(HBĐT) - Việc tụ cư lập làng Mường theo hình thái trên đây (được nêu ở bài 1) thể hiện rất rõ tính quy hoạch có thể là tự phát song đã thành nếp, truyền thống, một bộ phận cấu thành của văn hoá Mường. Nhìn nhận trong lịch sử có thể thấy rất rõ ý đồ của người Mường xưa, trong điều kiện ban đầu khai mở đất đai, khi đó, dân cư thưa thớt, đất đai bỏ hoang còn nhiều, tại sao người Mường không làm nhà, lập làng ở các vùng đất bằng phẳng mà lại chọn các địa thế mái thoải hay các chân đồi, chân núi?



Bản mường Giang Mỗ, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong nơi còn lưu giữ những nếp nhà Mường cổ. Ảnh H.D

Tính quy hoạch rất khoa học có tầm nhìn xa:

Người Mường có câu: "Mol deé tha ngằi mộch nhêw / Dông na khwôn bủn, khwôn bẻnh”.

Dịch sang tiếng phổ thông: "Người sinh ra ngày thêm nhiều / Đồng ruộng như khuôn làm bún, làm bánh”.

Dường như câu nói trên đã thành phương châm trong lối sống của người Mường xưa kia trong việc khai mở đất lập quê, lập mường.

Việc tụ cư lập làng Mường theo hình thái trên đây (được nêu ở bài 1) thể hiện rất rõ tính quy hoạch có thể là tự phát song đã thành nếp, truyền thống, một bộ phận cấu thành của văn hoá Mường. Nhìn nhận trong lịch sử có thể thấy rất rõ ý đồ của người Mường xưa, trong điều kiện ban đầu khai mở đất đai, khi đó, dân cư thưa thớt, đất đai bỏ hoang còn nhiều, tại sao người Mường không làm nhà, lập làng ở các vùng đất bằng phẳng mà lại chọn các địa thế mái thoải hay các chân đồi, chân núi?

Có thể thấy rất rõ ở làng Mường Mặc hay làng Mường Nại nay thuộc xã Tân Mỹ, huyên Lạc Sơn. Phía trước làng là bãi bằng rộng, khi xưa dân cư thưa thớt, song dân Mường nơi đây vẫn lập làng Mường trên các mái đồi khá dốc, không thuận lợi cho việc sinh hoạt. Hiện trạng đó cũng rất phổ biến ở các vùng khác như ở các huyện Kim Bôi, Tân Lạc, Lương Sơn, Cao Phong... Tại vùng thung lũng Mường Vang ở Lạc Sơn, gần 100 KDC sống viền quanh dưới các chân đồi, mái đồi quanh một thung lũng có chiều rộng gần 2 km, chiều dài gần 7 km theo đường chim bay được khai khẩn thành cánh đồng rộng và màu mỡ bậc nhất ở tỉnh.

Có thể thấy rất rõ ý đồ nhằm tiết kiệm tối đa các vùng đất bằng phẳng vào mục đích canh tác nông nghiệp trồng lúa nước hoặc trồng cây màu. Đây là tư duy thường trực của cư dân nông nghiệp định hình qua nhiều đời dần thành nếp sống tự nhiên khi trước không bao giờ người ta làm ngược lại điều đó.

Ngày nay, lối sống của người Mường tuy vẫn bảo tồn được cơ bản nếp xưa, song các yếu tố phong thủy đã mang màu sắc du nhập từ bên ngoài, người ta quan tâm đến phong thuỷ không phải để nhằm sống hài hòa với thiên nhiên mà nhằm mục đích sao cho nhanh giàu có, làm ăn phát đạt.

Việc làm nhà, lập làng Mường mới không còn theo nếp xưa dựa vào hình thế đất nơi sống để đặt nhà, giờ đây, mặt đường, nhất là đường là hướng chính, là hướng chuẩn, bất luận con đường đó ở về phía nào, mặt tiền của ngôi nhà trước tiên phải hướng ra đường cái, cả KDC làm nhà túm tụm tràn theo hai bên đường. Dân số ngày càng đông lên gây sức ép lên tài nguyên đất, khu định cư mới giờ được phân lô, cắt khuôn đất vuông vức không còn phù hợp với việc dựng nhà sàn…

Vấn đề tên gọi, lịch sử và vùng địa lý tên gọi:

Về mặt tên gọi danh xưng các KDC người Mường ở tỉnh ngày nay gọi là lang mương - làng Mường, nhiều nơi vẫn gọi theo cách cổ truyền là kwêl mương - quê mường, trong vùng người Mường ở Thanh Hóa gọi là lủng lang - lũng làng. Theo từng thời kỳ, từng vùng mường cụ thể và trong tiến trình lịch sử có thay đổi, nhất từ sau cách mạng tháng 8 - 1945 đến nay. Trước đó, trong quá khứ xa xôi, tên gọi các cụm dân cư của người Mường có lịch sử lâu dài, trong các thời kỳ từ cổ xưa đến ngày nay được người Mường gọi đó là các danh từ: "Kwêl, bủng, lủng, lang” Dịch sang tiếng phổ thông là: "Quê, búng, lũng, làng”.

Cách xưng gọi KDC của người Mường mỗi vùng ngày nay có những cách gọi khác nhau, song ngược dòng lịch sử có thể thấy rất rõ, nhất là trong các lời khấn cổ, lời khấn trong mo tang lễ, khi khấn mời các vị thần về khi về đến gần làng mời thầy mo mời các vị: "Baw kwêl, baw bủng, baw bủng, baw lang” Dịch sang tiếng phổ thông: "Vào quê, vào búng, vào lũng, vào làng”.

Sau Cách mạng tháng 8/1945, chế độ mới được thiết lập nhằm thống nhất việc phân cấp quản lý cũng như thống nhất việc quản lý Nhà nước trong toàn quốc. Các đơn vị dân cư nhỏ dưới cơ sở ở Hòa Bình dù là dân tộc nào cũng đều được gọi chung là: thôn, xóm. Các danh xưng cổ truyền dần bị phai nhạt và được xưng gọi trong dân gian, không được ghi vào các văn bản chính thức của Nhà nước.

Thành phần cư dân trong các khu dân cư Mường trong xã hội cổ truyền:

Làng Mường cổ truyền của người Mường là một tập hợp nhiều các nhà sàn là các hộ gia đình với nhiều thế hệ cùng sinh sống, trong đó được phân thành các thành phần hộ gia đình:

1 - Nha roóc - nhà nóc: Đó là chỉ một ngôi nhà sàn dùng cho người ở có một hay nhiều thế hệ cùng chung sống, gia đình thuộc tầng lớp bậc trung trở lên khá giả bao gồm kể cả nhà quý tộc hay nhà dân.

Các nhà roóc - nhà nóc trong xã hội cổ truyền Mường được hiểu là các hộ có sở hữu một số tư liệu sản xuất nhất định, dù ít hay nhiều như: Đất ruộng, có trâu, bò, đồi, rừng...

Roóc - nóc chính là phần nhọn được tạo lên bởi hai phần mái cái của nhà sàn từ dưới chân mái kéo lên gặp cắt nhau bên trên đòn nóc và cũng là đỉnh cao nhất trên nhà sàn. Đây là danh từ có nội hàm mở không chỉ dùng chỉ nóc nhà rộng hơn nữa chính là chỉ ngôi nhà và hộ gia đình sinh sống trong đó.

2 - Nha roóc tloi - nhà nóc trọi: Chỉ các hộ gia đình nghèo trơ trọi không có tư liệu sản xuất, không có ruộng cấy lúa, không có trâu, bò là các nhà con côi, góa vợ, góa chồng, quanh năm, thậm chí là phải đi ở hay làm thuê để kiếm sống. Nhiều gia đình cho con đi ở đợ hay nhờ các nhà giàu có nuôi những em bé từ khi mới 5 - 6 năm tuổi. Nhiều người lớn lên được nhà giàu lấy vợ, làm nhà cho.

3 - Nha tưở roong - roọng trong tiếng Mường chỉ nương, rấy trồng cây màu làm lương thực. Dịch sang tiếng phổ thông tưở roong có nghĩa là: Người làm nương - đứa nương hay người làm nương. Các hộ gia đình Tưở Roong - người làm nương, sống nhiều ở các làng Chèo, làng Rộc trên các vùng núi cao hay thung rộc vùng sâu, vùng xa.

Những hộ gia đình này thường nghèo hơn các hộ gia đình có ruộng cấy lúa. Họ đi làm nương, đi vào rừng thu lượm sản vật rừng lần hồi kiếm từng bữa, nhiều gia đình rất nghèo phải bỏ làng Mường đi làm thuê, làm mướn kiếm sống.

Ba thành phần hộ gia đình trên là cơ sở quan trọng tạo nên các KDC của người Mường, các hộ nhà nóc, nóc trọi chủ yếu sinh sống trong các làng Chiềng, làng Trại, vốn là các vùng thung lũng có sông lớn chảy qua tạo nên đồng bằng màu mỡ.

Các hộ gia đình Tưở Roong - người làm nương, sống nhiều ở các làng Chèo, làng Rộc trên các vùng núi cao hay thung rộc vùng sâu, vùng xa.

Trong ba thành phần hộ người Mường được chia làm hai giai tầng chính, đó là tầng lớp lang - đạo và tầng lớp dân thường.

 

Ngày nay, việc phân chia thành phần không còn phù hợp, phương thức sản xuất ngày càng phát triển, cơ cấu dân số, thành phần cư dân đang thay đổi rất mạnh mẽ. Các KDC trên núi, đồi có thế mạnh đất đai rộng, khí hâu ôn hòa, họ chuyển sang đầu tư trồng cây công nghiệp, chăn nuôi đại gia súc, nhiều làng Mường, nhiều hộ rất giàu có.

Ngày nay, nhìn lại việc lập KDC của tổ tiên xưa ta thấy vẫn còn nguyên giá trị trong đời sống. Đó là tri thức dân gian thể hiện sự quy hoạch tài nguyên đất đai với tầm nhìn xa, trông rộng không để gánh nặng, phần lỗi lại cho con cháu, các thế hệ sau.

 

 


                                                    Bùi Huy Vọng
                               (Xóm Bưng, xã Hương Nhượng, Lạc Sơn)

Các tin khác


Thủy điện Hòa Bình - niềm tự hào công trình thế kỷ

(HBĐT) - Xuyên suốt quá trình 135 năm thành lập tỉnh và 30 năm tái lập tỉnh, công trình thủy điện Hòa Bình như một dấu ấn đáng tự hào, ghi dấu mốc son chói lọi trong bản trường ca chinh phục sông Đà, góp sức xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.

Những nét khái quát về sự hình thành tỉnh Hòa Bình

(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh thuộc tiểu vùng Tây Bắc của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, có vị trí quan trọng, chiến lược về kinh tế, chính trị, AN-QP... Tỉnh là nơi có nền Văn hoá Hòa Bình nổi tiếng - cái nôi văn hoá của người Việt cổ.

Tự hào cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910)

(HBĐT) - Hòa Bình là một tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, với truyền thống yêu nước, ngay từ khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ tại đây, Nhân dân Hòa Bình đã tổ chức nhiều cuộc nổi dậy chống thực dân và chế độ lang đạo hà khắc. Trong dòng chảy lịch sử hào hùng 135 năm thành lập tỉnh, cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910) là một mốc son chói lọi về lòng yêu nước của Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.

Đảng bộ tỉnh - những mốc son lịch sử

(HBĐT) - Với truyền thống vẻ vang trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh bằng những hành động, việc làm cụ thể, nắm bắt các cơ hội phát triển, trách nhiệm, nỗ lực thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Hòa Bình giai đoạn từ năm 2015 đến nay - những dấu ấn tự hào

(HBĐT) - Từ năm 2015 đến nay, với sự đoàn kết thống nhất, cùng nỗ lực vượt bậc của toàn tỉnh, Hòa Bình tiếp tục thu được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực KT-XH, QP-AN, xây dựng hệ thống chính trị. Kinh tế tăng trưởng khá và bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; các ngành, lĩnh vực sản xuất đều phát triển. Hoạt động xúc tiến đầu tư trong giai đoạn này được đẩy mạnh, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện; kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, quan tâm với nhiều công trình quan trọng. Hoạt động đối ngoại được mở rộng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục