển khai hoá đơn điện tử (HĐĐT) có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền trên địa bàn tỉnh Hoà Bình. 

Tăng cường quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão năm 2023

(HBĐT) - UBND tỉnh vừa ban hành Chỉ thị số 06-CT/UBND về việc tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão năm 2023.

Sản xuất và phân phối tin tức đa nền tảng

Sáng 16/3, tại thành phố Hải Phòng, Đài Truyền hình Việt Nam đã tổ chức Hội thảo "Sản xuất và phân phối tin tức đa nền tảng" - nội dung luôn thu hút sự quan tâm của đông đảo những người hoạt động trong lĩnh vực thông tin, truyền thông cả nước.

Bàn giao dữ liệu mã địa chỉ số trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

(HBĐT) - Ngày 15/3, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Bưu điện tỉnh tổ chức lễ bàn giao dữ liệu mã địa chỉ số trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục