(HBĐT) - Đà Bắc là huyện vùng cao, địa hình chia cắt, độ dốc lớn, luôn đối mặt với mưa lũ, trượt sạt. Nhiều năm nay, huyện quan tâm huy động các nguồn vốn phát triển hạ tầng giao thông và đạt được những kết quả tích cực. Song vẫn còn nhiều khó khăn cần sự trợ giúp của các cấp, các ngành để phá vỡ thế độc đạo về giao thông.




Đơn vị quản lý khắc phục hậu quả mưa lũ trên tuyến đường 433 (đoạn Tân Minh - Tân Pheo) bảo đảm an toàn giao thông.

Đà Bắc là huyện duy nhất trong tỉnh không có quốc lộ, chỉ có tuyến đường tỉnh 433 từ TP Hoà Bình đi các xã vùng cao đến điểm cuối cùng là xã Nánh Nghê dài khoảng 90 km. Toàn huyện có hơn 1.316 km đường bộ, gồm: 163,5 km đường huyện; 128,7 km đường xã; 453,6 km đường trục thôn, xóm; 303,2 km đường ngõ; 231 km đường sản xuất, nội đồng; 34 cầu với 625,5 m và 32 ngầm/799 m. Ngoài ra có 70 km đường thuỷ nội địa qua địa bàn 11 xã, từ xã Toàn Sơn đến xã Nánh Nghê.
Huyện đã ban hành Nghị quyết số 01 về phát triển giao thông nông thôn (GTNT) giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030 để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo huy động các nguồn lực phát triển giao thông. Từ các nguồn vốn lồng ghép và huy động trong dân, đến nay đã cứng hoá bê tông xi măng được 382 km, tỷ lệ cứng hoá các tuyến đường huyện quản lý đạt 100%; đường xã đạt 99%; đường thôn, xóm đạt 84%, ngõ xóm đạt 79% và đường nội đồng cứng hoá đạt 50%. Tuy nhiên, với đặc thù huyện vùng cao, chia cắt, độ dốc lớn, thường xuyên bị thiên tai, mưa lũ, việc phát triển giao thông của huyện gặp rất nhiều khó khăn. Các đợt mưa lũ những năm gần đây, nhiều tuyến đường trên địa bàn bị hư hại nặng nề, nhiều ngầm tràn bị đánh vỡ, vùi lấp, cơ bản phá huỷ hạ tầng giao thông của huyện. Chất lượng đường ngoài tuyến 433 được đầu tư nâng cấp nhưng mới đạt cấp B-GTNT. Hệ thống GTNT có mặt đường nhỏ hẹp, độ dốc lớn, bị mưa lũ đã xuống cấp nghiêm trọng, không đủ năng lực lưu thông, vận chuyển hàng hoá rất hạn chế. Đồng chí Bùi Văn Luyến, Bí thư Huyện uỷ cho biết: Nguồn lực đầu tư hạn chế, địa hình khó khăn, thường xuyên mưa lũ, hạ tầng giao thông yếu kém là cản trở để huyện phát triển, cải thiện dân sinh. Những ngày giá xăng cao đỉnh điểm lên khoảng 30.000 đồng/lít thì ở các xã vùng cao như Nánh Nghê, Mường Tuổng… giá lên tới 40.000 đồng/lít. Giao lưu hàng hoá, cuộc sống người dân càng khó khăn.

Hiện nay, huyện tiếp tục triển khai Đề án cứng hoá đường GTNT, phấn đấu năm 2022 cứng hoá được 5 km đường GTNT bằng hình thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Bên cạnh đó, tranh thủ huy động các nguồn lực để phát triển giao thông. Tập trung chỉ đạo làm tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư các dự án, nhất là công trình giao thông trọng điểm được triển khai trong năm 2022 và những năm tiếp theo như: Đường Đà Bắc - Thanh Sơn (Phú Thọ); nâng cấp đường liên xã Vầy Nưa - Tiền Phong; đường trung tâm xã Đồng Chum đi xã Mường Chiềng; đường 433 đi xóm Đầm Phế, xã Mường Chiềng; nâng cấp đường liên xã Nánh Nghê. Đặc biệt là dự án đường liên kết vùng Hà Nội - Hoà Bình và cao tốc Sơn La (Hoà Bình - Mộc Châu).
Để phát triển hạ tầng giao thông đáp ứng yêu cầu phát triển, huyện đề nghị tỉnh nâng cấp tuyến tỉnh lộ 433 thành quốc lộ với chiều dài 79 km; quy hoạch đường huyện từ thị trấn Đà Bắc đi Thanh Sơn - Phú Thọ thành tỉnh lộ; ưu tiên đầu tư đoạn từ xã Tiền Phong đi xã Cao Sơn dài 22 km; nâng cấp tuyến đường Yên Hoà - Ênh - Tân Pheo thành tỉnh lộ dài 30 km; xem xét bố trí các nút giao thông vào đường cao tốc Hoà Bình - Mộc Châu với đường 433 và các tuyến đường huyện, nhằm tạo ra sự liên kết, đồng bộ về hạ tầng giao thông, khai thác tiềm năng, thúc đẩy kinh tế và cải thiện dân sinh. Tỉnh xem xét cơ chế đặc thù đối với các dự án Nhà nước và Nhân dân cùng làm, để phát triển giao thông phù hợp với đặc thù của huyện nghèo và khả năng huy động nguồn vốn đóng góp của người dân tham gia làm đường GTNT.

Lê Chung

Các tin khác


UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và AFD tại Việt Nam

Ngày 17/4, UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành.

Chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Để chủ động phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra.

Kết nối giữa Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và doanh nghiệp 

Chiều 16/4, Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp tổ chức Hội nghị kết nối giữa Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và doanh nghiệp tỉnh. Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, Agribank chi nhánh tỉnh và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chủ trì hội nghị.

Thúc đẩy tạo sinh kế cho nông dân dưới tán rừng

Sau một thời gian triển khai, Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II (Chương trình FFF II) do Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên hợp quốc (FAO) tài trợ tiếp tục phát huy hiệu quả. Các mô hình phát triển rừng gỗ lớn, trồng cây nông nghiệp hữu cơ, nông lâm kết hợp được nhân rộng. Đặc biệt, nhiều nông dân đã thay đổi tư duy, biết tận dụng đất rừng vốn có để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.

Huyện Lạc Thủy: Siết chặt quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Những năm qua, UBND huyện Lạc Thủy thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trên cơ sở chấp hành đúng, đầy đủ quy định pháp luật, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục