Một mùa Xuân mới đã ngập tràn quê hương Hòa Bình. Hình ảnh những thầy giáo mầm non luôn nhiệt huyết, tận tụy, nỗ lực từng ngày vì sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà như những đóa hoa xuân, thật đặc biệt và đáng trân trọng.


Các thầy giáo mầm non của tỉnh cùng lãnh đạo Sở GD&ĐT trao đổi về công tác chuyên môn.

Thầy giáo Đinh Xuân Thủy, Trường mầm non Bảo Hiệu (Yên Thủy) cùng các cháu trong giờ học.

Thầy giáo Bùi Văn Thảo, Trường mầm non Bắc Sơn, xã Hùng Sơn (Kim Bôi) trong giờ lên lớp.

Thầy giáo Lò Đức Hậu, Trường mầm non Tân Dân, xã Tân Thành (Mai Châu) cùng trẻ mầm non trong giờ học trải nghiệm ngoài trời.

Câu chuyện về những thầy giáo từng ngày chăm sóc, nuôi dưỡng thế hệ măng non từ bữa ăn, giấc ngủ, dạy các em lời ca, tiếng hát, gieo ươm niềm hy vọng cho lớp mầm non trong tiết trời xuân khiến nhiều người xúc động. 

Theo Sở GD&ĐT, toàn tỉnh hiện có 11 thầy giáo đang công tác tại các trường mầm non công lập. Thời gian đầu bước vào nghề, nhiều thầy gặp rất khó khăn bởi đường đi lại xa xôi, có nơi hiểm trở, nhất là đường đến các điểm lẻ, chi trường. Song với sự tận tụy, yêu nghề, các thầy đã vượt qua nhiều rào cản, quan niệm, nỗ lực khắc phục mọi khó khăn để gắn bó với những thế hệ mầm non.

Tại chi Cải, Trường mầm non Tân Dân, xã Tân Thành (Mai Châu), vẫn như lệ thường, thầy Lò Đức Hậu sau khi đón trẻ vào lớp đã luôn tay chăm sóc cho từng em. Thầy hướng dẫn các cháu nhỏ những việc tưởng chừng như chỉ các mẹ, các cô mới làm được. Trường mầm non Tân Dân có 126 trẻ, riêng chi Cải do thầy Hậu phụ trách có 38 học sinh, trong đó độ tuổi nhà trẻ 26 em. 

Gia đình thầy Lò Đức Hậu ở xóm Đồng Bảng, xã Đồng Tân (Mai Châu), cách trường khoảng 60 km. Cứ mỗi sáng thứ Hai khi trời còn tờ mờ sáng, thầy đã phải dậy cùng chiếc xe máy vượt qua hàng chục km, rồi lên đò ngang trên hồ Hòa Bình, tiếp tục theo cung đường núi lắt lẻo, xuyên qua những vùng mây mù xám xịt để đến trường với học sinh thân yêu. Do đường sá xa xôi, hầu như tuần nào thầy Hậu   cũng phải ở lại trường, đến chiều thứ Sáu mới trở về nhà. Thầy Hậu tâm sự: Năm nay là năm thứ 17 tôi công tác xa nhà. Vợ cũng là giáo viên mầm non ở xã, gần nhà nên cũng đỡ lo phần nào trong việc chăm sóc con. 

Tại chi Cải, đa số phụ huynh là đồng bào dân tộc thiểu số như Tày, Thái, Mường và nhiều hộ còn nghèo nhưng phụ huynh khá quan tâm, động viên thầy, cô giáo. Điều đó đã tiếp thêm nghị lực, lòng yêu nghề cho giáo viên. 

Tại Trường mầm non Bắc Sơn, xã Hùng Sơn (Kim Bôi) có thầy giáo Bùi Văn Thảo, sinh năm 1987. Năm nay là năm thứ 9 thầy làm nghề nuôi dạy trẻ mầm non. Thầy Thảo đã có gia đình, 2 con nhỏ. Điều kiện kinh tế chưa khấm khá, thu nhập của vợ không ổn định nên phải chắt chiu để nuôi dạy các con và trang trải cuộc sống. Nói về lý do để thầy gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ, thầy Thảo chia sẻ: Tình yêu thương trẻ nhỏ là nguyên do để tôi quyết định gắn bó với nghề.

Theo thầy Thảo, đối với giáo viên nam trong giáo dục trẻ nhỏ gặp những khó khăn nhất định. Đặc biệt là khi tổ chức các hoạt động về âm nhạc, múa. Tuy nhiên, qua học hỏi từ đồng nghiệp, mạng xã hội… thầy đã dần nâng cao chuyên môn về các lĩnh vực dạy trẻ như phát triển thể chất, nhận thức ngôn ngữ, tình cảm, kỹ năng xã hội, thẩm mỹ. 

Được biết, thầy Bùi Văn Thảo là giáo viên dạy giỏi cấp huyện từ năm 2016. Cuối năm 2023, thầy dự thi và đạt danh hiệu giáo viên mầm non dạy giỏi cấp tỉnh với đề tài "Vượt qua rào cản giới tính trong thực hiện nhiêm vụ chăm sóc trẻ tại trường mầm non”. 

Còn đối với thầy Bùi Văn Tường, sinh năm 1993, trước đây từng học khoa Giáo dục tiểu học tại Trường Cao đẳng sư phạm Hòa Bình. Sau khi ra trường năm 2014, thầy tiếp tục học văn bằng hai hệ mầm non. Từ năm 2007, thầy được tuyển dụng vào dạy Trường mầm non Phú Cường (Tân Lạc), cách nhà trên 70 km.

Trải qua nhiều năm công tác, mới đây, thầy Tường được luân chuyển về gần nhà dạy tại Trường mầm non xã Bảo Hiệu (Yên Thủy). Thầy Tường tâm sự: Những ngày đầu vào nghề rất khó khăn bởi đường xa cách trở, cả tuần mới về nhà một lần. Ngoài ra, do mới ra trường nên phải học hỏi nhiều từ đồng nghiệp nữ. Mỗi nghề đều có giá trị riêng, với nghề dạy trẻ mầm non chỉ cần có tấm lòng yêu thương trẻ là vượt qua hết những khó khăn, định kiến.

Tại Trường mầm non Bảo Hiệu còn có thầy giáo Đinh Xuân Thủy với 19 năm công tác và là giáo viên dạy giỏi cấp huyện năm 2021. Thầy cùng các đồng nghiệp nam luôn nhiệt huyết với nghề, hết mình vì các em nhỏ. 

Gặp gỡ thầy Bùi Văn Hiệu hiện công tác tại Trường mầm non xã Chí Đạo (Lạc Sơn) - một trong những vùng khó khăn của huyện. Cơ sở vật chất của trường còn khá thiếu thốn, nhà trường đang được đầu tư thêm một số hạng mục để phục vụ chăm sóc trẻ tốt hơn. Thầy Hiệu bộc bạch: Về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm khi học là những điều cơ bản, còn trực tiếp đứng lớp, tiếp xúc với trẻ mới vỡ ra được nhiều điều. Trẻ nhỏ ở độ tuổi mầm non đòi hỏi phải có tính kiên trì, nhẫn nại, nếu nóng nảy sẽ không theo được nghề.

Đặc biệt, trong hệ thống giáo dục mầm non của tỉnh có thầy Bùi Văn Nương, giáo viên Trường mầm non Phú Lai (Yên Thuỷ) đến nay đã công tác được 31 năm. Nhiều năm thầy là giáo viên giỏi cấp huyện và chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được nhận bằng khen của UBND tỉnh năm học 2018 - 2019. Thầy là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liên tục từ 2018 - 2022. Theo Sở GD&ĐT, gia đình thầy Nương tuy hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhưng rất mẫu mực, chăm chỉ và luôn nỗ lực vượt khó để gắn bó với nghề. 

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Diễm, Trưởng phòng Giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT cho biết: Đội ngũ các thầy trong hệ thống giáo dục mầm non của tỉnh mỗi thầy có hoàn cảnh riêng nhưng đều vượt qua rào cản, định kiến, quan niệm về nghề nghiệp. Ngay cả việc dạy trẻ múa hát đối với các thầy là điều bình thường, thậm chí dỗ dành, cho trẻ ăn uống, vệ sinh... diễn ra thuần thục và không nề hà. Hầu hết các thầy đều đã công tác ở những vùng khó khăn của tỉnh. Các thầy đều được đào tạo cơ bản về kiến thức mầm non nên chuyên môn chắc chắn. Mong muốn của ngành là các thầy luôn yên tâm công tác, yêu nghề và đạt nhiều thành tích, có những vị trí quan trọng, cốt cán về chuyên môn, là những thầy giáo giỏi trong lĩnh vực giáo dục mầm non của tỉnh, mang đến cho trẻ sự yêu thương và các giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.


Hồng Trung

Các tin khác


Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ

Sáng 16/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị số 04, ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn, một số ngân hàng, doanh nghiệp.  

Quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước.

Nhiều trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ SAT, ACT

Tính đến ngày 11/4, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024 với nhiều phương thức đa dạng.

Bộ GD&ĐT đề xuất chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh

Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT đề xuất tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức tư vấn học sinh.

Tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn, bổ nhiệm, xếp lương, nâng lương như thế nào?

Những địa phương thiếu giáo viên có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng, thay vì đại học như Luật Giáo dục, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bảo đảm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 an toàn, đúng quy chế

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND, ngày 10/4/2024 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình, nhằm tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và hiệu quả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục