Trong những năm qua, Ðảng, Nhà nước rất quan tâm và tích cực thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Qua đó, ban hành nhiều chính sách định hướng phát triển kinh tế theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư, chú trọng thu hút các dự án chất lượng cao. Tuy nhiên trên thực tế, ở Việt Nam, xu hướng phát triển kinh tế xanh mới chỉ đang ở xuất phát điểm.



Khu công nghiệp xanh Nam Cầu Kiền, xã Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. (Ảnh Hồng Ðiệp)

Do đó, Chính phủ cần có thêm sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh triển khai các kế hoạch, chiến lược phát triển nhằm đạt được sự tăng trưởng kinh tế, trong khi vẫn duy trì sự bền vững về môi trường.

Nhiều thách thức với doanh nghiệp

Kinh tế xanh được hiểu đơn giản là một nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm tính công bằng về mặt xã hội. Trong nền kinh tế xanh, sự tăng trưởng về thu nhập, việc làm thông qua việc đầu tư của Nhà nước và tư nhân cho nền kinh tế làm giảm phát thải các-bon, ô nhiễm môi trường, ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Kinh tế xanh tập trung vào ba trụ cột chính gồm: công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.

Trong đó, xu hướng phát triển công nghiệp xanh tập trung vào hai mục tiêu chính là hạn chế phát thải khí CO2, hóa chất độc hại từ các khu công nghiệp, khu chế xuất ra môi trường; đồng thời, nghiên cứu phát triển các nguồn năng lượng mới, máy móc kỹ thuật mới thân thiện với môi trường. Song song với đó là xu hướng phát triển nông nghiệp xanh với công nghệ sinh học, phân bón sinh học, áp dụng những tiến bộ trong canh tác và nghiên cứu về giống, kỹ năng thâm canh mới để tạo ra sự gia tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, đồng thời bảo đảm các giá trị xanh với môi trường và an toàn với con người.

Cuối cùng là xu hướng phát triển dịch vụ xanh với việc ngày càng chú trọng xây dựng và khai thác các loại hình dịch vụ gắn với gìn giữ, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và môi trường.

Một nền kinh tế xanh phải vừa thỏa mãn nhu cầu tăng trưởng kinh tế, vừa giải quyết được những thách thức về môi trường đang là vấn đề được đặt ra. Ðối với Việt Nam, mặc dù việc phát triển kinh tế xanh và bền vững là nội dung quan trọng được quan tâm thúc đẩy triển khai, song do nguồn lực còn tương đối hạn chế và chúng ta còn rất nhiều ưu tiên khác nên việc phát triển kinh tế xanh vẫn chưa thật sự đạt hiệu quả.

Dù phát triển xanh là một trong những hướng đi tất yếu mà Việt Nam đang theo đuổi nhưng con đường tiến tới "nền kinh tế xanh" đang đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức. Ðiển hình như hiệu quả sử dụng tài nguyên còn thấp, thiệt hại kinh tế do ô nhiễm suy thoái ở mức cao, công nghệ sản xuất nước ta còn lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng.

Ðiều này dẫn tới chất lượng sản phẩm thấp, phát sinh nhiều chất thải gây ô nhiễm môi trường, kèm với đó là tốc độ gia tăng phát thải khí nhà kính cao, dạng sinh học suy giảm, tài nguyên không tái tạo cạn kiệt, tác động biến đổi khí hậu gia tăng,...

Chỉ ra những "lực cản" cơ bản trong quá trình thực hiện phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam đã được xác định, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Ðậu Anh Tuấn cho rằng, mức độ hiểu biết, quy định môi trường của doanh nghiệp Việt Nam mới ở giai đoạn ban đầu.

Khảo sát doanh nghiệp của VCCI cho thấy, chỉ có 31,8% doanh nghiệp tư nhân trong nước hiểu rõ các quy định môi trường, 68% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, dù mức độ tuân thủ quy định môi trường của doanh nghiệp đang được cải thiện nhưng chưa cao, do khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam hiện nay chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Các vấn đề nhận thức về kinh tế xanh hiện nay ở Việt Nam vẫn khá mới mẻ, nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được trách nhiệm với môi trường hoặc không có nhân lực am hiểu về pháp luật môi trường trong khi các quy định về môi trường còn phức tạp, chưa dễ tiếp cận, chi phí tuân thủ các quy định về môi trường còn cao. Số liệu khảo sát của VCCI cho thấy, 44% doanh nghiệp trong nước và 38% doanh nghiệp FDI thừa nhận chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về môi trường.

Cần có cơ chế phù hợp

Năm 2022, bối cảnh trong nước và thế giới có rất nhiều biến động, bất ổn, khó khăn, song cũng lại là năm Việt Nam thành công trong việc thực hiện mục tiêu phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19. GDP Việt Nam năm 2022 tăng trưởng 8,02%, thuộc nhóm cao nhất trên thế giới, quy mô GDP đạt 409 tỷ USD, vươn lên vị trí thứ 37 thế giới. Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 đạt mức kỷ lục mới là hơn 732 tỷ USD, thuộc nhóm Top 20 thế giới.

Mặc dù, kết quả ấn tượng nhưng từ các tháng đầu năm 2023, tình hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã có dấu hiệu suy giảm rõ rệt, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2023 có tới 51.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, nhưng lại chỉ có 37.900 doanh nghiệp thành lập mới hoặc quay lại thị trường, tức sụt giảm hơn 13 nghìn doanh nghiệp chỉ trong 2 tháng. Bên cạnh đó, Việt Nam đang đặt ra những mục tiêu phát triển rất cao, đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển thu nhập cao, đến năm 2050 giảm phát thải ròng các-bon bằng 0.

Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, rõ ràng để Việt Nam vượt qua các khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp phải đồng hành, cùng chia sẻ tầm nhìn và chiến lược phát triển nhanh, xanh, bền vững.

Tuy nhiên, đừng để việc phát triển kinh tế xanh chỉ mang tính chất phong trào, "hô hào, khẩu hiệu" nổi lên một thời gian nhất định. Chính phủ cần phải có những định hướng để phát triển theo, bắt nhịp cũng như tận dụng được những cơ hội quốc tế mà thị trường đặt ra, đồng thời phát triển sao cho phù hợp bối cảnh cũng như điều kiện của Việt Nam.

Ðể làm được, các cơ quan liên quan cần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến chính sách, quy định để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin; tiếp tục xây dựng, đa dạng hóa hơn nữa các chính sách ưu đãi doanh nghiệp đầu tư theo hướng sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, ít tiêu hao năng lượng, tài nguyên, phát thải thấp, thân thiện với môi trường; đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; đồng thời, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn cho tăng trưởng xanh cho doanh nghiệp. Ðây được xem là nền tảng quan trọng cho sự phát triển bứt phá của Việt Nam trong thời gian tới.

Tại Việt Nam, xu hướng phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn xuất hiện chưa lâu, song với lợi thế của nước đi sau, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển một nền kinh tế xanh toàn diện, hướng tới sự phát triển bền vững, đạt mục tiêu hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.

Ðây được coi là cơ hội phát triển kinh tế bền vững, mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia, doanh nghiệp và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2023 được tổ chức mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định, phát triển kinh tế xanh cần được triển khai quyết liệt ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu; quá trình này cần lấy con người là trung tâm, chủ thể, vừa là nguồn lực vừa là động lực quan trọng nhất và là mục tiêu cao nhất của sự phát triển, nhất là trong phát triển xanh.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam tiếp tục cam kết mạnh mẽ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển, trong đó sẽ cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; tăng tính minh bạch, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực; tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và các bên liên quan; triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, chuyển giao công nghệ, đào tạo, phát triển nhân lực trong phát triển xanh .

TheoNhanDan




Các tin khác


Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục